Sáng ra, vừa mở mắt đã nghe em “thả” vào lỗ tai những lời “đường mật” về cái dịch sốt do zi ka zi kiếc gì đó.
Em bảo loại này nguy hiểm lắm, xuất hiện cách đây mấy chục năm rồi. Bệnh do muỗi truyền.
Vì thế, nhớ phải ăn ở sạch sẽ, tránh các tác nhân gây bệnh.
Rồi em còn giải thích rất dài, rất dài về các tác hại khác nữa của bệnh. Ngày nào em cũng ra rả: “Hiện lay ở Việt Lam chưa phát hiện ca lào mắc bệnh sốt do virut zika” (Em vừa ngọng níu ngọng nô, đã thế âm đầu z em lại phát âm thành r rung bần bật). Nhưng mà em chả chịu cập nhật thông tin gì cả, rõ ràng anh đọc báo thấy người ta nói đã có mấy ca.
Định cãi lại với em nhưng đành thở dài thườn thượt... hơi đâu.
Vì anh biết, em vốn rất bảo thủ. Ngày nào em chả nhắc đi nhắc lại mãi cái điệp khúc ấy.
Nhưng hết dịch sốt dịch siếc, em bắt đầu bàn về chuyện chính trị.
Khiếp quá, cái miệng em đầy lưỡi là lưỡi, lổn nhổn những thổ ngữ vốn đã khó nghe, giờ em nói về những chuyện đối với anh vốn “khô như ngói”, lại càng khó nghe hơn. Em bảo là toàn dân ta có quyền lợi và nghĩa vụ đi bầu cử.
Xong em lại giải thích là những người nào thì có thể tham gia ứng cử vào quốc hội, những người nào không nên. Trời ơi, anh biết mà. Sao em cứ nhắc đi nhắc lại rằng, người bị bệnh tâm thần và người đang chịu án thì không được tham gia ứng cử. Thật lòng nhé, nghe em nói xong, anh cũng muốn... tâm thần luôn đó. Vì em cứ như thể đang nói cho một người mù chữ. Khổ quá cơ, anh thật không ưa em tí tẹo nào.
Chuyện chính trị chán, em bắt đầu kể lể về việc nhà nào trong phố là tấm gương điển hình về nuôi dạy con, tấm gương về vệ sinh ngõ phố, ngày nào thì các bác về hưu ra phường lĩnh lương... Em còn nhắc là nếu nuôi chó mèo phải dắt đi vệ sinh đúng nơi đúng chỗ. Những lời em nói làm anh nhớ đến bài học về giữ vệ sinh anh được học ở lớp vỡ lòng từ thập niên 70 của thế kỷ 20: “Con ruồi đậu ở chuồng phân/ Ruồi bay đến đậu thức ăn vật dùng/ Mang theo cả đống vi trùng/ Ăn vào ỉa chảy vô cùng nguy nan/Thức ăn phải đậy lồng bàn...”. Và cả câu thơ anh tặng cho thằng con khi nó lên 2 tuổi: “Ị cho đúng lỗ mới tài/ Nếu ị ra ngoài kĩ thuật còn non”. Nhưng anh nói thật, bài văn vần về giữ vệ sinh ấy và hai câu “thơ” anh làm tuy thô thiển nhưng nghe còn vui tai chán. Chứ những điều em lảm nhảm chả vui tẹo nào. Anh xin em đấy, ai thế nào kệ xác người ta, anh có phải trẻ lên ba đâu mà nghe em giáo dục xong, anh trở nên ngoan ngoãn hơn được. Em có cách nào tế nhị hơn để mọi người, trong đó có anh, hiểu ra những điều đó mà không bị “tra tấn” đến mức muốn độn thổ thay em, được không em?
Hình như biết nghe em nói mãi cũng chán, em bắt đầu chuyển sang... hát.
Kinh khủng hơn kính thưa các loại kinh khủng!
Nói thật nhé, khi nghe em hát, anh muốn bỏ nhà đi bụi lắm. Vì em hát không những dở, em còn “la lối” kiểu gì mà nghe xong khiến cho người ta cảm giác muốn... đánh nhau.
Em ơi, có ai yêu thương nhau mà “đóng cọc” vào lỗ tai nhau những “ca từ” như: Hôm nay đi bầu cử, một niềm vui hân hoan/ Hôm nay đi bầu cử, một niềm vui ngập tràn. Nhưng cũng không kinh khủng bằng đoạn điệp khúc em hát với tiết tấu nhanh, rộn rã: Tôi đi bầu/ Tôi đi bầu... Trời ơi, em bảo là em bị cưỡng... đến mang bầu cũng không làm anh bàng hoàng như thế. Thật luôn.
Cứ thế, mỗi sáng từ lúc tờ mờ, khi anh còn đang ngái ngủ trên giường, em đã tra tấn anh. Cứ thế, mỗi chiều, anh vừa uể oải từ công sở về nhà chưa kịp đặt cái bàn tọa xuống ghế, đã lại phải nghe em tiếp tục “ca”.
Em có chịu hiểu không, anh ước ao lắm, anh khao khát lắm, một buổi sáng bình yên, với tiếng chim lích chích ngoài cửa sổ. Anh mở cửa, đón những tia nắng dịu dàng của ngày mới. Hoặc anh có thể nằm nán lại giường, nghe những âm thanh bình dị của cuộc sống ngoài kia vọng vào. Và anh lại ước được một đêm như Chí Phèo đắm say quay cuồng cùng Thị Nở ở vườn chuối bên bờ sông quê lồng lộng gió, khiến: “Ánh trăng chảy rười rượi trên tàu lá chuối. Tàu lá chuối ưỡn mình lên giãy đành đạch như là hứng tình...”. Để rồi sau cái đêm nhàu nhĩ và “đành đạch” ấy, Chí biết yêu thương những thanh âm giản dị quanh mình như tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng í ới của những người gọi nhau đi chợ sớm, tiếng lách cách từ bếp lửa đỏ hồng... Chứ nhất định không phải tiếng của em ồn ào, chói lói...
Nên em ơi! Vì một cuộc sống bình yên, em có thể vui lòng khép miệng lại được không? Anh tha thiết cầu mong điều đó.
Em... Loa phường ơi.
Và anh cũng nói thật nhé, ngày xưa vì tình yêu mà Lan lạnh lùng cắt đứt dây chuông mặc cho Điệp gào đến khản hơi tắt tiếng ngoài cửa chùa quạnh vắng: “Lan ơi! Xin em đừng cắt đứt dây chuông đừng lạnh lùng khép cổng/ Điệp tìm đến đây với nỗi nhớ niềm thương và lòng hối hận, dù mối tình xưa Điệp không vong phụ... bao í i ì giờ ờ ờ ờ...”.
Ngày nay, (anh là chồng Điệp) vì sự yên ổn của bản thân, anh cũng mong muốn được lạnh lùng... cắt đứt dây loa.
Anh thề!