Hành giả tuân theo sự giáo hóa của Đức Phật, tu tập ở những nơi tĩnh lặng thì không khó để đạt được giải thoát tri kiến.
Bhaddali kiếp trước là một con bò nên còn vướng mắc tập khí cũ, kiếp này ông được Như Lai từ bi thương xót giáo giới.
Bản tiếng Pāli và bản Hán dịch của Kinh Bhaddali (Bhaddāli Sutta) đều lấy đối tượng thuyết pháp (Tỳ kheo Bhaddāli) làm tên kinh. Nguồn gốc của kinh này xuất phát từ việc Tỳ kheo Bhaddāli không vâng theo lời dạy ăn một lần trong ngày (eka-āsana-bhojana) của Đức Phật.
Đức Phật giải thích rằng ăn một lần trong ngày khiến cho Ngài ít bệnh tật đau đớn (appa-abādha), ít khổ não (appa-taṅka), nhẹ nhàng (lahu-uṭṭhāna), có sức lực (bala) và lạc trú (phāsu-vihāra). Vì vậy, Đức Phật đem kinh nghiệm này để chỉ dạy cho các đệ tử để họ học cách ăn một lần trong ngày. Từ điển cố này, ta có thể thấy quy định “không được ăn một ngày ba bữa” chưa được đặt ra ngay từ đầu khi các đệ tử theo tu học.
Nhưng Tỳ kheo Bhaddāli lại nói rằng việc chỉ ăn một lần trong ngày khiến tâm ông ta khởi lên sự lo lắng (kukkucca), khó khăn và buồn rầu (vippaṭisāra). Đức Phật từ bi cho phép ông ta ăn tại nơi cúng dường một phần và để một phần ăn sau. Nhưng Tỳ kheo Bhaddāli vẫn không hài lòng với lời khuyên này của Đức Phật. Ông ta ngang nhiên nói rằng mình sẽ không tuân theo quy định ăn chỉ một lần. Suốt ba tháng an cư, ông ta không đi yết kiến Đức Phật (Tất cả các đệ tử đều tinh tấn tu hành trong ba tháng an cư kết hạ).
Trước khi kết hạ, các Tỳ kheo may ba y cho Đức Phật để sau mùa an cư Ngài có thể vân du. Tỳ kheo Bhaddāli đã đi gặp các Tỳ kheo này. Họ khuyên ông nên đi sám hối với Đức Phật, yêu cầu ông hãy xem xét lại quyết định của mình để tránh mang lại những phiền não lớn hơn về sau. Tỳ kheo Bhaddāli liền đến gặp Đức Phật xin sám hối.
Đức Phật chỉ cho Tỳ kheo Bhaddāli thấy những tu sĩ không vâng theo sự giáo huấn của Ngài, đặc biệt là việc ăn chỉ một lần, thì dù cho họ có xa rời quần chúng để sống ẩn cư trong rừng sâu, ngồi nơi gốc cây hoặc trên núi, trong sườn núi, hang núi, hay ở nghĩa địa, rừng cây, bãi đất trống, trú ở lều cỏ… họ cũng không thể đạt đến pháp hơn người, tức chứng tri kiến của bậc Thánh.
Vị Tỳ kheo nào không vâng theo lời giáo huấn của Thế Tôn, không những bị thầy của họ khiển trách mà còn bị các Tỳ kheo đồng tu khác trách móc, chư Thiên cũng đến trách mắng, thậm trí họ còn tự trách bản thân mình. Trong hoàn cảnh đó, họ không thể chuyên tâm tu tập, càng không thể đạt đến pháp hơn người, tức chứng tri kiến của bậc Thánh.
Ngược lại, những Tỳ kheo thực hiện lời dạy của Đức Phật một cách nghiêm cẩn, dù cho họ có muốn ẩn cư trong rừng sâu, ngồi nơi gốc cây hoặc trên núi, trong sườn núi, hang núi hay ở nghĩa địa, rừng cây, bãi đất trống, trú ở lều cỏ… họ đều có thể đạt được pháp hơn người, tức chứng tri kiến của bậc Thánh.
Những Tỳ kheo tuân thủ lời giáo huấn của Thế Tôn, không bị thầy của họ khiển trách, không bị các bạn đồng tu trách móc, không bị chư Thiên trách mắng, họ cũng không tự trách bản thân. Vì vậy, họ có thể yên tâm tinh chuyên tu hành, như vậy có thể khiến họ đạt được pháp hơn người, tức chứng tri kiến của bậc Thánh. Họ lần lượt chứng đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và tiến thêm một bước chứng đắc túc mệnh tri, hữu tình sinh tử tri và giải thoát tri kiến.
Nói một cách khác, Đức Phật hướng dẫn các đệ tử làm thế nào để hình thành các thói quen sinh hoạt, từ các thói quen sinh hoạt đó tiếp tục bồi dưỡng, vun đắp thành các năng lực ở tầng bậc cao hơn, nhờ những năng lực đó mà đạt đến giải thoát rốt ráo. Tuy nhiên, kinh này chủ yếu ghi chép việc Tỳ kheo Bhaddāli không tiếp nhận lời dạy của Đức Phật về việc rèn luyện các thói quen sinh hoạt. Bài kinh tiếp theo Đức Phật chỉ ra sự vô dụng trong phương pháp tu của các đạo khác và một lần nữa nhấn mạnh thành quả do việc tu trì tứ thiền mang lại.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Kinh Bhaddāli M.I.437 ~ 447, Majjhima Nikāya no.65: Bhaddāli Sutta.
2. Bản Hán dịch, Kinh Trung A Hàm - Kinh Bạt Đà Hòa Lợi, T01.746b~749b.
3. Bản dịch tiếng Anh, To Bhaddāli, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 542~550, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
Hiểu biết nhiều hơn
1. Nhân duyên kiếp trước của Bhaddāli
Theo Từ Điển Danh Từ Chuyên Dụng Tiếng Pāli (Dictionary of the Pāli Proper Names), kiếp trước Tỳ kheo Bhaddāli là một con bò và 30 kiếp trước từng xây Tăng phòng cúng dường Phật Thiện Trí (Sumedho Buddho). Nhờ nhân duyên cúng dường nên kiếp này Bhaddāli được xuất gia với Đức Phật, nhưng vì kiếp trước từng là một con bò nên kiếp này vẫn còn tập tính của bò, ngày đêm nhai đi nhai lại không ngừng, không thể tuân theo lời giáo huấn ăn một lần trong ngày.
Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, bò có hệ dạ dày kép, gồm 4 túi: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, dạ múi khế. Bò là loài động vật nhai lại. Nhai lại là một chuỗi hành động, thức ăn sau khi ăn được nuốt xuống dạ cỏ và lên men ở đó. Phần thức ăn chưa được nhai kỹ nằm trong dạ cỏ và dạ tổ ong thỉnh thoảng lại được ợ lên khoang miệng với những miếng không lớn và được nhai kỹ lại ở miệng. Khi đã được nhai lại kỹ và thấm nước bọt, thức ăn được nuốt trở lại dạ cỏ. Ước tính một con bò ăn no, mỗi ngày có khoảng 1.000 mẩu thức ăn được ợ lên khoang miệng, có khoảng 50.000 lần nhai, vì trong cỏ có chứa nhiều chất xơ, khi thức ăn được nhai kỹ sẽ giúp ích cho tiêu hóa. (http:// www.angrin.tlri.gov.tw/cow/dhi81/dhi81P47.htm)
2. Tại sao càng ngày lại càng nhiều các Giới điều?
Tỳ kheo Bhaddāli lại hỏi Đức Phật, tại sao trước đây lúc giới điều còn ít thì các Tỳ kheo chứng đắc cứu cánh trí nhiều, mà ngày nay giới điều ngày càng nhiều nhưng các Tỳ kheo chứng đắc cứu cánh trí lại rất ít. Thế Tôn giải đáp rằng: Khi chúng sinh dần dần đọa lạc và các pháp chân thực dần dần biến mất thì giới điều tăng nhiều mà các Tỳ kheo chứng đắc cứu cánh trí lại rất ít.
Ngay từ ban đầu, Thế Tôn đã không đặt ra giới điều cho các đệ tử mà mãi cho đến khi trong Tăng đoàn xuất hiện vấn đề/hiện tượng nào đó và khi các vấn đề/hiện tượng này là nguồn gốc của những điều xấu (āsavaṭṭhāniyā dhammā) thì lúc đó, Thế Tôn mới chế định ra giới điều để các đệ tử của mình hành trì mọi việc được tốt đẹp.
3. Thế Tôn lấy việc thuần chủng ngựa để ví với phương pháp giáo hóa đệ tử
Thế Tôn đã từng thuyết pháp về ví dụ thuần chủng ngựa cho một số đệ tử, nhưng Tỳ kheo Bhaddāli nói rằng ông ta không nhớ ví dụ này, vì ông không tuân theo lời giáo huấn của Đức Phật. Đức Phật nói đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Thực ra trước đó rất lâu, nhờ tha tâm thông (cetasā ceto paricca vidito), Đức Phật biết được rằng trong lúc Ngài thuyết pháp, Tỳ kheo Bhaddāli không chú ý, không để tâm, cũng không cung kính lắng nghe. Dù rằng như vậy, Thế Tôn vẫn rất từ bi nói lại cho ông ta nghe một lần nữa ví dụ này: Có một người huấn luyện ngựa lão luyện, ông ta có được một con tuấn mã thuần chủng. Đầu tiên, ông đeo hàm thiếc (mukhādhāna) cho nó, huấn luyện nó quen với việc đeo hàm thiếc. Nhưng vì con ngựa từ nhỏ chưa từng đeo hàm thiếc bao giờ, nó lắc phải quay trái, chồm lên chùn xuống, chần chừ lưỡng lự, cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp đó, dường như không thể thích nghi. Trải qua một thời gian lắp đi lắp lại hàm thiếc, nó dần dần được huấn luyện và bình tĩnh, thích nghi với việc đeo hàm thiếc.
Kế đến, người huấn luyện ngựa lại cho nó đeo yên ngựa. Vì chưa từng đeo yên ngựa nên nó cũng lắc phải quay trái, vùng vẫy, chần chừ, cố gắng thoát khỏi yên cương và cảm giác khó chịu do yên cương mang lại. Sau một thời gian, nó cũng dần bình tĩnh và thích nghi.
Sau đó, người huấn luyện ngựa mới bắt đầu huấn luyện nó đi từng bước chậm rãi, chạy vòng tròn, nhảy vọt, chạy băng băng, xung phong, các tư thế và những trò chơi vương giả, chạy nước kiệu, phi nước đại, đi trình diễn kiểu vừa cao quý vừa nhẹ nhàng. Mỗi lần bắt đầu một bài tập mới, nó đều tỏ ra khó thích nghi nhưng cuối cùng cũng trở nên thành thục.
Khi con ngựa đã bình tĩnh, thích nghi, thành thục với các động tác trên, người huấn luyện ngựa sẽ vỗ về, tắm rửa sạch sẽ cho nó. Khi đã đầy đủ những điều kiện nói trên, con ngựa mới nhận được sự chăm sóc, coi trọng như trong hoàng gia, cũng có nghĩa là trở thành một trong những vật phẩm đi kèm mà những người trong hoàng gia cần có.