Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái
Áo em ướt để anh buồn khóc mãi
Ngày mai chúng mình ra sao em ơi...
Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái
Áo em ướt để anh buồn khóc mãi
Ngày mai chúng mình ra sao em ơi...
Những câu thơ đầy ám ảnh ấy của Lưu Quang Vũ mình đã âm thầm đọc tặng em từ cái thuở mặn nồng.
Chỉ là âm thầm thôi vì những câu thơ buồn quá. Chúng khiến mình mơ hồ lo sợ lúc... trời mưa.
Thế mà “trời mưa” thật.
Ngày theo chồng, em lặng lẽ đặt vào tay mình tấm thiệp hồng mỏng mảnh giữa sân trường bời bời gió.
Mình gượng cười, nghe trong đầu bàn bạt giọng ca ai oán của Thái Nhân: Kiếp nào có yêu nhau/ Thì xin hẹn đến mai sau...
Mai sau biết là bao giở bao giờ... Thành ra lòng tao tác lắm.
Nên nó chông chênh lắm, bơ vơ lắm lắm.
Sự nghiệp còn dang dở, gánh gia đình trĩu trịu hai vai, túi lúc nào cũng rỗng tuếch chẳng có đồng có cắc lận lưng. Chia tay người yêu trong cảnh ấy đúng là buồn ơi là... sầu.
Nhớ lắm những sớm tinh sương nằm he hé mắt nhìn ra khoảng đục nhờ nhờ ô cửa, thấy mọi thứ dường như đông đặc lại. Chân tay cũng không thèm cử động luôn. Sau này khi xem bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng, thấy đầu phim là cảnh hai chị em Minh và Sang nằm bất động mắt mở thao láo rất lâu - một cảnh quay mà nhiều người nhận xét là “dài đến vô lí”. Nhưng mình lại cho rằng đó là chi tiết rất có lí. Chi tiết ấy “tĩnh mà động”. Bởi ẩn chứa sau dáng nằm im lặng tưởng chừng đặc vón lại kia là bao bão giông ẩn trong đáy mắt, hoàn toàn có thể cảm thông và sẻ chia.
Mình đã đón những bình minh rã rượi như thế đấy. Rã rượi đến độ tưởng có thể “nằm xuống với đất muôn đời”. Vậy mà rồi lại nhủ mình đứng lên và đi tiếp...
Và một trong những thứ “âm thanh” kỳ diệu dìu mình đứng lên để ngay ngắn bước tiếp những ngày tươi mới ấy chính là... “ngôn ngữ bố”.
Bố mình hiền lành và rất ít nói, nhưng những “ngôn ngữ” ông gửi đến mình thì nhiều không kể xiết...
Bố gửi ngôn ngữ thông qua tấm lưng. Hồi đó đêm đêm bố mình thường chèo đò chở chè xanh đi bán các chợ xa. Lưng ông lúc nào cũng cong như hình dấu hỏi. Mỗi lần từ trường về thăm nhà, bao giờ mình cũng thấy ông gắng gượng chịu đau để đứng thẳng người cho con khỏi nghĩ ngợi. Mà sao hồi đó mình vô tâm, nhìn thấy bố thế mà chẳng hỏi thăm bố được một câu. Chỉ miên miết thương trong âm thầm. Nhưng cái hình dấu hỏi ấy thì đau đáu lặn vào từng giấc ngủ. Đêm đêm, lưng ông vẽ lên nền bóng đêm thành hình trăng khuyết. Cái mảng lưng cong oằn trĩu chịu đựng thau tháu canh khuya, nhưng nhức, nhói buốt. Đôi lần bố đưa tay ra sau lưng nắn nắn, bóp bóp. Hễ thấy ánh mắt của mình, ông lại rụt tay lại như sợ lỡ con biết bố đau con lại thương lo. Rất nhiều năm rồi, nhớ đến cái rụt tay ấy của bố, mắt mình hãy còn cay.
Bố gửi ngôn ngữ thông qua đôi bàn chân. Bàn chân của bố có cái ngón cái to bè. Dưới gan bàn chân nứt nẻ như đồng khô mùa hạn. Trời mưa, đường trơn, bùn lầy lội, ông bấm các ngón chân xuống, lâu dần bè ra như cái nạnh thuyền. Hồi nhỏ mỗi lần đi đâu đó cùng bố, mình hay chăm chú nhìn xuống những ngón chân ấy, nhìn mãi, nhìn mãi cảm giác như có cỏ từ dưới chân ông mọc lên xanh mướt mát. Mình nhớ những buổi trưa mùa hè đổ lửa, bố thường dùng chân trần đảo thóc trên nền sân gạch nóng nhười nhượi. Các ngón chân rà đi rà lại trên từng luống thóc. Khói nắng hầm hập từ dưới nền sân bay lên mờ mịt. Cả đôi bàn chân bố chín đỏ lừng lựng, các ngón chân đan tỏa quyện màu đỏ vàng nhóng nhánh. Hình ảnh ấy vừa đẹp vừa ngậm ngùi. Nóng rát bỏng bàn chân như lửa cứa. Môi vẫn cười như ướp cả bình minh. Cũng với bàn chân có những ngón chân to bè bè ấy, bố thường lạo chạo sang làng trên rồi vòng xuống xóm dưới để vay nợ mùa giáp hạt. Những đồng tiền vay nóng bố cầm trên tay mặn chát...
Bố gửi ngôn ngữ thông qua ánh mắt. Mắt bố lúc nào cũng hiền khô. Nên chẳng cần bố nói, mình cứ nhìn vào mắt ông mà lựa nhặt thưa. Những ngày bố mang gạo xuống trường chuyên nơi mình theo học, mỗi lần chia tay, mình cứ đoán thế nào bố cũng dặn dò: Ở lại gắng học tốt nghe con. Vậy mà rốt cuộc lần nào cũng đoán sai. Bố im lặng. Chỉ có ánh nhìn dùng dằng nắm níu. Vậy thôi mà hơn ngàn vạn lời. Mình tự “dịch” trong ánh mắt ấy là câu nói: Nhà nghèo, bố chẳng mang được gì nhiều nhặn cho con. Con ở lại và cứ học như vậy vậy vậy vậy... con nhé. Thốt nhiên mình thấy lòng rưng rưng. Ánh mắt mình dừng lại sâu trong mắt bố. Khoảnh khắc vô thanh đẹp lóng lánh tựa ánh sao trời.
Ông gửi ngôn ngữ qua vạt cỏ, đồi sắn, luống rau, cây na, cây hồng, cây bưởi... Bất cứ thửa đồi, thẻo vườn, mảnh ruộng nào bố cuốc cày vun xới đều vuông thành sắc cạnh, đều đẹp như tranh vẽ. Bà con chòm xóm quê mình thường dùng cụm từ “ruộng vườn ông Tẩu” để chỉ vườn ruộng nhà mình và những vườn cây, nương sắn đẹp đẽ trong làng. Sở dĩ bố luôn nhận được những ưu ái như thế bởi khi nhận bất cứ việc gì ông đều làm bằng tất cả sự cần mẫn, bằng tình yêu âm thầm thơm mát, bằng sự nhẫn nại của người đàn ông ít được học hành mà vẫn rất minh tuệ.
Cứ thế, mình đọc được nhiều thật là nhiều “ngôn ngữ” của bố, thứ ngôn ngữ dịu dàng thầm lặng mà cặm neo mình vào với bến bờ của yêu thương chắt chiu tằn tiện. Nên mỗi khi chênh chao, lại nhớ về những buổi chiều chui vào đống rơm nằm ngủ thẹn thò, xung quanh bụi phấn lúa bay bàng bạc rồi ngóng bóng bố đi ngang, thấy lòng tự dưng ấm lại, thấy nồng nàn mùi lúa nao nức thơm cơm gạo mới...
Nên mỗi khi bơ vơ chống chếnh, lại nhớ những buổi tối “xốn xang bát đĩa khua chạm nhau” chuẩn bị cho bữa cơm tối, bố xắn quần tất tả chạy từ ngoài sân vào, nước nhỏ giọt như hình nốt nhạc trên nền đất. Và êm ấm thanh an cứ thấm đến từ từ...
Nên mỗi khi cô đơn tủi phận nghèo, lại nhớ về những cây bưởi cây cau đứng kiêu hãnh giữa vườn, nhớ dòng sông “chảy phai cả nắng” và cái lưng cong chèo đò của bố trên sông. Và thấy mình được nạp thêm thật nhiều năng lượng để bước tiếp trên những cung đường gai góc, trên những triền sông trập trùng ghềnh thác, trên những biển cả, những chân trời mà bố chưa thể đi qua.
Và cứ thế, mình trưởng thành từ trong cô đơn mất mát thiệt thòi...
Và cứ thế, khi “trăng thu gẫy đôi bờ/ Chim bay xứ xa mờ” mình nương vào ngôn ngữ của bố, vào những lời thầm thĩ vô ngôn của Người để đứng thẳng người bước tiếp muôn ngàn dặm đường xa ngái...
Và mình biết, nhìn vào bố, thiền định thẩm thấu từ bố, mình sẽ minh triết tự tâm để lặng thầm viết tiếp bài ca về tình phụ tử, một thứ tình nghĩa keo sơn ít được nhắc đến trong văn chương nghệ thuật.
... Điều này dễ đến mấy chục năm sau cái đận thất tình ấy mình mới ngộ ra. Ấy là khi mình có con.
Khi mình được viết tiếp những trang đời LÀM BỐ đẹp như một bài thơ. Và từ bài thơ trữ tình thầm lặng ấy mỗi người cha lại tự tạo nên thứ ngôn ngữ cho riêng mình...
Vẫn mãi bền bỉ miệt mài trong những... VÔ NGÔN.