1. “Trời ơi, đái đâu không đái lại nhè đúng chỗ rèm cửa sổ mà đái thế này có khổ tôi không cơ chứ?”.
Đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng léo xéo của mụ vợ, giật thột người.
Bỏ mịe, khéo hôm qua đi uống rượu về lơ mơ lại tương luôn cả vào rèm cửa. Chả biết được, lần trước còn mở tủ lạnh ra đái vì tưởng là nhà vệ sinh, vừa khoan khoái tiểu vừa lẩm nhẩm sao mụ vợ mình lại dọn được cái nhà vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ quá thể.
... Nghĩ thế nên mình co người, trùm thêm cái chăn qua đầu cho an toàn, đợi khi yên ắng hãy mò ra.
Có tiếng gì như tiếng chim sâu lách chách ngoài cửa. Giá như những lúc như thế này được nằm yên tận hưởng cảm giác dịu dàng yên ả như dòng suối nhỏ mát lành luồn qua da thịt có phải sướng bao nhiêu. Đằng này mới sáng ra đã chói lói những cằn nhằn... À, mà hình như chim gì chứ chả phải chim sâu. Thôi chim gì cũng được, cứ hót được là vui rồi.
2. “Thật bực mình quá đi, sáng bảnh mắt ra rồi mà chưa thấy có hàng rau cỏ nào đi qua đây...”.
Ái chà, lần này thì âm thanh có giảm đi đôi chút, nghe chừng có cả mát mẻ, hờn trách. Ý tại ngôn ngoại là phải thế, phải kết hợp với sự “biểu cảm” của giọng nói nữa mới có tác dụng. Mình ngồi dậy, mắt liếc xéo về “chỗ ấy”. “Chỗ ấy” đang hì hục lôi đống rác trong gầm bàn ra quét rồi đập phành phạch, bụi bay tung tóe. Khiếp quá, lúc nào cũng như sắp có chiến sự xảy ra...
Cố tỏ vẻ vô tội, mình thả giọng hiền hòa nhất có thể: Này, có gì ăn sáng không mình nhỉ? “Cơm nguội đấy, rang lên mà ăn chứ còn chờ đợi gì!”.
Ái chà, nặng trịch như đá tảng. Nhưng mà như thế cũng là tốt rồi. Ít nhất không phải là chiến tranh lạnh.
3. “Cái con mèo này càng ngày càng hư. Đến đi đái cũng lung tung. Mình đúng là không có tay nuôi mèo”.
Giọng vẫn nặng tựa đá đeo. Âm thanh đẩy lên cao một tí cốt để cho mình, dù ở trong bếp, cũng nghe thấy.
Mình vừa vét cơm nguội vừa thở phào, hóa ra con mèo. Nhưng mà vẫn “mát mẻ” kinh, không có tay nuôi mèo thì có tay nuôi người chắc. Nuôi gì mà tháng 30 ngày thì cả ba chục ngày ăn cơm nguội thế này cơ chứ.
Ngẫm buồn buồn là.
Mình ngồi xổm trên nền đất, miệng nhai mấy miếng cơm nguội ngắt nguội ngơ, má trệu trạo khi phồng ra lúc xẹp vào như thổi bóng. Ngoài vườn, mấy chú chim vẫn lách cha lách chách, ríu ra ríu ran. Như chúng mày lại sướng, ít nhất buổi sáng không bị thúc dậy rồi tống vào miệng lưng bát cơm khô khỏng này.
4. “Tiền đi chợ tôi để ở chỗ bàn uống nước nhé. Hôm nay mua rau muống, đậu phụ. Vẫn còn cá khô trong chạn, lấy ra mà rim nước mắm. Tôi đi làm đây...”.
Chào nữa cơ đấy. Đi chợ thì hôm nào chả mua những thứ đấy mà còn phải dặn. Lại nhưng nhức nghĩ đến cá khô. Ngày còn sinh viên, mình suýt cưới em H vì em luôn tích trữ quá nhiều cá khô do mẹ em gửi lên. Hồi đó cứ nghĩ sao em toàn ăn mấy con cá khô đét sờ đê mo na thế mà người lại “phong nhũ phì đồn” đến vậy. Vòng nào vòng nấy chuẩn đét đèn đẹt. Mỗi bữa cơm, em nhón tay lấy ba con cá, đem hấp vào nồi cơm thơm phưng phức, đoạn cho vào rim với nước mắm. Mình sang chơi, đầu mày cuối mắt, đong đong đưa đưa nhưng dạ vẫn nghĩ đến mấy chú cá khô. Rõ khổ. Nếu lấy em thì sao nhỉ? Chắc cũng vậy thôi, rau muống, đậu phụ và cá khô. Số rồi, ném vào đâu chả vậy.
Ý nghĩ ấy an ủi mình ghê gớm. Mình bước ra khoảng sân hẹp vươn vai mấy cái. Đã sang tháng ba, cây bưởi nhà hàng xóm bắt đầu ra hoa, tỏa mùi thơm nhẹ nhàng lan khắp không gian. “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay”, bà Thanh Nhàn quả là vẽ chuyện. Tặng thì tặng luôn cả chùm, sao phải giấu giấu giếm giếm. Mà cái loài hoa bưởi này, sao mà giấu được, mùi thơm của nó ẩn trong từng ngón tay người hái, ai mà chả biết. Gớm, mà mình cũng lãng mạn phết đấy nhỉ, còn nghĩ được cả đến hoa bưởi tháng ba. Cứ ở nhà thất nghiệp thế này rồi khéo chỉ vài tháng nữa là thành nhà thơ...
Mình xách làn đi chợ. Mắt dáo dác nhìn quanh, chẳng phải để tìm ai cũng chẳng phải tìm hàng gì, chỉ là mình đang tự mở cuộc “điều tra xã hội học” xem vào khoảng 9 giờ sáng, số đàn ông đi chợ sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm. Xem chừng không quá một phần trăm. Nghĩ đến đây lại thở dài thậm thượt.
... Mình sẽ thất nghiệp đến bao giờ nhỉ? Chả biết. Kinh tế suy thoái thế này, đến mớ rau, bìa đậu cũng còn lên giá, cơ hội xin việc ngày càng vào ngõ cụt, từ cử nhân chăn bò đến thạc sỹ rửa xe chỉ gần nhau gang tấc. Mà mình thì cứ chờ đợi một cơ hội “rực rỡ” cho xứng với cái bằng thạc sỹ cơ. Rõ khổ. Rực rỡ đâu không thấy, chỉ thấy suốt ngày tính tính toán toán với rau muống và đậu phụ.
5. Chiều nhạt nắng.
Mình nằm khểnh ngoài hiên nhà nghe nhạc. Kệ chứ, tưởng thất nghiệp thì không được nghe nhạc chắc. Cái bài Hoa cài mái tóc này, ngày xửa ngày xưa mình biểu diễn ở đám cưới con bé X. Thế mà mấy ẻm phù dâu cứ bẽn la bẽn lẽn ra hỏi anh à, anh ơi, anh học thanh nhạc ở đâu mà hát hay thế. Chuyện, chỉ có các em là nhìn ra “tài năng” của anh, chẳng như mụ vợ anh ở nhà.
Vừa nghĩ đến “Tào tháo” là “Tào tháo” xuất hiện ngay tắp lự. Thiêng thế không biết. Tiếng xe đạp lịch bịch, những vòng quay uể oải cho thấy rõ sự mệt mỏi nặng nhọc. Về gì mà sớm thế.
Dựng cái xe cạnh hàng rào, cái xe nghiêng suýt đổ, rơi ra bó rau muống. Mình vội vàng chạy ra: Ơ kìa, dặn anh mua rau muống rồi còn mua thêm à? Nói thế cho có không khí thôi, chả nhẽ lại bảo, cô không nghĩ ra được cái gì hay hơn rau muống hay sao?
Biết rồi, mua thêm một mớ về xào! Rau xào nên nó ngót lắm, phải hai mớ mới đủ...
Hẳn là hai mớ cơ đấy. Cứ như thêm tổ yến chưng không bằng.
Úi, rau muống xào là ngon lắm đấy, anh rất thích. Mình xuýt xoa như kiểu vừa nhận một đặc ân trên trời ban xuống.
Gớm, nói đến ăn là cứ sáng mắt lên - lườm ngang. Mà đi bóc tỏi đi - lườm thêm phát nữa.
Mình cuống cả chân: Anh đi đây, đi đây!
Phụ nữ tài thế, chỉ là cái mớ rau muống xào tỏi thôi mà nói như kiểu vua vừa ban lệnh hồng điều cho thần dân.
Nhưng như thế là tốt rồi, còn hơn là hỏi không nói, gọi không thưa, kiểu như: Trong nhà ai đẹp bằng em/ Mắt xanh mỏ đỏ lại chen má hồng/ Má hồng mỏ đỏ mắt xanh/ Gần chồng mà chẳng “hôi tanh” mùi... chồng. Mình lấy mấy củ tỏi ra ngồi tỉ mẩn bóc, miệng lẩm nhẩm một bài hát xưa cũ...
6. Nàng lụi hụi mỏng mảnh bước vào gian bếp. Mình liếc mắt nhìn lên. Trong ánh sáng mờ mờ từ ngoài hắt vào, thấy rõ những đường nhăn trên khóe mắt nàng.
Thoắt cái thấy lòng nao nao.
Cô gái xinh xắn, mượt mà ngày nào, giờ gầy nhom, nhăn nheo. Mái tóc thưa thớt, đôi bàn tay gân guốc, xương gò má nhô cao, cái gót chân nứt nẻ...
Tất cả như bằng chứng sống động về nỗi vất vả và lam lũ của nàng.
Thì đã ngày nào được hưởng an nhàn thanh thản đâu.
Lấy chồng được chưa đầy nửa năm thì chồng thất nghiệp... Bao gánh nặng dồn lên vai nàng.
Mình so se, cắm cúi tước từng nhánh tỏi.
Ngoài vườn, tiếng chim gọi nhau về tổ nghe da diết quá. Bên những chùm hoa bưởi đầu mùa, chúng rúc vào cánh nhau, trao cho nhau tình thương mến...
Bỗng thấy khóe mắt cay cay.
Mình ơi, từ ngày mai anh sẽ khác. Anh sẽ làm bất cứ công việc nào miễn có tiền để em khỏi khổ. Để vợ chồng mình, mỗi ngày đi làm về sẽ líu ríu vui vầy như những chú chim dễ thương ngoài vườn kia. Và có thể vẫn chỉ có rau muống và đậu phụ nhưng em không buồn nhiều nữa.
Nghĩ vậy thôi mà không thể thốt thành lời...
Nàng đứng cạnh bếp, lửa hắt lên bập bùng.
“Anh ơi, bóc xong tỏi chưa, đập ra cho em nhé!”.
Ừ! Anh đang đập đây. Gớm! Chỉ mấy củ tỏi thôi mà cũng cay xè cả mắt. Mình cúi xuống dụi mắt...
Chấp chới trong ý nghĩ là hoa bưởi và chim sâu.
Và một khoảng không gian thanh bình, yên ả...