Đến giai đoạn này, hành giả đã đoạn hết tất cả các lậu hoặc, chứng đắc quả vị A la hán. Đức Phật tiếp tục thuyết giảng cảm thọ của một bậc Thánh như thế nào? Vị đó đối diện như thế nào với mệnh chung. Khi vị đó cảm nhận được lạc thọ, vị đó biết rằng: “Đây là vô thường; không chấp trước vào nó; không yêu thích nó”. Khi vị đó cảm nhận được khổ thọ, vị đó hiểu rằng: “Đây là vô thường; không chấp trước vào nó, không quyến luyến nó”. Khi vị đó cảm nhận cảm thọ phi khổ phi lạc, vị đó hiểu rằng: “Đây là vô thường; không chấp trước vào nó, không tham luyến nó”. Đây là giải thích về bậc Thánh đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, vị đó không tham luyến, không sân khuể và hiểu rõ khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ.
Tiếp theo, khi hành giả cảm nhận lạc thọ, vị đó cảm giác xả ly lạc thọ; khi vị đó cảm nhận khổ thọ, vị đó cảm giác xả ly khổ thọ; khi vị đó cảm nhận phi khổ phi lạc thọ, vị đó cảm giác xả ly phi khổ phi lạc thọ. Khi vị đó cảm nhận sự kết thúc của sắc thân này, vị đó hiểu rằng: “Ta cảm thọ được sự kết thúc của sắc thân”. Khi vị đó cảm nhận được sự kết thúc của sinh mệnh, vị đó hiểu rằng: “Ta cảm nhận được sự kết thúc của sinh mệnh”. Vị đó cũng hiểu rằng: “Khi sinh mệnh kết thúc, sắc thân tan rã, tất cả các cảm thọ không còn tham luyến gì nữa, hết thảy nguội lạnh”.
Đức Phật lấy một ví dụ: giống như chiếc đèn dầu, vì dầu thấm vào tim đèn nên đèn sáng, nhưng khi dầu và tim đèn cháy hết, nếu không cho thêm nhiên liệu, đèn dầu sẽ tắt vì không có nhiên liệu.
Lời kết
Quá trình chứng đắc hiện pháp Niết bàn được ghi chép trong Kinh Phân Biệt Giới ở trên nói tóm lại là trong thiền thứ tư bỏ “xả”, không còn chấp “xả” mà chứng đắc Niết bàn. Bây giờ, chúng ta hãy xác nhận về trình tự chứng đắc hiện pháp Niết bàn được ghi chép trong Kinh Phân Biệt Giới thông qua các kinh đã bàn như: Kinh Phạm Võng, Kinh Năm Ba và Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết.
Kinh Phạm Võng và Kinh Năm Ba đều ghi chép việc Đức Phật bài xích thuyết của các đạo cho rằng cảnh giới thiền định là Niết bàn, nguyên nhân là vì các ngoại đạo này đều cho rằng có một cái “ngã” chứng nhập Niết bàn. Nếu có người khởi lên ý nghĩ “Ngã cần chứng đắc Niết bàn”, cho rằng “ngã” chứng đắc Niết bàn thì trên thực tế người này vẫn chưa chứng đắc Niết bàn. Kinh Phân Biệt Giới nói rằng cần phải đoạn trừ “xả” mới có thể chứng đắc Niết bàn, Kinh Phạm Võng và Kinh Năm Ba lại nói rằng cần đoạn trừ “ngã” mới có thể chứng đắc Niết bàn. Vậy thì quan hệ giữa “xả” và “ngã” đã rõ ràng rồi.
“Xả” (upekkha) có hai loại: “xả thọ” trong thiền thứ ba và thiền thứ tư là thuộc về “thọ” (vedanā), cảm thọ; “xả” được nhắc đến từ không vô biên xứ trở lên là thuộc về “hành” (saṅkhara). Dù là ngoại đạo trong Kinh Phạm Võng chấp vào quan niệm “ngã” trong thiền thứ tư chứng nhập Niết bàn hay ngoại đạo trong Kinh Năm Ba chấp vào luận điểm cho rằng “ngã” chứng nhập Niết bàn trong tứ xứ, thì họ đều sai lầm khi coi “xả” là “ngã”. Họ cho sự xả bỏ cảm thọ phi khổ phi lạc là ngã, coi cảnh giới thiền định lìa xa cảm thọ phi khổ phi lạc này là ngã, là Niết bàn.
Trong Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết, Đức Phật dạy phương pháp đối trị. Đoạn trên chúng ra đã thảo luận chi tiết, bây giờ sẽ tóm tắt lại. Đầu tiên, đối với bên ngoài không nhiễu loạn, không phân tán, chỉ sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh không chạy theo, không chấp thủ. Bên trong không an trú là chỉ không chấp thủ vào các cảm thọ vi diệu trong thiền định. Vì không chấp thủ năm uẩn là ngã nên không bị nhiễu loạn.
Có thể hoàn thành ba bước này thì chứng đắc Niết bàn. Muốn hoàn thành hai bước đầu thì sáu căn không chấp thủ vào sáu cảnh và không chấp thủ vào các cảm thọ vi diệu, nghĩa là cần chứng nhập vào thiền thứ tư. Muốn hoàn thành bước thứ ba thì cần phải bỏ việc chứng nhập vào tứ xứ, cũng có nghĩa là chứng nhập Niết bàn được hoàn thành trong thiền thứ tư. Vì vậy, về thực chất, các kinh điển trên nói về quá trình chứng nhập Niết bàn đều thống nhất.