Hạnh làm tăng trưởng các thiện pháp là hạnh chân chính
Những hình thức khổ hạnh kỳ quái không phải là đạo giải thoát
Khổ hạnh và lạc hạnh sao cho phù hợp nhất là được
Kinh Devadaha là kinh Đức Phật tự thuyết, không có Tỳ kheo nào đưa ra câu hỏi. Thế Tôn và các Tỳ kheo nhắc lại cuộc đối thoại giữa Ngài và các đệ tử Nigaṇṭhā. Khi đó, Thế Tôn cùng các Tỳ kheo vân du đến Devadaha, một thành phố của nước Tát Ca, tên kinh trong Pāli Nikāya được đặt theo địa danh này, còn bản dịch Trung A Hàm thì đặt tên theo đối tượng mà Đức Phật hồi tưởng. Đức Phật nhớ lại cuộc đối thoại giữa Ngài và các đệ tử của Nigaṇṭhā. Bản Hán dịch Kinh Ni Càn được đặt theo tên của Nigaṇṭhā.
Đức Phật chỉ ra phương pháp tu hành của Nigaṇṭhā không hiệu quả. Ngược lại, các đệ tử của Đức Phật thực tu (upakkama) theo sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền đều có hiệu quả (sa-phala), nỗ lực (padhāna) như vậy sẽ có hiệu quả. Cũng như các kinh nêu trên, kinh này đề cập đến việc chứng đắc tam minh và giải thoát tri kiến từ tứ thiền.
Đầu tiên, Thế Tôn nói rằng có một số Sa môn, Bà la môn chấp chặt vào những hiểu biết sai lầm, đặc biệt là quan điểm của phái Nigaṇṭhā cho rằng mọi cảm thọ đều do nghiệp tạo tác trong quá khứ. Hơn nữa, chỉ có khổ hạnh mới có thể trừ bỏ được các nghiệp trong quá khứ, không tạo nghiệp mới ở hiện tại thì cũng không dẫn đến quả trong tương lai; nghiệp diệt thì khổ diệt.
Thế Tôn đã dùng kinh nghiệm cuộc sống của mình để phá bỏ quan điểm sai lầm của phái Nigaṇṭhā. Kinh này thể hiện rõ sự khác biệt trong quan niệm về nghiệp giữa Phật giáo và các đạo khác. Thế Tôn cho rằng sự tinh cần, nỗ lực tu hành trong hiện tại có thể đem đến quả trong hiện tại, diệt tận các khổ đau.
Nói cách khác, ở đây Thế Tôn lại một lần nữa khẳng định tứ thiền cũng đủ để mang lại giải thoát rốt ráo cho hành giả, đắc được quả A la hán. Trong Kinh Kandaraka sẽ thảo luận dưới đây, Đức Phật cho rằng xã hội có bốn loại người, và loại người thứ tư là đệ tử của Phật. Đức Phật phân tích sâu thêm loại người này thành tựu như thế nào. Điều này thể hiện rõ tứ thiền là một trong bốn điều kiện mà loại người này tu hành thành tựu.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Kinh Devadaha, M.II.214~228, Majjhima Nikāya no.101: Devadaha Sutta.
2. Bản Hán dịch, Kinh Trung A Hàm - Kinh Ni Càn, T01.442b~445a.
3. Bản dịch tiếng Anh, At Devadaha, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 827~828, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
Hiểu biết nhiều hơn
Dưới đây, Thế Tôn phê bình phương pháp tu hành của các đạo khác, đặc biệt là phương pháp diệt khổ của phái Nigaṇṭhā. Từ đây ta có thể thấy được sự khác biệt vi tế về quan niệm nghiệp giữa đạo Phật và các đạo khác.
Thế Tôn nói cho các Tỳ kheo biết quan điểm của Nigaṇṭhā: Này các Tỳ kheo, có những Sa môn, Bà la môn biết như thế này và thấy như thế này: “Tất cả những cảm thọ của con người, hoặc lạc thọ, khổ thọ hoặc không lạc không khổ thọ, đều là do tạo tác từ trong quá khứ. Cho nên, phải lấy khổ hạnh (tapasa) để tiêu trừ nghiệp quá khứ, không tạo nghiệp mới trong hiện tại, vì thế sẽ không có quả trong tương lai. Khi không có quả báo trong tương lai nghĩa là nghiệp cũng bị diệt, tức là khổ diệt; khi khổ diệt thì thọ diệt, khi thọ diệt cũng chính là diệt trừ tận gốc rễ khổ”.
Vì sao phương pháp tu hành của Nigaṇṭhā không đưa đến quả báo chân chính?
Thế Tôn chất vấn các đệ tử của Nigaṇṭhā, từ đó chỉ ra nhận thức sai lầm của họ:
- Anh có biết trong quá khứ anh có tồn tại hay không?
- Không biết!
- Anh có biết trong quá khứ anh tạo ác nghiệp và không ngăn chặn ác nghiệp hay không?
- Không biết!
- Anh có biết trong quá khứ có rất nhiều khổ đau chưa được diệt trừ, còn rất nhiều khổ đau cần được diệt trừ, hoặc có rất nhiều khổ đau đã được diệt trừ, vậy thì mọi nỗi khổ đau đều sẽ được diệt trừ chăng?
- Không biết!
- Anh có biết thế nào là nên buông bỏ các pháp ác, bất thiện trong hiện tại không?
- Không biết!
- Anh có biết thế nào là tu các thiện pháp trong hiện tại không?
- Không biết!
- Nếu anh không biết “trong quá khứ anh có tồn tại, các nghiệp ác anh tạo trong quá khứ... thậm chí... không biết thế nào là các thiện pháp đang tu trong hiện tại” mà anh lại nói rằng “Khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ của mọi cá nhân đều là vì những nghiệp đã tạo tác trong quá khứ... thậm chí... khổ diệt thì thọ diệt, thọ diệt tức là mọi khổ đều diệt” thì quan điểm này của anh không thỏa đáng.
Nhưng nếu anh biết “trong quá khứ anh tồn tại, các nghiệp ác anh đã tạo tác trong quá khứ… thậm chí... biết thế nào là tu các thiện pháp trong hiện tại” và anh nói rằng “Khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ đều do những nghiệp đã tạo tác trong quá khứ... thậm chí... khổ diệt tức thọ diệt, thọ diệt tức tất cả khổ diệt” thì quan điểm này hợp lý.
Thế Tôn lấy ví dụ để chỉ trích phái Nigaṇṭhā:
“Cũng giống như một người bị trúng mũi tên độc nên rất đau đớn, quằn quại, vật vã. Bác sĩ làm phẫu thuật giúp anh ta lấy mũi tên độc ra, đắp thuốc, băng bó. Cả quá trình này, anh ta cũng đau đớn, quằn quại, vật vã”.
Sau một thời gian, vết thương lành lại. Người đó hồi phục sức khỏe, tâm trạng vô cùng vui vẻ, hành động tự do tự tại. Anh ta nhớ lại cảm giác đau đớn vì trúng mũi tên độc, cả quá trình chữa trị cũng vô cùng đau đớn, hiện tại do vết thương đã lành mà anh ta khỏe mạnh, vui vẻ”.
Đức Phật một lần nữa nhấn mạnh:
“Nếu anh không biết “trong quá khứ anh có tồn tại, các nghiệp ác anh tạo trong quá khứ... thậm chí... không biết thế nào là các thiện pháp đang tu trong hiện tại” mà anh lại nói rằng “khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ của mọi cá nhân đều là vì những nghiệp đã tạo tác trong quá khứ... thậm chí... khổ diệt là thọ diệt, thọ diệt tức là mọi khổ đều diệt” thì quan điểm này không hợp lý”.
Lời nói của bậc Thầy nổi tiếng có chân thực không?
Các đệ tử của Nigaṇṭhā không cam chịu đuối lý, vẫn cố gắng đề cao quan điểm của thầy mình để phản bác lại ý kiến của Thế Tôn:
Này người anh em, Nigaṇṭha Nāṭaputta là bậc Nhất thiết trí (sabbaññu/bậc hiểu biết tất cả), là bậc Nhất thiết kiến giả (sabba-dassāvi/bậc thấy tất cả), là bậc thấy và biết đầy đủ không sót như vậy (a-parisesa ñāṇa-dassana): “Dù ta có đi, đứng, ngủ, thức thì tri và kiến vẫn được tiếp tục, không ngừng nghỉ trong hiện tại”.
Thầy chúng tôi đã nói: “Này các Nigaṇṭhā, những nghiệp ác mà các anh đã tạo tác trong quá khứ, hãy để những hạnh khó thực hiện, khắc nghiệt trong các hạnh diệt trừ chúng. Khi anh có thể khắc chế thân, khẩu, ý trong hiện tại chính là không tạo các ác nghiệp trong tương lai. Cho nên lấy khổ hạnh để diệt trừ các nghiệp quá khứ, hiện tại không tạo thêm nghiệp mới thì không có quả báo trong tương lai. Không có quả báo trong tương lai thì mọi nỗi khổ đều được tiêu diệt”.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm này, cũng chấp nhận cách giải thích này, nên chúng tôi thấy rất hài lòng.
Các đệ tử của Nigaṇṭhā đã phản bác lại Thế Tôn như vậy và một mực cho rằng phương pháp giải thoát của thầy mình, Nigaṇṭhā, là chính xác. Điều này cho thấy họ không nhận ra sai lầm mà Thế Tôn đã chỉ cho họ. Thế Tôn tiếp tục chất vấn để đả phá quan điểm của họ, lần này thì đệ tử của Nigaṇṭhā không còn lời nào để biện hộ nữa.
“Này các Nigaṇṭhā, có năm việc trong hiện tại có thể dẫn đến hai loại kết quả (dvidhā-vipāka): niềm tin (saddhā), công nhận (ruci), truyền miệng/ tùy văn, tức là điều được nghe (anussava), tư duy lý tính (ākāra-parivitakka), hiểu biết được chấp nhận sau khi suy nghĩ thấu đáo (diṭṭhi-nijjhāna- kkhanti). Năm việc trong hiện tại này sẽ sản sinh ra hai loại kết quả. Các Nigaṇṭhā, niềm tin của các ông đối với thầy mình là loại niềm tin nào? Là loại công nhận nào? Là loại truyền miệng nào? Là loại tư duy lý tính nào? Là loại hiểu biết được chấp nhận sau khi suy nghĩ thấu đáo nào?”
Các Nigaṇṭhā không thể đáp lại.
Năm việc này dẫn đến hai loại kết quả, rốt cuộc là hai loại kết quả nào, lần này Thế Tôn không hề nói rõ, các Tỳ kheo cũng không ai đặt câu hỏi. Trong Kinh Caṅkī (Caṅkī Sutta, kinh này không có bản Hán dịch), Thế Tôn trả lời Bà la môn trẻ Kāpaṭhika Bhāradvāja (làu thông ba bộ Kinh Vệ Đà) và thuyết giảng thế nào là hai kết quả của năm việc khi hộ trì và phát hiện chân lý.
Như yếu tố lòng tin, có một số việc hoàn toàn là vì có lòng tin nên chấp nhận việc đó nhưng nó có thể là trống rỗng, không thực; tuy nhiên, cũng có những việc hoàn toàn vì tin mà chấp nhận và việc đó cũng có thể chân thực, xác đáng, không sai lầm. Có những việc vì được công nhận, hoặc khẩu truyền, hoặc tư duy, hoặc sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thì chấp nhận nó, đều có thể dẫn đến một trong hai kết quả này, hoặc là trống rỗng, không chân thực hoặc là chân thực, không sai lầm. Trong hoàn cảnh này thể hiện người đó còn chút do dự đối với chân lý, chưa thực sự phát hiện ra chân lý.
Phê bình những lời không chân thực của Nigaṇṭhā
Các đệ tử của Nigaṇṭhā không thể tranh biện lại với Thế Tôn, Thế Tôn cũng không làm khó hay làm mất mặt họ; ngược lại, Ngài còn đưa ra hai vấn đề để họ thấy được nhận thức sai lầm của thầy mình. Thế Tôn dùng những cảm thọ đang sinh khởi trong hiện tại để xóa bỏ và lật đổ hiểu biết sai lầm rằng khổ hạnh có thể diệt trừ được nghiệp trong quá khứ của Nigaṇṭhā.
(1) Khổ hạnh của Nigaṇṭhā không thể diệt trừ được nghiệp
Thế Tôn hỏi: “Khi anh tinh tấn tu tập vô cùng nỗ lực, anh có vì thế mà cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại?
Khi anh không tinh tấn tu tập, không nỗ lực, liệu anh có cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại?”
Nigaṇṭhā trả lời:
“Có, khi ta tinh tấn tu tập, vô cùng nỗ lực cố gắng, ta vì thế mà cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại; khi ta không tinh tấn tu tập, không nỗ lực cố gắng, ta không cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại”.
Thế Tôn lại hỏi:
“Nếu vậy, anh nói rằng: “Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ của mọi cá nhân đều là vì các nghiệp đã tạo trong quá khứ. Vì vậy, lấy khổ hạnh để diệt trừ các nghiệp trong quá khứ, không tạo nghiệp mới trong hiện tại thì không có quả báo trong tương lai. Không có quả báo trong tương lai thì mọi nỗi khổ đều bị tiêu diệt tận gốc rễ”. Quan điểm này không thỏa đáng.
“Khi anh tinh chuyên tu tập, nỗ lực cố gắng, anh vì thế mà cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại; khi anh không tinh chuyên tu tập, không nỗ lực cố gắng, anh vẫn cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại”. Vậy thì các đệ tử của anh nói rằng: “Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ của mọi cá nhân đều là vì các nghiệp đã tạo trong quá khứ. Vì vậy, lấy khổ hạnh để diệt trừ các nghiệp trong quá khứ, không tạo nghiệp mới trong hiện tại thì không có quả báo trong tương lai. Không có quả báo trong tương lai thì mọi nỗi khổ đều bị tiêu diệt tận gốc rễ”. Quan điểm này thỏa đáng.
“Khi anh tinh chuyên tu tập, nỗ lực cố gắng, anh vì thế mà cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại; khi anh không tinh chuyên tu tập, không nỗ lực cố gắng, anh không cảm thấy đau đớn, vật vã, quằn quại”. Vậy thì các đệ tử của anh nói rằng: “Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ của mọi cá nhân đều là vì các nghiệp đã tạo trong quá khứ. Vì vậy, lấy khổ hạnh để diệt trừ các nghiệp trong quá khứ, không tạo nghiệp mới trong hiện tại thì không có quả báo trong tương lai. Không có quả báo trong tương lai thì mọi nỗi khổ đều bị tiêu diệt tận gốc rễ”. Quan điểm này không thỏa đáng”.
(2) Loại nghiệp mà dù có tinh cần, cố gắng nỗ lực cũng không thể thay đổi
Thế Tôn lại chất vấn:
“Nếu có một nghiệp mà quả báo của nó có thể thọ ở đời này, thì liệu có thể dựa vào sự chuyên cần (upakkama) và nỗ lực (padhāna) để chuyển nhận nghiệp này trong đời sau không?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó đáng ra phải thọ ở đời sau, liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để nhận nghiệp đó ở đời này không?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó là lạc, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành khổ không?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó là khổ, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành lạc chăng?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó đã chín muồi, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành quả chưa chín chăng?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó chưa chín muồi, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành quả đã chín chăng?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó là đa thọ, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành quả thiểu thọ chăng?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó là thiểu thọ, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành quả đa thọ chăng?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó không thể thọ nhận, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành quả có thể thọ nhận chăng?”
“Không thể!”
“Nếu có một nghiệp mà quả của nó có thể thọ nhận, thì liệu có thể nhờ vào sự chuyên cần và nỗ lực để biến nó thành quả không thể thọ nhận chăng?”
“Không thể”.
Thế Tôn liền đưa ra một kết luận nhỏ:
“Vậy thì sự chuyên cần của Nigaṇṭhā không có kết quả gì (a-phala upakkama), sự nỗ lực của Nigaṇṭhā cũng chẳng có kết quả gì (a-phala padhāna)”.
Thế Tôn chỉ ra rằng nếu Nigaṇṭhā biết như vậy và thấy như vậy thì có thể dẫn đến 10 loại suy luận bị phê phán, khiển trách:
(1) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do nghiệp tạo tác trong quá khứ (pubbe-kata-hetu), vậy thì Nigaṇṭhā nhất định đã tạo ra nghiệp ác trong quá khứ vì hiện tại ông và các đệ tử thọ nhận sự đau đớn, vật vã, quằn quại.
(2) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do một đấng sáng tạo tối cao tạo ra (issara-nimmāna-hetu), vậy thì Nigaṇṭhā nhất định được tạo ra bởi một ác thần vì hiện tại ông ta và các đệ tử vẫn còn thọ nhận đau đớn, vật vã, quằn quại.
(3) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do vận may (saṅgati-bhāva- hetu), vậy thì Nigaṇṭhā nhất định không có vận may vì hiện tại ông ta và các đệ tử vẫn còn thọ nhận đau đớn, vật vã, quằn quại.
(4) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do đặc tính chủng tộc (abhijāti-hetu), vậy thì Nigaṇṭhā nhất định thuộc chủng tộc giai cấp thấp vì hiện tại ông ta và các đệ tử vẫn còn thọ nhận đau đớn, vật vã, quằn quại.
(5) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do nỗ lực, chăm chỉ (diṭṭha-dhammūpakkama-hetu), vậy thì Nigaṇṭhā chắc chắn đã không chuyên cần vì hiện tại ông ta và các đệ tử vẫn còn thọ nhận đau đớn, vật vã, quằn quại.
(6) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do nghiệp tạo tác trong quá khứ, vậy thì Nigaṇṭhā đáng bị khiển trách; nếu không phải như vậy thì Nigaṇṭhā vẫn đáng bị khiển trách.
(7) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do vị thần sáng tạo tối cao tạo ra, vậy thì Nigaṇṭhā đáng bị khiển trách; nếu không phải như vậy thì Nigaṇṭhā vẫn đáng bị khiển trách.
(8) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do vận may, vậy thì Nigaṇṭhā đáng bị khiển trách; nếu không phải như vậy thì Nigaṇṭhā vẫn đáng bị khiển trách.
(9) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do đặc tính chủng tộc, vậy thì Nigaṇṭhā đáng bị khiển trách; nếu không phải như vậy thì Nigaṇṭhā vẫn đáng bị khiển trách.
(10) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do chăm chỉ, nỗ lực, vậy thì Nigaṇṭhā đáng bị khiển trách; nếu không phải như vậy thì Nigaṇṭhā vẫn đáng bị khiển trách.
Khổ hạnh và lạc hạnh đúng đắn
Thế Tôn nói rằng sự chăm chỉ, nỗ lực của Nigaṇṭhā đều không có kết quả, vậy thì sự chăm chỉ và nỗ lực có hiệu quả là như thế nào? Thế Tôn giải thích rằng sự tinh cần và nỗ lực của đệ tử Phật có thể mang lại kết quả. Đối diện với khổ hạnh, các Tỳ kheo tu tập như sau: Tỳ kheo không bị khổ làm cho điên đảo, không để khổ áp đảo mình; người đó không buông bỏ niềm vui đúng với chánh pháp và cũng không bị chìm đắm vào niềm vui đó.
“Người đó biết như vậy: Khi ta quyết tâm tinh cần, nguyên nhân của nỗi khổ này biến mất là vì lòng quyết tâm tinh cần của ta; khi ta lấy tâm buông bỏ để quán chiếu, khi ta nuôi dưỡng tâm buông bỏ này thì nguyên nhân của nỗi khổ cũng biến mất”.
Thế Tôn lấy một ví dụ: Một chàng trai yêu sâu sắc một cô gái, khi anh ta nhìn thấy cô gái trò chuyện, cười đùa với chàng trai khác, anh ta sẽ cảm thấy như thế nào? Chắc chắn anh ta sẽ vô cùng đau khổ và buồn bã. Trong lòng chàng trai nghĩ rằng: “Ta yêu sâu sắc người con gái này, khi cô ấy trò chuyện, cười đùa với người con trai khác, ta vô cùng đau khổ, buồn bã. Nếu ta không yêu cô ấy thì sao?” Anh ta liền buông bỏ cô gái đó, không còn yêu cô ta nữa. Sau đó, khi anh ta nhìn thấy cô gái này nói chuyện, cười đùa với người con trai khác, anh ta không còn cảm thấy đau khổ hay buồn bã nữa.
Tỳ kheo cũng như vậy, không bị nỗi khổ làm cho điên đảo hay áp đảo mình, không buông bỏ niềm vui đúng chánh pháp, cũng không bị đắm chìm vì niềm vui này. Vị đó hiểu rõ rằng khi quyết tâm tinh cần diệt nguyên nhân của nỗi khổ thì nỗi khổ sẽ biến mất. Khi bản thân tu tập tâm buông bỏ, nguyên nhân khổ cũng sẽ biến mất. Nỗi khổ sinh khởi và biến mất được quyết định do bản thân mình.
Khi Tỳ kheo đối diện với lạc hạnh thì nên tu tập như sau:
Tỳ kheo tư duy như sau: “Khi ta an trú trong lạc hạnh, pháp bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm sút; khi ta tu khổ hạnh, pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện suy giảm, ta cớ gì lại không tu khổ hạnh?”
Tỳ kheo đó tu khổ hạnh như vậy, pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện suy giảm. Sau một thời gian, Tỳ kheo đó không còn tu khổ hạnh nữa.
Vì sao? Vì mục đích tu hành khổ hạnh đã đạt được. Giống như một người thợ làm tên làm nóng thân mũi tên giữa hai ngọn lửa để cho mũi tên thẳng và có thể sử dụng. Sau khi nhiệm vụ này hoàn thành, anh ta không cần phải làm nóng mũi tên nữa, vì mục đích làm nóng mũi tên đã đạt được.
Tinh cần theo hai phương pháp này sẽ giúp ích rất nhiều; nỗ lực theo hai phương thức này sẽ gặt hái những kết quả to lớn.
Sự nỗ lực này sẽ thành tựu sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, túc mệnh tri, hữu tình sinh tử tri, lậu tận tri và giải thoát tri kiến (giống như Kinh Kandaraka thuật lại).
Phương pháp tu tập của Thế Tôn có thể đạt được 10 loại suy luận và được khen ngợi:
(1) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do nghiệp trong quá khứ (pubbe-kata-hetu), vậy thì Đức Phật nhất định đã tạo những nghiệp thiện trong quá khứ vì hiện tại Đức Phật cảm thọ niềm vui vô nhiễm (niềm vui không bị nhiễm trước, không bị đắm nhiễm).
(2) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do một đấng sáng tạo tối cao tạo ra (issara-nimmāna-hetu), vậy thì Đức Phật nhất định được tạo ra bởi một thiện thần vì hiện tại Đức Phật thọ nhận niềm vui vô nhiễm.
(3) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do vận may (saṅgati- bhāva-hetu), vậy thì Đức Phật nhất định rất may mắn vì hiện tại Đức Phật thọ nhận niềm vui vô nhiễm.
(4) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do đặc tính chủng tộc (abhijāti-hetu), vậy thì Đức Phật nhất định thuộc chủng tộc giai cấp cao vì hiện tại Đức Phật thọ nhận niềm vui vô nhiễm.
(5) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do sự tinh cần trong hiện tại (diṭṭha-dhammūpakkama-hetu), vậy thì Đức Phật chắc chắn đã rất tinh cần vì hiện tại Đức Phật thọ nhận niềm vui vô nhiễm.
(6) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do nghiệp tạo tác trong quá khứ, vậy thì Đức Phật đáng được khen ngợi; nếu không phải như vậy thì Đức Phật cũng đáng được khen ngợi.
(7) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do vị thần sáng tạo tối cao tạo ra, vậy thì Đức Phật đáng được khen ngợi; nếu không phải như vậy thì Đức Phật cũng vẫn đáng được khen ngợi.
(8) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do vận may, vậy thì Đức Phật đáng được khen ngợi; nếu không phải như vậy thì Đức Phật cũng đáng được khen ngợi.
(9) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do đặc tính chủng tộc, vậy thì Đức Phật đáng được khen ngợi; nếu không phải như vậy thì Đức Phật vẫn đáng được khen ngợi.
(10) Nếu các cảm thọ như lạc thọ và khổ thọ mà các loài hữu tình thọ nhận là do tinh cần, vậy thì Đức Phật đáng được khen ngợi; nếu không phải như vậy thì Đức Phật vẫn đáng được khen ngợi.