Khối u ở tâm thất của ông Phúc phát triển rất nhanh. Mới hơn ba tháng mà đã lớn gần bằng quả trứng cút chẹn đường xuống bộ phận tiêu hóa nên việc ăn uống phải bằng thông. Thấy bệnh tình phát triển nhanh nên bệnh viện yêu cầu đưa về nhà chăm sóc. Tuy có đến bảy cô con gái nhưng cô nào cũng vụng nên mọi việc chăm sóc đều dồn cho Nhàn. Bố chồng chỉ ăn được nước cháo nên sáng sớm Nhàn đi bộ ra chợ xép chọn mua lạng thịt nạc ngon nhất đem về hầm dừ với gạo, sau đó nghiền nhỏ rồi cho vào miếng vải màn lọc lấy nước bón từng thìa nhỏ cho bố chồng. Nhiều lần ông cảm động nhìn Nhàn và để hai dòng nước mắt lặng lẽ trào ra khóe mắt. Nhàn thương bố chồng chẳng thua kém gì bố mình. Ông sống đức độ với con với cháu, với bà con xóm giềng. Tuy xuất thân từ nông dân nhưng thủa thanh niên ông mê sách vở và có thời kỳ làm trưởng phòng hợp tác xã của huyện, vì thế mà sự hiểu biết của ông vượt ra khỏi cuộc sống thông thường của người nông dân. Ông dạy đỗ con cháu nết ăn, nết ở. Cách đối nhân xử thế ở đời. Nhờ thế mà con cái của ông ăn ở bao giờ cũng được lòng bà con xóm giềng. Tâm là đứa con chịu ảnh hưởng của bố rõ nét nhất. Kiên quyết và nhân hậu. Nghĩ là làm. Tìm mọi cách làm cho bằng được. Việc tìm ra mô hình hợp tác xã nông công thương tín khiến tên tuổi của Tâm nổi lên như một điển hình của người nông dân trong thời đại mới. Rồi việc biến một bãi rác lưu cữu qua bao nhiêu năm thành một khu đất màu mỡ khiến ai cũng phải nể phục. Từ hôm đưa bố ở bệnh viện về nhà hễ xong việc ở cơ quan là Tâm phóng xe về và ở quanh quẩn cạnh bố. Anh biết thời gian bố còn ở với mình không còn bao lâu nữa nên cứ về đến nhà là anh đến ngồi cạnh bố. Muốn nghe những lời nói ấm áp của bố nhưng bố anh chỉ thều thào rồi nhìn anh bằng đôi mắt chất chứa yêu thương. Đôi lần nhìn vào mắt bố, Tâm vội quay mặt đi và nuốt những dòng nước mắt vào trong. Nhìn bố, Tâm lại nhớ đến những năm tháng tuổi thơ của mình. Nhà nghèo, đông con nên quanh năm chỉ ăn mắm tôm với muối vừng. Thỉnh thoảng hợp tác xã tổ chức ăn liên hoan bao giờ bố cũng dắt Tâm đi theo. Đôi khi cũng sợ mang tiếng nên bố thường chỉ ăn rau còn có miếng thịt nào cũng nhịn miệng gắp cho Tâm. Cũng may từ ngày anh được chuyển về công tác gần nhà, có chế độ tem phiếu thực phẩm nên bữa ăn không còn kham khổ như trước. Tuy vậy tem phiếu của một cán bộ sơ cấp không được bao nhiêu nên cả nhà biết ý có miếng ăn ngon đều dành cho bố mẹ. Giờ đây cuộc sống của bố chỉ còn tính từng ngày. Muốn cho bố ăn miếng ngon vào những ngày cuối đời nhưng bố lại không ăn được. Bố chưa đến sáu mươi tuổi chứ đã già cả gì đâu! Thương bố quá! Giá bây giờ có một thứ thuốc gì đó chữa được bệnh cho bố, Tâm sẵn sàng bán tất cả gia sản để chữa cho bố. Nhưng anh bất lực chờ đợi cái giờ phút cuối cùng của bố.
Cu Tiến đang chơi với ông chạy ra mách mẹ:
- Mẹ ơi đang nói chuyện với con tự nhiên ông chẳng nói gì.
Nhàn nghe con nói vậy vội bỏ nắm rau đang nhặt trên tay chạy vào.
Nhàn đưa tay cầm lấy cánh tay bố chồng và gọi. Chẳng thấy bố chồng nói gì, Nhàn lay gọi lần nữa. Tự nhiên Nhàn thấy hai giọt nước mắt trào ra ở khóe mắt bố chồng. Cụ đi rồi! Nhàn nghĩ và hốt hoảng. Làm sao bây giờ? Chồng đang ở cơ quan. Mẹ và hai cô em gái đang ở ngoài đồng. Lại bụng mang dạ chửa. Nhàn chọn cái khăn mặt mới nhất đắp lên mặt bố chồng.
Nhàn bế bé Tiến qua gửi cho hàng xóm rồi chạy ra đồng. Vừa nghe Nhàn nói xong, mẹ Tâm khuỵu xuống khiến Nhàn phải ôm lấy mẹ chồng rồi quay sang bảo Tần:
- Để chị và chị Lài dìu mẹ về, còn em chạy nhanh về nhà lấy xe đạp đạp xuống xã nhờ điện thoại gọi báo cho anh Tâm biết và qua cửa hàng mua bán của xã báo cho em Thu luôn.
- Vâng - Lài đáp rồi tất tả chạy về nhà.
Mười hai giờ trưa, tất cả bảy cô con gái và bốn chàng rể đều tề tựu đầy đủ để nhận sự phân công của Tâm, sau đó ai vào việc ấy.
*
Đám ma ông Phúc có lẽ đông nhất làng từ trước đến nay. Xưa nay ông cụ ăn ở với làng xóm như bát nước đầy khiến ai cũng yêu mến nên mọi người đều đến để tiễn đưa cụ về chốn nghỉ cuối cùng. Rồi các bạn đồng liêu một thời cụ còn công tác ở huyện. Cơ quan và bạn bè của Tâm, các chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các hợp tác xã. Họ đến chỉ với một nén hương trong tay và tấm lòng tiếc thương chân thành.
Bố mất có lẽ là lỗ hổng lớn nhất trong cuộc đời của Tâm. Ông không giúp anh trong định hướng cũng như trong những hành động cụ thể nhưng lại giống như cái neo níu giữ con thuyền mỗi khi sóng gió làm cho nó chòng chành. Chữ nghĩa của ông không nhiều chỉ đạt tới lớp bốn, lớp năm bổ túc “tại chức”. Nhưng kinh nghiệm trường đời thì ông đủ để dạy cho Tâm cũng như những đứa con khác từng nết ăn, nết ở để đối xử với mọi người nên tất cả con cái của ông sống bao giờ cũng được lòng bà con xóm giềng. Khi bố còn sống thì cuộc sống hằng ngày diễn ra bình thường chẳng thấy gì. Nhưng đến khi bố mất cả nhà mới thấy một khoảng trống vắng bao trùm lên ngôi nhà. Một khoảng trống không gì có thể bù đắp được.