Trước khi đại lộ Galliéni hình thành, Sài Gòn và Chợ Lớn từng là hai thành phố tách biệt bị ngăn cách bởi vùng đầm lầy, bưng nước đọng. Thành phố Chợ Lớn109 vốn được thành lập vào năm 1865, cùng thời điểm chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Còn tỉnh Chợ Lớn vốn được chính quyền Pháp thành lập trễ hơn vào ngày 20-12-1899 bao gồm vùng phụ cận của thành phố Chợ Lớn. Dân số tỉnh Chợ Lớn vào thập niên 1950 khoảng 1.000.000 dân, bao gồm cả người Việt, người Hoa...
109 Khu vực Quận 5, Quận 6 và một phần Quận 8, Quận 11 hiện nay.
Chợ Bình Tây - biểu tượng thương mại của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn. - Ảnh tư liệu.
Cộng đồng người Hoa đến miền Nam định cư từ rất sớm vào cuối thế kỷ 17 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Nhưng ít ai biết rằng, cho đến trước năm 1949, người Hoa tại Việt Nam vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố tất cả người Hoa ở nước ngoài đều là công dân Trung Quốc và Trung Quốc có quyền ngoài lãnh thổ: quyền can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ công dân của mình. Đến 1950, sau khi đánh bại Quốc Dân Đảng và quản lý hoàn toàn đại lục Trung Hoa, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới chính thức thu hồi tuyên bố này.
Vào thời điểm 1955-1956, hầu hết người Hoa tại thành phố Chợ Lớn vẫn mang quốc tịch Trung Hoa110. Nhận thấy tác động ngấm ngầm của Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lúc ấy cùng với sự manh động của các hội nhóm Tam Hoàng111, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện hai biện pháp nhằm kìm hãm sức ảnh hưởng cũng như sự chi phối nền kinh tế của người Hoa, đó là: hành chính và địa giới.
110 Cụ thể là Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan ngày nay.
111 Vốn là các nhóm Thiên Địa hội từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam và rất manh động trong giới người Hoa ở miền Nam suốt thời Pháp thuộc.
1. Biện pháp hành chính: Giới hạn ngành nghề kinh doanh và bắt buộc Việt hóa tên họ đối với người Hoa.
Cụ thể Tổng thống Ngô Đình Diệm ra Đạo dụ112 số 53 ngày 6-9-1956 quy định người nước ngoài không được hoạt động 11 ngành nghề, chủ yếu nhắm vào Hoa kiều:
112 Một hình thức quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc thời đó.
1) Buôn bán cá thịt.
2) Buôn bán tạp hóa.
3) Buôn bán than, củi.
4) Buôn bán xăng, dầu lửa và dầu nhớt.
5) Cầm đồ bình dân.
6) Buôn bán vải, tơ lụa, chỉ sợi.
7) Buôn bán sắt, đồng, thau vụn.
8) Nhà máy xay lúa.
9) Buôn bán ngũ cốc.
10) Chuyên chở hàng hóa, hành khách bằng xe hơi, hay tàu thuyền.
11) Trung gian ăn huê hồng.
Người Hoa vốn mê buôn bán, làm ăn, đây lại là những ngành nghề họ hoạt động kinh doanh bao lâu nay, cha truyền con nối. Giới Hoa kiều ở Chợ Lớn - Sài Gòn phản ứng khá dữ dội cả không chỉ chính trị mà cả với hoạt động kinh tế. Người Hoa xuống đường biểu tình, bạo động, phản đối chính sách của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Hè 1957, người Hoa vùng Chợ Lớn - Sài Gòn đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại, và rút tiền ra khỏi ngân hàng.
Khoảng 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng Việt Nam Cộng Hòa lúc đó (gần 17% tiền tệ đang lưu hành ở miền Nam) biến khỏi thị trường. Thương mại ngưng trệ. Giữa tháng 5-1957, khoảng 6.000 cửa hàng của người Hoa đã đóng cửa, 200.000 người mất công ăn việc làm. Hoa kiều còn phản đối bằng việc ngừng vận tải hàng hóa (cần biết rằng các hãng vận tải lớn đều do họ nắm giữ). Với sự hỗ trợ của giới buôn lớn, chủ ngân hàng Hoa kiều ở Đông Nam Á và chính quyền Đài Loan, người Hoa nhất loạt đình chỉ hoạt động, tẩy chay không bốc dỡ gạo Việt Nam Cộng Hòa đã cập bến cảng nước ngoài. Việc này dẫn đến nông sản ứ đọng ở vùng quê, trong khi Sài Gòn - Chợ Lớn lại rất khan hiếm. Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa tưởng chừng sụp đổ.
Ngay lập tức, tháng 5-1957, Bắc Kinh phản đối và cho là “sự xâm phạm tàn nhẫn các quyền hợp pháp của người Hoa”. Chính quyền Ngô Đình Diệm không nao núng, vẫn tiếp tục quyết liệt chính sách của mình.
Một tiệm “chạp-phô” của người Hoa ở Chợ Lớn năm 1931. - Ảnh tư liệu.
Đến năm 1961, Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa đã báo cáo kết quả lên Tổng thống Ngô Đình Diệm là 99,8% trên tổng số hơn một triệu người Hoa ở thành phố Chợ Lớn cũng như toàn miền Nam đã xin nhập quốc tịch Việt Nam. Thế là họ trở thành người Việt gốc Hoa như chúng ta thấy ngày nay, chứ không còn là Hoa kiều như trước đó. Một số ngoại kiều, không chỉ Hoa kiều nếu không đồng ý nhập quốc tịch Việt Nam thì cho về lại nguyên quán (tức trục xuất). Bên cạnh đó vẫn còn 2.000 người già yếu, bệnh tật không nhập quốc tịch (0,2%) nên cũng không cần trục xuất.
Trước đó, chỉ sau khi khai sinh Đệ nhất Cộng hòa (26-10-1955), để giải quyết dứt khoát vấn đề Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký ban hành Dụ số 10 quy định về Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam (7-12-1955), trong đó Điều 12 ghi rõ: “Con chính thức mà mẹ là người Việt Nam, và cha là người Trung Hoa, nếu sinh đẻ ở Việt Nam thì là người Việt Nam”.
Lúc đó, giới Hoa kiều ở miền Nam vẫn hy vọng Thống chế Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) Tưởng Giới Thạch sẽ can thiệp nên có ý coi thường và không chấp hành Đạo dụ này. Vì vậy, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra tiếp Dụ số 48 (21-8-1956), sửa đổi Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 16 quy định: “Hoa kiều thổ sanh (sinh trưởng tại Việt Nam) sẽ là người Việt Nam, bắt buộc phải nhập và khai nhận quốc tịch Việt Nam, hoặc nếu không chịu nhập tịch thì có thể xin hồi hương (về Đài Loan) trước ngày 31-8-1957. Thời hạn ấn định cho những Hoa kiều sinh tại Việt Nam phải làm khai sinh để được cấp thẻ căn cước sẽ kết thúc ngày 8-4-1957, việc kiểm tra sẽ hoàn tất vào ngày 22-6-1957”.
Ai không muốn nhập tịch thì ra đi, mỗi người sẽ được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấp 400 đồng để “hồi hương” đúng theo luật định. Ngày 29-8-1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm lại ban hành Dụ số 52 quy định Hoa kiều sinh sống ở Việt Nam phải mang quốc tịch Việt để tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Người Hoa phải Việt hóa tên họ (như Trịnh, Quách, Mạch, Lâm, Giang, Diệp, Lưu, Vương, Hà, Hứa, Mã, Lý, Trần, Trương, v.v…) chứ không được xưng các tên ngoại quốc hay tên gọi riêng (như Chú, A, Chế…) kể cả bí danh trong những văn kiện chính thức. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa, phải viết bằng Việt ngữ. Và tám ngày sau nữa (6-9-1956), Tổng thống Ngô Đình Diệm tung đòn “knock-out” bằng Dụ số 53 như đã nói ở trên.
Loạt sự kiện này đã làm rung chuyển giới Hoa kiều Sài Gòn - Chợ Lớn lẫn miền Nam lúc ấy. Đến mức con nít Sài Gòn hát um sùm một bài hát ngắn gọn mà đến nay chắc chắn nhiều người Sài Gòn còn nhớ: “Các (mấy) chú Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy, Thằng nào không giấy (quốc tịch Việt), đuổi ngay nó đi về Tàu...” (chế từ một bản nhạc lời Pháp: Chérie je t’aime chérie je t’adore...).
2. Biện pháp địa giới: Thay đổi địa giới và xóa bỏ địa danh Chợ Lớn trong tên gọi chính thức.
Khu (région) Sài Gòn - Chợ Lớn vốn là đơn vị hành chính do Tổng thống Pháp ký thành lập năm 1931 (Région Saigon - Cholon hoặc Région de Saigon - Cholon). Ngày 30-6-1951, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu113 ký sắc lệnh số 311-cab/SG đổi tên Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn (Préfecture Saigon - Cholon hoặc Préfecture de Saigon - Cholon hoặc Ville - capitale de Saigon - Cholon).
113 Tháng 9-1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trước thế giới tại Hòa hội Cựu Kim Sơn.
Ngày 22-10-1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN “Thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam”. Với Sắc lệnh này, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ còn Đô thành Sài Gòn. Theo đó, địa phận Việt Nam Cộng Hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Tân An hợp nhất phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn để thành lập tỉnh mới: Long An. Một số khu vực còn lại của tỉnh Chợ Lớn nhập vô tỉnh Gia Định.
Như vậy, thành phố Chợ Lớn tồn tại 91 năm (1865-1956) và tỉnh Chợ Lớn đã tồn tại 57 năm (1899-1956) đến đây là kết thúc. Tên gọi Chợ Lớn không còn được dùng chính thức trong các tên gọi hành chính cấp tỉnh thành nữa mà chỉ còn là địa danh lịch sử - văn hóa. Kể từ đây, địa danh Chợ Lớn chỉ còn được người dân dùng để chỉ khu vực Quận 5, Quận 6, Quận 11 và một phần Quận 8, Quận 10 của Đô thành Sài Gòn.