Bỏ “xả” và chứng nhập hiện pháp Niết bàn
Đoạn trước bàn về hiện pháp Niết bàn từ thiền thứ tư, trọng điểm là đoạn trừ “xả”. Còn từ thiền thứ tư về sau, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, “xả” là hành. Cho nên, đối với các hành giả đã chứng đắc tứ xứ, muốn chứng đắc Niết bàn thì chỉ cần đoạn trừ hoặc không chấp thủ “xả”. Kinh Āṇañjasappāya tiếng Pāli, tương đương với Kinh Tịnh Bất Động Đạo trong Trung A Hàm đã giảng giải về phương pháp chứng nhập định bất động và vô sở hữu xứ.
Định bất động bao gồm thiền thứ tư và hai xứ đầu (không vô biên xứ, thức vô biên xứ). Kinh văn “Các Tỳ kheo hoặc có thể nhờ vậy chứng nhập định bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát”, ý nói rằng thông qua các phương pháp này, hành giả hoặc chứng đắc định bất động hoặc chứng đắc giải thoát. Nói cách khác, kinh này thể hiện tính khả thi của việc hành giả có thể chứng đắc Niết bàn trong thiền thứ tư, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ.
Trong kinh, Tôn giả A Nan hỏi Thế Tôn rằng liệu các Tỳ kheo tu đắc “xả” có chứng đắc Niết bàn hay không. Thế Tôn trả lời: “Có Tỳ kheo chứng đắc, có Tỳ kheo không chứng đắc”. Vì sao lại như vậy? Vấn đề ở chỗ Tỳ kheo có chấp vào “xả” hay không. Nếu Tỳ kheo nào chấp vào “xả” thì không chứng đắc Niết bàn; nếu Tỳ kheo nào không chấp vào “xả” thì vị đó sẽ chứng đắc Niết bàn1. Kinh Tịnh Bất Động Đạo trong Trung A Hàm chép rằng:
1 M.II.264 - 265.
“Bấy giờ, Tôn giả A Nan đang cầm quạt đứng hầu Đức Phật. Tôn giả hướng về phía Phật mà bạch rằng:
‘Bạch Đức Thế Tôn, nếu có Tỳ kheo nào thực hành như vầy, “Không có ta, không có sở hữu của ta, ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch”. Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo ấy thực hành như thế, có chứng đắc cứu cánh Niết bàn chăng?’
Đức Phật nói rằng:
“Này A Nan, sự kiện ấy không nhất định. Hoặc có người chứng đắc, hoặc có người không chứng đắc”.
Tôn giả A Nan lại thưa:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo ấy hành như thế nào mà không chứng đắc Niết bàn?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A Nan, Tỳ kheo nào hành như vầy: “Không có ta, không có sở hữu của ta, ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch”. Nhưng này A Nan, nếu Tỳ kheo ấy vui thích với sự xả bỏ ấy, đắm trước nơi sự xả bỏ ấy, trú vào sự xả bỏ ấy, Tỳ kheo như thế chắc chắn không chứng đắc Niết bàn”.
Tôn giả A Nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ kheo nào có chỗ chấp thủ sẽ không đắc Niết bàn chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A Nan, nếu Tỳ kheo nào có chỗ chấp thủ thì chắc chắn không đắc Niết bàn”.
Tôn giả A Nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo ấy bị chấp thủ bởi những gì?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A Nan, còn hữu dư ở trong hành1 đó là hữu tưởng vô tưởng xứ, bậc nhất trong các hữu mà Tỳ kheo ấy chấp thủ”.
1 Hành trung hữu dư; Hữu ở đây được kể trong 12 nhân duyên.
Tôn giả A Nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo ấy còn chấp thủ vào hành nào khác nữa chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Đúng như thế, Tỳ kheo ấy còn chấp thủ vào hành khác nữa”.
Tôn giả A Nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo phải hành như thế nào thì chắc chắn đắc Niết bàn?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A Nan, Tỳ kheo nào hành như vầy: “Không có ta, không có sở hữu của ta, ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch”. Và này A Nan, nếu vị Tỳ kheo không vui thích với sự xả bỏ ấy, không đắm trước sự xả bỏ ấy, không trú vào sự xả bỏ ấy, thì này A Nan, Tỳ kheo thực hành như thế, chắc chắn chứng đắc Niết bàn”.
Tôn giả A Nan hỏi rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ kheo nào không chấp thủ vào đâu cả thì chắc chắn chứng đắc Niết bàn chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A Nan, nếu Tỳ kheo nào không chấp thủ vào đâu cả thì chắc chắn chứng đắc Niết bàn”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 1 trang 543a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên, Kinh Trung A Hàm, Kinh Tịnh Bất Động Đạo, trang 600; NXB: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; năm 2000.
Đoạn kinh văn này nói về các Tỳ kheo tu quán, quán: “Không có ta, không có sở hữu của ta, ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch”, vì tu quán nên đắc “xả”. Chứng đắc “xả” được kinh văn nhắc đến bao gồm thiền thứ tư, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vậy chứng đắc “xả” liệu có thể chứng nhập Niết bàn hay không, mấu chốt là ở chỗ “có chấp thủ” hay “không chấp thủ”. “Thọ” ở đây không phải là cảm thọ như khổ thọ hay lạc thọ mà chỉ “tiếp nhận”, “chấp nhận”, “thọ trì”, cũng có nghĩa là “chấp thủ”, “chấp trước”. Nếu Tỳ kheo chứng đắc “xả” nhưng chấp trước vào “xả” thì vị đó cũng không thể chứng nhập Niết bàn; nếu ngược lại, vị đó có thể chứng nhập Niết bàn. Ở đây, Thế Tôn đặc biệt chỉ ra chấp thủ hữu tưởng vô tưởng xứ, tức là phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Đoạn trước chúng ta đã đề cập đến, theo Kinh Thất Giới của Tương Ưng Nikāya, ba xứ đầu trong bốn xứ là định hữu tưởng, còn phi tưởng phi phi tưởng xứ là định hành dư. Theo Đức Phật, phi tưởng phi phi tưởng xứ là định vô tưởng, định này chỉ còn lại “Hành xả” cho nên trong kinh gọi là định hành dư. Vì vậy, trong đoạn kinh trích trên, Kinh Tịnh Bất Động Đạo nói: “Vẫn còn dư hành, cho nên gọi là hữu tưởng vô tưởng xứ”, cũng có nghĩa là định hành dư. Thế Tôn lại nói rằng: “Trong đó, hành này đứng thứ nhất”, ý nói rằng hành còn lại này (Hành dư) là hành cao nhất, không còn hành nào cao hơn hành này nữa.
Trong chín bậc thiền định, sau phi tưởng phi phi tưởng xứ là định tưởng thọ diệt. Định tưởng thọ diệt nghĩa là tưởng và thọ đều đã diệt tận, cũng không có hành để nhắc đến. Thế Tôn nói rằng nếu Tỳ kheo nào không chấp vào “xả”, thậm chí ngay cả hành còn lại cao nhất cũng không chấp trước thì Tỳ kheo đó có thể chứng đắc Niết bàn.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli, Kinh Bất Động Đạo, M.II.261~266, Majjhima Nikāya no.106, Āṇañjasappāya Sutta.
2. Bản Hán dịch, Kinh Trung A Hàm, Kinh Tịnh Bất Động Đạo, T1.542b~543b.
3. Bản dịch tiếng Anh, The Way to the Imperturbable, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 869~873, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.