Một vài năm trở lại đây tôi thường xuyên được làm khách mời của các trường học, đặc biệt là tại nhà trẻ và trường đại học. Hai môi trường trên chỉ khác nhau về trình độ học vấn, còn cơ hội và điều kiện học tập là như nhau. Công cụ phục vụ cho việc đọc và viết luôn sẵn sàng, đó chính là từ vựng và những con số; khu vực dành cho các thí nghiệm khoa học có phòng thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm; và tất cả những vật dụng cần thiết phục vụ cho nghệ thuật như thuốc màu, âm nhạc, trang phục biểu diễn, phòng khiêu vũ. Tại nhà trẻ, tất cả các trang thiết bị này được đặt trong cùng một phòng, phục vụ cho tất cả mọi người. Tại các trường đại học, những trang thiết bị này được đặt ở các tòa nhà khác nhau và chỉ được sử dụng một cách giới hạn. Tuy nhiên sự khác biệt rõ ràng nhất chính là sự tự nhận thức của học viên.
Khi được hỏi tại nhà trẻ: "Bao nhiêu bạn ở đây có thể vẽ?", mọi cánh tay đều giơ lên. Tất nhiên là tất cả chúng con đều biết vẽ. Thế các con có thể vẽ cái gì? Tất cả mọi thứ! Thế cảnh một con chó đang nuốt chiếc xe cứu hỏa trong rừng thì sao? Dĩ nhiên rồi. Thầy muốn con chó to cỡ nào?
"Ai trong số các con có thể hát?". Tất cả đều giơ tay. Tất nhiên là chúng con có thể hát! Các con biết hát bài gì nào? Tất cả các bài ạ! Nhưng nếu các con không thuộc lời thì sao? Không sao, chúng con sẽ tự chế lời. Có vấn đề gì đâu, bây giờ chúng ta hãy cùng hát nhé! Bây giờ ư? Tại sao không!
Các con có biết nhảy không? Lại một lần nữa tất cả cùng nhất trí. Các con thích nhảy thể loại nhạc nào? Tất cả ạ! Chúng ta cùng nhảy múa nhé! Ngay bây giờ sao? Tất nhiên rồi, tại sao không?
Các con có thích diễn kịch không? Có ạ! Các con có chơi được nhạc cụ không? Có ạ! Các con có biết làm thơ không? Có ạ! Các con có biết đọc, viết và đếm số không? Có ạ, chúng con đang được học ạ!
Câu trả lời của bọn trẻ luôn là "Có ạ!". Lặp đi lặp lại như thế. Trong mỗi đứa trẻ luôn có một sự tự tin bẩm sinh, một nguồn vui vô tận và khát khao học tập không ngừng. Với chúng, mọi thứ đều có thể thực hiện được.
Thử hỏi với cùng những câu hỏi trên tại các trường đại học, cao đẳng. Chỉ một số rất nhỏ những cánh tay đưa lên khi sinh viên được hỏi họ có thể vẽ, có thể nhảy, có thể hát, có thể sơn màu, có thể diễn kịch hay chơi một nhạc cụ không. Không hiếm các trường hợp giơ tay đã trả lời cùng với một hạn định kiểu như: "Tôi chỉ chơi đàn piano, tôi chỉ vẽ về loài ngựa, tôi chỉ nhảy với nhạc rock and roll hay tôi chỉ hát dưới vòi hoa sen".
Khi tôi hỏi về những hạn chế, các sinh viên đại học đã trả lời rằng họ không có năng khiếu hay đây không phải là chuyên ngành mà họ đang theo học, hoặc họ đã không chơi những môn này từ năm lớp ba, hay thậm chí tệ hơn nữa là họ cảm thấy xấu hổ khi người khác nhìn thấy họ hát, khiêu vũ hay diễn kịch. "Không" cũng chính là câu trả lời của nhóm khán giả lớn tuổi hơn.
Điều gì đã thay đổi kể từ khi học mẫu giáo đến tận thời đại học?
Chuyện gì đã xảy ra với câu trả lời "Có, tôi có thể làm được"?
***
Nhân dịp cậu con trai thứ hai tốt nghiệp trường Đại học kỹ thuật loại khá vào tháng sáu vừa qua, tôi đã tặng nó một "chiếc túi chứa mọi điều có thể".
Để đạt đến sự văn minh, hiện đại như ngày nay, những người Mỹ nhập cư đầu tiên đã trải qua rất nhiều giai đoạn khai hóa. Và dù ở bất kỳ xuất phát điểm nào thì tất cả đều hiểu rằng sớm hay muộn thì các nguồn tài nguyên cũng sẽ cạn kiệt và khi đó họ buộc phải dựa vào chính bản thân mình.
Năng lực của bản thân chính là khả năng tồn tại, chiếm ưu thế và vượt qua mọi trở ngại lớn lao. Trong chiếc túi làm bằng da đeo thường trực trên cổ những người nhập cư đầu tiên là phải có một chiếc hộp bằng đồng đựng đá lửa, que thép và bùi nhùi để nhóm lửa. Một con dao đeo ở thắt lưng, thuốc súng, đạn và một cây súng là tất cả những thứ thiết yếu của họ.
Rất nhiều người vẫn có thể tồn tại ngay cả khi những món đồ thiết yếu bị mất hoặc bị lấy cắp.
Do những thứ thật sự cần thiết để tồn tại đều chứa trong chiếc túi da ngay phía sau nhãn cầu. Chúa tể của vùng hoang dã chiến thắng các loài bằng chính kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, lòng can đảm, mơ ước và sự tự tin. Đây là những thứ thiết yếu nhất mà họ vẫn giữ lại được ngay cả khi gặp thất bại.
Tôi tặng con trai một chiếc túi giống hệt của những người di cư đầu tiên để nhắc nhở nó về quan điểm sống này. Trong chiếc túi bằng da cừu ấy tôi để một viên đá lửa, que thép và bùi nhùi để nó có thể tạo ra lửa khi cần thiết; một con dao hiệu Swiss Army – món đồ lớn nhất với hầu hết các thứ đồ nghề; một cái hộp nhỏ bằng sơn mài đựng chiếc xương chạc của con gà tây trong dịp lễ Tạ ơn, như một lá bùa may mắn; một cái túi nhỏ màu tím đựng một bức tượng Phật bằng đồng; một điếu xì gà Cuba đựng trong ống nhôm và một chai rượu uýt-ki nhỏ hiệu Wild Turkey phòng khi bị rắn cắn. Ẩn trong chiếc túi đó là tất cả niềm hy vọng, và sự may mắn mà người cha dành cho con. Những ẩn ý bên trong "chiếc túi chứa mọi điều có thể" mới chính là món quà đích thực. Hy vọng con sẽ biến mọi thứ thành có thể từ nền tảng mà cha mẹ đã cho.
Tấm bằng kỹ sư là minh chứng cho việc con vừa trở về từ chuyến phiêu lưu trên vùng đất rộng lớn, bao la của khoa học. Con đã một mình tự vượt qua khu rừng đó.
Chiếc túi bằng da cừu sẽ nhắc con rằng chính chiếc túi chứa mọi điều có thể trong đầu con đã đưa con đến đích, quay trở về và tự tin tiến đến những cái đích khác trên tinh thần "Vâng, tôi có thể!".
***
Bây giờ tôi mời bạn đến với một buổi lễ trao bằng. Nghi thức tốt nghiệp tại một trường trung học. Một buổi lễ tốt nghiệp như bao buổi lễ tốt nghiệp khác, chỉ khác nhau về không gian, thời gian và địa điểm, chứ không khác gì về nội dung hay tầm quan trọng của nó. Lễ diễn ra tại trường trung học Grand County High School tại thị trấn Moal, đông nam Utah. Đó là một ngày tháng 5 năm 1990. Ở ngoài trời. Cả thành phố chìm ngập trong bóng tối do những cơn gió bụi thổi cả ngày từ hàng ngàn, hàng ngàn năm qua. Nhưng khi mặt trời khuất sau ngọn núi sa thạch hùng vĩ đúng vào lúc 8 giờ 15 phút tối, thì những cơn gió cũng ngừng thổi, ban nhạc của trường đánh lên ba hồi trống mở màn cho đám rước của học sinh niên khóa 1990 trong trang phục áo choàng trắng - đỏ. Sau hành khúc Elgar’s Pomp and Circumstand là bài phát biểu chia tay long trọng. Ngay sau khi tất cả học sinh năm cuối bước lên sân khấu, một cánh cửa vô hình xoay nhẹ và đóng sập lại ngay phía sau họ, giờ đây những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu sẽ được cất kỹ trong ký ức. Những đứa trẻ ấy có lẽ chưa nhận thức được điều này. Ngay lúc ấy.
Nhưng người giám thị ngồi ngay bên cạnh tôi thì hiểu rõ điều đó. 25 năm về trước, ông ấy cũng đã từng bước lên sân khấu ngay sau khi mặt trời lặn. Tôi muốn hỏi ông về những cảm xúc của ông vào lúc này cũng như của 25 năm về trước. Nhưng ông chỉ ngồi im lặng, nhìn lại hình ảnh phản chiếu của mình trên gương mặt những học sinh năm cuối ấy. Không có gì thay đổi cả. Nhưng mọi thứ giờ đã khác.
Sau màn chào mừng, thủ khoa và á khoa sẽ lên phát biểu bày tỏ cảm xúc của mình: "Con xin cám ơn thầy cô. Cảm ơn mẹ. Cảm ơn cha. Cảm ơn nhà trường, hội đồng thành phố, bạn bè và cả cuộc đời này. Tạm biệt nhé mái trường thân yêu. Cuộc sống ơi, ta đến đây!".
Tiếp đến là bài diễn văn khởi đầu cho một cuộc sống mới. Vị khách mời bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay. Trong sự trang trọng của buổi lễ ông nhìn một lượt những công dân trẻ của thị trấn.
"Đâu đó cách chúng ta 300 dặm, một chiếc kính viễn vọng đang trong phạm vi hoạt động. Chúng được đặt ở đó vì ai trong chúng ta cũng muốn tăng thêm sự hiểu biết của mình. Chúng được đặt ở đó vì chúng ta muốn nhìn được xa nhất có thể. Như chú nhện eensy- weensy trong bài hát thiếu nhi đã từ ống thoát nước leo lên, bước ra ngoài khám phá thế giới rộng lớn.
Nơi chúng ta đang ngồi đây đã từng bị lửa thiêu rụi. Cả trái đất này đã từng là một khối đá nóng chảy. Cuộc sống tưởng chừng như không thể tồn tại ở nơi đây. Nhưng nó đã hình thành và hiện diện.
Nơi chúng ta đang ngồi ở đây đã từng bị nhấn chìm dưới dòng nước xiết. Hàng ngàn khối nước đã bao phủ lấy nơi đây. Sau đó là sự xâm mặn, xâm thực của cát. Và chỗ chúng ta đang ngồi đây đã được tạo dựng lên rồi bị phá hủy hết lần này đến lần khác bởi nước và gió bụi.
Một ngày nào đó gió bụi sẽ lại một lần nữa bao trùm cả thành phố này, sau đó là nước, lửa, và mọi thứ sẽ chỉ là con số không.
Cách đây không lâu, chốn này còn là nơi sinh sống của loài bò sát to lớn. Chúng ta có thể dẫn các em học sinh đi xem những vết tích chúng còn lưu lại. Giờ đây, cái còn lại chỉ là những vết tích và xương của chúng.
Loài người cũng đã có mặt ở vùng đất khắc nghiệt này từ rất lâu. Chúng ta gọi họ là Ne-ăng-đéc-tan, hay thổ dân Anasazi. Còn họ tự gọi họ là "những người sống ở đây". Bây giờ chúng ta cũng như họ. Chúng ta đã đào sâu vào những tàn tích để tìm ra nguồn gốc của họ, họ đã đi đâu và tại sao. Có thể rất lâu sau này, cũng sẽ có một nhóm người khác đến đào những tàn tích của chúng ta để tìm hiểu về nguồn gốc của chúng ta, chúng ta đã đi đâu và tại sao chúng ta lại sống theo cách này.
Trong số khán giả ở đây có những bà mẹ đang mang thai đứa con bé bỏng của mình. Và cũng có những người không còn nhiều thời gian trên cõi đời này nữa. Ở một nơi nào đó cách xa chúng ta, những học sinh của niên khóa 1990 này sẽ tìm được ý trung nhân của mình, tổ ấm của mình với những đứa con và nơi để trở về với đất mẹ.
Trong khoảng thời gian đó chúng ta vẫn cần phải ăn, ngủ, cần sự khô ráo và ấm áp, cần yêu và được yêu. Cuộc chiến giữa Eva và Adam vẫn luôn như thế từ bao đời nay. Sự tốt đẹp, xấu xa, niềm vui sướng, buồn phiền, đau khổ, hy vọng, ánh sáng, bóng đêm, những bài thơ, sự kỳ diệu. Chiến tranh giữa các vì sao, Nhật ký tiểu thư Jones, Chúa tể chiếc nhẫn, câu chuyện về chú nhện eensy-weensy và câu chuyện của cư dân thị trấn Moab, Utah này".
Đám đông ngay phía bên phải tôi đột nhiên trở nên hỗn loạn. Ôi trời! Hai người đàn ông trẻ lắc chuông, đi giày cao bồi, đeo mặt nạ, ngoài ra không còn thứ gì khác trên người lao ra từ bóng đêm, chạy vụt qua ánh đèn sân khấu và một lần nữa biến mất vào màn đêm. Sự việc diễn ra trong chớp nhoáng. Tuy nhiên, những anh chàng trần truồng kia đã để lại một vết rách dài trên phông nền sân khấu. Khán giả phía dưới la ó, huýt sáo, cười lớn và vỗ tay. Tôi đề nghị những người trần truồng ấy chạy nhanh qua sân khấu một lần nữa cho những ai đã bỏ lỡ màn xuất hiện đầu tiên. Người giám thị cố nín cười nhưng bất lực.
Một lần nữa, sự hoang dại, sức trẻ, sự cả tin, sự xuẩn ngốc, sự điên rồ, sự láu lỉnh huyền bí của những điều không thể đoán trước như tiếp thêm sinh lực cho chúng tôi. Chúng tôi một lần nữa lại bị thu hút bởi sự bất ngờ.
Những lúc như thế này chúng tôi vẫn thường tiên đoán: "Bạn sẽ chẳng thể đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Vị diễn giả tốt nhất nên kết thúc bài phát biểu của mình ở đây để nhường chỗ cho hai kẻ trần truồng vì họ đã choán hết tâm trí của khán giả. Bài diễn văn có thể bị quên ngay trong tích tắc, nhưng những anh chàng trần truồng kia sẽ vẫn được nhớ mãi. Sự bất ngờ luôn là tâm điểm của sự tồn tại. Đó là sự thật. Bạn chẳng thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Tiếng trống một lần nữa lại vang lên. Trong tiếng nhạc, tất cả học sinh cuối cấp lần lượt từng người một bước lên sân khấu nhận bằng và bước xuống để tiếp tục con đường của mình bên gia đình, bạn bè. Họ hiểu mình đã biết những gì. Và cần phải học thêm những gì nữa. Còn rất nhiều điều đang đợi họ ở phía trước.
Sân khấu đã tắt đèn. Gió lại tiếp tục thổi. Và dòng sông lại một lần nữa dậy sóng.
Chúng ta không phải là những tảng đá hay mặt đất khô cằn để gió cuốn trôi hay để cho những dòng nước bào mòn. Chúng ta là một phần sức mạnh tạo nên sự chuyển động của gió và hướng những dòng sông ra biển. Nhìn từ ngoài không trung, tất cả chúng ta đều tỏa sáng. Mỗi người chúng ta là một đốm sáng xanh đáng yêu của vũ trụ. "Lung linh, lấp lánh, một vì sao nhỏ…".