Đám tang đầu tiên mà tôi chủ trì đã để lại cho tôi một dư vị đắng ngắt. Năm đầu tiên trong vai trò mục sư. Hai mươi bốn tuổi đời. Cứ ngỡ mình biết tất cả. Không cần lời khuyên của bất kỳ ai. Đó là lý do vì sao tôi dễ dàng nhận lời giúp một người phụ nữ rải tro cốt của người chồng trên chuyến bay qua vịnh Bellingham. Không có vấn đề gì. Chỉ đơn giản là bước lên máy bay. Mở cửa sổ. Rắc tro. Nói một vài lời có cánh về người chết. Sau đó là đi về nhà.
Viên phi công chắc mẩm là tôi biết rõ việc mình cần làm. Người góa phụ cũng đinh ninh như vậy. Và tôi cũng cứ ngỡ là mình biết mình đang làm gì. Thế là chúng tôi tiến hành. Tôi thậm chí còn mặc bộ áo choàng đen mới nhất của mình cho sự kiện này.
Khi bay đến giữa vịnh, trên độ cao 1.550 mét, viên phi công mở cửa buồng lái để tôi rải tro.
Nhưng luồng khí từ phía sau động cơ máy bay đã thổi tất cả tro cốt của Harry quá cố vào lại buồng lái.
Bụi tro phủ kín toàn bộ khung cửa sổ, viên phi công, và tôi.
Di hài sau khi được hỏa táng sẽ trở thành một thứ bột mịn màu trắng. Sạch sẽ. Vô trùng. Do đó không gây hại gì nếu chẳng may hít phải hay nuốt phải. Tôi đã hít phải. Người phi công. Và cả người góa phụ cũng vậy.
Trong trường hợp này thật khó để cư xử sao cho đúng đắn nhất. Liệu hỉ mũi và ho khạc để không nuốt tro cốt vào bụng có được xem là hành động tôn trọng người chết hay không.
Chúng tôi bay trở về trong yên lặng.
Không có nhiều điều để nói trong những hoàn cảnh như thế này.
Đây là một tình huống không có trong tài liệu huấn luyện.
Tôi sẽ bổ sung tình huống này vào phần hướng dẫn thực tập trong giáo trình đào tạo mục sư: "Trong trường hợp tro cốt của người chết bay trở vào khoang máy bay, hãy quay trở lại phi trường và mượn một chiếc máy hút bụi, hút hết tro cốt trên máy bay. Lưu ý: điều quan trọng nhất cần làm là bạn phải đặt một chiếc túi thật sạch vào máy hút bụi - đây là điều bạn có thể quên trong lúc vội vàng".
Người góa phụ tỏ ra bình tĩnh, và thông cảm cho toàn bộ sự việc. "Một ngày nào đó, nó sẽ thành một câu chuyện hài hước…", bà nói, và lên xe ra về với toàn bộ tro cốt của Harry trong chiếc túi của máy hút bụi đặt bên cạnh.
Tôi không biết tro cốt của Harry cuối cùng được xử lý ra sao. Tôi quá xấu hổ để hỏi về điều này. Nhưng tôi vẫn thường tự hỏi, ngoài ông ta ra, còn có thứ gì trong chiếc túi hút bụi kia không và điều gì sẽ xảy ra khi họ rải tro cốt của Harry vào lần tới.
***
"Xin ngài giúp tôi nói với cha tôi về phần mộ chí của ông ấy!".
Đây là lời đề nghị của một người phụ nữ có cha đang hấp hối, và là người có một quãng thời gian khó khăn khi phải ứng phó với những yêu cầu của người cha cho tang lễ và hình thức mai táng. Cả gia đình đang hết sức bối rối. Họ cần một người có cái nhìn khách quan, và có kinh nghiệm trong việc tổ chức tang lễ đứng ra thuyết phục người bệnh.
Người cha thực sự tỏ ra vui vẻ đón nhận điều không thể tránh khỏi. Tuy cơ thể không còn hoạt động được nữa, nhưng đầu óc ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông xác định mình cần phải giữ cho đầu óc lúc nào cũng bận rộn cho đến hơi thở cuối cùng. Ông cũng đã sắp đặt chu toàn cho tang lễ của mình từ việc lựa chọn nhà tang lễ, mua đất xây mộ đến việc chọn mẫu đá granite cho phần bia mộ.
Điều duy nhất còn khiến ông băn khoăn chính là bài văn bia. Ông mong muốn có một bài văn bia phản ánh đúng con người thật của mình. Không quá long trọng, cũng không tự phụ.
Nếu tôi có thể sống sót qua tuần này…
Ông bảo, ông vẫn thường nói câu này trong suốt cuộc đời mình. Câu nói đó nhắc nhở ông rằng cuộc sống tuy khắc nghiệt, nhưng nếu biết lạc quan, dũng cảm đương đầu thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Nhận thấy rằng đây không phải là một câu nói cao sang, ông muốn nó được dịch sang tiếng Latin. Để phần mộ chí phần nào đẳng cấp hơn. Hơi buồn cười một chút. Ông ấy đã rất hài lòng khi tôi nhận lời giúp đỡ.
Một giáo viên Latin cấp 3 đã đảm nhận công việc này, nhưng người đàn ông lớn tuổi ấy đã qua đời trước khi tôi kịp giao cho ông bản dịch. Dịch vụ tang lễ hoàn thành tốt công việc đúng như ông mong muốn. Điểm nhấn của buổi lễ chính là mẩu giấy ghi lại lời nhắn gửi của ông trước lúc qua đời:
Sáng nay tôi để ý thấy một chiếc lá rụng ngoài sân. Chiếc lá ấy từng rất xanh tươi, nhưng giờ chuyển sang một màu vàng rực rỡ. Con người cũng như thế, hãy rời khỏi cây đời một cách vẻ vang, lộng lẫy, chứ đừng từ giã cuộc sống với sự xám xịt, trơ trụi. Thật tuyệt vời biết bao nếu ngọn lửa có thể để lại gương mặt và mái tóc. Tại sao con người lại phải chịu đựng sự buồn tẻ và đơn điệu cơ chứ? Nếu còn một tuần nữa để sống, tôi sẽ nhuộm tím mái tóc mình như những bạn trẻ tôi vẫn bắt gặp trên đường. Như bạn biết đó, màu tím là màu của sự chín chắn và toại nguyện.
Tôi ước gì mình có thể giúp ông ấy nhuộm tím mái tóc – ông ấy xứng đáng được nhận điều này, hơn nữa việc này có gây tổn hại gì đến ai đâu? Nhưng đáng tiếc rằng thời gian của ông ấy đã hết, ông đã không thể sống qua một tuần cuối cùng ấy. Bia mộ của ông ấy giờ đứng lặng lẽ trong nghĩa trang. Với họ tên của ông ấy. Ngày tháng năm sinh, ngày qua đời. Và dòng chữ mà ông ấy muốn:
"Utrum per hebdomadem perveniam".
***
Cũng như ở mọi quốc gia khác, đám tang ở Mỹ được tổ chức rất trang trọng. Trang phục màu đen. Gương mặt nghiêm trang. Nói năng nhỏ nhẹ. Cử chỉ nhẹ nhàng. Không khí đau buồn. Tất cả sự chú ý đều được tập trung vào người quá cố. Ai cũng nhắc đến người quá cố với lòng tôn kính và trân trọng, dù người đó có thật sự như thế hay không. Đây cũng là những nghi thức chung nhất của một tang lễ.
Tuy nhiên. Cũng như mọi sự bất cẩn khác trong cuộc sống, đám tang nhiều lúc diễn ra không như kế hoạch định trước. Là một mục sư đã tham gia điều hành hơn 200 tang lễ, tôi có thể khẳng định rằng, giống như đám cưới, đám tang cũng có những tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát khiến cho tang lễ trở thành một vở bi hài kịch.
Câu chuyện đám tang sau đây có liên quan đến vấn đề lòng tin. Trong quá trình đọc, đầu tiên bạn sẽ nghĩ là tôi đang nói quá lên. Nhưng sự thật là tôi đang cố nói giảm đi. Theo lẽ thường, tôi buộc phải thay đổi tên nhân vật cũng như địa điểm, bên cạnh đó là hạn chế bớt các hành động điên khùng, cũng như những lời lẽ tục tĩu. Nếu bạn nghĩ câu chuyện của tôi quá ngông cuồng, bạn nên có mặt ở đó, để chứng kiến người góa phụ biến đám tang thành một vụ bê bối như thế nào.
Cháu nội của người quá cố sắp xếp kế hoạch một cách tỉ mỉ cho đám tang. Trong một đại gia đình với sự pha trộn của nhiều loại tôn giáo, thì giải pháp tốt nhất là mời một mục sư ở thế trung lập đứng ra tổ chức tang lễ. Một tu sĩ ngoài tỉnh. Tôi phân vân không biết có nên nhận lời hay không khi phải vượt một quãng đường dài từ Seattle đến thị trấn nhỏ Oregon? Do người cháu nội là một thành viên trong nhà thờ của tôi, đồng thời cũng là một người bạn, nên tôi nhận lời.
Vợ của người chết, bà của cả một thị tộc, là một tín đồ theo phái Luthar nhưng rất có ác cảm với vị mục sư địa phương. Hơn nữa, mối tình đầu, cũng là mối tình sâu sắc nhất của bà đã từ chối hứa hôn để trở thành linh mục, khiến bà suốt đời đối kháng với toàn bộ những người mà bà gọi là "bầy ngỗng của Chúa". Sự đối kháng càng trở nên sâu sắc hơn khi bà phát hiện người tình năm xưa cuối cùng cũng bỏ trốn khỏi giáo xứ ở St.Paul, Minnesota cùng một nữ tu. Bà ước mình có thể xé xác Cha Olson đó. Bà không bao giờ đi nhà thờ. Nhưng bà vẫn thường xuyên cầu nguyện: "Con nguyện Cha Olson sẽ bị đày xuống chín tầng địa ngục".
Đến đây bạn có thể hình dung ra tính cách của người phụ nữ này: khẩu xà, tâm phật. Một quý bà lịch lãm nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt và có cách nói chuyện vô cùng sắc sảo.
Người đàn ông mà bà cưới làm chồng, William Lefhart Hogaboom II, bản thân là một người chăm đi lễ nhà thờ. Có điều, "nhà thờ" của ông ấy chính là hội cựu chiến binh trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài.
Như nhiều thanh niên trẻ cùng thời, ông cũng nhập ngũ và lên đường sang Pháp chiến đấu. Đây là khoảng thời gian khó quên của một đời người. Ông thường xuyên đến "nhà thờ" của mình để cùng các cựu chiến binh khác ôn lại những kỷ niệm xưa. Là người hoạt động tích cực nhất trong hội, ông đảm nhận mọi công việc từ tham dự hội nghị, diễu binh đến vận động hành lang cho hội cựu chiến binh ở Washington, thời gian ông ở hội còn nhiều hơn ở nhà.
Chiến tranh thế giới thứ nhất ngày càng lùi xa, hội cựu chiến binh không còn mang ý nghĩa như lúc ban đầu nữa, mà trở thành câu lạc bộ của những người đàn ông vô công rồi nghề đến đánh cờ, hút thuốc, tán dóc, trốn vợ, trốn việc. Thỉnh thoảng những người đàn ông này lại thuê một vũ nữ thoát y từ San Fransisco đến giúp họ tăng huyết áp.
Với bà Hogaboom, hội cựu chiến binh cũng như nhà thờ hay giới tu sĩ, đều là những thứ vô bổ. Chồng của bà khi còn sống đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vô bổ vào đây. Những ông bạn của chồng theo bà chẳng anh hùng như họ vẫn thường tự ca ngợi, mà chỉ là một lũ ăn hại. Vậy nên khi chồng bà chết, bà thật sự không muốn mời họ đến dự hay có một chút liên quan gì đến tang lễ.
Trước khi bước vào chủ đề chính, bạn cần nắm rõ một vài thông tin cơ bản để có một cái nhìn toàn diện với những gì đã xảy ra ở đám tang:
1. Hội cựu chiến binh có một ban kèn trống riêng cùng một đội duyệt binh. Được trang bị súng trường sơn màu trắng. Những nón cối bằng crom. Họ đều là những người được đào tạo bài bản cho các cuộc duyệt binh, tuy nhiên bây giờ họ đều đã già, những bước chân đã không còn chuẩn xác, tiếng kèn trống cũng thường xuyên bị lạc điệu. Thế nhưng họ vẫn muốn được trình diễn, nhất là lại được một lần bắn phát đại bác tiễn đưa.
2. Hog Hogaboom là một người chơi cờ domino khá giỏi, và gần như tất cả mọi thành viên trong hội đều nợ tiền ông ấy. Không chỉ là tiền thua cờ, mà họ còn mượn tiền ông vào khoản thuê vũ nữ thoát y mỗi năm một lần vào dịp Chúa phục sinh. Tuy nhiên do khá thành công trong ngành kinh doanh ăn uống, nên ông vẫn thường xuề xòa với các khoản nợ. "Khi nào có đoàn tàu đi qua thì trả tiền cho tôi cũng chưa muộn" là cách mà ông vẫn nói với các con nợ của mình. Mà các chuyến tàu đã thôi không dừng chân ở nhà ga địa phương từ hơn 20 năm qua, nên các khoản nợ vẫn còn nguyên. Hội cựu chiến binh biết ơn ông. Về nhiều việc. Và nhiều lần.
3. Cũng như bất cứ cặp vợ chồng nào có thời gian chung sống lâu dài với nhau, cuộc hôn nhân của nhà Hogaboom cũng là một sự pha trộn giữa nhiều thứ. Yêu và ghét. Tôn trọng và sợ hãi. Chịu đựng và chán ghét. Hạnh phúc và bi kịch. Bà lão Hogaboom (86 tuổi) chỉ muốn thực hiện một lễ tang với các nghi thức đơn giản để hộ tống quan tài đến nghĩa trang, mở nắp một lần cuối ("để chắc chắn rằng ông ta ở trong đó", bà nói). Và bà sẽ ở lại cho đến khi quan tài được vùi hẳn vào lòng đất.
Bà đã quá mệt mỏi với ông. Và với cả chính bản thân mình. Tuy nhiên, bà cũng chưa biết sẽ phải sống ra sao khi không có ông. Khi nắm đất cuối cùng phủ lên chiếc quan tài, bà đã quay mặt đi và khóc: "Tôi yêu ông ấy rất nhiều".
Giờ đây bà đang yên nghỉ ngay bên cạnh ông. Chỉ 6 tháng sau ngày ông ấy qua đời.
4. Có khoảng 50 thành viên trong đại gia đình Hogaboom có mặt ở thị trấn nhỏ này suốt tuần lễ đó, tụ tập ngoài hành lang căn nhà màu trắng cũ kỹ của ông bà. Ai nấy đều cố gắng cư xử một cách chừng mực, nhỏ nhẹ. Một tuần lễ cực kỳ căng thẳng do phải cố nín nhịn, chịu đựng lẫn nhau. Cảm xúc của mọi thành viên lúc này cứ lẫn lộn, nửa muốn về, nửa muốn ở lại. Vừa muốn thời gian đứng yên, vừa muốn cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn.
5. Hội cựu chiến binh nhờ thị trưởng thành phố chuyển lời đến gia đình mong muốn chân thành được tham dự tang lễ. Nhưng nhận được sự từ chối dứt khoát từ gia chủ. Không được! Họ không thể đến dù với bất cứ lý do nào. Không. Một phút cũng không. Bà Hogaboom không thể chịu đựng nổi đám người này.
6. Do đó hội cựu chiến binh đã quyết định tiến hành nghi thức tưởng niệm ông Hog ngay tại trụ sở của mình vào đêm trước ngày đám tang được tổ chức. Họ quyết định thuê vũ nữ thoát y lần cuối cùng để tưởng nhớ ông. Đó là điều nhỏ bé nhất họ có thể làm được cho ông. Như đã nói, họ còn nợ Hogaboom rất nhiều.
Ghi nhớ mọi kế hoạch đám tang trong đầu, sáng chủ nhật cả đoàn người lặng lẽ tiến ra nghĩa trang trong không khí trầm mặc, u buồn. Một khu nghĩa trang dài và hẹp. Nằm trên triền dốc cạnh một con sông nhỏ. Nối liền với một khu rừng. Phần mộ mới đào nằm giữa hàng bia mộ đã mòn, cạnh đó là cái rạp căng bằng vải dù đã bạc màu. Một bãi cỏ nhân tạo và hai chiếc ghế xếp dành cho hai vị giám đốc nghĩa trang, một già, một trẻ. Không có gì đặc biệt. Cả gia đình tập hợp lại, chiếc quan tài được các con trai và cháu trai mang từ xe tang xuống. Người góa phụ nhìn vào quan tài một lần cuối trước khi nắp quan tài được đóng lại và hạ thổ. Yên lặng. Tĩnh mịch. Tôi mở quyển kinh thánh cất lên câu nói quen thuộc: "Mọi vật đều tồn tại dưới bàn tay sắp đặt của Chúa trời".
Ngay lúc đó, hội cựu chiến binh xuất hiện. Họ đến cùng với kèn và trống. Từ phía cánh rừng một đội binh diễu hành trong trang phục rách rưới, từ từ tiến đến khu vực tang lễ. Những gã đàn ông lôi thôi trong bộ đồng phục lếch thếch. Có phần chuếnh choáng do đêm "tưởng niệm" vừa qua. Nhưng sự mãnh liệt vẫn ánh lên trong mắt họ khi nhớ tới những ngày tháng oai hùng chiến đấu trên đất Pháp. Họ nợ Hogaboom quá nhiều. Ông ấy đã dành thời gian cho hội nhiều hơn cho vợ và gia đình. Và hôm nay, trước sự chứng kiến của Chúa, họ quyết định bày tỏ lòng kính trọng của mình với ông một lần cuối.
Họ dừng lại. Người trung sĩ huấn luyện hô khẩu lệnh. Đội súng trường giương súng lên và bắn.
Khi nghĩ lại, tôi cho rằng do cú sốc từ những âm thanh thẳng đứng của loạt súng đầu tiên đã gây một sự chấn động mạnh trong tâm trí người góa phụ. Hay cũng có thể do bà Hogaboom phát hiện ra hội cựu chiến binh đã đem theo vũ nữ thoát y đến đám tang.
Bà hét lên: "Không, không, không!". Rồi bà tốc váy, hoa tay múa chân, sử dụng những lời lẽ thô tục nhất. Không tiếc lời chửi rủa đám người của hội cựu chiến binh, bà quên mất mình đang ở lễ tang. Trước sự giận dữ của góa phụ Hogaboom, đoàn người bỏ chạy tán loạn và vứt hết súng ống, cờ xí, kèn trống ở lại. Một đám đông hỗn loạn.
Sau đó, với sự quý phái vốn có, bà thong thả quay lại chỗ chúng tôi đang đứng chết lặng trước ngôi mộ. Bà nở nụ cười mãn nguyện. Đây là điều mà bà muốn thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng chưa có dịp. Thật tiếc là chồng bà không còn sống để chứng kiến cảnh này. Quay sang nhìn chúng tôi bà hét lớn: "Mọi người nhìn thấy cả rồi chứ! Đúng là một lũ thỏ đế!".
Cả gia đình vỡ òa trong tiếng cười. Sau đó bà Hogaboom òa khóc, cả gia đình cũng òa khóc theo. William Lefhart Hogaboom cuối cùng cũng được an nghỉ trong vòng tay yêu thương của gia đình và bạn bè.
Khi bà Hogaboom qua đời, tôi không có mặt trong tang lễ. Tôi không biết đội kèn trống cựu chiến binh đó có đến dự không. Tôi hy vọng là họ có đến. Chắc chắn ông Hogaboom sẽ rất khoái trá khi họ đến.