Chặt đứt Ác tầm! Tích cực thực hành Thiện tầm!
Xả bỏ Ác tầm, tu tập Thiện tầm
Tư duy quá mức cũng làm người ta phiền não
Đức Phật không phải chỉ tu tập thiền định mà chứng đắc giải thoát. Các cảnh giới định vô cùng vi diệu như định vô sở hữu xứ và định phi tưởng phi phi tưởng xứ không thể khiến hành giả đạt đến vô dục, ly dục... đắc chánh giác, Niết bàn. Hành giả Gotama đã bỏ hai loại định trên, chuyển sang tu khổ hạnh. Tuy khổ hạnh cũng có thể tạo ra định lực nhưng đồng thời cũng khiến cơ thể mệt mỏi, nghiêm trọng hơn là khổ hạnh khiến cho hành giả không thể đạt đến tri kiến của bậc Thánh. Niềm vui thiền định đem lại là phương pháp tu lìa được dục và pháp bất thiện, cho nên có thể khiến cho hành giả đạt đến tri kiến của bậc Thánh.
Đại Kinh Saccaka ghi chép về việc Đức Phật tự thuật phương pháp tu thân, tu tâm trong pháp và luật của bậc Thánh (ariyassa vinaya). Hành giả Gotama tu theo các lối tu khổ hạnh và những đau đớn do việc tinh chuyên tu hành khổ hạnh cũng không thể khống chế và xâm chiếm tâm của hành giả, nghĩa là hành giả đã đạt đến tiêu chuẩn tu tâm trong pháp và luật của bậc Thánh.
Tuy hành giả tu tập dũng mãnh, tinh tiến, không trễ nải (āraddha viriya asallīna), niệm niệm chuyên nhất không tán loạn (sati asammuṭṭha), định lực kiên cố như vậy nhưng cuối cùng vẫn từ bỏ lối tu khổ hạnh này. Vì khổ hạnh không giúp hành giả đạt được tri kiến của bậc Thánh (ariya-ñāṇa-dassana), nghĩa là cảnh giới tri thức siêu xuất hơn người bình thường, gọi là pháp hơn người (uttari manussa-dhamma).
Từ bỏ lối tu khổ hạnh khiến thân thể mệt mỏi, hành giả hồi tưởng lại phương pháp tu thiền hỷ lạc (pīti-sukha) mà Ngài từng trải nghiệm thuở còn thơ ấu. Hành giả bỏ khổ tìm vui và không hề sợ hãi niềm vui này. Vì niềm vui này không liên quan gì đến dục (aññatra kāmehi), cũng không liên quan đến pháp bất thiện (aññatra akusalehi dhammehi).
Qua nội dung Đại Kinh Saccaka, chúng ta hiểu được rằng, những người tu khổ hạnh thì thân tâm cũng không xa lìa được dục (kāma), cho dù pháp tu này giúp hành giả đạt đến thiền định cao sâu của lạc thọ hoặc khiến vị đó chịu những khổ hạnh cùng cực của khổ thọ, nhưng cuối cùng vẫn không thể đạt đến tri kiến (ñāṇa dassana) vô thượng chính đẳng chính giác (anuttara sambodha).
Niềm vui của thiền là niềm vui xa rời dục nên hành giả Gotama tự nhủ rằng: “Ta không sợ niềm vui này” (Na kho ahaṁ tassa sukhassa bhāyāmi). Niềm vui trong Thiền không liên quan đến bất thiện pháp, ta có thể tìm hiểu điều này thông qua Kinh Song Tầm.
Từ Kinh Song Tầm (Dvedhā-vitakka Sutta), chúng ta có thể hiểu được Đức Phật đã tu tâm như thế nào để chứng nhập tứ thiền, tam minh và giải thoát tri kiến. Kinh này đưa ra hai tầng bậc tu trì:
(i) Tầng bậc thứ nhất: dục tầm, sân tầm và hại tầm không thể dẫn dắt đến giác ngộ rốt ráo. Đối lập lại là bất dục tầm, bất sân tầm và bất hại tầm có thể dẫn đến giác ngộ rốt ráo.
(ii) Tầng bậc thứ hai: cực độ tư duy cũng khiến thân thể mệt mỏi, tâm bị dao động, khó được định tĩnh. Thế nên hành giả phải thường khéo quán sát trạng thái của thân và tâm để có thể làm cho tâm ổn định (sanṭḥapeti), an tĩnh (sannisādeti), đơn nhất (ekodi-karoti) và chuyên chú (samādahāti).
Đại Kinh Saccaka nói về việc tu thân và tu tâm từ phương diện lạc thọ và khổ thọ, còn Kinh Song Tầm bàn luận về tu tâm xuất phát từ tầm và tứ ở nội tâm.
Kinh Song Tầm trong Trung Nikāya tương ứng với Niệm Kinh trong Kinh Trung A Hàm. Khi chưa thành đạo, vẫn còn là Bồ tát, lúc thuyết giảng cho các Tỳ kheo, Đức Phật đã chia “tầm” thành hai loại:
a) Loại thứ nhất: là dục tầm (kāma-vitakka, thought of sensual desire), sân tầm (byāpāda-vitakka, thought of ill-will), hại tầm (vihiṁsā-vitakka, thought of cruelty).
b) Loại thứ hai: là bất dục tầm (nekkhama-vitakka, thought of renunciation), bất sân tầm (abyāpāda-vitakka, thought of non-ill-will), bất hại tầm (avihiṁsā-vitakka, thought of non-cruelty).
Trong Kinh Song Tầm, Đức Phật chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực ác tầm mang lại khá lớn, ở mức độ thấp thì giày vò bản thân mình và người khác; mức độ cao hơn là diệt hết trí tuệ (paññā-nirodhika), gây ra phiền não (vighāta-pakkhika), làm hành giả lạc khỏi Niết bàn (a-nibbāna-saṁvattanika). Vì thế, hành giả phải thường xuyên quán chiếu tâm, diệt trừ những ác tầm này cũng có nghĩa là diệt trừ những phiền nhiễu nặng nề.
Đúng như Thế Tôn hồi tưởng lại: Khi dục tầm khởi lên, Ngài đã quan sát và tư duy như trên; dục tầm liền biến mất. Khi sân tầm, hại tầm khởi lên, Ngài cũng quan sát và tư duy như trên; sân tầm, hại tầm cũng biến mất. Thế Tôn đặc biệt nhấn mạnh: “Này các Tỳ kheo, cho dù một vị Tỳ kheo nào thường khởi lên bất kỳ một tư duy truy tìm (anuvitakketi) và ngẫm nghĩ (anuvicāreti) nào, tâm của người đó cũng đều có khuynh hướng (nati) như vậy”.
Khi tâm của một người thường xuyên truy tìm và ngẫm nghĩ về dục tầm, thì anh ta bỏ bất dục tầm và nuôi dưỡng dục tầm, tâm của anh ta có khuynh hướng về dục tầm. Khi tâm của một người thường ức niệm và tìm tòi sân tầm thì anh ta bỏ bất sân tầm và nuôi dưỡng sân tầm, tâm của anh ta có khuynh hướng về sân tầm. Khi tâm của một người thường xuyên tư duy và tìm tòi hại tầm thì tâm của anh ta bỏ bất hại tầm và trưởng dưỡng hại tầm, tâm của anh ta có khuynh hướng về hại tầm.
Đức Phật lấy một ví dụ: Khi mùa màng đã chín vào mùa thu (sau mùa mưa), người chăn trâu buộc phải đánh nhẹ hoặc xua đàn trâu để ngăn chúng không đi vào ruộng lúa. Trong lòng người chăn trâu hiểu rõ, nếu không làm như vậy mà để đàn trâu phá hoại mùa màng thì bản thân anh ta cũng sẽ bị chủ đánh đập, giam lại, trừng phạt hoặc trách mắng.
Thế Tôn quán sát thấy nguy hiểm, suy thoái, sa đọa và nhiễm ô trong các pháp bất thiện và thấy được niềm vui của sự xả ly, lợi ích của thanh tịnh trong các thiện pháp.
Ngược lại, thiện tầm không làm tổn hại đến bản thân, đến người khác và đến cả hai bên, điều quan trọng hơn là thiện tầm có thể tăng trưởng trí tuệ, không sinh phiền não và dẫn dắt đến Niết bàn. Tuy thiện tầm có thể tăng trưởng trí tuệ, không sinh phiền não và dẫn dắt đến Niết bàn, nhưng tư duy cao độ có thể khiến thân thể mệt mỏi, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến sự tĩnh lặng của tâm, khiến tâm xa rời sự chuyên chú, tĩnh lặng. Đây là lời dạy đáng ghi nhận.
Thế Tôn nhớ lại và giảng rằng, khi Ngài quán sát, tư duy về dục tầm, dục tầm liền biến mất và bất dục tầm sinh khởi. Thế Tôn cứ quán sát, tư duy như vậy cả một buổi tối, thậm chí một ngày, hoặc một ngày một đêm. Nhưng cứ cố nhớ và suy tư cao độ như vậy khiến thân thể hành giả mệt mỏi. Khi thân thể mệt mỏi thì tâm cũng chịu ảnh hưởng, tâm chịu ảnh hưởng thì không thể chuyên chú. Vì thế, Thế Tôn làm cho tâm ổn định lại, khiến tâm an tĩnh, chuyên nhất; do đó, tâm không còn bị ảnh hưởng, làm phiền nữa.
Nên bỏ ác tầm, tạo thiện tầm nhưng không thể bỏ qua việc thân tâm mệt mỏi do tư duy quá độ về các thiện pháp. Hành giả phải làm cho tâm được ổn định (sanṭḥapeti), an tĩnh (sannisādeti), đơn nhất (ekodī-karoti) và chuyên chú (samādahāti) đúng lúc.
Đức Phật lại lấy một ví dụ: Sau vụ mùa, hoa màu được thu hoạch và đưa về thôn làng, người chăn bò chỉ cần đứng ở gốc cây hoặc chỗ bãi đất trống quan sát đàn bò là được. Anh ta chỉ cần biết đàn bò vẫn ở đó là ổn. Thế Tôn nói rằng bản thân mình cũng vậy, Ngài chỉ cần biết sự tồn tại của các cảnh giới đó là đủ1.
1 Evam-me kho, bhikkhave, sati-karaṇīyam-eva hoti: ete dhammā-ti. M.I.117.
Thế Tôn lại tiếp tục hồi tưởng. Qua sự xả bỏ và điều chỉnh ác tầm và thiện tầm, Ngài đã rất tinh tiến để tu trì, bồi dưỡng bốn điều kiện để nhập vào Thiền, cũng có nghĩa là phát tâm tinh tấn, dũng mãnh không tiêu cực, niệm không tán loạn; tâm được an trú, tâm được khinh an, không cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh, nhất tâm1.
1 Āraddhaṁ kho pana me, bhikkhave, viriyaṁ ahosi asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, passaddho kayo asāraddho, samāhitaṁ cittaṁ ekaggaṁ. M.I.117.
Về từ “lậu” chúng ta hãy tham khảo phần “Hiểu biết nhiều hơn” để tìm hiểu sâu thêm. Các bậc đại sư đã phiên dịch rất có ý nghĩa.
Theo kinh này ghi chép, hành giả Gotama đã tiến sâu thêm vào thiền định, cũng tức là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; sau đó hướng (abhininnameti) tâm mình đến các kiếp quá khứ và chứng đắc túc mệnh tri, chuyển hướng để thấu hiểu sinh tử của các loài hữu tình khác và đắc hữu tình sinh tử tri, từ đó chuyển hướng diệt trừ các lậu tận và đắc lậu tận tri.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Kinh Song Tầm, M.I.117, Majjhima Nikāya no.19 Dvedhā-vitakka Sutta.
2. Bản Hán dịch, Kinh Trung A Hàm - Phẩm Nhân - Kinh Niệm T01.589a~590a.
3. Bản dịch tiếng Trung, Kinh Trung Bộ, trang 140~147, Kinh Song Tầm, Ryūshō Hikata (干潟 龍祥) dịch sang tiếng Nhật, Giang Luyện Bách dịch sang tiếng Trung, Đài Bắc: Hội in kinh Tín Nguyện Hạnh, 2006.
4. Bản dịch tiếng Trung Nhóm phiên dịch tiếng Pāli học báo kỳ số 3, trang 125~131, Lưỡng Loại Giác Kinh, Tiêu Thức Cầu dịch, Bộ Văn Hóa Chí Liên Tịnh Uyển, Hồng Kông, 2007.
5. Bản dịch tiếng Anh, Two Kinds of Thought, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 207~210, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
Hiểu biết nhiều hơn
1. Về từ “lậu”, Hán Ngữ Đại Tự Điển đã định nghĩa như sau: Thuyết Văn Giải Tự giải thích rằng: Lậu là dụng cụ bằng đồng dùng để đựng nước có khắc vạch, nước chứa một ngày đêm được chia ra thành một trăm vạch. Từ “lậu” (漏) kết hợp hai chữ “thủy” (氵) biểu tượng cho ý nghĩa và chữ “lậu” (屚) biểu tượng cho âm thanh. Thời cổ, người ta thường dùng thiết bị này để làm công cụ tính thời gian, gọi là “lậu hồ”.
Lậu hồ là dụng cụ tính thời gian thời cổ. Lậu hồ được làm bằng đồng, chia ra thành hai bộ phận: bình rót nước và bình chứa nước. Bình rót nước thông thường có 3 cái và đặt trên các bậc hoặc giá cao, có lỗ nhỏ để nước nhỏ giọt. Bình rót nước ở tầng thấp nhất sẽ chảy vào bình chứa nước. Trong bình chứa nước có dựng một mũi tên, trên mũi tên khắc 100 vạch. Mũi tên tùy theo lượng nước chảy vào mà chỉ ra vạch khắc, từ đó biết được thời gian.
Các nhà dịch kinh thời xưa cũng dùng từ này với ý nghĩa tương thích, họ dịch āsava (vốn có nghĩa chúng sinh trong tam giới ở ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai lưu chuyển không gián đoạn) dịch thành “lậu”. Trong tiếng Pāli, từ āsava có nghĩa gốc là “chảy vào, rót vào”. Nghĩa phát sinh là chúng sinh sau khi bị ô nhiễm bởi tham, sân, si thì đều bị cuốn vào vòng luân hồi sinh tử của tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
2. Kinh điển ghi chép việc Thế Tôn dùng ví dụ để giải thích dụng ý Như Lai xuất hiện ở đời: Có một đầm lầy to, một bầy hươu thường đến tìm thức ăn ở đó. Có một người thợ săn muốn bắt, giết hại và tiêu diệt đàn hươu này. Hắn bèn tạo ra một con đường nhỏ, mưu đồ dùng con hươu giả để dụ dỗ bầy hươu đi vào con đường ấy để bắt gọn và tiêu diệt bầy hươu.
Tuy nhiên, vẫn có một người khác, suy nghĩ lại trái ngược với kẻ kia. Anh ta hy vọng bầy hươu có thể yên ổn, hạnh phúc và vui vẻ. Anh ta bèn đắp một con đường an toàn, vứt bỏ con hươu giả, cũng là bỏ luôn sự cám dỗ, bầy hươu nhờ thế mà không bị hãm hại.
Trong ví dụ trên, kẻ tà ác ví với Ma vương (Ma ba tuần), người thiện được ví với Như Lai, cái đầm lớn là ví với ngũ dục lạc, đàn hươu là chúng sinh, tà đạo ví với Bát bất chánh đạo, mồi nhử ví với lạc ái và tham cầu, con hươu giả ví với vô minh. Chúng sinh sống trong năm dục lạc thường bị Ma vương lôi kéo vào con đường bất chính. Ma vương dùng lạc ái, tham cầu và vô minh để dụ dỗ chúng sinh, cốt mong cho chúng sinh chìm đắm trong sinh tử luân hồi.
Còn Như Lai thường giáo hóa chúng sinh bằng Bát chánh đạo, hy vọng chúng sinh nhờ có phương pháp thực hành đúng đắn này mà trừ bỏ được tham cầu và lạc ái của ngũ dục lạc, tiến đến có thể diệt trừ tận gốc vô minh, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ sinh tử luân hồi.