Đầu năm 1955, Thủ tướng114 Ngô Đình Diệm đổi tên Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối cùng, ngày 22-10-1956, khi đã chính thức trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Diệm ký sắc lệnh rút gọn lại thành Đô thành Sài Gòn với tám quận.
114 Lúc này là thủ tướng của Quốc gia Việt Nam - tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi sáp nhập hai thành phố Chợ Lớn và Sài Gòn, Đô thành Sài Gòn vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát trong công cuộc tái thiết thủ đô của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhưng từ giữa thập niên 1960, Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch.
Khu Thủ Thiêm được quy hoạch từ thời Ngô Đình Diệm (1955-1963) nhưng không thực hiện được. - Ảnh tư liệu.
Nếu như thời Pháp thuộc, các nhà quy hoạch tập trung phát triển giao thông đường bộ, đường thủy về hướng tây (Chợ Lớn, miền Tây) thì sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn lại tập trung về hướng đông, song song với việc duy trì việc tu bổ kinh rạch, đường sá ở phía tây khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
“Cú đấm mạnh” về hướng đông
Ngày 27-3-1957, Bộ Công chánh và Giao thông Việt Nam Cộng Hòa khởi công xây dựng xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa115 nhằm “Cải thiện một cách dứt khoát vấn đề bế tắc lối ra khỏi vùng Sài Gòn”116. Toàn bộ chi phí do Mỹ viện trợ và nhà thầu Mỹ là RMK-BRJ117 phụ trách việc xây dựng này. Đến 28-4-1961, xa lộ Biên Hòa (dài 31 cây số, rộng 14 mét, tải trọng xe 32 tấn) hoàn thành, tạo chuyển biến khá mạnh trong liên kết khu vực và kinh tế vùng.
115 Dân quen gọi là xa lộ Biên Hòa, hiện nay là xa lộ Hà Nội.
116 Trích Tổng kết 5 năm 1954-1959 của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa
117 Người dân vẫn quen gọi ngã tư Xa lộ Hà Nội -Tây Hòa là ngã tư RMK do công ty này từng đóng trụ sở tại đây.
Các hạng mục thi công cùng với xa lộ Biên Hòa là cầu Sài Gòn, đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và cầu Đồng Nai. Trong đó, cầu Sài Gòn cũng do nhà thầu Mỹ RMK-BRJ thực hiện với công nghệ làm đường mới nhất của Mỹ và kinh phí từ viện trợ kinh tế của USOM118.
118 Phái bộ Viện trợ Kinh tế Hoa Kỳ (United States Operation Missions).
Cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa đang được xây dựng năm 1959. - Nguồn: George E. Gray Collection.
Tuyến đường Phan Thanh Giản - cầu Sài Gòn - xa lộ Biên Hòa - cầu Đồng Nai đẩy Sài Gòn về hướng đông để mở mang vùng công nghiệp dọc tuyến đường qua vùng Thủ Đức, Biên Hòa (khu công nghiệp kỹ nghệ Biên Hòa) với nhiều ngành nghề: hóa học, mỹ phẩm, cơ khí và luyện kim, vật liệu xây dựng (Nhà máy ximăng Hà Tiên ở Thủ Đức), Vikimco (kim khí), Vinaton (tôn) và hàng tiêu dùng như Nhà máy giấy Cogido-An Hảo, Nhà máy dệt Vinatexco, Vimytex, Công ty sữa Foremost, Nhà máy đường Biên Hòa…
Đầu thập niên 1960, làng đại học Thủ Đức (hiện là khu vực Đại học Quốc gia TP. HCM) cũng được xây dựng theo thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ119. “Ngôi làng” này không chỉ để phân tán số lượng sinh viên ra ngoài nội đô, sát các tỉnh lân cận mà theo dự tính của các nhà quy hoạch còn là nguồn cung ứng lao động có chất lượng cho Khu công nghiệp Biên Hòa cũng như các nhà máy khu vực phía đông.
119 Ngô Viết Thụ cũng là người thiết kế Dinh Độc Lập.
Đi theo các dự án đường sá và khu công nghiệp, một số khu dân cư dọc tuyến xa lộ Biên Hòa cũng được hình thành với nhiều ưu đãi (phân lô bán nền với giá gần như cho không) nhằm cung ứng nguồn lao động chất lượng trung bình cho các nhà máy nơi đây như khu dân cư - trại chiếu Minh Đức (sát Khu du lịch văn hóa Suối Tiên hiện nay).
Trong một tầm nhìn lâu dài cho Thủ Thiêm120, vào tháng 12-1966, Quận 1 thêm hai phường An Khánh và Thủ Thiêm từ xã An Khánh (quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định). Nhưng việc sáp nhập này có lẽ ít tác dụng cho sự phát triển của Thủ Thiêm nên chỉ một tháng sau (1-1967), hai phường mới của Quận 1 lại tách ra và lập thành quận thứ chín của Đô thành Sài Gòn.
120 Nay thuộc thành phố Thủ Đức.
Tháng 7-1969, Sài Gòn thêm Quận 10 và Quận 11 từ việc tách một phần Quận 3, Quận 5 và Quận 6. Hai quận mới này vốn là khu vực xung quanh lũy Bán Bích xưa. Lúc này Sài Gòn có diện tích 67,53km2 với số dân khoảng 2 triệu người.
Quy hoạch, chỉnh trang nội ô và ngoại ô Sài Gòn
Các nhà quản lý, quy hoạch đô thị Sài Gòn từ năm 1954-1975 hầu như không “đụng” tới đường sá, kiến trúc của người Pháp ở khu trung tâm mà tập trung xây dựng hàng loạt khu cư xá, chung cư ở các quận ven đô còn quỹ đất lớn như cư xá Đô Thành (Quận 3), cư xá Sĩ Quan (Tân Bình)121, cư xá Tự Do, cư xá Nông Tín Cuộc, cư xá Việt Nam Thương Tín, cư xá Kiến Thiết, cư xá Ngân Hàng (Gia Định), chung cư Minh Mạng (Quận 10), chung cư Khánh Hội (Quận 4)...
121 Nay là cư xá Bắc Hải, Quận Tân Bình.
Bên cạnh các khu chung cư và cư xá, còn có hàng ngàn căn nhà từ khu vực trung tâm cho đến khu phụ cận Sài Gòn như Dân Sinh (Quận 11), Kiến Thiết (Quận 3), Hòa Hưng (Quận 10), Phú Thọ (Quận 11), Thị Nghè (nay thuộc Quận Bình Thạnh), Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ, Quận 3), Chánh Hưng (Quận 8)... giá từ 15.000-350.000 đồng122 được xây dựng để “thỏa mãn nhu cầu của mọi tầng lớp dân chúng”123.
122 Giữa thập niên 1950, hối đoái 1 USD bằng 35 đồng (Việt Nam Cộng Hòa). Đầu thập niên 1960, hối đoái chính thức 1 USD ăn 73,5 đồng (thị trường tự do khoảng 130-180 đồng); lương giáo viên lúc đó khoảng 3.000-4.000 đồng/tháng.
123 Trích Tổng kết 5 năm 1954-1959 của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Việc xây dựng này được xúc tiến khá mạnh. Điển hình là trong thời gian từ 7-7-1958 đến 7-7-1959 đã có gần 1.000 căn được xây dựng và bán, mỗi căn có diện tích khoảng 4x20 (mét). Sở dĩ giá bán của những căn nhà này rẻ là do một phần nhận được từ viện trợ của Mỹ với kế hoạch “rút bớt dân số quá đông đúc tại kinh thành”124 ra vùng phụ cận vẫn còn tương đối hoang vắng ở phía bên kia cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), cầu Công Lý... Hiện nay, tôi đi đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh), Lê Văn Sỹ, Chánh Hưng, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt… vẫn còn thấy khá nhiều những ngôi nhà này với chiều ngang bốn, năm mét như nhau.
124 Tức khu trung tâm thành phố (Trích Tổng kết 5 năm 1954-1959 của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa).
Riêng khu vực trung tâm thành phố, một số công trình lớn được xây dựng, tạo điểm nhấn khu vực và mang dấu ấn kiến trúc khác hoàn toàn với kiến trúc Pháp, phối hợp nhuần nhuyễn và tuyệt đẹp nét hiện đại với tính dân tộc, phù hợp với thời tiết nóng ẩm Sài Gòn như: Dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia, chùa Vĩnh Nghiêm...
Từ giữa thập niên 1960, Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch
Sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) sụp đổ, hai năm sau liên tiếp nổ ra hàng loạt cuộc đảo chính, và sau đó hơn 500.000 lính đồng minh đổ bộ vào miền Nam vào năm 1965. Những hệ lụy này đã khiến mục tiêu quy hoạch ban đầu của Sài Gòn đã không còn kiểm soát được.
Trong khi quy hoạch ban đầu của Sài Gòn về hướng đông (Biên Hòa) đang mang lại kết quả tốt giúp cho việc liên kết nội ô - ngoại ô Sài Gòn có một ít thành quả, thì trái lại kể từ thời Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1967-1975) hầu như người dân... “tự quy hoạch”. Kết quả là hàng vạn ngôi nhà mọc lên một cách tự phát ở vùng phụ cận quanh Sài Gòn phía bên kia cầu Thị Nghè (Bình Thạnh), cầu Khánh Hội (Quận 4), cầu chữ Y (Quận 8)... Những nơi này vừa mới thành lập đã trở thành “khu cứ điểm” chặn đường ra vào khu nội ô, thực tế nhiều nơi đã thành “khu ổ chuột”.
Một khu nhà sàn trên rạch Thị Nghè. - Ảnh: Dale Ellingson.
Việc lấn chiếm không chỉ trên đất liền mà còn diễn ra trên hai con rạch huyết mạch của Sài Gòn là Thị Nghè và Bến Nghé, để lại một hậu quả lâu dài trong quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, từ giữa thập niên 1960 đến 1975, tình trạng thương phế binh (Việt Nam Cộng Hòa) “cắm dùi” trong phong trào “Người cày có ruộng, thương phế binh có nhà” ở các khu đất trống nhiều nơi, cộng thêm các công trình phục vụ chiến tranh xấu xí và ngổn ngang của quân đội Sài Gòn lẫn quân đội đồng minh ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định.
Ở khu vực xung quanh nơi tôi ở chẳng hạn (vùng Ông Tạ, Quận Tân Bình), hàng trăm lô đất ở khu Chăn Nuôi, dọc đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), đoạn từ ngã tư Bảy Hiền ra Lăng Cha Cả, Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển)… bị “cắm dùi” chỉ sau một đêm. Hệ lụy là cả diện tích căn nhà và lối đi đều lung tung, không theo quy chuẩn nào. Thầy trò Trường Nguyễn Thượng Hiền, nơi tôi học, đầu thập niên 1970, ban đêm phải tổ chức canh giữ khu đất sau trường do Đài phát thanh Đại Hàn rút quân sau Hiệp định Paris 1973 giao lại.
Thực trạng này khiến người ta không thể nhận ra được nơi đây từng là một Sài Gòn hoa lệ. Ý tưởng quy hoạch Sài Gòn hình chùm nho, mỗi quận mới là một trái nho liên kết với chùm cũng bị phá sản.
Đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ) năm 1966. Ống cống nằm ngổn ngang đoạn ranh giới Sài Gòn và tỉnh Gia Định. - Ảnh: George Slater.
Cư xá ANNAPOLIS TRANSIT BEQ/BOQ cho Hải quân Mỹ trên đường Nguyễn Văn Thoại năm 1966. Vị trí này ngày nay đối diện chợ Tân Bình trên đường Lý Thường Kiệt. - Ảnh: Rich Krebs Capt, USNR Ret.
Cư xá hàng không dân sự gần cầu Công Lý năm 1966. - Ảnh: Douglas Ross.
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật xây dựng năm 1968. - Nguồn: Louis Weisner Collection.