1. Nghỉ ở nhà mấy hôm, mình được tận hưởng cảm giác thư thái bên bố mẹ già, với nhà cửa, sách vở, viết lách... Và đặc biệt, không loa phường, không tiếng đập phá, không chó sủa, không người la hét, không karaoke, không dzo dzo. Phải nói là cực đỉnh.
Vậy mà tối qua, vợ dí cái màn hình điện thoại vào mặt, thẽ thọt: Anh ơi, điểm du lịch này ở ngay ngoại thành Hà Nội đấy. Anh xem mọi người nô nức đến tham quan và chụp ảnh đây này. Cứ như là ở xứ sở cổ tích ấy. Đẹp dã man luôn!
Đã quen với kiểu nói chuyện của vợ nên mình rất hiểu hàm ẩn bên trong thông điệp ấy là gì. Để có thể “đọc” được những ý nghĩ kiểu ấy của vợ mình phải tích lũy những hiểu biết về lý thuyết hội thoại như: hiển ngôn, tiền giả định, hàm ngôn... phải nhạy cảm trong phân tích ngôn từ, đặc biệt là phải trải qua rất nhiều lần kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đại loại là: Những trường hợp sau không bao giờ nên nói thật: Anh thấy em dạo này thế nào? Mùi nước hoa này có thơm không anh?(Với mình mùi nước hoa nào cũng kinh khủng cả, sorry các hãng nước hoa). Anh nhìn em có cao bằng cái cô kia không? Cái váy mới em mới mua này có model không anh?...
Những trường hợp sau không bao giờ nên trả lời: Anh nghĩ gì thế? Sau này em già, anh sẽ đối xử với em thế nào nhỉ? Sao mặt thộn ra thế, em có gì không phải à? Tại sao anh cưới em?...
Những trường hợp sau phải được dịch ra là “Em rất thích mua”: Cô bạn em nó có... / Hình như ở siêu thị... đang có đợt giảm giá/ Chồng bạn em vừa mua cho nó... / Anh thấy cái đồng hồ (hạt charm, cái túi, đôi giày... ) này thế nào?...
Những trường hợp sau phải được dịch ra là: “Em muốn đi chơi”: Nhìn họ chụp ảnh đẹp nhỉ/ Cứ quanh quẩn ở nhà mãi chả khác gì Osin/ Ôi, ngột ngạt quá, giá có chút không khí trong lành mà hít thở nhỉ (cứ như từ trước đến giờ chả được thở ấy)...
... Cho nên, áp dụng trong trường hợp này có nghĩa là: Em thích lên “xứ sở cổ tích” đó! Ừ, thì đi.
2. Chỗ mà vợ bảo đẹp như “xứ sở cổ tích” ấy ở Đông Anh. Xe chạy nhầm sang trường quay nên lòng vòng mãi mới đến.
Trong bãi đỗ xe, ô tô các loại đã xếp chật như nêm. Mình nói chú tài xế taxi lui xe vào ngõ xóm đậu nhờ.
Vừa bước xuống xe, vợ chồng mình đã được các bác hướng dẫn viên chắc là dân quân xóm chỉ dẫn nhiệt tình. Bác nào bác nấy mồ hôi nhễ nhại, còi thổi váng trời.
Dịch vụ chu đáo đến tận răng, đi vài bước đã có ngay xe điện chờ sẵn. Vợ tấm tắc: Làm du lịch phải thế chứ!
Đi cùng xe điện có cặp vợ chồng trẻ và cô con gái chừng ba tuổi. Con bé thích thú ngắm nhìn đồng lúa với mấy con bò thung thăng gặm cỏ. Lát sau nó phát hiện ra có cả cô dâu đến đó chụp ảnh. Nó reo lên: A cô dâu, cô dâu. Bố nó nhớn nhác: Đâu, đâu. Nó chỉ tay: Kia kìa, cô dâu đẹp tuyệt. Bố nó tấm tắc: Ừ đẹp thật. Mẹ nó lừ mắt: Ngồi yên, xe đang chạy nhanh thế này mà cứ loáy nha loáy nhoáy. Cả hai bố con im bặt. Rõ khổ. Mình tủm tỉm cười thầm, cái xe điện đi với tốc độ rùa bò vậy mà vẫn... nguy hiểm phết.
Xe điện dừng, thấy cả đoàn người đang lố nhố chờ mua vé. Con bé “thích cô dâu” nhảy cẫng lên: Bố ơi, trong này có nhiều cô dâu lắm. Hai bố con náo nức chạy đi mua vé vào cổng. Rõ là vui.
Mình định vào mua vé nhưng vợ ngăn lại, bảo để em vào mua cho. Thì ra, không khen cô dâu đẹp cũng có cái lợi thế đấy. Suýt nữa thì mình buột miệng: Em mà vào khéo họ miễn phí vé đấy, vì thấy trên bảng ghi: Trẻ em có chiều cao dưới 1,1 mét không phải mua vé. Nhưng mà thôi, chả nên gây hấn làm gì.
Khoảng chừng 20 phút sau, vợ cầm vé đi ra, mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại nhưng mà phấn khởi như kiểu sắp bước vào cửa thiên đường.
3. Qua cửa soát vé, thấy đông nghẹt người là người. Có một bãi cỏ rộng hơn cái sân kho hợp tác mà cơ man nào là trẻ con. Chúng chạy nhảy nô đùa dưới trời nắng chang chang. Đứa nào đứa nấy tóc tai dính bết. Bố mẹ đuổi theo la hét.
Có một cái nhà gì như kiểu nhà cổ (chắc đây chính là cái nhà mà vợ bảo là lâu đài cổ tích), thấy bên trong mọi người thả dép ngồi bệt la liệt khắp nền nhà. Nhìn qua chả khác gì bến xe Mỹ Đình những ngày giáp Tết. Mình thấy hơi oải. Vợ như đoán được ý nghĩ của mình bèn xoắn luôn: Anh lại bắt đầu nhả giọng châm biếm cho mà xem. Cứ đi tiếp đi, rừng mơ của cụ Tào còn ở phía trước mà...
Ờ thì đi tiếp. Có thêm một dãy gọi là “Ngôi nhà sắc màu” thì phải. Nhà bên cạnh hồ nước, trông cũng “mông thợ” ra phết, có cả một vườn hoa nhỏ. Nhưng cứ vừa ghé vào định chụp ảnh thì lại nghe đằng sau tiếng ông phó nháy hô: Anh chị ơi, lùi ra cho em nhờ tí nào. Thì ra, có rất nhiều các cặp cô dâu chú rể đến đây chụp ảnh. Mình nghĩ đến bố con cháu bé “thích cô dâu” đi cùng xe điện, chắc giờ họ vui phải biết. Cô dâu nào cũng lết bết son phấn, váy quét trên nền đất kéo theo luôn cả cỏ, rác và rất nhiều bụi. Cô nào cũng mặc váy hở hẳn một khoảng ngực, lấm tấm mụn. Có cô hở cả lưng, nhìn rõ cả sẹo. Có cô bỏ giày đi chân đất. Có cô vừa chụp xong một tấm lại có người chạy đến dí cái hộp sữa vào mồm, tu cái roẹt rồi lại tạo dáng tiếp. Mồ hôi mồ kê mướt hết cả mải. Đúng là “hy sinh cho cái con nghệ thuật”, nể thật. Nhưng mà mình không dám nhìn lâu, sợ “xe điện nó phóng nhanh” thì tăng xông cái rụp. Mình rảo bước thật nhanh vào nghía mấy cái phòng của “ngôi nhà sắc màu”. Các gian phòng bài trí tuềnh toàng. Gian đầu có đặt cái ti vi Neptuyn mà thời bao cấp nhà mình cũng có, cái đài cassette, cái đèn bão.
Sang gian bên cạnh, cũng đặt cái ti vi nhưng là kiểu ti vi nghĩa địa mà mấy chú thủy thủ tàu viễn dương nhặt về từ Nhật. Gian này có thêm... cái lò sưởi. Vợ bảo, chắc mô phỏng kiến trúc Châu Âu anh ạ. Nhưng mà Châu Âu sao có ti vi nghĩa địa.
Đi tiếp gian nữa thấy cái đàn piano, lỏng chỏng cái guitar tróc vỏ nằm bên cạnh. Kế đó là cái máy chữ thời bao cấp và có thêm chiếc đài hình như orionton thì phải... Hết, sắc màu! Mình cứ lẩn mẩn nghĩ, người ta sắp đặt các gian phòng rất ngẫu hứng như thế có ý đồ gì nhỉ? Hay, chủ ngôi nhà này là họa sĩ thuộc trường phái trừu tượng? Nhưng mà dù thuộc trường phái nghệ thuật gì thì cũng thấy rõ một sự thiếu thẩm mỹ và cẩu thả... Não loading đến 100% mà vẫn không hiểu nổi “sắc màu” ở ngôi nhà này là gì. Bực mình, bảo vợ mở ca khúc “Sắc màu” ra nghe cho nó có tí... sắc màu để còn tham quan tiếp. Và âm nhạc réo rắt: Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng/ Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang/ Một màu nâu nâu, một màu tím tím/ Màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng/ Một đường cong cong, nối bao đường vòng...
Thật luôn!
4. Đi thêm đoạn nữa đến phía trái dãy nhà là một khoảng vườn với mấy con ngựa. Ở đây vẫn còn lổn nhổn đất đá, mấy đống cát, đống cao đống thấp và một căn nhà gỗ... chắc cũng được sắp đặt theo trường phái trừu tượng. Tranh thủ lúc vắng người, vợ bảo, anh đứng vào em chụp ảnh cho. Xong ngắm nghía rồi lại bảo, đẹp lắm anh ạ, cứ như bối cảnh phim “Ngôi nhà nhỏ trên cao nguyên” ấy. Mình nhã nhặn: Hẳn là thế, chỗ này có giống lâu đài cổ tích không em. Vợ nguýt cái rõ dài, ra chừng không thèm để ý.
Rứa là hết chỗ để đi... Hai vợ chồng ghé vào quán giải khát, chen nhau thục mạng mua được cây kem nhưng mang ra... uống. Vì chắc cái máy bảo quản không đủ lạnh nên kem chảy thành nước.
Mình hỏi, em mãn nhãn chửa, về được chưa. Vợ lại nguýt cái nữa, xem chừng không thích những câu hỏi “nhạy cảm” nhưng rồi cũng gật gật: Ừ! Thôi ta về đi anh. Thế là mình “thoát hiểm”, thở phào khoan khoái. Có chút nước ice cream ngọt giọng, mình cao hứng nghêu ngao: “Ừ thì thôi ta về! Về lại đời tôi! Về tìm đôi chút, chút tim yêu nào chưa dành cho em. Ừ thì quên! Ừ rồi thì quên! Tình như con nước, cứ trôi xa bờ cứ trôi lững lờ cứ mộng cứ mơ. Xa mặt cách lòng, kẻ đợi...”. Liếc sang bắt gặp ánh mắt hình viên đạn, không kịp chỉnh volume, stop luôn.
Ra thanh toán vé, vì mới vào chưa đầy một tiếng nên mỗi người mất 100 nghìn. Một trăm ngàn cho một lần hạ cánh xuống thiên đường “rực rỡ sắc màu”, rẻ chán em nhỉ, mình lào thào. Lên xe điện, vợ gặp cô bạn Facebook, cả nhà cô từ Hải Phòng lên. Cô giãi bày: Cứ nghĩ lên đây sẽ tìm được không gian yên tĩnh để cả nhà thư giãn nên em háo hức lắm. Em dự định sẽ chụp thật nhiều ảnh lãng mạn “cúng phây”. Vậy mà... vào được một lúc hết sạch chỗ chơi nên cả nhà ra ngay. Gút bai cho sớm sủa anh chị nhỉ. May mà bố em không vào!
Mình nghĩ thầm: Ông cụ thật sáng suốt.
Rồi cô cùng vợ mình trò chuyện tíu tít, đồng hương mà.
5. Lên xe ô tô rồi, vợ lau mồ hôi, mặt tươi rói, nói: Điều tuyệt vời nhất mà em thu hoạch được trong buổi tham quan hôm nay là gì anh biết không? Là em được mẹ của cô bạn Facebook khen nắc nỏm: Mẹ Nhật Nam bên ngoài trông xinh hơn trong ảnh nhiều...
Mình cười méo xẹo: “Ừ, buổi tham quan đáng giá thế còn gì!”. Dù trong bụng nghĩ, thì có ai đánh thuế lời khen đâu!
Và đây là tổng kết của mình sau chuyến tham quan (cái này cũng nghĩ trong bụng thôi):
1. Đừng bao giờ tin vào những bức ảnh đăng trên Facebook.
2. Với những ngày lễ, tết, hội hè ở xứ ta, “đã nhịn được thì nhịn hẳn” đừng có vác thủ túc ra khỏi nhà. Chả thế mà bà cô Thị Nở khi biết tin Thị ngủ với Chí đã hét toáng lên: Giời ôi! đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí Phèo, hở giời!