Phần trước đã đề cập đến việc Đức Phật tự mô tả quá trình và kết quả tu chứng của mình, đó chính là tứ thiền, tam minh và giải thoát tri kiến. Nguồn gốc của bốn bài kinh này không giống nhau.
Kinh Sackacca hồi tưởng lại sự chế giễu của Nigantha;
Kinh Song Tầm là Đức Phật tự thuyết cho các Tỳ kheo (không có ai phát vấn);
Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm giải đáp cho câu hỏi của một vị Bà la môn, kết quả là vị ấy đã phát tâm quy y với Đức Phật;
Kinh Saṅgārava nói về việc Đức Phật chứng minh bản thân mình thuộc loại tu hành thứ ba cho một vị Bà la môn không tín phục Ngài.
Dù nguồn gốc của các bài thuyết pháp này không giống nhau nhưng việc ghi chép về quá trình và kết quả tu chứng đều nhất quán. Từ bốn kinh này, chúng ta có thể khẳng định Đức Phật chứng ngộ không hề dựa vào tứ vô sắc định và diệt tận định.
Trong chương hai, thông qua việc Đức Phật giáo hóa đệ tử, chúng ta xác nhận thêm rằng trong đạo giải thoát Đức Phật truyền dạy, việc chứng đắc giải thoát cứu cánh không nhất thiết phải chứng đắc tứ vô sắc định và tưởng thọ diệt định.
Ở đây, trước tiên chúng ta nên chú ý đến mối quan hệ giữa tưởng thọ diệt định và Niết bàn. Từ xưa đến nay, luôn có những tranh cãi xung quanh mối quan hệ này. Chúng ta không nên vội vàng đưa ra kết luận mà hãy điểm lại các kinh điển hiện còn, Kinh Nikāya và Kinh A Hàm, để xem Đức Phật đã tự thuật, truyền dạy, trả lời… như thế nào về tu thiền và giải thoát. Từ đó chúng ta mới tiến hành xem xét mối quan hệ giữa tưởng thọ diệt định và Niết bàn.
Trong Trung Nikāya, có bảy bài kinh liên quan đến việc Đức Thế Tôn dạy dỗ đệ tử phương pháp tu thiền. Những nội dung giáo huấn này có liên quan đến giải thoát rốt ráo ngay trong hiện tại, trong đó tu chứng thiền định và cảnh giới giải thoát đều nhất quán, tức là tứ thiền, tam minh và giải thoát tri kiến.