Cuốn sách này đã vượt qua bài kiểm tra Hudson’s Bay Start.
Vào thời vàng son của ngành kinh doanh lông thú tại Bắc Mỹ vào thế kỷ thứ 18, công ty Hudson’s Bay được biết đến như một nơi sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mạo hiểm cùng với sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó với những rủi ro đó. Bài kiểm tra Hudson’s Bay Start ra đời nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra ở nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là rất mong manh.
Hành trình kinh doanh bắt đầu bởi sự nhiệt tình mạnh mẽ, tuy nhiên những người dân vùng biên giới này bao giờ cũng cắm trại cách trụ sở chính của công ty một vài dặm vào đêm đầu tiên để kiểm tra lại vật tư, thiết bị một cách cẩn thận. Trong trường hợp do vội vàng mà quên một vật dụng gì đó thì người dân có thể dễ dàng quay lại trụ sở chính để lấy. Một cuộc họp được tổ chức với sự tham dự của tất cả các thành viên để đảm bảo rằng mọi người đều hiểu rõ tính chất, đặc điểm và lường trước được mọi khó khăn của cuộc hành trình.
Tôi được học về bài kiểm tra của Hudson’s Bay Start khi bắt đầu bước vào trung học. Đó là một điều đúng đắn để thực hiện. Và cho đến tận hôm nay, tôi vẫn luôn áp dụng nguyên tắc này như một phần bắt buộc trong mỗi chuyến đi. Ngày đầu tiên của cuộc hành trình được dùng để kiểm tra đường đi, máy móc thiết bị, xem xét bản đồ và để đảm bảo rằng tôi đủ điều kiện tham gia hết cuộc hành trình. Sau đó tôi nghỉ ngơi, ăn một bữa lành mạnh, đi ngủ sớm và ngủ thật sâu. Ngày tiếp theo thường sẽ tốt đẹp, khởi đầu thuận lợi cho cả một hành trình thú vị.
Nhân nói về truyền thống Hudson’s Bay, tôi xin tạm dừng để nói về cam kết giữa nhà văn và độc giả.
Đầu tiên, tôi phải thừa nhận rằng mình nhận thức rất rõ về một nguyên tắc của văn học nói rằng nhà văn không nhất thiết phải trình bày trong quyển sách của mình về quá trình tạo ra tác phẩm. "Hãy đưa ra tác phẩm cụ thể, đừng chỉ nói về nó; hãy hành động chứ đừng chỉ khoa môi, múa mép" là lời nhắc nhở được treo trong nhà tất cả những biên tập viên tài ba và những người thầy dạy viết lách. Tuy nhiên, những người chuyên viết diễn văn lại được giáo huấn điều ngược lại: "Hãy nói cho họ biết điều bạn sẽ nói với họ; hãy nói với họ; và nói tất cả những điều bạn đã nói".
Tôi tin tưởng vào cả hiện thực và lời nói. Quan điểm của tôi là trước tiên phải nói về thông tin, sau đó tôi sẽ làm rõ bằng một số hình thức khác nữa, tôi phải làm tất cả những gì có thể để bạn hiểu được điều tôi muốn nói. Sự làm rõ này không có nghĩa là tôi đánh giá thấp trí thông minh của bạn. Đó là vì tôi biết sự phức tạp của giao tiếp. Điều đó cũng có nghĩa là tôi không muốn phạm sai lầm khi nói quá nhiều sẽ lại khiến bạn trở nên hoang mang. Tôi hiểu sâu sắc về sự khác biệt giữa chúng ta và sẽ làm hết sức mình để rút ngắn khoảng cách ấy.
Tôi thừa nhận rằng có rất nhiều luồng ý kiến xung quanh chủ đề này. Có người không thích đọc bài phê bình về một cuốn sách, hay những phỏng đoán về một bộ phim; có người không thích đọc lời ghi chú về chương trình của một buổi hòa nhạc; có người không quan tâm đến suy nghĩ, tâm tư của tác giả, diễn viên, đạo diễn về đứa con tinh thần của họ trước khi thực hiện nó. Vợ tôi là một trong số đó. Tôi thì không. Nhưng chúng tôi tôn trọng sự khác biệt ở mỗi người.
Tôi không biết quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào, nhưng là một người tốt bụng, tôi đưa ra cho bạn một sự lựa chọn. Bài kiểm tra Hudson’s Bay Start có thể không phù hợp với bạn. Nếu bạn muốn đi ngay vào phần nội dung chính của cuốn sách, bạn cứ làm vậy. Chỉ cần lật ngay tới trang 33. Còn nếu bạn muốn biết chi tiết về quá trình hình thành nên cuốn sách, hãy tiếp tục đọc.
***
Cuốn sách lần này được tôi viết ra theo dòng suy nghĩ của mình. Gần như tất cả các cuộc đối thoại đều được thực hiện giữa hai người. Chuyện này dẫn sang chuyện khác, đôi lúc có những quãng nghỉ, và chủ đề để kết thúc cuộc đối thoại thường đi rất xa so với chủ đề ban đầu. Không có bất kỳ một chủ đề nào được kết thúc theo mục đích có sẵn. Thực tế là tôi thường cố tình để bạn áp đặt suy nghĩ và kinh nghiệm của bạn lên tôi để kết thúc cuộc đối thoại. Cuốn sách này sẽ không còn giá trị nếu bạn không chịu trách nhiệm đáng kể với nó.
Dòng suy nghĩ của tôi không giống như một đoạn thẳng nối từ điểm này đến điểm khác, cũng không giống một đường hành quân, mà nó như một sự thám hiểm theo chiều ngang xuyên suốt từ lĩnh vực quan tâm này đến lĩnh vực quan tâm khác. Không có điểm đến cuối cùng, không có đích để đến, cũng không có hồi kết thúc. Cũng giống như trong khiêu vũ, bạn di chuyển theo vòng tròn không phải để cuối cùng sẽ đến được một địa điểm cụ thể, mà là để bạn ở một nơi nào đó vào một thời điểm cụ thể.
***
Danh họa Paul Cézanne và điêu khắc gia Constantin Brancusi là hai nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất đến cách suy nghĩ của tôi về nghề viết văn. Cézanne chỉ duy nhất vẽ về ngọn núi Mont-Sainte-Victoire ở
Provence hết lần này đến lần khác. Ông không quan tâm nhiều đến ngọn núi mà chỉ chú ý đến sự chuyển dịch của ánh sáng, bóng khuất và màu sắc ở đó. Các tác phẩm của ông thường thể hiện linh hồn của sự vật chứ không đơn thuần là bản thân sự vật. Những chủ đề mà Brancusi quan tâm cũng rất giới hạn. Trước khi qua đời vào năm 1957, Brancusi đã tạo ra rất nhiều phiên bản cho một vài ý tưởng nghệ thuật. Tác phẩm vĩ đại Bird in Space (Cánh chim giữa tầng không) đã được thực hiện ít nhất 28 lần trên các chất liệu khác nhau như gỗ, đá cẩm thạch, thạch cao và đồng. Mỗi một phiên bản đều có sự khác biệt do cảm xúc về sự bay lượn ở mỗi lần Brancusi thực hiện tác phẩm là không giống nhau. Ông muốn nắm được cái hồn của sự vút bay trong không trung, và ông đã thành công. Hầu hết các cuốn sách về nghiên cứu lịch sử nghệ thuật tạo hình đều đăng tải ít nhất một tấm hình về những chú chim của Brancusi. Ngay cả ở các bảo tàng về nghệ thuật đương đại trên thế giới cũng vậy.
Thực ra, ông đã chịu rất nhiều sự chỉ trích từ các nhà phê bình nghệ thuật cùng thời về sự thiếu đa dạng trong các tác phẩm của mình – cứ lặp đi lặp lại duy nhất một chủ đề thay vì chuyển sang một chủ đề khác.
Brancusi giải thích rằng ông không thuộc típ người thích sự đổi mới. Chỉ có rất ít các đối tượng cơ bản là có thể quyến rũ được ông, ở một vài khía cạnh phổ biến của sự tồn tại như: một nụ hôn, sự khởi đầu của cuộc sống, Đứa con hoang toàng[8], vẻ đẹp hình thể của con người, ông muốn loại bỏ tất cả mọi thứ không liên quan đến cảm xúc của mình về các đối tượng và thể hiện chúng một cách đơn giản nhất có thể trong các tác phẩm điêu khắc.
Khi bạn đọc đến phần này của cuốn sách, và nhất là nếu bạn đã từng đọc hai cuốn sách trước của tôi, bạn cũng sẽ nhận ra rằng tôi cứ quay đi quay lại với một vài chủ đề đã ăn sâu vào mối bận tâm của mình. Trên thực tế, các câu trả lời cho những câu hỏi dưới đây chưa bao giờ làm cho tôi được thỏa mãn.
Làm thế nào để có được một cuộc sống cân bằng giữa sự trần tục và sự linh thiêng?
Giữa sự hài hước và nỗi sầu muộn?
Giữa thực tế và những điều đáng ra phải thế? Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung?
Giữa phần con và phần người trong mỗi chúng ta?
Và làm sao để có thể đối xử với người khác đúng như cách ta muốn họ đối xử với mình, và tại sao điều đó lại khó thực hiện đến vậy?
Nếu bạn tìm thấy những cụm từ, những khái niệm và những giai thoại tương tự nhau xuất hiện ở những nơi khác nhau trong tác phẩm của tôi, thì đó không phải là kết quả của việc biên tập cẩu thả. Tôi đang lặp lại chính mình. Tôi sắp xếp lại con chữ với mong muốn có một lần tôi có thể nói điều gì đó chính xác tuyệt đối. Và tôi vẫn đang vật lộn với những tình thế tiến thoái lưỡng nan không dễ dàng giải quyết cũng chẳng dễ dàng bỏ qua. Tôi cứ lao vào chúng hết lần này đến lần khác bởi vì tôi không thể hoàn thành chúng. Mà có lẽ là chẳng bao giờ có thể. Công việc tiến triển trong một cuộc sống tiến bộ là điều tôi đề cập trong tác phẩm của mình. Và một vài tiến bộ trong công việc là đủ để giúp cho mọi việc tiến triển tốt đẹp.
Quan điểm này được lấy cảm hứng từ người đàn ông đã sáng tạo ra hình thức tiểu luận.
Michel Eyquem de Montaigne. Ông được biết đến với nhiều danh xưng như luật sư, học giả, lữ khách, nhà ngoại giao, chính trị gia, nhà lý luận, nhà văn. Nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của ông chính là nước Pháp vào thế kỷ thứ 16, với những kinh nghiệm ông có được khi phục vụ cho triều đình của vua Henry Đệ Tam, và trong nhiệm kỳ làm thị trưởng thành phố Bordeaux. Nhưng chính cuộc đời của ông mới là nguồn tư liệu quý giá nhất. Danh tiếng của ông còn tồn tại đến ngày hôm nay phần lớn nhờ vào sức mạnh của cuốn tự truyện Les Essais de Michel Seigneur de Montaigne (Những bài tiểu luận của Montaigne). Sự thẳng thắn, không chút giả tạo của tác phẩm có một không hai này khiến tôi nghĩ về Montaigne như một người bạn và là một người thầy thông thái.
Ông đặt ra từ "essai" từ động từ "essayer" trong tiếng Pháp có nghĩa là thử thách, với ý nghĩa là bài trắc nghiệm của tư duy và nhận thức về phẩm chất tốt đẹp. Ý định của Montaigne là sắp xếp lại các sự kiện trong cuộc đời mình một cách chân thực nhất có thể. Để rồi cố gắng hiểu rõ bản thân cũng như thế giới xung quanh, không cần phải đi đến một kết luận cuối cùng nào. Ông chỉ tập trung vào khoảng giữa chứ không nghiêng về bất cứ một thái cực nào. Và ông đã viết rằng: "Công việc và các tác phẩm nghệ thuật của tôi sẽ sống mãi với thời gian".
Đúng như lời ông nói, ông không bỏ qua bất kỳ một chủ đề nào. Triết học, trung tiện, ngựa chiến, chính trị, giấc ngủ, tôn giáo, sự hắt hơi, lương tâm, thịt tái, sự trinh tiết, sỏi thận, sự phù phiếm, trí tưởng tượng, cây củ cải, mối quan hệ giữa cha và con trai - đó chỉ là một số trong hàng ngàn chủ đề mà ông quan tâm.
Đáng chú ý là ông không viết theo kiểu phòng thủ hay cố chấp. Những bài tiểu luận của ông luôn giữ được sự tin tưởng và thoải mái trong cuộc trò chuyện giữa những người bạn với nhau.
Nhưng đặc biệt nhất chính là sự khẳng định của Montaigne rằng các ý tưởng và các mối quan tâm trong tác phẩm của ông không phải là nguyên bản.
Bình luận về các bài viết của mình, ông nói: "Có thể nói rằng tôi chỉ đơn thuần tạo ra một bó hoa từ những bông hoa của người khác, tôi không có gì ngoài một sợi dây để kết chúng lại thành một bó hoa hoàn chỉnh, và vui sướng tặng nó cho bạn".
Nếu đúng là như vậy, tôi đánh giá cao cách mà ông ấy chọn sợi dây.
Tôi cho rằng Michel Montaigne nên là một thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng Fellowship of the Fridge. Tôi hình dung ra cảnh ông đang thưởng thức một vài lát bánh mì với thứ pa-tê để lâu ngày cùng một ít mù tạt hiệu Dijon và dưa chua, bên cạnh là một chén bánh ngọt. Cùng với một ly rượu vang đỏ loại rẻ tiền. Thoạt nghe thì có vẻ như là một người Pháp sành ăn, nhưng thật sự đó chỉ là cách tận dụng lại thức ăn thừa.
***
Để kết thúc chương về Hudson’s Bay Start, tôi xin mạn phép nhận xét rằng vai trò của tôi là viết nên quyển sách, còn bạn là người sẽ đọc nó. Do bạn không chỉ cho tôi cách viết, nên tôi cũng không có nghĩa vụ hướng dẫn bạn cách đọc. Nhưng tôi có thể nhấn mạnh rằng từng phần của cuốn sách này được viết tại những thời điểm nhất định, và giá trị của nó sẽ càng gia tăng nếu nó được đọc cũng theo cùng một cách thức.