Những đứa con từ tay mẹ lớn lên
Còn dây bí dây bầu thì lớn xuống.
(Nguyễn Khoa Điềm)
Trong cuộc đời mỗi người có hai thời điểm dễ làm người ta mộng mơ vơ vẩn. Ấy là tuổi chớm yêu và lúc chớm già.
Tuổi chớm yêu với mình thì đã lùi xa lăng lắc.
Giờ, “bóng đời bắt đầu ngả sang phía bên kia thung lũng của thời gian” lại luôn sống bằng hoài niệm. Miên man bủng nhủng bùng nhùng trong những vẩn vơ vơ vẩn...
Vơ vẩn vẩn vơ mơ về những năm tháng qua, những xao xác trong thẳm sâu quá vãng tưởng chừng là tít tắp.
Và nhớ nhiều nhất về những người mình đã “trót” thương yêu.
Nhưng kì lạ là nhiều khi trí nhớ như một cuộc chơi. Ký ức hiện về chẳng mấy lãng mạn, chỉ là những đường nét, những hình khối cụ tỉ cụ tì... Thì thế mới là mộng mị.
Nên mình nhớ tới cái dây bầu dây bí.
Ờ, sao lại là dây bí, dây bầu.
Chẳng là, hồi con trai chừng hai tuổi, nó thích ăn bí đỏ. Với nó, bí đỏ giống như yến tiệc cung đình, chế biến thành món gì nó cũng nao nao nức nức. Khi thì cháo xay bí đỏ, lúc lại bí đỏ nấu soup, có khi chỉ luộc lên, thái lát. Nó bốc bải ăn ngon lành, mồm miệng đỏ loe đỏ loét...
Khi đó cả nhà ở Nhật, đất đai quanh nhà thừa thãi rộng thênh, bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm. Thế là mình nghĩ đến việc trồng bí đỏ.
Bà ngoại gửi hạt giống sang. Mình lụi hụi vỡ đất. Bao nhiêu vốn liếng làm nông từ ngày còn thơ bé được đem ra sử dụng.
Và chiều nào, đi dạy học về, mình cũng hì hụi tưới tưới tắm tắm...
Đất tốt, chăm bón kĩ nên bí lên nhanh, hào phóng, khỏe mạnh.
Từng dây bí đan vào nhau, đẹp mượt mà.
Thi thoảng, cho con trai ghé thăm vườn bí. Mình chỉ cho nó hiểu về lá, về hoa về quả. Và hẹn nó sẽ có những bữa bí đỏ ngon lành do bố tự trồng. Chẳng biết nó có hiểu không mà cười toe. Mình còn có cảm giác những giây phút ấy nghe rõ tiếng bí reo thầm thì. Yêu thương đến lịm cả tim...
Và thế rồi, bữa ăn ngày nào cũng có món bí đỏ “cây nhà lá vườn”. Ngon và thơm. Mềm và ngọt. Sản phẩm tự tay mình làm ra mà lị.
Dưới gốc bí, mình bắt đầu trồng thêm các loại rau khác: rau muống, rau dền, rau đay. Cây nào cây nấy xanh tươi mơn mởn.
Nhiều quá, mình đem đến trường tặng cho mấy người bạn. Ai cũng nắc nỏm khen rau ngon. Và rồi ai cũng bần thần. Một nỗi nhớ xa mơ hồ chạm nhẹ vào tim.
Cứ thế, mấy năm ở Nhật, mình được thêm một lần sống cuộc đời nông dân. Khỏe mạnh, giản dị, hiền hòa. Mình được thở cùng thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên một cách hồn hậu, thấm đẫm. Sáng ra, nghe tiếng quạ kêu quang quác trong bụi tre sau nhà. Đêm về nghe tiếng mèo hoang gọi nhau réo rắt. Và hoa hồng, hoa lan, hoa trà mi... cứ thế quấn quyện vấn vương, êm đềm mà thao thiết.
Ngày chia tay nước Nhật, mình cúi xuống từng khóm rau, từng bụi cỏ để tri ân, để chào tạm biệt. Thấy thương hùi hụi vì biết ngày mai, chúng sẽ không còn người tưới tắm.
Và rồi đêm từng đêm luôn thảng thốt nghe như có tiếng gọi thầm thĩ. Tiếng gọi từ những dây bầu dây bí với “trái non tơ ngơ ngác héo tàn”.
Bí bầu ơi! Sao mà nhớ mà thương khắc khoải...
Mình cứ lẩn mẩn tự hỏi sao những dây bí dây bầu lại mang đến cho mình nhiều vấn vương đến thế. Sao không phải là rạng rỡ cả trời hoa anh đào tháng tư đẹp lộng lẫy kiêu sa. Sao không phải là hồng rực khóm hoa trà mi bên đường vấn vít. Sao không phải là miên man những vạt cỏ xanh lìm lịm trên góc đồi cạnh trường. Mà lại là thân dây bầu bí mỏng mà mỏng mảnh. Mãi rồi mình mới có câu trả lời.
Là bởi vì dây bầu bí thân thương hồn cốt gợi mình nhớ về quê nhà. Nơi đó có mẹ. Mẹ chân đất, áo nâu quăn quắt tứ mùa. Mẹ trán răn reo, tay chai cứng. Và đặc biệt là mẹ với dáng lưng cong thon thắt tảo tần. Những hình dáng quá đỗi thân thương ấy gợi lắm hình ảnh của dây bí dây bầu.
Những đứa con từ tay mẹ lớn lên
Còn dây bí dây bầu thì lớn xuống.
(Nguyễn Khoa Điềm)
“Lớn lên” và “lớn xuống”, hai hình ảnh đối lập nhưng đẹp và thơ đến mụ mị làm mình không thể không rưng rưng.
Là bởi vì quả bí với sức lớn hồn nhiên gợi mình nhớ đến con trai. Nó cứ thảnh thơi hồn nhiên mà lớn. Mới ngày nào còn bé xíu xìu xiu, che vừa khít lòng cái nón. Rồi thoắt cái biết chập chững chạy chơi, cười như gieo hạt bên góc công viên thênh thang nắng gió. Và chỉ thêm vài cái chớp mắt đã thành chàng trai, tiếng nói ồm ồm, tay chân chắc nịch. Hàng đêm, ấn tay vào cái đùi của nó, vào lưng nó, thấy râm ran trong lòng những niềm vui tha thiết.
Dây bí mỏng manh buộc mình vào nỗi nhớ.
Dây bí níu hồn mình thương về những chặng đường xa ngái.
Chỉ mỏng manh thế thôi. Mà neo đậu vô chừng.
Nghĩ xa hơn mới thấy, mỗi loài cây gần gũi với con người đến thế nào. Cây chở che, cây tình tự, cây an ủi, cây hò hẹn, cây đồng hành trong muôn cuộc viễn du.
Nhưng hình như, chúng ta đang bị bủa vây bởi bê tông, cốt thép. Hàng ngày đập vào mắt là những căn phòng chất ngất xa hoa bề thế, là dàn máy điều hòa luôn hoạt động hết công suất, là những ông quan “bụng to đầu bé ngồi lút trong những chiếc ghế gỗ chạm khảm cầu kì”. Và những ngôi nhà gỗ, những cánh cửa lim, những sập gụ tủ chè... Chúng là bằng chứng cho sự nạt nộ, hung dữ của con người uy hiếp thiên nhiên.
Và càng lúc con người càng xa với vạt cỏ hiền lành, với dây bầu dây bí mảnh mai khiêm nhường chân chất...
Nên mình chỉ mơ đến lúc nào đó sẽ được ở trong một ngôi nhà loắc ngoắc gió luồn qua. Trước nhà, mình sẽ trồng những giàn bí giàn bầu. Mình sẽ sống lại cuộc đời nông dân như đã từng gắn bó. Chắc hẳn khi đó mình sẽ được gọi là “lão nông tri điền”.
Để được sống chậm. Với nhịp thời gian thơ thới bồng bềnh.
Bởi khi ấy, Đầu đinh1 đã kịp lớn khôn.
1 Cách gọi âu yếm dành cho con trai.
Nhưng mình biết, nó chẳng bao giờ quên món bí đỏ với những quả bí bố tự tay trồng năm nảo năm nào.
Bởi nó rồi cũng giống mình, đa cảm, đa sầu, hay nặng lòng với những gì chân quê bé nhỏ. Quả là “Bao nhiêu là thứ bùa mê/ Vẫn không bằng được nhà quê của mình” như cách nói của Đồng Đức Bốn!
Và rồi nó biết thương cây lá, thương cỏ hoa và thương cuộc đời muôn nỗi.
... Sẽ luôn biết yêu biết nghĩ đến GIA ĐÌNH bằng trái tim hồn nhiên, thắm tươi trong trẻo... Ràng rịt mà đắm say như dây bí, dây bầu...