Mục tiêu cho lần xuất bản thứ sáu của cuốn sách này là giới thiệu một cách toàn diện và cập nhật về giáo dục song ngữ, song ngữ và đa ngữ (vì song ngữ thường liên quan tới đa ngữ). Được viết từ quan điểm đa ngành, cuốn sách bao gồm nhiều chủ đề: khái niệm cá nhân và xã hội trong ngôn ngữ thiểu số và đa số; quan điểm phát triển giai đoạn mầm non; các vấn đề chung về giáo dục song ngữ; lớp học song ngữ cùng quan điểm từ góc độ chính trị và ý thức hệ. Song ngữ và đa ngữ liên quan tới việc sử dụng hai hoặc nhiều hệ thống giao tiếp, danh tính và nhân cách cá nhân, toàn cầu hóa và đồng hóa, nghĩ và đọc, giáo dục và việc làm, chính trị và văn hóa. Tất cả những điều đó – và còn hơn thế nữa – sẽ được gói gọn trong cuốn sách này.
Khi biên soạn đến sáu ấn bản, những quyết định sẽ ngày một trở nên khó khăn, ví dụ như nên đề cập tới vấn đề gì và loại bỏ vấn đề gì, những gì cần trình bày chi tiết và những gì cần tóm lược lại, những luận đề nào cần được đào sâu hơn và những gì có thể xem là “trong sách đã viết”. Chúng tôi từng được hỏi rằng, “Tại sao những người biên soạn không đặt Chương X lên trước?” Chúng tôi đồng ý, mọi thứ đều nên được trình bày sớm hơn. Các câu hỏi thường gặp khác là, “Tại sao không mở rộng Chương Y?”, “Tại sao không bỏ Chương Z, bởi tôi cảm thấy nó thật vô nghĩa?”, “Tại sao không thể có một ấn bản chỉ dành cho khu vực của chúng tôi?” và “Tại sao một chương trong ấn bản trước bị loại bỏ?” Dưới đây là một số lời giải thích của chúng tôi.
Chúng tôi nỗ lực cân bằng giữa những vấn đề tâm lý và những vấn đề mang tính xã hội, những vấn đề giáo dục vĩ mô với những vấn đề giáo dục vi mô, ngôn ngữ và chính trị xã hội với sự thảo luận ở cấp độ cá nhân và cộng đồng, bao hàm các mối quan tâm quốc tế lớn về song ngữ, đa ngữ và giáo dục song ngữ, dựa trên lý thuyết và bằng chứng nghiên cứu. Khi phải đối mặt với những thách thức xã hội cũng như chính trị xung quanh song ngữ và đa ngữ, người học sẽ tìm thấy trong cuốn sách này những nỗ lực phân tích mang tính xây dựng và nhận ra những giá trị cũng như phẩm chất tích cực của một thế giới đa ngữ trong tương lai.
Cuốn sách này bắt đầu với các vấn đề định nghĩa, xã hội học và tâm lý học cần thiết để hiểu về trẻ song ngữ/đa ngữ cũng như giáo dục song ngữ. Các cuộc thảo luận sau này về giáo dục song ngữ và lớp học song ngữ sẽ được xây dựng trên nền tảng đó. Tuy nhiên, cuốn sách này không chỉ là một nền tảng liên ngành trình bày hàng loạt những vấn đề về giáo dục. Các chương sẽ được liên kết với nhau qua một cấu trúc và phong cách viết thông suốt.
Trong quá trình viết sách, chúng tôi liên tục phải đối mặt với vấn đề “Từ quan điểm của ai?”. Có những quan điểm ngôn ngữ chính thống, quan điểm của những cộng đồng nói ngôn ngữ thiểu số đặc lợi và nhiều quan điểm của các cộng đồng nói ngôn ngữ thiểu số có hoàn cảnh bất lợi khác. Có các phe chính trị cánh tả và cánh hữu, những nhà hoạt động và kiến tạo, các cuộc tranh luận về toàn cầu hóa, nhập cư, Âu hóa, chủ nghĩa khu vực và bảo tồn nguồn gốc. Cuốn sách này sẽ cố gắng trình bày nhiều quan điểm và niềm tin khác nhau. Những quan điểm khác biệt sẽ được chia sẻ bất cứ khi nào có thể. Người đọc và người đánh giá (bao gồm cả Youtube) đã tử tế chỉ ra một số giả định ngầm ẩn, cũng như đưa ra các quan điểm thay thế mà chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách trung thực trong văn bản. Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những kết luận và quan điểm mang tính áp đặt.
Một vấn đề khác liên quan đến khái quát hóa và ngữ cảnh hóa. Cuốn sách này được viết cho độc giả quốc tế để phản ánh những ý niệm vượt qua giới hạn quốc gia. Chúng tôi đã cố gắng xác định các vấn đề mang tính bao quát trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế về dung lượng không cho phép chúng tôi thảo luận về vấn đề ngôn ngữ tại các khu vực và quốc gia khác. Trong các chương sẽ có nhiều tài liệu trích dẫn để cung cấp thêm những nội dung cần thiết. Nếu chúng tôi thảo luận về các trường hợp cụ thể (ví dụ như các cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ), nguyên nhân thường là bởi nó có nhiều số liệu và bằng chứng nghiên cứu đa dạng, cũng như phân tích chuyên sâu về lý thuyết xung quanh các tư liệu và nghiên cứu.
Trong nỗ lực giúp nội dung của cuốn sách trở nên phù hợp với nhiều bối cảnh và khu vực khác nhau, sẽ có nhiều chương sách tập trung vào phần lý thuyết. Các nghiên cứu cá nhân thường thiếu đi tính khái quát. Một nghiên cứu từ châu Âu có thể ít nói về Bắc Mỹ. Kết quả nghiên cứu với trẻ 6 tuổi có thể không liên quan gì tới người 16 hoặc 60 tuổi. Nghiên cứu về trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu nói tiếng Pháp và tiếng Anh trong một trường song ngữ có thể ít hoặc không nói lên điều gì về những đứa trẻ tới từ những tầng lớp xã hội thấp hơn trong môi trường song ngữ, nơi ngôn ngữ thứ hai có khả năng thay thế ngôn ngữ thứ nhất. Từ một khối lượng lớn các nghiên cứu, nhưng trong một số trường hợp thì chỉ có một mẫu số nhỏ, một khung lý thuyết sẽ hình thành để cố gắng tóm lược những tham số và quy trình quan trọng. Do đó, một khung lý thuyết về một lĩnh vực song ngữ cụ thể có thể cố gắng thực hiện một hoặc nhiều điều sau đây: giải thích các hiện tượng; tích hợp đa dạng các phát hiện (có thể mâu thuẫn nhau); xác định vị trí các tham số chính và những tương tác giữa chúng; dự đoán các kết quả và mô thức của những hành vi song ngữ; có khả năng kiểm tra được; thể hiện các điều kiện cho phép lý thuyết trở nên phù hợp với nhiều bối cảnh thực tế khác biệt.
Tuy nhiên, khi đưa ra một sự tổng hợp tương đối toàn diện về song ngữ, đa ngữ và giáo dục song ngữ, việc giả định rằng chủ đề này có thể được thống nhất một cách có hệ thống sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi một số giáo viên và nhiều học sinh muốn có “công thức” và những khẳng định rõ ràng, tình trạng kiến thức và hiểu biết hiện tại của chúng ta lại hiếm khi cung cấp được sự rõ ràng đó. Do đó, cuốn sách này sẽ cố gắng trình bày cả những lập trường gây tranh cãi, những quan điểm khác biệt cũng như những hạn chế của nghiên cứu và lý thuyết.
Những điểm mới ở phiên bản thứ sáu
Có rất nhiều thay đổi trong lần xuất bản thứ sáu này. Trước hết, để đối phó với số lượng khổng lồ các trích dẫn trong những văn bản và danh sách tài liệu tham khảo đã tăng lên đáng kể sau mỗi ấn bản mới, chúng tôi đã cắt bỏ hơn 860 trích dẫn. Chúng tôi tập trung vào việc loại bỏ các tài liệu tham khảo cũ kỹ và dư thừa, đồng thời giữ lại các trích dẫn trong những nghiên cứu kinh điển, các tác phẩm nổi tiếng cùng những tác phẩm học thuật quan trọng và có giá trị lịch sử. Chúng tôi cũng đã thêm vào hơn 350 trích dẫn về sự phát triển hiện tại trong chính sách và thực tiễn, các cấu trúc lý thuyết mới, những phát hiện mới và quan trọng trong nghiên cứu mà hầu hết được xuất bản sau lần xuất bản thứ năm (2011). Tất cả những thông tin nhân khẩu học và thống kê đều đã được bổ sung đầy đủ.
Thứ hai, với việc cuốn sách ngày một dày lên sau mỗi lần xuất bản, chúng tôi đã chủ động rút ngắn văn bản bằng cách loại bỏ một số phần và cô đọng hoặc viết lại những phần khác để giữ được những thông tin nổi bật nhất. Những sự cắt giảm này tạo thêm không gian cho các nội dung cùng những bảng và biểu đồ mới. Một số chương đã được hiệu chỉnh lại, một số thì có tiêu đề mới để thể hiện chính xác hơn những nội dung đã được bổ sung. Dù có thêm những sự bổ sung như vậy, dung lượng tổng thể của cuốn sách lại được rút ngắn.
Thứ ba và đặc biệt quan trọng, đó là việc có thêm nhiều chủ đề mới được đề cập kỹ lưỡng hơn, ví dụ như đa ngữ; song ngữ năng động; liên ngôn ngữ; giao tiếp liên văn bản; giao thoa ngôn ngữ; hiện tượng nhiều biến thể ngôn ngữ trong xã hội; đa năng lực giao tiếp; siêu đa dạng; biến thể ngôn ngữ; liên ngôn ngữ giữa các học sinh khiếm thính; đánh giá năng lực song ngữ; bản chất lai ghép; kiến tạo; phức tạp và linh hoạt của bản sắc/danh tính; quan hệ quyền lực hợp tác so với quan hệ quyền lực cưỡng chế; song ngữ và những bất bình đẳng cùng những lợi thế kinh tế; những công cụ kỹ thuật số đóng góp cho sự hồi sinh của ngôn ngữ; các nguồn lực, cơ chế và đối trọng trong việc xây dựng hệ thống giáo dục song ngữ; đánh giá trình độ thông thạo ngôn ngữ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến; những phát triển gần đây và những hạn chế của nghiên cứu ảnh chụp não; song ngữ trên Internet và các phương tiện công nghệ thông tin. Sách sẽ tập trung hơn vào những phương pháp tiếp cận và các vấn đề giảng dạy, bao gồm trường học thân thiện với trẻ em, giáo dục cho mọi người (Education For All – EFA), học tập tích hợp nội dung và ngôn ngữ (Content And Language Integrated Instruction – CLIL), chương trình giảng dạy tiếng Anh tích hợp kiến thức (Sheltered English Immersion – SEI), bộ quy chuẩn giảng dạy kiến thức theo trình độ (Sheltered Instruction Observation Protocol – SIOP), năng lực đọc viết song lập (literacy squared), giáo dục song ngữ đặc biệt, giáo dục song ngữ năng khiếu, chương trình Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate – IB) và các trường quốc tế. Những sự phát triển chính sách quan trọng tại Hoa Kỳ cũng được đề cập đến, bao gồm các Tiêu chuẩn Cốt lõi chung giữa các Bang (Common Core State Standards – CCSS), Đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học Linh hoạt (Elementary and Secondary Education Act - ESEA Flexibility), Đạo luật “Thành công của mọi học sinh” (ESSA), Chứng nhận song ngữ và các đánh giá thay thế dành cho học sinh khuyết tật được chia sẻ giữa liên minh các tiểu bang (Trung tâm Quốc gia và Hợp tác giữa các Bang – National Center and State Collaborative và Bản đồ Học tập Năng động – Dynamic Learning Maps). Chúng tôi cũng nỗ lực chỉnh lý và bổ sung thêm các ví dụ trên toàn cầu về nghiên cứu, chính sách và thực hành, với trọng tâm là các ví dụ bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.
Thứ tư, một số thay đổi về định dạng đã được thực hiện để cải thiện giao diện trực quan của văn bản. Bảng, biểu đồ và khung đã được định dạng cũng như đánh số lại. Một bảng thuật ngữ toàn diện đã được thêm vào và các thuật ngữ được in nghiêng trong mỗi chương đều có các mục từ tương ứng. Thứ năm, các tác phẩm khuyên đọc ở cuối chương cùng các hoạt động học tập đã được chỉnh lý và bổ sung, các câu hỏi thảo luận và tài nguyên web cũng được thêm vào. Tất cả các trang web đã được truy cập thử và kiểm tra trước khi xuất bản.
Tóm lại, ấn bản thứ sáu của cuốn sách này đã được sửa đổi và chỉnh lý kỹ lưỡng. Những thay đổi về nội dung và định dạng giúp cải thiện trải nghiệm đọc của độc giả, đồng thời các hoạt động và tài nguyên cuối chương được chỉnh lý và bổ sung để cung cấp nguồn tài nguyên quý giá cho những người hướng dẫn khóa học, nhà cung cấp phát triển chuyên môn, trưởng nhóm nghiên cứu và người đọc độc lập.
Bố cục các chương
Phần đầu của cuốn sách (Chương 1) bao gồm một phần giới thiệu cần thiết về ngôn ngữ được sử dụng trong việc thảo luận về song ngữ và giáo dục song ngữ. Nó không chỉ giới thiệu các thuật ngữ quan trọng mà còn trình bày các khái niệm cốt lõi, những sự phân biệt và tranh luận làm nền tảng cho các chương sau. Có những mâu thuẫn và nghịch lý quan trọng trong suốt quá trình nghiên cứu về song ngữ và đa ngữ, ví dụ như song ngữ cá nhân khác với các nhóm song ngữ và xã hội song ngữ thế nào; quan điểm ngôn ngữ so với quan điểm văn hóa xã hội và chính trị xã hội; kỹ năng ngôn ngữ và năng lực ngôn ngữ; chuyển ngữ và liên ngôn ngữ. Các chương mở đầu (từ Chương 1 đến Chương 8) trình bày các vấn đề cơ bản tạo tiền đề và ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về giáo dục song ngữ. Trước khi có thể thảo luận thấu đáo về giáo dục song ngữ, chúng ta cần giải quyết các câu hỏi như:
• Ai là người song ngữ và đa ngữ?
• Giáo dục song ngữ trở nên phù hợp với việc duy trì ngôn ngữ thiểu số, sự suy giảm và phục hưng ngôn ngữ như thế nào?
• Một đứa trẻ trở thành người song ngữ hoặc tam ngữ như thế nào?
• Gia đình và cộng đồng có vai trò gì trong việc phát triển song ngữ và đa ngữ?
• Song ngữ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến tư duy?
• Chúng ta biết gì về song ngữ trong não bộ?
Chương 9 đến Chương 16 tập trung vào các khía cạnh của giáo dục song ngữ và đa ngữ. Chúng bắt đầu bằng một cuộc thảo luận sâu rộng về các loại hình giáo dục song ngữ khác nhau, sau đó kiểm tra tính hiệu quả của các loại hình đó. Sau khi tập trung vào các hệ thống giáo dục song ngữ, sách tiếp tục xem xét các lớp học song ngữ, đa năng lực giao tiếp và năng lực đọc viết song ngữ cùng các chiến lược giáo dục song ngữ chính. Các câu hỏi cơ bản bao gồm:
• Đâu là những loại hình giáo dục song ngữ đạt được thành công vượt trội?
• Mục tiêu và kết quả của các loại hình giáo dục song ngữ là gì?
• Các đặc điểm và phương pháp tiếp cận chính của lớp học bồi dưỡng năng lực song ngữ là gì?
• Đâu là những vấn đề chính của các lớp học song ngữ?
• Tại sao người khiếm thính là một nhóm quan trọng về phương diện cá nhân song ngữ và giáo dục song ngữ?
Chương 17 và Chương 18 là trọng tâm để hiểu được các vấn đề về song ngữ, đa ngữ và giáo dục song ngữ. Chúng sẽ xem xét các khía cạnh chính trị và văn hóa xung quanh vấn đề song ngữ trong xã hội (và giáo dục song ngữ nói riêng). Các quan điểm khác nhau về giá trị và mục đích tổng thể của song ngữ và đa ngữ được kết hợp lại thành nhiều chủ đề của sách. Phần cuối cùng (Chương 19) sẽ đưa ra cái nhìn về hiện tại và tương lai, với các chủ đề đa ngữ và Internet, việc làm, truyền thông đại chúng, kinh tế và du lịch.
Do đó, các kết luận của cuốn sách bao gồm:
• Tại sao lại có những quan điểm khác nhau về ngôn ngữ thiểu số và giáo dục song ngữ?
• Tại sao một số người ưu tiên quan điểm đồng hóa ngôn ngữ thiểu số và những người khác lại đề cao sự đa dạng ngôn ngữ?
• Song ngữ và đa ngữ có liên quan thế nào đến sự phát triển việc làm, kinh tế, công nghệ và giải trí trong thế giới hiện đại?
Nguồn tham khảo cuối chương
• Gợi ý đọc thêm (Chỉnh lý): Độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề trong chương sẽ được giới thiệu những cuốn sách hoặc bài báo gần đây.
• Tài liệu trực tuyến (Mới được thêm vào trong ấn bản thứ sáu): Đưa độc giả quan tâm đến các trang web, video, bài báo, chương trình phát thanh, hình ảnh có liên quan và những nguồn tài nguyên trực tuyến khác.
• Câu hỏi thảo luận (Mới được thêm vào trong ấn bản thứ sáu): Các câu hỏi thu hút người học tham gia vào các cuộc thảo luận có ý nghĩa trong các nhóm nhỏ, trên các diễn đàn trực tuyến hoặc để tự học về các chủ đề của chương.
• Hoạt động học tập (Chỉnh lý): Được thiết kế cho những người học muốn kéo dài thời gian học tập bằng cách tham gia vào các hoạt động thực tế. Các hoạt động này mang tính linh hoạt và có thể thay đổi theo hoàn cảnh thực tế. Giáo viên hướng dẫn và người học có thể thay đổi chúng tùy theo tình hình tại địa phương.
Lời kết
Đã đến hồi kết cho phần mở đầu. Trải qua năm lần xuất bản, cuốn sách đã trở thành một dẫn luận quan trọng về song ngữ và giáo dục song ngữ. Hàng nghìn sinh viên ở nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng cuốn sách này. Ấn bản thứ sáu này cung cấp một bản chỉnh lý lớn và toàn diện dựa trên quan hệ đối tác quốc tế của hai học giả chuyên gia. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ đọc và tìm hiểu, đồng thời cũng trở nên quan tâm và được truyền cảm hứng, say mê và hào hứng với các chủ đề đang ngày một trở nên quan trọng trong một thế giới liên tục biến đổi.
“Phiên bản mới của cuốn Giáo dục song ngữ được cập nhật vào đúng thời điểm mà nhu cầu về những phương pháp giáo dục dành cho học sinh song ngữ và thiểu số đang đạt đỉnh điểm. Việc tích hợp những nghiên cứu mới nhất và các sáng kiến chính sách mới sẽ cung cấp cho độc giả một nguồn tài nguyên học tập phong phú, tạo tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn. Đây thực sự là một cuốn giáo trình đáng tin cậy về học thuật.”
- Li Wei, Trung tâm Ngôn ngữ học Ứng dụng UCL, Vương quốc Anh
“Phiên bản này đã trình bày một cách xuất sắc các vấn đề lý thuyết và kết quả nghiên cứu mới về song ngữ cũng như giáo dục song ngữ. Nó xem xét các quan điểm đang chiếm vị trí trung tâm trong sự hiểu biết của chúng ta về ngôn ngữ và trình bày chi tiết về sự phát triển của lĩnh vực này dưới những góc độ vốn chưa hề được khai phá.”
- Guadalupe Valdés, Đại học Stanford, Hoa Kỳ
“Ấn bản này đã hoàn thành mục tiêu cung cấp cái nhìn tổng quan, toàn diện về các chủ đề liên quan đến giáo dục song ngữ và song ngữ. Những nội dung và tài nguyên bổ sung ở cuối mỗi chương là những công cụ tuyệt vời để bắt đầu một cuộc thảo luận công bằng và có tính phê phán trên giảng đường về những nội dung được trình bày.”
- Teachers College Record, tháng 9 năm 2021
“Đây là một cuốn sách mà bất cứ nhà nghiên cứu nào coi song ngữ hoặc giáo dục song ngữ là đối tượng nghiên cứu cũng phải đọc và sử dụng. Cuốn sách bao gồm các chủ đề với logic chặt chẽ, chứa đựng nhiều thông tin và được nghiên cứu kỹ lưỡng.”
- LINGUIST List, 2008
“Điểm thú vị của cuốn sách được thể hiện ở chỗ các tác giả luôn nhìn nhận giáo dục song ngữ như một quá trình lịch sử của xã hội loài người được bắt đầu từ ít nhất 5.000 năm trước, trong khi đơn ngữ lại gắn liền với sự biến đổi của yếu tố dân tộc chủ nghĩa và văn hóa. Giáo dục song ngữ và đa ngữ do đó không hề bị tách biệt khỏi cội nguồn lịch sử, cũng như không bị cô lập khỏi các làn sóng di cư, bối cảnh chính trị, nhu cầu của đại chúng, ý thức bản sắc và phong trào đòi quyền bình đẳng.”
- Trần Anh Đức, thạc sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hà Nội