Làm thế nào để khắc phục nỗi sợ hãi, trừ bỏ những suy nghĩ ác, xua tan mọi khiếp đảm và an trú ở nơi tịch tĩnh?
Kinh Saccaka ghi chép việc hành giả Gotama nhận ra rằng “dục” có thể gây chướng ngại cho việc chứng đắc Tri kiến Vô thượng chính giác, hành giả liền từ bỏ lối tu khổ hạnh và lựa chọn phương pháp thiền ly dục hỷ lạc. Nhờ phương pháp thiền này mà hành giả chứng đắc giải thoát cứu cánh và giải thoát tri kiến.
Kinh Song Tầm ghi chép việc Đức Phật chỉ ra rằng những ác tầm sẽ làm người ta đi lạc khỏi Niết bàn, những thiện tầm sẽ dẫn dắt, hướng con người ta đến Niết bàn. Tuy thiện tầm có thể hướng đến Niết bàn nhưng nếu tư duy cao độ thì tâm không thể định. Nếu định không sinh thì trí tuệ không tăng trưởng, cũng có nghĩa là không có cơ hội thể nhập giải thoát, Niết bàn.
Cho nên, hành giả phải kịp thời điều chỉnh thiện tầm, làm cho tâm ổn định, an tĩnh, đơn nhất và chuyên chú; dần dần vun đắp bốn điều kiện: dũng mãnh, tinh tấn không trễ nải; từng ý niệm không tán loạn; thân thể tịnh tĩnh không động loạn; tâm tập trung chuyên nhất. Nhờ hội tụ đầy đủ bốn điều kiện như dũng mãnh, tinh tấn, không trễ nải... mà sinh ra Thiền, tiến tới chứng đắc Tam minh và giải thoát tri kiến.
Kinh Song Tầm đề cập đến công phu bước đầu để nhập thiền định và công phu này cũng được nhắc đến trong Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, trong đó ghi chép một số điều kiện như: có thể ở những nơi thanh vắng, xa chốn đông người, độc cư một mình và làm thế nào để xử lý, dẹp bỏ các nỗi sợ hãi, khiếp đảm do ngoại cảnh gây ra.
Những trú xứ thanh vắng trong rừng sâu, xa chốn đông người và những nơi độc cư... là điều kiện bên ngoài cần phải có để tiến sâu vào thiền định. Hành giả làm thế nào để có thể an trú trong những hoàn cảnh này? Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm sẽ trả lời vấn đề nêu trên.
Trong Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, Đức Phật đã giải đáp nghi vấn của Jāṇussoṇi, một vị Bà la môn danh tiếng: vì sao Đức Phật có thể an trú ở chốn rừng sâu núi thẳm, xa rời nơi con người cư trú và chỉ sống một mình. Jāṇussoṇi cho rằng trú xứ trong rừng sâu là nơi khó có thể chịu đựng được, khó mà thực hiện được. Việc ẩn cư chốn rừng sâu và vui với việc ở một mình lại càng khó khăn hơn. Nếu vị Tỳ kheo sống trong rừng sâu nhưng không có công phu thiền định, tâm của anh ta sẽ bị rừng sâu tước đoạt; vậy, tại sao hành giả Gotama lại có thể sống trường kỳ trong rừng sâu mà vẫn thành tựu được đạo giải thoát cứu cánh?
Thế Tôn giải đáp rằng: con người nếu thân nghiệp không thanh tịnh, khẩu nghiệp không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh hoặc mạng sống không thanh tịnh thì khi sống tại những trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, vì trong lòng sợ hãi nên họ không thể ở lâu tại những nơi đó. Thế Tôn tu tập thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh, nhờ thanh tịnh mà có được mạng sống, vì thế mà sự hoan hỷ và lòng tự tin tăng trưởng gấp bội, cho nên Ngài có thể sống thời gian dài ở những trú xứ vắng lặng, có thể sống ẩn cư, độc cư. Nếu thân, khẩu, ý hành ác nghiệp, không thanh tịnh thì khi ở những nơi hoang vắng một mình, trong lòng thường lo lắng, sợ hãi, chỉ cần có gió nhẹ thổi qua làm cỏ lay động thì thân tâm kinh hãi là lẽ tất nhiên.
Ngoài những nỗi sợ hãi do thân, khẩu, ý không thanh tịnh mang lại khiến hành giả không thể an trú ở những nơi hoang vắng, Thế Tôn cũng đưa ra các ví dụ cho thấy ác niệm cũng là nhân tố khiến hành giả không thể an trú trong rừng sâu. Chẳng hạn như: tham lam và mê đắm; suy nghĩ thù địch và sự oán ghét; lười biếng và trễ nải; phiền não và bất an; do dự và hoài nghi; khen mình và chê người; kinh hãi và sợ sệt; ưa cầu danh tiếng, cung kính và lợi dưỡng; phân tán và thiếu tinh tấn; tán loạn và không để tâm; không chuyên chú hoặc tâm lưỡng lự, thiếu trí tuệ và mù quáng, ngu si. Những hành vi tiêu cực này thông thường đều thuộc về các đạo khác, hành giả Gotama đã lần lượt khắc phục được những hành vi này nên mới có thể an trú ở những nơi vắng lặng, tránh xa sự đông đúc, ồn ào, tinh tấn tu hành cho đến khi thành Phật.
Thế Tôn cũng thuật lại trước đây bản thân mình đã khắc phục những nỗi sợ hãi do hoàn cảnh ngoại tại đem lại như thế nào. Theo như lời Ngài thuật lại thì cứ vào các ngày 14, 15 và mồng 8 mỗi nửa tháng đều là những ngày lành. Trong những ngày này, nếu vân du đến những nơi khiến người ta khiếp sợ, không rét mà run như miếu thờ trong vườn cây, miếu thờ trong rừng, miếu thờ nơi cây cối, nghỉ đêm tại những chỗ đó, trong lòng hành giả Gotama nghĩ có thể ta sẽ sợ hãi, khiếp đảm. Nếu trong lúc đó, có những con thú hoang đến tìm ta, con công làm gãy cành cây hay gió thổi lá cây xào xạc, ta chắc sẽ vô cùng sợ hãi, khiếp đảm. Rồi trong lòng hành giả lại nghĩ: sao cứ cho rằng ta sẽ sợ hãi, khiếp đảm; tại sao ta không giữ nguyên tư thế ban đầu, sau đó hàng phục, trừ bỏ những nỗi khiếp đảm, sợ hãi này.
Thế Tôn kể lại:
Khi ta đi, trong lòng dấy lên những nỗi sợ hãi, khiếp đảm. Ta không đứng, không ngồi, không nằm cho đến khi hàng phục, trừ bỏ được những nỗi sợ hãi và khiếp đảm.
Khi ta đứng, trong lòng dấy lên những nỗi sợ hãi, khiếp đảm. Ta không đi, không ngồi, không nằm cho đến khi hàng phục, trừ bỏ được những nỗi sợ hãi và khiếp đảm.
Khi ta ngồi, trong lòng dấy lên những nỗi sợ hãi, khiếp đảm. Ta không đi, không đứng, không nằm cho đến khi hàng phục, trừ bỏ được những nỗi sợ hãi và khiếp đảm.
Khi ta nằm, trong lòng dấy lên những nỗi sợ hãi, khiếp đảm. Ta không đi, không đứng, không ngồi cho đến khi hàng phục, trừ bỏ được những nỗi sợ hãi và khiếp đảm.
Nói cách khác, khi sợ hãi khiếp đảm dấy lên, hành giả Gotama không vì thế mà chuyển tư thế, Ngài vẫn tiếp tục duy trì động tác này, nhưng trong lòng vẫn quán sát những sợ hãi, khiếp đảm sinh khởi cho đến khi nó tự biến mất mới thôi.
Khắc phục nỗi sợ hãi do đêm thâu mang lại
Khắc phục những chướng ngại từ bên trong và bên ngoài, hành giả Gotama chứng nhập được sơ thiền đến tứ thiền, đắc tam minh và giải thoát tri kiến, cũng giống như những gì mà hai kinh trước đã thuật lại. Một số Bà la môn cho rằng hành giả Gotama đã không còn tham, sân, si nữa, vậy vì sao cho đến nay vẫn phải sống ở những nơi hoang vắng trong rừng sâu? Thế Tôn liền trả lời: Vì ta thấy được hai ý nghĩa này nên cho đến nay vẫn sống tại những trú xứ hoang vắng trong rừng sâu. Hiện tại, ta đã có được sự an lạc, ta vì lòng thương yêu chúng sinh tương lai.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, M.I.16~24, Majjhima Nikāya no.4 Bhaya-bherava Sutta.
2. Bản Hán dịch, Kinh Tăng Nhất A Hàm, T02.665b~667a.
3. Bản dịch tiếng Trung, Kinh Trung Bộ, trang 16~22 Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, Ryūshō Hikata (干潟龍祥) dịch sang tiếng Nhật, Giang Luyện Bách dịch sang tiếng Trung, Đài Bắc: Hội in kinh Tín Nguyện Hạnh, 2006.
4. Bản dịch tiếng Trung, Gần Gũi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trang 35~36, Tỳ kheo Kế Trí và Tỳ kheo Ñāṇamoli trước tác, Thích Kiến Đế, Mâu Chí Kinh dịch, Đài Bắc: Tượng Thụ Lâm, 2006.
5. Bản dịch tiếng Trung, Nhóm phiên dịch tiếng Pāli học báo kỳ số 2, trang 161~169, Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, Tiêu Thức Cầu dịch, Chí Liên Tịnh Uyển Văn hóa bộ, Hồng Kông, 2006.
6. Bản dịch tiếng Anh, Fear and Dread, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 102~107, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.