Một giáo viên mầm non được yêu cầu lớp của cô trình diễn một vở kịch dựa theo truyện cổ tích trong buổi hội nghị giáo viên. Sau nhiều lần thảo luận, cả lớp nhất trí chọn câu chuyện cổ tích Cô bé lọ lem. Câu chuyện kinh điển về "sự đổi đời" sống mãi với thời gian. "Ở hiền gặp lành" là ý nghĩa của câu chuyện này - có một ngày chắc chắn bạn sẽ nhận được thứ mà bạn xứng đáng được nhận. Đó là lý do vì sao người lớn chúng ta thường chơi xổ số với niềm hy vọng mãnh liệt đến vậy.
Theo góc độ của giáo viên, Cô bé lọ lem là một lựa chọn tốt, vì đây là một câu chuyện có nhiều phần và có nhiều vai diễn có thể thay đổi linh hoạt để tất cả học sinh đều có thể tham gia vào vở kịch. Danh sách vai diễn sẽ được liệt kê ra dựa trên cốt truyện: một cô bé lọ lem có vẻ đẹp mê hồn; một bà mẹ kế độc ác; hai cô chị kế xấu xa và ngu ngốc; một bà tiên xinh đẹp, thông minh và nhân hậu; quả bí ngô; con chuột; người đánh xe ngựa; con ngựa; nhà vua; những người tham dự buổi khiêu vũ của nhà vua như sĩ quan, đô đốc hải quân, hiệp sĩ, các công chúa; và cuối cùng là nhân vật được mong chờ nhất, hoàng tử - hiện thân của những điều tốt lành.
Bọn trẻ được phép tự chọn vai diễn cho mình. Sau khi các vai diễn đã được phân chia, mỗi đứa trẻ sẽ được gắn bảng tên cùng với bút dạ, giấy và đứng về phía góc phòng trong khoảng thời gian chờ thử vai. Cuối cùng, đứa trẻ nào cũng đều nhận được một vai diễn trong vở kịch. Trừ một người.
Đó là một cậu bé. Nó luôn giữ im lặng và đứng ngoài cuộc trong suốt quá trình tuyển chọn. Một đứa trẻ có vẻ bí ẩn và có phần khác biệt, do quá béo mập và thường xuyên bị những đứa trẻ khác trêu chọc.
"Thế nào Norman, con sẽ đóng vai gì nào?", cô giáo hỏi.
"Thưa cô, con sẽ đóng vai con heo?", Norman trả lời. "Con heo ư? Nhưng trong truyện này không có con heo!".
"Thì bây giờ sẽ có, thưa cô".
May mắn thay, đây là một giáo viên sáng suốt và có tầm nhìn. Cô nhìn Norman một lượt từ đầu đến chân. Nó hiền như cục đất. Nhưng cũng chẳng phù hợp với kiểu vai nào trong vở kịch. Rõ ràng Norman khăng khăng muốn nhận vai con heo. Và nó có thể làm được. Nên Norman đã được nhận vai con heo trong truyện Cô bé lọ lem. Không ai khác trong lớp muốn nhận vai con heo, nên không có vấn đề gì khi để Norman thực hiện điều đó. Nhưng vì trong kịch bản không đề cập đến vai trò của con heo, nên mọi hành động của chú heo sẽ do Norman tự quyết định.
Được tự do quyết định, Norman đã chọn cho mình một vai phụ. Con heo trong vở kịch sẽ là người bạn đồng hành với cô bé lọ lem, bước đi thong thả trên bốn chân theo một cách rất heo, trong bộ trang phục do cậu tự nghĩ ra - một bộ đồ màu hồng bọc toàn bộ cơ thể cùng một mảng vá ở phía sau, một cái đuôi làm bằng cái thông điếu và một chiếc mũi được chế từ một chiếc ly giấy. Chẳng phải nói gì. Nó chỉ cần ngồi yên lặng quan sát, giống như nhóm người âm thầm hỗ trợ trong các vở kịch Hy Lạp cổ đại. Những biểu lộ cảm xúc trên gương mặt của nhân vật phản ánh kịch tính của câu chuyện. Lo lắng, buồn rầu, băn khoăn, hy vọng, bối rối, giận dữ, buồn chán và vui thích. Không có gì để nghi ngờ về diễn biến của câu chuyện, cũng không còn nghi ngờ gì về tầm quan trọng của vai diễn. Chỉ cần nhìn vào chú heo là bạn có thể hiểu được những gì đang diễn ra. Chú heo này cũng chẳng khác gì một điềm báo. Rất chân thực. Thú vị là ở đó. Nhân vật con heo đã đem đến cho câu chuyện cổ tích cũ rích này một sức hấp dẫn mới lạ.
Tại điểm cao trào, khi hoàng tử xỏ chiếc giày thủy tinh vào chân cô gái và sau đó hai người ôm nhau thắm thiết, thề nguyện mãi mãi hạnh phúc bên nhau, chú heo nhỏ nhảy cẫng lên vui sướng, sau đó nhảy múa bằng chân sau và phá vỡ sự im lặng của mình bằng một tràng sủa dài.
Khi nghe Norman trình bày ý tưởng, cô giáo đã cố gắng giải thích cho cậu bé rằng ngay cả trong chuyện cổ tích thì một chú heo cũng không thể sủa được. Nhưng đúng như cô mong đợi, Norman đã cố bảo vệ quan điểm của mình rằng chú heo trong vở kịch có thể sủa được.
Cuối cùng thì tiếng sủa đã được cô chấp nhận, và nó cũng chính là phần bùng nổ của vở kịch.
Phần trình diễn tại buổi hội thảo dành cho giáo viên đã gặt hái thành công bất ngờ.
Bạn có đoán được ai là người được toàn thể khán giả đứng lên vỗ tay khen ngợi hay không?
Dĩ nhiên. Đó chính là Norman, chú heo biết sủa.
Người đã tạo cho câu chuyện Cô bé lọ lem một đời sống thực.
Những lời khen ngợi đến từ khắp nơi, và bọn trẻ nhận được rất nhiều lời mời trình diễn lại vở kịch. Đôi khi cô giáo lại phải giải thích về vai diễn đặc biệt ấy.
"Cô có nhìn thấy chú heo trong vở diễn không?". "Một chú heo? Thật ư?".
"Vâng, ngôi sao của vở kịch chính là chú heo biết sủa".
"Nhưng trong truyện Cô bé lọ lem không có nhân vật chú heo biết sủa!"
"Thì bây giờ có!"
Dưới đây là một phiên bản khác nữa của truyện Cô bé lọ lem. Từ một lớp học rất đặc biệt. Các nhân vật đều là những người đã trưởng thành, trong bối cảnh là một ngôi trường dành cho những người nghèo khó, và nó diễn ra hoàn toàn trên đường phố, chứ không phải trên sân khấu.
***
"Ông có khiếu hài hước không?". "Tất nhiên rồi!".
"Tôi sẽ kể cho ông một nửa câu chuyện cười với giá 5 xu".
"Một nửa câu chuyện cười ư?".
"Vâng. Và với 20 xu tiếp theo, ông sẽ biết được điểm nút của câu chuyện".
"Nếu tôi không muốn biết điểm nút thì sao?".
"Tùy ông thôi. Ông cứ thử một lần xem sao, đưa cho tôi 5 xu, có đáng gì đâu nào".
Cứ mỗi lần đi dạo trong cái công viên nhỏ xíu này tôi lại bắt gặp những bàn tay chìa ra xin bố thí từ những người vô gia cư với vẻ mệt mỏi khốn cùng. Đó là một mặt trái của đời sống đô thị, những người dùng khoảng không gian xanh này của thành phố để vừa làm nhà ở, vừa là nơi làm ăn, vừa là câu lạc bộ xã hội, lại vừa là nhà vệ sinh. Những người "ngay đến chó cũng chê", như họ tự nhận, thường lí nhí xin bố thí một khoản tiền nhỏ, đôi khi chỉ cần đủ cho một ly cà phê. Vậy nên băng qua công viên này giống như bạn đang đi qua một cây cầu có thu phí vô hình. Tôi trả phí, và đôi khi nhận được lời chúc phúc chân tình cho số tiền nhỏ nhoi ấy: "Cầu Chúa ban phước lành, người anh em!".
Đó không phải một khoảnh khắc vui vẻ, mà là một quá trình xin cho phiền toái. Và tôi cũng biết rằng mình có thể chọn cách đi dạo ở khu vực gần đó, mà không vào công viên. Vâng, họ ở đó, tôi biết. Còn tôi thì có tiền, và họ biết điều đó. Chúng tôi chỉ làm những việc cần làm trong một thế giới vốn có nhiều bất công. Dù những người hiện thân cho sự sa cơ, thất thế có đang làm gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải chấp nhận một mối ràng buộc không thể tránh được giữa người với người. Khi một bàn tay chìa ra, tôi không thể ngó lơ hay nói với họ rằng tôi vừa đóng tiền cho một vài tổ chức hay vừa bỏ phiếu ủng hộ cho một vài điều luật và như thế là đã quá đủ với tôi. Vì tôi biết mọi việc không thể giải quyết theo cách đó.
Quay trở lại với người đàn ông đề nghị kể một nửa câu chuyện cười trong công viên. Tôi đã đưa cho ông ta 5 xu, và được nghe một câu chuyện tào lao về một người Do Thái, một nữ tu sĩ, một con heo và một con gà trong một buồng điện thoại. Một câu chuyện cười tục tĩu. Nhưng ông ta kể quá hay, đến nỗi tôi đã trả cho ông ta hẳn 5 đô la để được nghe điểm nút. Đó là một món hời. Tôi đã cười gần như suốt cả buổi chiều hôm đó mỗi khi nghĩ về câu chuyện. Sau đó tôi còn giới thiệu cho một vài người bạn đến công viên để kiểm chứng lại. Tôi không thể cho họ biết nửa câu chuyện cười hay một điểm nút một cách miễn phí được.
Ngày hôm sau tôi được biết về một chương trình tạp kỹ nhỏ, giờ đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống trong cái công viên nhỏ này. Một nữ phục vụ bàn trong một quán cà phê gần đấy, người mỗi ngày đều ra công viên hút thuốc vào giờ giải lao, đã kết thân với rất nhiều những người vô gia cư. Thực sự là cô ấy đã trò chuyện với họ.
Đối với cô, họ cũng là những con người như bao người khác. Cô động viên họ hãy sáng tạo hơn với nghề ăn xin. Như thế họ có thể kiếm được gấp đôi cho cùng một nỗ lực và còn có thêm niềm vui nữa. Tại sao lại không cơ chứ? Họ có mất gì đâu nào?
Đó cũng là lời biện hộ cho Ngài - một - nửa - câu - chuyện - cười.
Các lời mời chào cầu may có thể là một vài bài thơ ngắn, một ca khúc, một lời khuyên, một lời chỉ đường, một lời bào chữa, một ván bài, hay một quẻ bói nhanh. Có một anh chàng đã đưa ra lời mời chào rằng: "Cười đùa cùng bạn hay cười vào mặt bạn với giá hai mươi lăm xen". Thế rồi mọi người bỗng nhiên bị thu hút bởi công viên này - nơi mà trước đây họ từng xa lánh. Tình trạng này có thể không kéo dài, nhưng tại thời điểm này, nơi đây chẳng khác gì một mùa xuân rực nắng.
Người nữ phục vụ bàn đó chính là một bà tiên nhân hậu.
Không được trang bị cây đũa thần nào, nhưng cô có một tấm lòng bác ái cùng với khả năng sáng tạo vô bờ.
Cô đã chạm đến những người vô gia cư, không phải ở đầu óc của họ, mà ở chính lòng tự trọng.
Không trao cho họ những quả bí ngô hay những đôi giày, nhưng cô cho họ ý tưởng để đạt được những thứ ấy.
Không thể giúp họ giải quyết tận gốc từng khó khăn, nhưng cô đã giúp họ giải quyết được vấn đề chạy ăn từng bữa.
Cô thúc giục họ tự bắt cá thay vì chìa tay xin bố thí đống xương cá.
Cô giúp họ nhận thức được phần nào của sự thật rằng cuộc sống luôn tồn tại những quyền lựa chọn, mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng.
***
Tôi chưa bao giờ quá thích câu chuyện Cô bé lọ lem mà hầu hết mọi người Mỹ đều biết. Cô bé lọ lem ấy là một người kém may mắn. Mẹ cô bé qua đời, cha tục huyền với một người phụ nữ xấu xa có hai cô con gái riêng chỉ biết yêu bản thân mình. Cô bé lọ lem bị đày xuống làm kẻ hầu hạ, luôn bị ngược đãi, phải ngủ trên đống tro lò sưởi. Cô bé không thể làm gì khác hơn ngoài việc chấp nhận số phận.
Tất cả những gì cô bé lọ lem có thể làm là cầu may, dẫu rằng cô cũng chẳng mong đợi điều gì. Cô không dám chạy trốn. Cô không dám phá hỏng cuộc sống tăm tối của mình bằng một sự thay đổi tươi sáng hơn. Cô không dám đâm nát những trái tim độc ác kia – kết cục mà họ đáng phải nhận. Ồ, tất nhiên là không, sẽ không có một sự sắp đặt nào xảy ra. Cô bé lọ lem chỉ là một cô gái hiền lành. Sự yếu đuối bao lấy cô. Cô vĩnh viễn chỉ thụ động chờ đợi một điều gì đó xảy đến với mình.
Không vì lý do cụ thể nào, một bà tiên nhân hậu đã xuất hiện đưa cô đến buổi khiêu vũ của nhà vua. Cô bé lọ lem đã không hỏi: "Quỷ tha ma bắt bà đi, sao không đem đến cho tôi một vài bộ quần áo ấm, mấy cái bánh hamburger cùng khoai tây chiên, thay vì đôi giày thủy tinh trong suốt và một người phu ngựa trong trang phục bí ngô đẹp mắt?".
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc khiêu vũ với đôi giày thủy tinh, nhưng tôi nào phải là cô bé lọ lem. Tôi cũng cứ suy nghĩ mãi về việc khiêu vũ với một cô em xinh đẹp mà tôi chưa từng biết mặt, người xuất hiện trong bữa tiệc của tôi với một đôi giày thủy tinh; lẽ ra ít nhất thì bà tiên nhân hậu cũng nên đem đến một đôi giày khiêu vũ bằng da cá sấu có những sợi kim tuyến bằng vàng cùng với dây buộc quanh cổ chân. Nhưng tôi cũng không phải là hoàng tử, và chắc chắn bà tiên đỡ đầu đã có sự sắp đặt để hoàng tử nhận ra cô bé lọ lem.
Cô bé lọ lem chỉ đơn giản ngồi ở nhà và chờ đợi. Chưa bao giờ cô nói một lời nào về nơi cô ấy từng ở hay những điều cô ấy biết. Cô ấy chỉ biết chờ và chờ mà thôi.
"Rồi những điều tốt đẹp cũng sẽ tới" đã trở thành câu cửa miệng của cô bé lọ lem. Và cô lại tiếp tục "há miệng chờ sung".
Cho đến khi hoàng tử xuất hiện. Anh ta và chiếc giày thần kỳ. Anh ta thậm chí không thèm nhìn vào ngôi nhà nơi hai cô gái xấu xí và một cô gái dơ dáy, lem luốc đang ngồi kia mà cứ thế tiến lên. Ôi không, không phải là hoàng tử đấy chứ. Vẻ đẹp hình thể, tính cách hay sự sạch sẽ đều không phải là thứ anh ta quan tâm. Cái anh ta cần chính là bàn chân xỏ vừa chiếc giày. Cô bé lọ lem cũng chẳng quan tâm điều gì cả. Chỉ cần đó là điều hoàng tử muốn, cô sẽ cứ thế làm theo.
"Và họ đã sống hạnh phúc bên nhau suốt đời", truyện nói vậy. Nhưng tôi không nghĩ như vậy.
***
Chúng ta thường chỉ mới đi đến được nửa câu chuyện và không biết được cái kết thực sự. Trong truyện cổ tích. Trong lịch sử nhân loại. Các câu chuyện vẫn liên tục tiếp diễn. Cỡ giày chỉ là điểm khởi đầu thủ đoạn để đạt được tình yêu, nhưng có thể cô bé lọ lem đã vui vẻ chấp nhận thủ đoạn ấy, ai mà biết được? Đã có biết bao cuộc hôn nhân giữa hai người xa lạ có khởi nguồn như thế mà vẫn sống hạnh phúc, có thể hoàng tử và cô bé lọ lem cũng đã sống hạnh phúc trọn đời bên nhau cùng với hàng ngàn đôi giày.
Do đây là một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em, nên tôi sẽ chấp nhận mọi phiên bản trong 500 phóng tác của tác phẩm mà mọi người đều biết này. Bởi mỗi phiên bản đều có một người phụ nữ can đảm, năng động, biết nắm thế chủ động và sẵn sàng làm tất cả để giải phóng mình khỏi kiếp nô lệ, bị áp bức. Cô ấy không chỉ ngồi yên một chỗ. Cô ấy biết mình có sự thanh cao, hiểu rõ những người thân sống bên cạnh cô ấy là những kẻ đê tiện, và cô ấy cũng không trông mong vào bất kỳ người nào khác sẽ hành động giúp cô thoát ra khỏi hoàn cảnh của mình. Trong tất cả các phóng tác của châu Âu, cô bé lọ lem tìm kiếm điều kỳ diệu bằng chính trí thông minh và bằng những kỷ niệm ngọt ngào với người mẹ quá cố. Không thể phủ nhận cô bé lọ lem là một người may mắn, và cô ấy xứng đáng được như thế. Ở đoạn cuối câu chuyện, cô đã xông tới chỗ chiếc giày, hùng hồn nói: "Đây là chiếc giày của tôi, để tôi đi thử cho mọi người xem". Cô còn tha thứ cho hai người chị kế và tìm cho họ hai người chồng thuộc dòng dõi quý tộc. Về sự may mắn mà cô bé lọ lem có được, chúng ta phải hiểu rằng không phải ai cũng có được, dù họ xứng đáng được nhận hơn cả cô ấy.
Phiên bản truyện với một cô bé lọ lem thụ động, không tự bảo vệ được mình và chỉ biết há miệng chờ sung rụng chính là một liều thuốc độc.
Ngay cả Chúa trời cũng chỉ sẵn sàng giúp đỡ những người biết tự cứu lấy mình.
Norman, chú heo biết sủa, chính là ý tưởng của tôi về hình tượng cô bé lọ lem.
Người giáo viên nhận ra tài năng của Norman chính là ý tưởng về hình tượng hoàng tộc.
Và tất cả những ai đã giúp đỡ những người vô gia cư khốn khổ chính là hình tượng của bà tiên đỡ đầu.
Để nhấn mạnh rằng mỗi người đều có một vị trí nhất định và hãy cố gắng để đạt được vị trí đó.
Để truyền sự tự tin giúp những người khác đạt được mục tiêu của mình.
Làm được những điều trên là chúng ta đã biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực.