Trở về nước trong kì nghỉ phép, sau những ngày tận hưởng không khí gia đình, thăm thú họ hàng làng mạc, gã bắt đầu nghĩ đến việc sẽ đi tìm mấy đứa bạn cũ.
Phải rồi, cả một thời no đói có nhau, giờ cũng gọi là có tí mở mày mở mặt, gã nhất định phải chia sẻ niềm vui ấy với lũ bạn.
Nghĩ thế, nên gã lùng sục số điện thoại của từng đứa để liên hệ.
Đứa nào cũng tỏ vẻ vui mừng: À, về rồi đấy à. Nghe tin ông đỗ đạt rồi được đi giảng dạy ở nước ngoài, chúng tôi mừng lắm.
Đứa nào cũng tán đồng: Ừ! Gặp nhau, gặp nhau chứ!
Nhưng rồi khi nói ngày giờ gặp cụ thể, đứa nào cũng bận.
Đứa bận đưa con đi thi. Đứa bận chăm vợ đẻ. Đứa bận việc cơ quan...
Nên cứ dùng dằng mãi.
Cuối cùng sắp đến ngày trả phép gã mới tìm được “tiếng nói chung” để cả nhóm bạn gặp nhau vào một sáng chủ nhật.
Gã háo hức lắm. Đối với gã, bạn bè cũ như một phần kí ức sống động và đầy ắp những kỉ niệm ngọt ngào và quá đỗi thân thương.
Mà gã thì biết ơn kí ức của mình nhiều lắm.
Nếu không có những năm tháng đói mòn đói mỏi ấy có thể gã đã không đủ nghị lực đóng cửa mấy tuần ở lì trong nhà chỉ ăn mì gói để ôn thi đi làm chuyên gia nước ngoài. Nếu không có những đứa bạn thuở thiếu thời sẵn sàng nhường cơm sẻ áo gã khó có thể vượt qua những tháng năm chất chồng gian khó.
Nên gã nhớ chúng.
Gã nhớ đứa bạn học cùng từ thời còn mặc quần thủng áo vá. Nó hay lội bộ cùng gã xuống học trường chuyên dưới tỉnh. Nó hay chìa cho gã cái nắm cơm thơm phức đã được mẹ lèn thật chặt. Đối với gã, cơm nắm là món ngon nhất trần đời. Thử tưởng tượng mà xem, cuốc bộ mấy chục cây số, khi chân tay mỏi rã rời lại được ngả mình trên cỏ, gió thổi hiu hiu, từ từ, nhẩn nha mở gói cơm nắm ra. Vị ngọt của cơm thấm vào từng tế bào. Cả hai đứa cứ nhai thật chậm, thật chậm. Ăn xong nằm lăn ra bờ đê cho cỏ dính đầy trên tóc, ngửa mặt ngắm trời xanh vời vợi mà nói về những ước mơ. Bồng bềnh. Mênh mang... Chao ôi là tuyệt diệu.
Gã nhớ đứa bạn học cùng thời đại học. Ngày ấy, khi gia tài của gã chỉ là cái hòm gỗ đựng sách ọp ẹp và đôi bộ quần áo và chằng vá đụp, nó đã có cái xe đạp Phượng Hoàng mới toanh lượn qua lượn lại. Nó lại còn có cả mấy chỉ vàng “lận lưng” mà gã chỉ có thể thấy trong mơ. Nó thương gã nghèo nên thi thoảng lại giúi cho cái bánh mì hay mấy đồng tiêu vặt. Chỉ thế thôi mà mỗi lần nhớ lại cứ thấy lòng trào lên nỗi xúc động rưng rưng.
Gã nhớ đứa bạn lấy vợ khi còn nghèo xơ nghèo xác. Gã gom tất cả vố liếng được cả thảy hai mươi đồng tặng nó, đủ tiền để nó mua cái nhẫn tặng cô dâu. Nó cầm hai mươi đồng như cầm cả một khối tài sản quý báu. Mắt nhòe ứa lệ. Hai đứa ôm nhau. Mãi rồi gã mới thốt lên: Hạnh phúc nhé, hứa với tao là sẽ hạnh phúc đấy. Rồi cũng quay đi lau nước mắt.
Gã nhớ... và gã nhớ... từng ấy đứa bạn không xót một chi tiết nhỏ nào. Mấy mươi năm rồi, sự nghiệp và cơm áo gạo tiền cuốn đi. Thành thử bạn bè chẳng có dịp gặp nhau. Nhưng gã vẫn tin ở đâu đó trong trái tim của chúng vẫn lấp lánh những kỉ niệm về tình bạn một thuở hàn vi nhung nhớ...
Dù sao, giờ cuộc sống cũng khấm khá hơn rồi, gã muốn mình là người kết nối chúng lại với nhau. Đều là bạn đồng niên cả, lại đồng hương đồng khói cùng cảnh tha hương kiếm sống, gặp nhau chắc đứa nào chả mừng.
Sau rất nhiều lần thay đổi địa điểm, cuối cùng chốt lại cả lũ sẽ tập trung ở nơi công tác của đứa bạn xa nhất.
Gã nhờ vợ mua quà cho từng đứa. Tính gã vốn vậy, trọng tình nghĩa và luôn chu đáo. Không chỉ mua quà cho bạn, gã mua cả quà cho vợ con chúng nữa. Được cái vợ gã rất “nền” tính, nghe chồng bảo là vui vẻ mua bán sắm sanh. Chuyện, bạn thân của chồng cũng như bạn của mình mà.
Gã hí hửng ôm đống quà và lên đường. Tâm trạng hồi hộp, háo hức chả khác gì đến với cuộc hẹn gặp người yêu.
Sau giây phút tay bắt mặt mừng, gã mang quà ra phân phát. Không quên dặn dò cái này của mày, cái này của vợ mày, còn cái này của con cái chúng mày...
Gã hiểu “của cho không bằng cách cho” nên làm việc đó bằng tất cả vẻ hồ hởi, bằng lòng yêu mến thành thực, bằng sự tỉ mỉ, cẩn trọng và chu toàn.
Nhưng... sao những bàn tay đưa ra nhận quà lại hững hờ đến thế.
“Quà Nhật đây à. Mày làm chuyên gia lương cao ngất ngưởng mà quà sao có vẻ bèo thế!”. Một đứa buông lời.
“À! Quà kiểu Hồng Kông bên hông Chợ Lớn đấy mà”. Một đứa nói tiếp.
Và cả lũ cười rổn rảng.
Gã lúng túng đỏ mặt, phân trần: Ừ! Hôm về nước thằng cu bị sốt nên cuống quá chẳng kịp mua gì. Thôi thì chúng mày thông cảm đại xá cho, “cơi trầu không đẹp nhưng đẹp tay bưng” mà!
Cả lũ lại rổn rảng cười. Nhưng có vẻ gì nhàn nhạt và gường gượng.
Và cuộc rượu bắt đầu.
Từng chén rượu chung chiêng được rót ra. Chắc hẳn đây sẽ là những giây phút hàn huyên bao đồng sau nhiều năm xa cách. Gã ngồi sát lại mấy đứa. Cảm giác gường gượng qua đi, chỉ còn hơi ấm của tình thân. Gã chắc mầm nhủ lòng.
Từ thời thanh niên, rượu bia là thứ không hợp với cơ địa gã nên dù có cố đến mấy tửu lượng của gã vẫn không thể quá nửa chén. Cứ uống chút rượu vào là đầu óc gã quay cuồng đau đớn như có người khoan người đục, cực hình hơn bị tra tấn. Nhưng hôm nay là ngày vui mà gã lại là người “thiết kế” cuộc vui này nên gã chủ động chúc tụng từng đứa. Gã dự định sẽ cố uống một chút cho chúng nó vui...
Gã vừa nhấp miệng đã nghe tiếng một đứa: Làm gì có cái kiểu uống rượu đãi bôi như thế. Đã uống là phải hết mình.
Ông “tây” quá. Tây Tàu gì rượu cũng phải uống sòng phẳng. Ông đi chúc từng đứa đi, mỗi đứa ông phải “tự xử” hết một chén. Luật rồi, không khác được... Đứa khác tiếp lời.
Không uống rượu là không thật lòng. Mày đừng quan cách... Lại thêm một cú bồi.
Cứ thế, câu nọ tiếp câu kia khiến gã hoang mang quá. Sao cứ phải là rượu mới đo được lòng nhau? Ai đề ra “cái luật” ấy? Trên thế giới văn minh này, có thứ văn hóa nào đẻ cái thủ tục kì quái như thế?...
Gã bắt đầu thấy hơi nóng mặt dù chưa uống rượu. Gã nói rành rẽ: Bạn bè thì phải hiểu nhau chứ. Chúng mày biết là từ thời sinh viên tao đâu có biết uống rượu. Rượu vào là đầu tao đau không chịu nổi, chứ tao mà quan cách nỗi gì. Thôi cho phép tao nhấp môi mừng anh em mình hội ngộ nhé.
Nói rồi gã đến cụng ly với từng đứa, tay nắm tay ôm, ân tình như chiều sâu con người gã vốn trọn nghĩa vẹn tình.
... Nhưng cả lũ có vẻ chưng hửng. Không khí mỗi lúc một chùng xuống.
Và ăn, và gắp, và huyên náo... và dzo dzo loạn xị...
Đột nhiên, khi gã còn chưa kịp “hoài niệm”, một đứa đã khề khà: Tao nói thật nhé, “đi ngoài ra nước” như mày cũng thường thôi, tao mà thi, tao cũng đỗ. Có quái gì mà phải quan quan cách cách... Ha ha ha.
Gã xây xẩm mặt mày. Bạn bè mừng cho nhau là thế này sao. Phải rồi chính thằng bạn cua ốc này, ngày nhỏ hai thằng thân nhau đến độ tối ngày lê la vét cơm nguội ở nhà nhau. Vậy mà đã mấy năm nay, kể từ khi gã thành đạt, nó không hề bước chân đến nhà gã. Gã biết thế nhưng kệ, cứ có dịp về quê là gã ào đến thăm mẹ nó. Bu bu con con tíu ta tíu tít...
Đột nhiên, gã thấy đau thắt nơi ngực trái.
Nhưng chưa dừng ở đó, một thằng (thằng này vợ đẻ hai đứa con gái) vừa cười ngặt nghẽo vừa vóng vót: Ai chả biết ông là Tiến sĩ, là Giáo sư thỉnh giảng Nhật Bổn. Ai chả biết vợ ông đẻ con trai, đứa cháu trai ông cưu mang vừa đạt giải nhất toán toàn quốc và sắp đi du học... Giáo sư ư, con trai ư, du học ư? Chẳng là cái... “cờ hó” gì nếu ông chê rượu của chúng tôi... Hiểu chửa!
Gã mím chặt môi. Tưởng có thể bóp vụn cái chén trong lòng bàn tay...
Trong đầu gã nhức nhối câu “Cả nước rùng mình trong những cơn nhậu nhẹt..” Chẳng lẽ âm dương loạn hết rồi sao? Chẳng nhẽ những thằng bạn trí thức gã trân trọng, yêu quý một thời thương khó lại “hạ sĩ” đến thế này sao?... Hay đấy là rượu nói chứ không phải chúng nó nói? Nhưng cuộc rượu mới chỉ bắt đầu thôi mà?...
Dường như đoán biết thái độ của gã, mấy đứa kia vớt vát: Chúng nó say đấy, đừng chấp. Ừ, ai lại chấp. Gã tự nhủ.
Nhưng mà buồn, mà chua chát quá. Có nỗi buồn như cái gai đâm trong lòng bàn chân, chỉ cần cử động là đau xộc lên. Tím tái và nhói buốt.
Thêm vài ba câu chuyện nhạt hoét nữa, gã đứng dậy cáo từ...
Cả đoạn đường về, quay mòng váng vất trong đầu gã là hình ảnh những đứa bạn nhem nhuốc thuở nảo thuở nào. Ngày trước đứa nào cũng dễ thương, cũng gắn bó chân tình, sẻ chia âu yếm. Vậy mà lòng đố kị đã kéo lũ bạn bỏ gã mà đi. Sao nhanh thế? Sao vội vàng gấp gáp đến thế?...
Bất giác gã liên tưởng tới vùng quê nghèo của gã.
Ngày xưa ở quê gã ranh giới giữa nhà nọ với nhà kia thường chỉ là một thửa vườn, một khoảnh ao nho nhỏ. Không rào ngăn, không khóa nọ khóa kia tầng tầng lớp lớp như thời nay. Cây trong vườn không biết đến khái niệm “biên giới” nên mọc đan vào nhau. Táo của nhà này vô tư rụng chín vườn nhà kia. Rau mùng tơi, giàn mướp chen nhau, nhà ai muốn ăn thì cứ hái. Bầy gà chạy qua chạy lại. Và giữa vườn bao giờ cũng có lối nhỏ để nhà nọ đi tắt qua nhà kia...
Đám trẻ con cũng tự do như chim, không coi vườn là nơi ngăn trở bất tiện. Chúng cứ phóng vèo qua nhà hàng xóm. Lúc mẹ gọi, người chúng vẫn ở bên hàng xóm nhưng tiếng dạ thì đã “đặt chân” đến vườn nhà mình.
Những vườn cây cứ xôn xao thanh thản bốn mùa với mùi thơm trái chín rụng nôn nao cùng tiếng chao mình xào xạc của lũ chim đêm, với những lần lại qua của xóm giềng những khi tắt đèn tối lửa.
Khi ấy cuộc sống muôn phần an lành thanh bình yên ả...
Nào ai biết cho đến ngày, những đứa trẻ ngày xưa ấy lớn lên...
Đôi lần gã bắt gặp chính những đứa trẻ ấy cầm dao, mắt vằn lên những tia hung dữ, lăm le xông vào nhau chỉ vì tranh giành nhau vài ba thước đất.
Vẫn những cái tên ấy: Thằng Tèo, thằng Tí, con Mận, con Mơ, cái Hĩm... nhưng thế cuộc nhiễu nhương và cuộc mưu sinh tàn khốc đã “sắm” cho đám trẻ xưa những vằn vện, gai góc, hằn thù, hung hiểm.
Những suy nghĩ trở trăn ấy không thể làm gã buồn thêm nhưng cũng chẳng an ủi gì được gã.
Và lòng gã cứ trĩu nặng, trĩu nặng.
Ừ, thì thôi khép lại đi. Dằn vặt mà làm gì!
... Chiều nay, về nhà, gã sẽ khoe với vợ: Quà em mua cho đám bạn anh tuyệt vời lắm. Đứa nào cũng thích. Anh gặp bè bạn vui lắm em à. Cảm ơn em!
Và gã sẽ rúc đầu vào nách đứa con trai mới ba tháng tuổi.
Mùi sữa thơm dịu dàng sẽ mang nỗi buồn của gã bay xa, bay xa...