Điếu xì gà chính là trọng tâm của phần tiếp theo. Bạn biết đấy, tôi đã từng là một người nghiện thuốc lá, mặc dù tôi biết rất rõ những lý do lành mạnh để không làm điều đó. Tôi dám chắc là thỉnh thoảng bạn có làm một vài việc mà bản thân không nên làm, dù bạn cũng biết rất rõ. Với điếu xì gà này, dù chỉ mới rít một hơi duy nhất, nhưng đó là điếu xì gà mà tôi không bao giờ có thể quên.
Một buổi sáng mùa thu đẹp trời tại San Francisco. Tôi đi tàu điện từ Union Square đến cuối đường Columbus, và dự định sẽ đi bộ quay ngược trở lại qua khu người Ý. Lúc đó, tâm trạng tôi vô cùng thoải mái. Một tuần làm việc vất vả đã qua và giờ đây tôi xứng đáng có một vài ngày nghỉ ngơi cho riêng mình. Tôi bước vào cửa hàng và mua cho mình điếu xì gà đắt tiền nhất để hút trong khi thong thả dạo bước.
Nếu có sự hiểu biết nhất định về xì gà, hẳn bạn sẽ biết về Macanudo, và xì gà Maduro, một loại xì gà rất nặng, to bằng ngón tay cái, dài 16,5cm. Nếu bạn không hiểu về xì gà, thì câu nói sau đủ để bạn hiểu giá trị của nó: "Chúa ơi! Ngài sẽ không hút thứ này ngay tại đây phải không, thưa Ngài?".
Sau khi đi bộ qua một vài dãy nhà, đã đến lúc thưởng thức điếu xì gà. Tôi cẩn thận gỡ tờ giấy bóng kính, bóp mạnh điếu thuốc để thử độ đàn hồi và đưa lên mũi ngửi để chắc chắn nó không bị gắt. Thật hoàn hảo. Dựa vào một gốc cây, tôi dùng con dao nhíp cắt bỏ phần đuôi của điếu thuốc và thận trọng châm lửa. Hít một hơi dài, tôi reo lên sung sướng: "Ôi, đời chỉ cần vài điếu xì gà thế này thôi!".
Thật tình cờ là khi đó tôi lại đứng trước cửa một tiệm cà phê. Một ly espresso sẽ làm cho buổi sáng đáng nhớ này trở nên hoàn hảo. Tôi cẩn thận để điếu xì gà đang hút dở trên gờ một ô cửa sổ rộng và bước vào trong mua cà phê. Trong lúc đợi tính tiền, tôi liếc ra phía cửa sổ để kiểm tra. Mất rồi. Điếu xì gà của tôi đã biến mất.
Bỏ mặc ly cà phê, tôi chạy vội ra cửa và đứng sững lại. Phía bên kia ô cửa kính là một người đàn ông lớn tuổi, đang kiểm tra điếu xì gà một cách đầy say mê. Ông cầm điếu thuốc trịnh trọng đưa lên mũi, nhắm nghiền đôi mắt để thưởng thức trọn vẹn hương thơm lan tỏa. Ông mỉm cười. Rồi ông nắn nắn điếu thuốc để kiểm tra độ rắn chắc và độ đàn hồi. Ông lại mỉm cười.
Thận trọng nhìn quanh một lượt, ông đưa điếu thuốc lên rít một hơi. Và ông lại mỉm cười một lần nữa. Với vẻ mặt thỏa mãn, ông bước xuống đường. Ôi điếu xì gà của tôi! Tôi cứ thế đi theo người đàn ông kia, cũng chẳng biết tại sao lại làm như thế. Tôi muốn lấy lại điếu xì gà.
Đó là một người đàn ông lớn tuổi. Mái tóc muối tiêu, bộ ria mép tuyệt đẹp và cặp lông mày cân xứng với khuôn mặt - ông đội chiếc mũ lưỡi trai vui mắt của dân khuân vác ngoài bến tàu, mặc áo sơ mi trắng dài tay với quần tây đen, dùng dây đeo quần màu đen và giày màu nâu đậm. Thấp đậm, béo tròn, chân hơi bị thọt, ông ta thong dong tận hưởng buổi sáng mà không chú ý có người đang lén lút theo sau.
Người Ý. Có lẽ là thế hệ nhập cư đầu tiên. Ông ấy đã ghé thăm bạn bè như để báo tin tốt lành về chuyện điếu xì gà mà số phận đã dành sẵn cho ông trong ngày đẹp trời này. Tôi đã có một chuyến tham quan đúng nghĩa khu người Ý cổ kính thuộc vùng North Beach mà tôi không ngờ tới. Một cửa hàng mì ống, gian hàng trái cây, cửa tiệm máy móc, tiệm bánh mì và nhà thờ địa phương. Tại mỗi điểm dừng, ông ấy đều nhiệt tình tán dương điếu thuốc, cũng như sự may mắn của mình với một ngày tuyệt vời. Mỗi người bạn đều được ông mời hút thử. Người bán trái cây bóp nhẹ điếu thuốc tỏ vẻ hài lòng với độ mềm dịu của nó. Người bán bánh mì rít hai hơi rồi thốt lên "tuyệt hảo, tuyệt hảo!". Còn cha xứ thì làm động tác ban phước lành cho điếu thuốc.
Đã đến lúc đi đến sân bóng bocci[9] ở phía bắc quảng trường Ghirardelli, và khi đến nơi, ông lại hào hứng kể với những người đồng hương về điếu xì gà và sự may mắn của mình. Điếu xì gà lúc này chỉ còn lại một mẩu ngắn ngủn. Trước khi đến lượt mình chơi bóng, ông bần thần nhìn điếu thuốc tắt lụi với sự hối tiếc hiện rõ trên khuôn mặt. Mẩu đầu lọc còn lại, ông ấy không vứt nó xuống đất và giẫm nát bằng mũi giày như tôi vẫn làm. Không. Với vẻ trang trọng, ông bước đến chỗ bồn hoa, vốc đất lên tạo thành một cái lỗ nhỏ bên cạnh một khóm hoa hồng, đặt mẩu đầu lọc vào đấy và lấp đất lại. Ông cởi mũ ra, nán lại thêm một lúc bên ngôi mộ nhỏ, mỉm cười và quay lại với trận bóng.
Người đàn ông kia đã hút hết rồi, tôi không còn cơ hội để thưởng thức điếu xì gà đó nữa. Nhưng nếu nói về một kỷ niệm thú vị, cũng chính là vật sở hữu đáng giá nhất, thì điếu xì gà ấy vẫn là của tôi, tại sao không cơ chứ? Và đó sẽ mãi là điếu xì gà ngon nhất mà tôi từng có.