Hành khổ tự giày vò, xả ly tự giải thoát
Xả bỏ thiền của đạo khác, tự tu chứng sơ thiền
Đắc tứ thiền, tam minh và giải thoát tri kiến
Đầu tiên, từ Đại Kinh Saccaka (Mahā-saccaka Sutta), chúng ta tìm hiểu trước khi thành đạo, Đức Phật đã phân tích, phán đoán, xả bỏ phương pháp tu thiền của đạo khác như thế nào. Kinh này ghi chép việc Thế Tôn hồi tưởng lại trước khi hành giả Gotama1 thành đạo từng rất tinh tiến, nỗ lực tu học theo phương pháp thiền thịnh hành trong giới tu sĩ lúc bấy giờ, cũng tức là phương pháp tu thiền của đạo khác. Nhưng về sau, hành giả Gotama đã từ bỏ những phương pháp tu thiền này và tu tập theo phương pháp mà bản thân mình cho là chính xác, đúng đắn. Cuối cùng, Ngài đã chứng đắc được giải thoát rốt ráo.
1 Chúng ta gọi Đức Phật trong khoảng thời gian từ khi xuất gia đến lúc chưa thành đạo là hành giả Kiều Đạt Ma (Gotama).
Kinh này có thể chia thành hai phần để thảo luận:
- Đức Thế Tôn phân tích, đưa ra phán đoán về mối quan hệ giữa tu thân, tu tâm và giải thoát;
- Quá trình Đức Thế Tôn xả bỏ phương pháp tu thiền của đạo khác để chuyển sang tu tập theo tứ thiền và thành đạo.
Phật giáo Đại thừa Bắc truyền gọi Đức Phật là Phật Thích Ca Mâu Ni (Sākyamuni) hoặc Thích Ca Như Lai, có ý nghĩa là bậc giác ngộ thuộc dòng họ Thích Ca, ưa thích sự tịch tĩnh.
Các quốc gia Phật giáo Nam truyền lại phổ biến gọi Đức Phật là Phật Gotama (Gotama Buddha), nghĩa là bậc giác ngộ của dòng họ Gotama. Đức Phật vốn sinh ra là thái tử, tên là Tất Đạt Đa (Siddhārtha) Gotama, trước khi xuất gia đều được gọi là Thái tử Tất Đạt Đa, sau khi thành đạo được gọi là Đức Phật Gotama.
(i) Phần thứ nhất: Kinh này bắt nguồn từ việc Tát Già Ni Kiền Tử (Saccaka Nigaṇṭha-putta) chế nhạo việc các đệ tử Phật tu hành tuy nhấn mạnh việc tu tâm nhưng cuối cùng kết quả lại giống như đạo khác, miệng nôn ra máu tươi, tâm thần tán loạn.
Độc giả có thể tham khảo phần “Hiểu biết nhiều hơn” 1~3 để đọc thêm về chi tiết: sau khi chế giễu, Saccaka không có cách nào đối đáp lại trước câu hỏi chất vấn của Đức Phật.
Nhưng khi Thế Tôn hỏi ngược lại Saccaka: thế nào là tu thân, thế nào là tu tâm thì ông ta chỉ biết đến các phương pháp tu quái dị của đạo khác và không làm cách nào để đối đáp được. Thế Tôn thuyết giảng cho Saccaka biết thế nào gọi là tu thân, thế nào gọi là tu tâm và nhớ lại bản thân Ngài đã từng trải qua những lối tu khổ hạnh về thân và tâm, cuối cùng cũng không có cách nào chứng đắc giải thoát.
(ii) Phần thứ hai: Sau khi hiểu được rằng lối tu khổ hạnh không giúp ích gì cho việc giải thoát, lúc đó Thế Tôn bỗng nhớ lại sự trải nghiệm sơ thiền thời còn nhỏ và cho rằng đó mới là đạo giải thoát. Thế Tôn cần mẫn tu tập theo con đường đó và cuối cùng chứng đắc giải thoát rốt ráo.
Theo kinh này, khi mới xuất gia, hành giả Gotama đã đến học hỏi lối tu khổ hạnh ở hai vị Sa môn nổi tiếng đương thời. Dưới sự hướng dẫn của họ, hành giả Gotama chứng đắc được thành tựu cao nhất, cùng cấp bậc thiền định với hai vị thầy này.
Đầu tiên, dưới sự dạy dỗ của Āḷāra Kālāma, hành giả Gotama chứng nhập vô sở hữu xứ. Āḷāra đánh giá cao khả năng lĩnh ngộ cao độ và tinh tấn thực hành thiền định của Gotama nên mời hành giả ở lại cùng hoằng dương phương pháp thiền này, nhưng hành giả Gotama quyết định từ biệt Āḷāra vì Ngài cho rằng pháp (Dhamma) mà vị thầy này dạy không dẫn dắt đến sự nhàm chán (nibbidā), ly dục (virāga/không ham muốn), diệt (nirodha), yên tịnh (upasama), tri thức trực tiếp (abhiññā, direct knowledge/thần thông, tri thức toàn diện), giác ngộ (sambodha) và Niết bàn (nibbāna).
Có thể tham khảo Kinh Trung Bộ số 26, Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana Sutta) để hiểu thêm các ghi chép về quá trình tu hành của hành giả Gotama khi mới xuất gia.
Sau đó, hành giả Gotama lại đến học đạo với Uddaka Rāmaputta. Dưới sự hướng dẫn của Uddaka, Ngài chứng nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Uddaka cũng đánh giá rất cao hành giả Gotama và mời Ngài ở lại cùng truyền bá phương pháp tu thiền này. Hành giả Gotama một lần nữa quyết định rời xa vị tu sĩ khổ hạnh đó. Nguyên nhân cũng giống như lần trước, vì pháp này không thể hướng đến sự nhàm chán, yếm ly và Niết bàn. Hành giả Gotama đi đến rừng trúc, bên cạnh một dòng sông xanh biếc, cảnh sắc nơi đây làm vui lòng người, không khí trong lành nên Ngài quyết định tiếp tục tu hành tại đây.
Theo kinh điển ghi chép, có ba ví dụ vi diệu xuất hiện trong tâm trí của Ngài. Ba minh dụ này khiến Ngài hiểu ra rằng vô thượng chánh giác tri kiến (ñāṇa dassana anuttara sambodha) không liên quan trực tiếp đến khổ thọ, lạc thọ của cơ thể mà có quan hệ mật thiết đến sự nhiễm trước của tâm.
Sau khi ba minh dụ này xuất hiện, Ngài tu tập các phương pháp khổ hạnh theo những gì đã lĩnh ngộ được. Hành giả Gotama tự cho rằng sự khổ hạnh của mình là vô tiền khoáng hậu và hiện tại không ai có thể sánh kịp Ngài.
Về ba ví dụ đề cập đến các loại khổ hạnh, quý độc giả có thể tham khảo phần “Hiểu biết nhiều hơn” để biết thêm chi tiết.
Ngài cũng quan sát và phân tích hậu quả tiêu cực mà các khổ hạnh này đem lại. Cuối cùng, Ngài cho rằng những khổ hạnh này không giúp Ngài đạt được pháp hơn người (uttari manussa-dhamma), đem lại lợi ích đạt đến tri kiến của bậc Thánh, do đó, Ngài quyết định từ bỏ. Ngài nghĩ rằng lẽ nào còn có những con đường giác ngộ (añño maggo bodhāya) khác nữa chăng?
Hành giả Gotama hồi tưởng trải nghiệm về sơ thiền thời niên thiếu và cảm giác rằng đây là con đường giác ngộ. Hành giả trở về với phương pháp tu học đó và cuối cùng chứng nhập tứ thiền, sau đó Ngài lần lượt chứng đắc tam minh và giải thoát tri kiến.
Minh đầu tiên (paṭhama vijjā) là túc mệnh tri (pubbe-nivāsânussati-ñāṇa), có thể nhớ được vô số kiếp trong quá khứ của mình.
Phần “Hiểu biết nhiều hơn” giải thích tường tận về tam minh
Minh thứ hai (dutiya vijjā) là hữu tình sinh tử tri (sattānaṁ cutûpa-pāta-ñāṇa), có thể thấy được sự tử vong và tái sinh của các loài hữu tình khác. Chúng sinh chuyển sinh vào đường thiện hay đường ác, xinh đẹp hay xấu xí, cuộc sống tốt hay không tốt... đều là quả báo do thân, miệng, ý tạo ra.
Minh thứ ba (tatiya vijjā) là lậu tận tri (āsavānaṁ khaya-ñāṇa), nghĩa là biết khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ và các con đường diệt khổ. Giải thoát tri kiến cũng giống như kinh điển đã nói đến:
“Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu (kāmâsava), tâm giải thoát hữu lậu (bhavâsava) và vô minh lậu (avijjâsava). Khi đã giải thoát liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng ‘Sự sinh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’”.
Túc mệnh tri | Nhớ lại được vô số kiếp quá khứ của mình |
Hữu tình sinh tử tri | Thấy được sự tử vong và chuyển sinh của chúng sinh hữu tình |
Lậu tận tri | Biết khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ và con đường diệt khổ |
Giải thoát tri kiến | Ly dục, hữu, vô minh lậu (sinh đã hết... không còn tái sinh nữa) |
Khi chưa thành đạo, Đức Phật luôn phân tích và cân nhắc xem pháp môn bản thân mình tu tập liệu có phù hợp với mục tiêu theo đuổi khi xuất gia hay không? Các phương pháp tu này liệu có thể khiến cho mình thấy rõ tác hại của năm dục trong đời hay không? Liệu có thể khiến cho mình từ bỏ niềm vui mà năm sự ham muốn này hấp dẫn? Liệu có thể diệt được tâm tham dục? Liệu có thế khiến cho tâm mình an lạc? Liệu có thể khiến cho tâm mình thường ở trong trạng thái tỉnh thức và liệu có thể đạt được niềm an lạc tịch tĩnh vô thượng - Niết bàn chăng?
Sau khi suy xét kỹ càng, Ngài quyết định từ bỏ các phương pháp tu không thích hợp, bồi dưỡng các phương pháp tu đúng đắn. Thế Tôn quán sát được rằng các loại khổ hạnh không thể đem đến kết quả nhàm chán, ly dục, bình hòa, yên tĩnh, đạt đến Niết bàn, ngược lại còn khiến tâm loạn động và xa lìa con đường chánh giác tịch tĩnh.
Sau đó, Ngài phát giác ra rằng thiền có thể khiến cho thân tâm bình hòa, yên tĩnh, an lành, tĩnh lặng. Tâm ở trạng thái yên tĩnh, bình hòa chứng nhập sâu vào thiền cộng thêm với chánh niệm liên tục không ngừng nghỉ ngay trong hiện tại, cuối cùng Ngài nhận thấy sinh tử của chính mình và tất cả các chúng sinh hữu tình khác đều do tâm nhiễm trước, thứ đó gọi là hữu lậu, không phải do vị thần chủ tể tối cao nào chi phối.
Thế Tôn tiếp tục đoạn trừ sâu hơn tâm nhiễm trước, tâm hữu lậu; cuối cùng chứng đắc Niết bàn tịch tĩnh, vĩnh viễn xa rời các nỗi thống khổ. Việc phân tích, phán đoán, lựa chọn trong quá trình tu trì của Thế Tôn cũng được ghi chép rõ ràng trong Kinh Song Tầm, hiện còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Sau cùng, Saccaka hỏi Đức Phật một vấn đề, dường như ám chỉ Đức Phật và các Sa môn, Bà la môn đều là những kẻ ngu xuẩn. Saccaka hỏi rằng: “Xin hỏi, Ngài có ngủ ngày không ạ?” Đức Phật trả lời: “Sau khi đi khất thực, cầm bình bát trở về, ăn cơm và rửa bát, rửa chân xong, ta sẽ ngủ một lát”.
Saccaka liền nói tiếp, có Sa môn nói rằng ngủ trưa là trú trong si ám (sammoha-vihāra). Saccaka cho rằng Thế Tôn là người ngu si nên trú trong chỗ ngu si. Thế Tôn liền giải thích: “Trú trong si ám là chỉ cho người chưa dứt được phiền não, còn sinh tiếp vào đời sau, có khổ báo, và phải đối mặt với sinh lão bệnh tử trong tương lai chứ không phải lấy việc ngủ trưa để phán đoán có phải là trú trong si ám hay không”.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Đại Kinh Saccaka, M.I.247~250, Majjhima Nikāya no.36 Mahā-saccaka Sutta.
2. Kinh này tuy không có bản Hán dịch nhưng một bộ phận có thể đối chiếu được với Kinh Tăng Nhất A Hàm, T02.671a~672a.
3. Gần Gũi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bản dịch tiếng Trung hiện đại, tr31~45 (Tỳ kheo Kế Trí, Tỳ kheo Ñāṇamoli trước tác; Thích Kiến Đế, Mâu Chí Kinh dịch; Đài Bắc - Tượng Thụ Lâm, 2006).
4. Bản dịch tiếng Trung hiện đại, phần về Khổ Hạnh có thể tham khảo trong Hương Quang Trang Nghiêm, kỳ số 98, tr26~35; Gia Nghĩa: Tạp chí Hương Quang Trang Nghiêm, 2009.06.
5. Kinh Trung Bộ, trang 280~297, Tát Già Ca Đại Kinh, Ryūshō Hikata (干潟龍祥) dịch ra tiếng Nhật, Giang Luyện Bách dịch ra tiếng Trung, Đài Bắc: Hội in kinh Tín Nguyện Hạnh, 2006. Bản dịch này (vốn được xuất bản và lưu hành năm 1944) dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Trung, bản dịch tiếng Nhật lại căn cứ vào bản tiếng Pāli.
6. Bản dịch tiếng Anh The Greater Discourse to Saccaka, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 332~343, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
Về việc Thế Tôn theo học với hai Sa môn khổ hạnh, có thể tham khảo thêm:
1. Kinh Trung Bộ, trang 197~212, Kinh Thánh Cầu, Ryūshō Hikata (干潟龍祥) dịch ra tiếng Nhật, Giang Luyện Bách dịch ra tiếng Trung; Hội in kinh Tín Nguyện Hạnh, 2006. Bản dịch tiếng Trung này được dịch từ bản dịch tiếng Nhật, bản dịch tiếng Nhật lại căn cứ vào bản tiếng Pāli.
2. Pāli Ngữ Phật Điển Tinh Soạn, tr160~201, Kinh Thánh Cầu, Kōgen Mizuno (水野弘元) trước tác, Thích Đạt Hòa dịch ra tiếng Trung, Đài Bắc: Pháp Cổ Văn Hóa, 2005. Bản dịch tiếng Trung này cũng dựa vào trước tác của người Nhật. Nhưng Kōgen Mizuno dịch sau Ryūshō Hikata, văn dịch cũng được bạch thoại hóa, dễ đọc, dễ hiểu và gần với tiếng Pāli.
Hiểu biết nhiều hơn
1) Saccaka chế giễu đệ tử Phật như thế nào?
Saccaka (con trai của Nigantha) tính ưa luận chiến, biện luận thiện xảo, lại thích hủy báng Tam bảo, chế giễu đệ tử Phật tu trì cũng không khác gì các đạo khác.
Anh ta nói rằng: “Có một số Sa môn, Bà la môn sống chuyên lo tu tập về thân, không tu tập về tâm, thân chịu khổ thọ, hai chân tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu nóng có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng, loạn tâm. Sự tình này xảy ra đối với người mà tâm tùy thuộc thân, tâm chịu sự điều khiển của thân, vì không tu tâm.
Lại có một số Sa môn, Bà la môn sống chuyên lo tu tập về tâm, không tu tập về thân, chịu khổ thọ về tâm, hai chân tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu nóng có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng, loạn tâm. Sự tình này xảy ra đối với người mà thân tùy thuộc tâm, thân chịu sự điều khiển của tâm, vì không tu thân”.
Nói xong, ông ta thêm một câu nhấn mạnh: “Đương nhiên, theo như tôi biết, đệ tử của Sa môn Gotama đều tu tâm nhưng Sa môn, Bà la môn dù tu thân hay tu tâm thì kết quả cũng như nhau, điên cuồng loạn tâm”.
2) Phương pháp tu thân mà Saccaka thờ lửa được biết
Saccaka liệt kê các vị đạo khác như Nanda Vaccha, Kisa Sankicca, Makhkali Gosāla và thuật lại sơ lược phương pháp tu thân của họ:
• Sống lõa thể
• Sống phóng túng không theo lễ nghi • Liếm tay cho sạch • Đi khất thực không chịu bước tới • Không nhận đồ ăn mang đến • Không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy • Không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo • Không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn • Không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai • Không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú • Không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu • Không nhận đồ ăn đi quyên góp • Không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng |
• Không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình
• Không nhận lời mời đi ăn • Không nhận đồ ăn từ nồi chảo • Không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa • Không uống rượu nấu, rượu men • Chỉ nhận ăn tại một nhà • Chỉ nhận ăn một miếng • Chỉ nhận ăn tại hai nhà • Chỉ nhận ăn hai miếng • Chỉ nhận ăn tại bảy nhà • Chỉ nhận ăn bảy miếng • Nuôi sống chỉ với một bát • Nuôi sống chỉ với hai bát • Nuôi sống chỉ với bảy bát • Chỉ ăn một ngày một bữa • Chỉ ăn hai ngày một bữa • Chỉ ăn bảy ngày một bữa • Nửa tháng mới ăn một lần • Không nhận đồ ăn tại chỗ ruồi bu • Không ăn thịt cá |
3) Sự khác biệt giữa “Không tu tập thân và tâm” và “Tu tập thân và tâm”
(i) Không tu tập thân và tâm
Thế Tôn nói cho Saccaka biết sự khác nhau giữa phương pháp “Không tu thân và không tu tâm” và phương pháp “Tu thân và tu tâm”. Hai điều này đều bắt nguồn từ việc đối diện với lạc thọ và khổ thọ để phân biệt:
Người không tu thân, khi lạc thọ khởi lên trong tâm họ, xâm chiếm và trú ngụ trong đó. Nói cách khác, khi cảm giác được lạc thọ, họ liền chạy theo lạc thọ đó, không buông bỏ xuống mà lại truy tìm, mong cầu lạc thọ.
Người không tu tâm, khi khổ thọ khởi lên trong tâm họ, xâm chiếm và trú ngụ trong đó. Nói cách khác, khi cảm giác được khổ thọ, họ đau lòng, bi thương, gào khóc thảm thiết, thậm chí đấm ngực kêu khóc, tâm thần rối loạn.
(ii) Tu tập thân và tâm
Người tu thân, khi lạc thọ khởi lên trong tâm, lạc thọ đó không thể xâm chiếm được tâm họ để trú ngụ trong đó. Nói cách khác, khi cảm giác được lạc thọ, họ không chạy theo lạc thọ đó, cũng không theo đuổi lạc thọ đó mà không ngừng nghỉ.
Người tu tâm, khi khổ thọ bắt đầu khởi lên trong tâm, khổ thọ đó không thể xâm chiếm được tâm họ để an trú trong đó. Nói cách khác, khi cảm giác về khổ thọ, họ không đau lòng, không bi thương, không đấm ngực gào khóc, càng không có chuyện tâm thần rối loạn.
4) Ba minh dụ Thế Tôn đã giác ngộ
(i) Ví dụ thứ nhất: “Cành cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, lại bị ngâm trong nước, thì không thể nhóm được lửa”. Đức Phật dùng hình ảnh này để ví với người mà thân không xả bỏ dục lạc, tâm vẫn còn hy vọng, yêu thích, mê đắm, khát vọng, cuồng ái dục lạc. Dù có hay không có, vì gắng sức tinh tiến mà dẫn đến những nhức mỏi, đau đớn cho thân hay không thì anh ta cũng không thể đạt được “tri kiến”, cũng không thể chứng đắc được “vô thượng chánh giác”.
(ii) Ví dụ thứ hai: “Ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, cũng không thể nhóm lửa được”. Đức Phật dùng hình ảnh này để ví với người tuy thân đã xả bỏ, xa rời dục lạc nhưng tâm hy vọng, yêu thích, mê đắm, khát vọng, cuồng ái dục lạc vẫn chưa diệt hết được. Dù có hay không có, vì gắng sức tinh tiến mà dẫn đến những nhức mỏi, đau đớn cho thân hay không thì anh ta cũng không thể đạt được “tri kiến”, cũng không thể chứng đắc được “vô thượng chánh giác”.
(iii) Ví dụ thứ ba: “Có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, thì có thể nhóm lửa”. Đức Phật dùng hình ảnh này để ví với người thân đã từ bỏ dục lạc và tâm cũng diệt hết những hy vọng, yêu thích, mê đắm, khát vọng, cuồng ái dục lạc. Dù có hay không có, vì gắng sức tinh tiến mà dẫn đến những đau đớn cho thân hay không thì anh ta đều có thể đạt được “tri kiến”, cũng có thể chứng đắc được “vô thượng chánh giác”.
5) Ghi chép về việc Thế Tôn tu khổ hạnh và nhận thức về lối tu khổ hạnh
Đức Phật nói rõ mức độ đau đớn mà mỗi loại khổ hạnh mang lại, đồng thời nhấn mạnh tâm chánh niệm tiếp nối nhau liên tục, không bị đau đớn đánh bại mà tán loạn.
1. Nghiến răng, chóp lưỡi đưa lên ngạc trên để khắc chế tâm | Mồ hôi chảy ra dưới nách, như bị người khác kẹp đầu và đánh |
Tinh tiến không gián đoạn, chánh niệm liên tục | |
Thân thể quá đỗi mệt mỏi, không an, không tĩnh lặng được | |
Thân thể chịu đau đớn, tâm không bị khống chế | |
2. Thiền nín thở: mũi và miệng không thở | Trong tai có tiếng gió mạnh như chiếc lò rèn đang thụt lửa |
Tinh tiến không gián đoạn, chánh niệm liên tục | |
Thân thể mệt mỏi, gấp gáp quá độ, bất an | |
Thân thể chịu đau đớn, tâm không bị khống chế | |
3. Thiền nín thở: miệng, mũi và tai không thở | Gió mạnh xuyên qua đầu như có người lấy kiếm bổ vỡ đầu |
Tinh tiến không gián đoạn, chánh niệm liên tục | |
Thân thể mệt mỏi, gấp gáp quá độ, bất an | |
Thân thể chịu đau đớn, tâm không bị khống chế | |
4. Thiền nín thở: miệng, mũi và tai không thở | Phần đầu đau đớn như có lực sĩ lấy đai da siết chặt vào đầu |
Tinh tiến không gián đoạn, chánh niệm liên tục | |
Thân thể mệt mỏi, gấp gáp quá độ, bất an | |
Thân thể chịu đau đớn, tâm không bị khống chế | |
5. Thiền nín thở: miệng, mũi và tai không thở | Bụng đau cảm giác như có gió mạnh cắt xé, như người mổ phanh bụng con bò |
Tinh tiến không gián đoạn, chánh niệm liên tục | |
Thân thể mệt mỏi, gấp gáp quá độ, bất an | |
Thân thể chịu đau đớn, tâm không bị khống chế | |
6. Thiền nín thở: miệng, mũi và tai không thở | Trong thân thể như có lửa nóng thiêu đốt, như hai tráng sĩ kẹp chặt hai tay đẩy nướng trên than hồng |
Tinh tiến không gián đoạn, chánh niệm liên tục | |
Thân thể mệt mỏi quá độ, bất an | |
Thân thể chịu đau đớn, tâm không bị khống chế | |
7. Không ăn, không uống | Các chư Thiên đến ngăn cản |
8. Uống ít, ăn ít |
6) Thứ tự chứng đắc tam minh
Theo kinh điển Nikāya Pāli và Kinh A Hàm Hán dịch, thứ tự chứng đắc tam minh là túc mệnh tri, hữu tình sinh tử tri và lậu tận tri. Thứ tự này có ý nghĩa đặc biệt, tuyệt đối không nên đảo lộn. Hành giả Gotama đắc tam minh, giải thoát tri kiến và Ngài tuyên bố đã đắc giải thoát rốt ráo, vĩnh viễn không rơi vào vòng luân hồi lưu chuyển của sinh tử. Ngài tuyên bố mình là bậc giác ngộ viên mãn rốt ráo nhưng lại không phải là chủ tể của vạn vật hay đấng sáng tạo.
Không những thế, Ngài còn có thể phá vỡ truyền thống tu tập đương thời, phủ định mục tiêu tu hành tối cao là hòa hợp làm một với Phạm Thiên (Brahma) và phủ định giải thoát rốt ráo theo quan niệm của đạo khác.
Minh thứ nhất (paṭhama vijjā) là túc mệnh tri, từ Pāli vốn là pubbe-nivāsânussati-ñāṇa, Tỳ kheo Bodhi dịch sang tiếng Anh là “the knowledge of the recollection of past lives”. Pubbe có nghĩa là “trong quá khứ”, nivāsa có nghĩa là “nơi dừng chân, nơi nghỉ ngơi, trú xứ”, nghĩa mở rộng là “một kiếp sống”. Chúng sinh hữu tình luân hồi trong sáu đường sinh tử, cho dù là trong con đường nào, một lần từ khi sống đến khi chết là một kiếp sống. Mỗi kiếp sống được đánh dấu bằng một nơi dừng chân hoặc một trú xứ, cho nên nivāsa có nghĩa là một kiếp sống. Từ ghép này dùng số nhiều, nivāsā có nghĩa là “rất nhiều kiếp sống”, anussati có nghĩa là “tùy niệm” hoặc “ý niệm”, ñāṇa có nghĩa là “tri thức”. Do đó, minh đầu tiên, pubbe-nivās-ânussati-ñāṇa, dịch là “tri thức về ý niệm của rất nhiều kiếp sống trong quá khứ”, từ xưa đến nay Hán dịch là “Túc mệnh thông”, nghĩa là thông đạt, thông hiểu, biết được những việc trong các kiếp quá khứ.
Tri thức (ñāṇa) này là hồi tưởng về các kiếp sống trong quá khứ của mình. Ta cần chú ý rằng, ở đây chỉ các kiếp sống trong quá khứ của hành giả, không bao gồm các kiếp sống của chúng sinh hữu tình khác. Tri thức này đủ khả năng xóa bỏ sự mê tín truyền thống, nhận thức sai lầm của đạo khác về nguồn gốc của bản thân.
Đạo khác cho rằng con người có nguồn gốc từ một vị chủ tể tối cao của vạn vật, có người gọi chủ tể này là Phạm Thiên (Brahma), có người cho rằng đó là Đấng sáng tạo. Trong tín ngưỡng Ấn Độ, tư tưởng Veda và tư tưởng Upaniṣad có trước thời Đức Phật, đến tư tưởng Bà la môn giáo thời Đức Phật, rồi tư tưởng Ấn Độ giáo sau khi Phật nhập Niết bàn, mục tiêu cuối cùng của việc tu hành trong các hệ tư tưởng này là bản thân hành giả muốn được hợp nhất với Phạm Thiên (Brahma).
Khi hành giả Gotama đích thân thấy và biết được các kiếp sống trong quá khứ của mình, không chỉ 1 đời, 10 đời, thậm chí đến 100 đời, 1.000 đời, 10.000 đời, trải qua sinh, lão, bệnh, tử ở các cõi khác nhau, hành giả không còn tin vào quan niệm phổ biến đương thời, đó là chúng sinh hữu tình có nguồn gốc từ Brahma và cuối cùng lại quay trở về với Brahma.
Tri thức (sự hiểu biết) về các kiếp sống trong quá khứ của bản thân khiến ông không còn tin vào quan niệm truyền thống này. Tuy nhiên, tri thức đó mới chỉ dừng lại ở việc thấy được quá khứ của bản thân mình mà thôi, còn các loài chúng sinh hữu tình liệu có giống như mình đời đời kiếp kiếp lưu lạc trong dòng luân hồi không? Hành giả Gotama lại hướng tâm mình vào quan sát những chúng sinh hữu tình, rồi ông có được loại tri thức thứ hai, cũng tức là minh thứ hai.
Minh thứ hai (dutiya vijjā) là hữu tình sinh tử tri (sattānaṃ cut-ûpapāta-ñāṇa), Tỳ kheo Bodhi dịch Tiếng Anh là “the knowledge of the passing away and reappearance of beings”. Sattānaṁ có nghĩa là “các loài hữu tình”; cutûpapāta là từ ghép, tách ra là cuta-upapāta, cuta có nghĩa là “di chuyển, biến mất, chết”; nghĩa mở rộng là “từ một kiếp sống này chuyển sang một kiếp sống khác”, có nghĩa là “chết”, upapāta tương đương với upapatti, có nghĩa là “sinh, tái sinh”. Vì thế, minh thứ hai này, sattānaṁ cutûpapāta-ñāṇa, dịch là “tri thức về sự chết và tái sinh của các chúng sinh hữu tình”.
Từ xưa đến nay, Hán dịch là “Tử sinh trí minh” hoặc là “Thiên nhãn thông”, cũng có nghĩa là thấy được việc chết và đầu thai vào kiếp khác của các chúng sinh hữu tình, không chỉ 1 đời, 10 đời, thậm chí đến 100 đời, 1.000 đời, 10.000 đời như thế.
Tri thức này khiến hành giả Gotama tiến thêm một bước để hiểu được việc chúng sinh đầu thai vào cõi thiện hay hay cõi ác, xinh đẹp hay xấu xí, số phận may mắn hay không đều là quả báo của thân hành, khẩu hành và ý hành. Đặc biệt là việc tâm bị mê hoặc và nhiễm trước có ảnh hưởng rất lớn, dẫn dắt chúng sinh hữu tình lưu chuyển không ngừng nghỉ trong dòng luân hồi sinh tử. Tâm như vậy là tâm hữu lậu, nghĩa là nó có thể khiến cho chúng sinh từ kiếp sống này rơi rớt tiếp diễn ở những kiếp sống sau.
Nhận diện rõ nguồn gốc của bản thân mình và sự việc đến rồi đi của chúng sinh hữu tình khác, hành giả Gotama quyết định cắt đứt sợi dây dắt díu này, từ đó Ngài chứng đắc tri thức thứ ba, cũng tức là minh thứ ba.
Minh thứ ba (tatiya vijjā) là lậu tận tri (āsavānaṁ khaya-ñāṇa), tiếng Anh dịch là “the knowledge of the destruction of taints”. Āsavānaṁ nghĩa là “rò rỉ”, khaya nghĩa là “tiêu hao, tiêu diệt, suy thoái, hủy diệt”, vì thế minh thứ ba, āsavānaṁ khaya-ñāṇa dịch là tri thức tiêu diệt những gì còn sót lại. Từ xưa đến nay, Hán dịch là “Lậu tận thông”, cũng có nghĩa là biết khổ, biết nguồn gốc của khổ, biết diệt khổ và con đường để diệt khổ; biết lậu, nguồn gốc của lậu, diệt lậu và con đường để diệt lậu; lậu đã tận nghĩa là giải thoát rốt ráo.
Trong tất cả các kinh điển Nikāya Pāli, thứ tự chứng đắc tam minh nhất định đều giống như trên. Tam minh cũng gọi là tam thần thông (ba loại thần thông). Thần thông có rất nhiều loại, cũng có rất nhiều tác dụng nhưng xét về thực tiễn của giải thoát rốt ráo, thứ tự của tam minh này không thể đảo lộn.