Nhận được thư của mẹ, gã ngồi thừ người, mồ hôi rịn ra lấm tấm mướt mải.
Chỉ mấy dòng thư thôi mà gã như thấy có một binh đoàn đang khua gươm múa giáo trước mặt.
Gã thấy giận bản thân mình ghê gớm. Có nỗi gì như uất nghẹn cứ trực trào lên cổ rồi lại chạy xuống lồng ngực đau nhói.
Gã nghĩ đến mẹ già nơi quê nhà xa lắc. Gần chục năm rồi từ ngày bố gã hai năm mươi, mẹ sống một mình lui cui trong căn nhà cô đơn quạnh hiu bên sườn đồi. Mùa hè, nắng quất thẳng vào giữa nhà chói rát. Mùa mưa, mẹ căng mấy tấm ni lông để hứng nước dột lõm bõm. Mẹ nằm né vào một góc nhưng có đêm nước đọng trên mảnh nilon nặng quá, nghiêng đổ đúng chỗ mẹ nằm. Thế là nửa đêm mẹ dậy thay quần áo, run cầm cập trong cái lạnh tái tê... Chỉ nghĩ đến đó thôi, gã đã thấy mắt mình ầng ậng nước.
Giờ gửi thư ra, mẹ muốn gã về sửa cho mẹ cái nhà vệ sinh. Mẹ bảo nó dột nát quá rồi con ạ, mỗi lần lọ mọ đi vệ sinh xong, mẹ cứ như người trúng gió, tứ bề thông thống, ngại ngại là. Mẹ biết con trăm công nghìn việc nhưng nếu thu xếp được thì về sửa giúp mẹ con nhé...
Thời gian thì gã không thiếu nhưng gã thiếu... tiền.
Tiền gã cũng không hẳn thiếu nhưng gã... không được cầm.
Tất cả, như luật bất thành văn, hễ được đồng nào, vợ gã là người quản.
Thế là hàng tháng, gã đều đặn đưa tiền cho vợ, không thiếu một xu, chỉ giữ lại đúng số tiền để đổ xăng và tiền chi tiêu hàng ngày theo định mức mà vợ hắn đã ấn định... Ngoan như đứa trẻ biết nghe lời.
Mà gã thì cũng coi đó là chuyện hết sức bình thường. Vợ gã quả là biết chi tiêu. Mọi đồ đạc trong nhà, nàng sắm sanh đầy đủ. Quần áo của gã, vợ mua cho từ cả cái quần sịp đến chiếc áo may ô. Tất tần tật từ dao cạo, bàn chải, kem đánh răng đến cả máy nhổ lông mũi, lọ nước gội đầu, viên thuốc, chai dầu gió... Rồi con cái học chính khóa, học thêm thầy này cô nọ, vợ một tay lo liệu.
Thế nên gã thấy hài lòng.
Mỗi buổi sáng tỉnh dậy, vừa bước xuống giường đã có ngay một tách café nóng bốc hơi nghi ngút, thơm lừng do vợ pha đợi sẵn. Gã nhấm nháp café, thêm chút bánh ngọt đúng kiểu dân chơi sành điệu và thong thả đi làm. Quần âu, áo sơ mi là lượt thẳng thớm treo sẵn trên móc, chỉ việc ngoắc tay vào là xong. Vợ hắn cũng đã quần là áo lượt, khuôn mặt tươi tắn rạng ngời đang xoay mình, mỉm cười trước gương, hài lòng với nhan sắc tuy ngoài bốn mươi nhưng vẫn mặn mà đằm thắm. Hai vợ chồng bông đùa với nhau vài câu. Vợ gã không quên dặn với theo khi gã nhón chân ra khỏi cửa: Em để tiền đủ để anh mua xăng xe và ăn trưa rồi nhé. Nhớ ăn uống đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bây giờ bẩn kinh hoàng, anh phải cẩn thận đấy!
Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào.
Cuộc sống diễn ra thẳng thớm, thơm tho, hệt như những bộ quần áo treo sẵn ngay ngắn trong tủ hàng ngày.
Chỉ có điều làm gã luôn canh cánh day dứt là mẹ già ở quê. Mấy lần gã toan ướm lời với vợ đưa mẹ ra ở cùng. Thoáng thấy vợ cau mày nên gã lại thôi.
Nếp sống đang ổn định thế, mọi điều đang bon trớn như thế, làm rối tung lên làm gì. Gã tự nhủ và cũng tự an ủi rằng mẹ ở một mình có khi còn tự do và dễ chịu hơn.
Nhưng hôm nay có thư gửi thế hẳn mẹ đang rất cần gã. Gã không thể chối từ. Bình thường, hỏi mẹ có thiếu gì không, cần gì không, bao giờ mẹ cũng xua tay: Không không, mẹ đủ tất, con đừng lo gì cả...
Chẳng biết làm một cái nhà vệ sinh thì hết bao nhiêu tiền. Lâu rồi không động đến việc chi tiêu nên gã gần như không có khái niệm gì về giá cả. Sẽ đặt vấn đề với vợ thế nào? Sẽ bắt đầu từ đâu? Liệu vợ gã có ủng hộ không? Ôi chao, những câu hỏi cứ làm gã chóng mặt, đầu óc quay cuồng...
Về đến nhà, đặt cái cặp xuống bàn, gã đang tìm cách để mở lời thì vợ đã đon đả: Anh về rồi à, lại đây, em vừa nấu món này ngon lắm. Anh ăn thử xem thế nào?
Hắn ăn thử, xuýt xoa khen. Vợ gã mỉm cười sung sướng. Cái nụ cười mới đẹp làm sao, và gã không muốn làm hỏng giây phút lãng mạn ấy. Lời định thốt ra lại gói chặt trong lòng. Cứ thế, cả buổi tối gã nấn ná. Chỉ đến khi chuẩn bị đi ngủ, gã mới ngập ngừng: Em à... Mẹ muốn sửa lại cái nhà vệ sinh. Mẹ bảo nó cũ nát quá rồi. Anh định đợt này xây cho mẹ cái toilet tự hoại luôn để mẹ đỡ phải đi ra vườn đêm hôm gió máy... Vợ nằm úp mặt vào bóng đêm, tuồng như không nghe tiếng. Hay là ngủ rồi? Gã bần thần như người bước hụt.
Một lát sau mới có tiếng trở mình, vợ gã lào thào như người mơ ngủ: Anh cứ về trước xem thực hư thế nào. Các cụ bây giờ là cứ thích xây sửa cho bằng nhà nọ nhà kia chứ nhiều khi cũng chẳng thật cần thiết đâu. Ở quê mà tự hoại tự huếc gì cho tốn kém. Thôi ngủ đi anh. Ngủ khuya một tí là da em cứ sạm cả đi ấy...
Vậy là xong... Gã nằm quay ra cửa sổ, phía ngoài là ngọn đèn khuya hắt bóng xuống tàn cây trứng cá một màu vàng ệch. Nỗi cô đơn hoang hoải trống rỗng dâng lên ngập lòng.
Rồi gã cũng lên tàu về với mẹ. Trong túi có đủ tiền tàu, hắn bớt mấy trăm trong số tiền vợ đưa tiêu vặt để mua biếu mẹ hộp sữa cùng với một cơ số quà bánh vợ đã chuẩn bị. Gã bồng bềnh trong niềm mong đợi. Vài trăm cây số thôi mà dễ đến mấy tháng rồi gã không về với mẹ. Thì đã bảo mọi sự đang thẳng thớm mướt mát thế cơ mà.
Mẹ đón gã lun cun lập bập. Hai bàn chân cứ ríu vào nhau. Mắt mẹ nhập nhòe. Mẹ nửa cười nửa khóc: Ôi, con về rồi đấy à. Mẹ mừng quá con à. Sao không báo cho mẹ biết trước... Chỉ thế thôi rồi cứ ôm xiết vai con, hai mẹ con đứng thinh lặng giữa sân thông thống gió. Gã bật cười: Con về luôn mà mẹ cứ làm như lâu lắm rồi ấy. Thôi nào, vào nhà đi kẻo đứng đây mẹ lại bị cảm bây giờ.
Gã bước vào căn buồng tối tăm nồm ẩm. Những cột gỗ mốc thếch ngả màu. Gã đứng lặng hồi lâu trước những tờ giấy khen gã được tặng từ những năm học tiểu học mà mẹ đã gìn giữ nâng niu mấy chục năm rồi. Tất cả được đóng khung treo thành dãy thẳng hàng ngay lối. Có thể đêm nối đêm trong cõi cô đơn, mẹ vin vào chúng để lần hồi mà bước tiếp. Gã lại ứa nước mắt, những giọt nước mắt xót xa mặn đắng...
Rồi mẹ líu tíu ra vườn hái rau, bắt con gà làm thịt. Mẹ rộn rã, mẹ náo nức. Mẹ cứ vừa làm vừa hỏi. Mẹ thương con trai, con dâu vất vả, thương các cháu bận rộn chẳng có thời gian về thăm bà.
Gã nghe mẹ nói cười rổn rảng, nhìn cái dáng nhỏ bé của mẹ lơi tơi chạy từ vườn vào bếp thấy trong lòng dâng lên ấm áp. Mẹ yêu ơi, gian nhà ẩm mốc này, cái bếp lửa, vuông sân rêu phủ này, con lẫm chẫm lớn lên từ đó. Con làm sao quên được những lần mẹ nhịn đói để dành bữa cho con đến lớp. Những đêm mùa đông mẹ bọc con trong ổ rơm rồi nằm đè lên xua tan giá lạnh. Những ngày mùa hè mẹ quạt nồng ấp lạnh cho con trong trập trùng thương khó... Vậy mà gần tám chục tuổi rồi mẹ vẫn ở lại với bếp lửa, với ổ rơm, với đàn gà, vườn rau vại nước. Con chưa lo cho mẹ sung sướng được một ngày... Mẹ ơi!
Những tiếng nấc cứ dồn dập trào lên trong lòng... Nhức nhối, buồn đau...
Và trời ơi, nhà vệ sinh của mẹ là đây. Mấy mảnh phên liếp bay phần phật. Một cái cửa trống hoác, đập phành phạch liên hồi. Thoắt nhớ đến lời vợ lạnh queo: “Các cụ bây giờ cứ thích xây sửa cho bằng nhà nọ nhà kia...” gã thấy tay chân tự nhiên nổi da gà. Mẹ ơi, phải sửa nhà vệ sinh thật rồi mẹ ạ. Để mẹ đi gió máy thế này con an tâm sao được. Nhưng... nhưng lần này con chưa mang theo tiền. Mẹ đợi con ra Hà Nội rồi gửi tiền về biếu mẹ, mẹ nhé.
Ừ, con sửa được cho mẹ thì tốt còn nếu chưa thu xếp được mẹ sẽ tìm cách xoay xở. Mẹ nhắn để con về phần nhiều là vì nhớ mày quá đấy... Mẹ vừa bán lứa gà, cũng được chút tiền. Mà con này, ở chỗ gốc gạo đầu làng ấy mẹ thấy có cả đống gạch vỡ, mẹ định hôm nào sẽ ra gánh một ít về, lúc xây cũng đỡ được khối tiền con nhỉ. Chỉ cần thêm ít cát ít xi măng nữa là xong.
Ôi mẹ ơi, mẹ đi lại còn khó khăn, mẹ còn gồng gánh làm sao được. Thôi mẹ đừng... con xin mẹ!
Lo gì con. Ngày xưa mẹ chả gánh anh đi từ đầu mom đến cuối bãi, từ làng ta ra chợ huyện dễ đến cả chục cây. Rồi gánh thóc, gánh phân, đội gạo, có sao đâu...
Mẹ cười, nụ cười nhẹ thênh như bông hoa gạo bay nghiêng trong gió. Gã đứng dậy ôm mẹ vào lòng, cố quay mặt đi để mẹ khỏi nhìn thấy khóe mắt đỏ hoe của mình.
Rồi gã lên tàu trở ra Hà Nội...
Lại những chuỗi ngày thẳng thớm. Áo quần là lượt, café, bánh ngọt, bia bọt, tiền tiêu theo định mức lúc nào cũng có sẵn trong túi...
Gã như con gà công nghiệp béo tốt, ích kỉ và tự mãn. Lời hứa với mẹ cứ nhạt dần, nhạt dần.
... Cho đến một ngày gã nhận được điện thoại từ cô em họ: Anh về ngay đi. Bà cụ bị ngã nặng lắm.
Gã lao sầm sập về nhà. Căn nhà tồi tàn giờ đầy chật những người. Mẹ gã nằm mê man...
Gã nấc lên: Mẹ ơi, sao đến nông nỗi này hả mẹ! Tiếng nấc chìm trong thinh lặng...
Có tiếng ai đó dè dặt: Bà ấy đi gánh gạch vụn rồi bị ngã. Khổ thân, chẳng hiểu gánh cả mớ gạch vỡ ấy về để làm gì. Mà lại gánh ban đêm. May có người đi câu cá trông thấy nên cõng về. Anh nói gì với mẹ thì nói đi, kẻo không kịp.
Gã cúi xuống, ôm lấy thân mình mẹ mỏng miêng như tàu lá. Gã muốn thổi luồng hơi nóng ấm từ tâm gan máu lệ xác hồn mình vào từng mạch máu của mẹ mà dường như không thể. Nước mắt gã chảy ròng ròng trên da thịt mẹ. Mắt gã hoa lên, nhòa đi. Chập chờn chỉ thấy hoa gạo nơi bến sông làng trập trùng rơi chao chát. Đỏ như máu và mặn như nước mắt... Mẹ ơi! Mẹ gánh nước mắt đi giữa nhân gian mưa chan nắng dội mà con chưa một lần mang đỡ mẹ...
Mẹ ơi!
Những bộ quần áo hàng hiệu thẳng thớm, những thỏi son lòe loẹt, những tách café nóng hổi, những bữa ăn với bia bọt mù trời... và cả những mẩu gạch nghiệt ngã kia ơi!...
... Gã đổ gục xuống... thảng thốt bên tai những lời ru của mẹ kéo gã về với miên man ký ức ấu thơ. Gã ngả vào lòng mẹ mênh mang như trời biển. Nơi ấy luôn có ánh mắt mẹ nhìn âu yếm trong vắt và thảo thơm như màu nắng...