Trực tiếp có được tri thức chân thật, tự biết, tự thấy các pháp chưa từng được nghe
Ba loại người tu hành phạm hạnh
Thời Đức Phật, trào lưu tu thiền và khổ hạnh rất phổ biến. Đức Phật đã quy nạp các hành giả này thành ba loại lớn. Ngài tự xếp mình vào loại thứ ba, nghĩa là người có thể tự biết và thấy các pháp chưa từng được nghe. Đức Phật đã kể lại quá trình học hỏi và tu chứng của mình để chứng minh cho điều ấy.
Bà la môn Saṅgārava tinh thông tam minh (tức ba bộ Kinh Vệ Đà) và các nghi thức cúng tế, ngữ vựng, âm vận học, ngữ nguyên học và lịch sử. Ông đồng thời cũng làu thông triết học tự nhiên và hiểu về 32 tướng của bậc đại nhân. Có thể khẳng định ông là tu sĩ điển hình của Bà la môn giáo.
Một hôm, ông ta thấy một phụ nữ Bà la môn bị vấp ngã, khi vội vàng đứng dậy, bà này miệng liền nhẩm ba lần “Đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc A La Hán, Chính Đẳng Giác (Bản A Hàm Hán dịch là “Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri”). Nghe xong, ông rất bực bội, mắng người phụ nữ Bà la môn kia không biết xấu hổ, thật là mất mặt; bản thân là một phụ nữ Bà la môn, bên cạnh đã có một vị giáo sĩ Bà la môn tinh thông tam minh mà lại còn khen ngợi ông Sa môn trọc đầu kia.
Người phụ nữ Bà la môn kia không những không tức giận mà còn nói: “Thưa giáo sĩ kính mến, Ngài không biết đức hạnh và trí tuệ của Thế Tôn. Nếu như Ngài biết đến đức hạnh và trí tuệ của Thế Tôn thì Ngài sẽ không khinh miệt, nhục mạ vị ấy”.
“Được, vậy khi nào Sa môn Gotama đến thôn này, bà hãy cho ta biết”.
Một ngày nọ, quả nhiên Đức Thế Tôn vân du đến thôn Caṇḍalakappa. Bà la môn Saṅgārava liền đến yết kiến Thế Tôn. Giáo sĩ Bà la môn hỏi thẳng vào vấn đề:
“Đại sư Gotama, có những Sa môn, Bà la môn sau khi chứng đắc tri thức trực tiếp hiện tiền (diṭṭha-dhammâbhiññā-vosāna-pārami-ppattā) một cách viên mãn rốt ráo rồi lại giảng giải pháp môn căn bản (ādi-brahmacariya) của việc tu tập phạm hạnh cho những người khác. Đại sư Gotama, Ngài thuộc loại các Sa môn, Bà la môn đó chăng?”
Phạm hạnh, tiếng Pāli là brahma-cariya, đây là danh từ mà tất cả các đạo khác đều sử dụng dưới thời Đức Phật. Phạm hạnh là có thể đạt đến cảnh giới hợp nhất với Đại Phạm Thiên, là mục tiêu rốt ráo của việc tu hành. Cách giải thích của các đạo khác vốn như thế, không giống với cách giải thích của Thế Tôn về khái niệm này. Thế Tôn lấy việc diệt trừ tham, sân, si, đoạn trừ hữu lậu, đắc giải thoát rốt ráo và Niết bàn làm mục tiêu.
Cách giải thích của các đạo khác về phạm hạnh cũng không giống nhau. Theo kinh này, khi Thế Tôn trả lời các chất vấn, trước tiên Ngài quy nạp tất cả Sa môn, Bà la môn thành ba loại lớn, sau đó mới nói rõ mình thuộc loại nào và dùng quá trình và kết quả tu chứng để chứng minh. Ba loại lớn đó là: loại truyền thống, loại duy tín và loại có thể tự mình biết và thấy được các pháp chưa từng nghe.
(i) Loại thứ nhất: loại truyền thống (anussa-vikā, cũng gọi là loại tùy văn), tức là những Bà la môn làu thông 3 bộ Kinh Vệ Đà. Họ đạt được thành tựu tối cao và viên mãn rốt ráo của tri thức trực tiếp. Họ dựa vào truyền thống truyền miệng để hoằng dương pháp môn tu tập phạm hạnh.
(ii) Loại thứ hai: loại duy tín (saddhāmattaka), thích tranh luận và nghiên cứu (Takki Vīmaṁsi). Họ là những người duy tín nhưng lại tự xưng mình đã chứng đắc viên mãn rốt ráo của “tri thức trực tiếp”. Họ chỉ dựa vào “tín” (niềm tin) để hoằng dương việc tu tập phạm hạnh.
(iii) Loại thứ ba: có thể dựa vào năng lực của mình để biết và thấy các pháp chưa từng nghe (ananussuta dhamma). Họ chứng đắc “tri thức trực tiếp” viên mãn rốt ráo và dùng năng lực, kinh nghiệm tự biết và thấy các pháp chưa từng nghe để dẫn dắt người khác tu tập phạm hạnh. Thế Tôn thuộc loại Sa môn thứ ba này. Vậy làm thế nào để biết, để chứng thực được điều này? Thế Tôn đã chứng minh bằng quá trình tu hành và chứng đắc tứ thiền, tam minh và giải thoát tri kiến của bản thân mình.
Bà la môn Saṅgārava dường như không tin tưởng lắm vào lời của Thế Tôn. Ông lại hỏi Thế Tôn một câu nữa để kiểm tra xem lời Đức Phật có đúng sự thực hay không? Liệu Đức Phật thực sự có năng lực biết và thấy các pháp chưa từng nghe không? Thế Tôn đã giải đáp câu hỏi của vị Bà la môn một cách đầy trí tuệ và cũng gạt bỏ được sự hoài nghi, thiếu tin tưởng trong lòng vị Bà la môn này.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Kinh Saṅgārava, M.II.209~213, Majjhima Nikāya no.100: Saṅgārava Sutta.
2. Kinh này hiện không có bản dịch tiếng Trung.
3. Bản dịch tiếng Anh, To Saṅgārava, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 819~822, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
Lời kết
Bốn kinh trên đã ghi chép chân thực việc Thế Tôn nhờ tứ thiền mà đắc tam minh và giải thoát tri kiến. Bốn kinh này đã mô tả việc Thế Tôn hồi tưởng lại quá trình tu chứng của bản thân trong bốn trường hợp khác nhau. Ba kinh trước thuật lại việc hành giả Gotama đã lựa chọn và từ bỏ các phương pháp tu hành như thế nào khi theo đuổi đạo giải thoát; kinh thứ tư làm nổi bật việc Thế Tôn làm thế nào để chứng thực được Thánh quả mà mình đạt được khác với những tu sĩ của các đạo khác như Bà la môn giáo hay Kỳ Na giáo.
Xem xét từ góc độ của chín cấp bậc thiền định đối với đạo giải thoát, bốn kinh trên đều có một điểm chung là Thế Tôn nhập vào tứ thiền và chứng đắc được tam minh, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác tri kiến, Thế Tôn không hề nhắc đến tứ vô sắc định và tưởng thọ diệt định.