Điều kiện để khởi phát và làm viên mãn tính giác
Như Lai nói rằng xã hội có 4 loại người, ai cũng có thể trở thành loại người thứ tư
Kinh Kandaraka chỉ có bản tiếng Pāli, không có bản Hán dịch. Kinh này bắt đầu từ việc Pessa (con của một người huấn luyện voi) và du sĩ Kandaraka, hai người cùng đến yết kiến Đức Phật. Sau khi quan sát một lượt Thế Tôn và tăng chúng, Kandaraka khen ngợi Thế Tôn Gotama hiện tại có thể hướng dẫn chúng tăng tu hành một cách đúng đắn và sáng suốt, các vị Phật quá khứ và tương lai cũng như vậy.
Thế Tôn ca ngợi Kandaraka có cái nhìn nhạy bén và cũng chỉ ra cả bậc hữu học và bậc vô học trong chúng tăng đều tu tập và an trú trong Tứ niệm xứ. Pessa cũng ca ngợi sự tu tập theo Tứ niệm xứ. Đức Phật khoan thai thuyết giảng rằng xã hội tương lai có thể chia thành bốn loại người, loại cuối cùng là đệ tử của Đức Phật. Điều kiện để thành tựu của loại người này là chứng đắc tứ thiền, tam minh và giải thoát tri kiến.
Đức Phật nói xã hội có bốn loại người:
(i) Những người tự hành khổ mình.
(ii) Những người chuyên hành khổ người khác.
(iii) Những người vừa tự hành khổ mình vừa hành khổ người khác.
(iv) Người không hành khổ mình cũng không hành khổ người khác.
Pessa lĩnh hội những điều đã nghe và chọn trở thành loại người thứ tư. Tuy quyết định như vậy nhưng trước khi Đức Phật tiếp tục phân tích, anh ta lại xin rời đi trước vì công việc bận rộn.
Thế Tôn nói với các Tỳ kheo nếu Pessa ở lại thêm một chút để nghe Đức Phật phân tích tiếp về bốn loại người trong xã hội thì anh ta sẽ thu hoạch được rất nhiều lợi ích. Thế nhưng, chỉ cần nghe đến việc xã hội có bốn loại người, Pessa cũng đã gặt hái được khá nhiều ích lợi rồi. Vì sao lại nói rằng, nếu anh ta ở lại nghe thì có thể thu hoạch được lợi ích tối thắng? Đức Phật sẽ phân tích về bốn loại người này.
Loại người cuối cùng là những đệ tử của Đức Phật, thành tựu viên mãn giải thoát rốt ráo, cũng chính là nói đến cả quá trình tu học của các bậc A la hán. Quá trình tu học này nói một cách đơn giản như sau: giai đoạn đầu là nghe Phật pháp và xuất gia, sau đó trì giới, giữ gìn các căn, bồi dưỡng chánh niệm, chánh tri, ẩn cư, sống một mình, trừ bỏ năm triền cái, chứng tứ thiền và cuối cùng là đắc tam minh và giải thoát tri kiến.
Bốn loại người Đức Phật nói đến, đó là:
1. Loại người tự hành khổ mình (attan-tapo):
Đó là các tăng sĩ tu theo lối khổ hạnh, có các hành động kỳ quái1.
1 BB:M.446.
(Tham khảo Kinh Saccaka trong sách này)2.
2 BB:M.333.
Các hành vi kỳ quái:
1.1. Sống lõa thể, phóng túng, không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, mời mà không đến, chào hỏi cũng không dừng chân.
1.2. Không nhận cúng dường tại nhà thí chủ, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận đi ăn tiệc.
1.3. Không nhận đồ ăn từ nồi, không nhận đồ ăn từ bát, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy giao nhau, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo.
1.4. Không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà ngủ với chồng.
1.5. Không nhận đồ ăn phân phát, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn có ruồi bâu.
1.6. Không ăn cá, thịt.
1.7. Không uống rượu mạnh, không uống rượu dừa/rượu hoa quả, không ăn thức ăn lên men.
1.8. Đi một nhà, chỉ ăn một miếng; đi hai nhà chỉ ăn hai miếng... cho đến đi bảy nhà chỉ ăn bảy miếng.
1.9. Đi một ngày chỉ ăn một bát; đi một ngày ăn hai bát... cho đến đi một ngày ăn bảy bát.
1.10. Một ngày chỉ ăn một bữa, hai ngày chỉ ăn một bữa... cho đến bảy ngày chỉ ăn một bữa, hai tuần chỉ ăn một bữa.
1.11. Tuân thủ việc nhịn ăn trong các khoảng thời gian cố định.
1.12. Chỉ ăn các thức ăn có màu xanh, hạt dẻ, lúa hoang, ăn đồ đã bóc vỏ, rêu, cám gạo, váng gạo, ăn bột vừng, cỏ, phân bò.
1.13. Các vị này ở bìa rừng, nơi gốc cây, chỉ ăn những quả rụng.
1.14. Mặc áo vải gai thô, vải gai lẫn với các vải khác, vải bọc thây người chết, vải vụn bỏ đi, vỏ cây, da linh dương, vải dệt bằng cỏ, vải dệt bằng vỏ cây, vải dệt bằng gỗ bào, vải dệt từ tóc, vải dệt từ lông động vật, vải dệt từ lông chim.
1.15. Tu theo các loại hành vi khổ hạnh:
- Giật lông tóc, giật râu.
- Chỉ đứng, từ chối ngồi.
- Ngồi xổm, duy trì tư thế ngồi xổm trong thời gian dài.
- Nằm giường đinh, tự làm giường đinh để nằm.
- Cố định mỗi ngày tắm ba lần trong nước.
2. Loại người chuyên hành khổ người khác (paran-tapo)
Những người hành nghề tanh mùi máu như đồ tể mổ dê, mổ lợn, người bắt chim, người đặt bẫy để bắt thú, thợ săn, người đánh cá, ăn trộm, đao phủ, ngục tốt.
3. Loại người tự hành khổ mình và hành khổ người khác (attan-tapo ca paran-tapo)
Ví dụ: Bà la môn danh tiếng làm lễ tế cho vị vua đã được quán đảnh1.
1 BB: M.447.
Trước tiên, nhà vua dựng một đàn tế phía Đông thành, sau đó cạo tóc, cạo râu, mặc áo bằng vải thô; lấy bơ và dầu bôi vào người, lấy sừng hươu cào vào lưng. Nhà vua, hoàng hậu và vị Bà la môn cùng vào đàn tế. Vua và hoàng hậu chỉ có thể ngủ trên đất được lót bằng cỏ. Vua uống sữa vắt ra từ vú thứ nhất của con bò. Hoàng hậu uống sữa được vắt ra từ vú thứ hai của con bò. Vị Bà la môn uống sữa được vắt ra từ vú thứ ba của con bò. Sữa được vắt ra từ vú thứ tư của con bò được đổ vào lửa tế. Con bê được uống sữa vắt ra từ những vú còn lại. Sau đó người ta giết con bò đực, con bê đực, con bê cái, dê, cừu và chặt cây, cắt cỏ để bày đàn tế. Các nô lệ, những kẻ phục dịch, đầy tớ cũng phải chuẩn bị cho lễ tế. Vì có thể bị trách phạt nên họ cũng sợ hãi, khiếp đảm đến mức nước mắt đầm đìa đầy mặt.
4. Loại người không hành khổ mình cũng không hành khổ người khác (n’eva attan-tapo na paran-tapo)
Thế Tôn đã miêu tả loại người này như thế nào?
Hiện tại vô dục, không tham cầu (nicchata), tịch tịnh (nibbuta), điềm tĩnh (sīti-bhūta), lạc trú (sukha-paṭisaṁveti), tự chứng đắc bậc Thánh (brahmabhūtena attana).
4.1. Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không nói hai lưỡi; không nói lời hung ác; không nói đơm đặt.
4.2. Không làm hại đến hạt giống và cây cối; mỗi ngày ăn một bữa, bỏ ăn ban đêm và không ăn trái thời; không ca hát, nhảy múa, không đeo vòng hoa, không bôi hương liệu, không nằm giường cao rộng, không nhận vàng bạc; không nhận ngũ cốc chưa chín, không nhận thịt sống, không nhận đàn bà con gái, không nhận nô lệ gái và trai; không nhận dê và cừu, không nhận gia cầm và lợn, không nhận voi, bò, ngựa, lừa; không nhận ruộng đất, không nhận việc được sai phái và truyền tin, từ bỏ việc buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các kế gian trá, lừa đảo để lấy của cải của người khác; từ bỏ các việc gây tổn thương, sát hại, bắt cóc, giành giật, cướp đoạt, bạo ngược.
4.3. Tỳ kheo tự hài lòng với áo cà sa để che thân, với đồ ăn khất thực để duy trì sự sống, lấy tấm y và bình bát làm bạn, như chim bay đến chỗ nào cũng cần có hai cánh.
4.4. Giữ gìn sáu căn, một mình cảm nhận sự thuần tịnh, tĩnh lặng.
4.5. Khi đi, đứng, ngồi, nằm; co duỗi, cúi ngẩng, đắp y cầm bát; ăn uống, ngủ nghỉ đều duy trì chánh niệm, chánh tri.
4.6. Ẩn cư, ở một mình trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên núi, bên sườn núi, hang động, bãi tha ma, bụi cây, đất trống, lều cỏ.
4.7. Trừ bỏ năm triền cái:
- Trừ bỏ sự tham lam của thế gian, tâm an trú trong trạng thái thoát ly tham dục, làm thanh tịnh tâm mình để tránh tham lam.
- Trừ bỏ ý nghĩ thù địch và oán hận, tâm an trú trong trạng thái thoát ly thù địch, oán hận; dùng lòng từ bi để nhìn chúng sinh, làm thanh tịnh tâm mình để tránh những ý nghĩ thù địch và oán hận.
- Trừ bỏ sự lười biếng và trễ nải, an trú trong trạng thái thoát ly lười biếng và trễ nải, chuyên tâm quán sát, làm tâm thanh tịnh để tránh lười biếng và trễ nải.
- Trừ bỏ sự khó chịu và ăn năn, nội tâm tĩnh lặng, làm tâm thanh tịnh để tránh sự khó chịu và hối hận.
- Trừ bỏ nghi hoặc, an trú trong trạng thái không còn nghi hoặc và không còn nghi hoặc các thiện pháp, làm thanh tịnh tâm mình để tránh sự nghi hoặc.
4.8. Chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.
4.9. Đắc túc mệnh tri, hữu tình sinh tử tri, lậu tận tri và giải thoát tri kiến.
Thế Tôn phân tích cho các Tỳ kheo thấy quá trình tu học hoàn chỉnh của đạo giải thoát. Kinh này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của tứ thiền trên con đường giải thoát. Trong kinh hoàn toàn không nhắc đến tứ vô sắc định và tưởng thọ diệt định.
Ở kinh sau, Kinh Mahā-assapura, Đức Phật phân tích chi tiết tứ thiền là một trong những điều kiện cần phải có của một vị Sa môn, Bà la môn.
Việc tu tập của các đệ tử Phật trong Kinh Kandaraka đa phần là đề cập đến những việc không nên làm. Nhưng những điều kiện để trở thành một Sa môn được nhắc đến trong Kinh Mahā-assapura thì phần lớn lại nói đến những việc nên làm.
Kinh trước nói rõ sự khác biệt và những điểm đối lập trong phương pháp tu khổ hạnh giữa Đức Phật và các đạo khác, kinh sau trực tiếp chỉ rõ nội dung tu học của các đệ tử Phật.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli - Kinh Kandaraka, M.I.339 ~ 349, Majjhima Nikāya no.51: Kandaraka Sutta.
2. Kinh này hiện không có bản Hán dịch.
3. Bản dịch tiếng Anh, To Kandaraka, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 443~453, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.