Tâm và Đăng bắt xe khách đi Sơn La. Hai người định thuê một phòng ở nhà trọ đâu đó rồi tìm quán cơm để ăn. Vui chuyện Tâm hỏi bà chủ quán cơm:
- Ở trên này chỗ nào người ta bán ngô hạt hả bà?
- Các ông định mua ngô à?
- Vâng. Chúng tôi lên đây tìm mua ngô về nuôi lợn của hợp tác.
- Thế là các ông mua nhiều phải không?
- Vâng. Chúng tôi mua cả tấn.
- Nếu vậy chỉ có đến Sở Nông nghiệp hỏi chắc người ta biết chỗ nào bán ngô để nuôi lợn.
Ăn xong, Tâm và Đăng hỏi đường đến Sở Nông nghiệp. Hỏi giá cả xong, hai người ra bắt xe về Hải Phòng.
Đúng như mấy tay ngồi ở quán hôm nào nhận định giá ngô hiện nay đang lên. Tính ra chênh lệch giữa Hải Phòng và Sơn La lên đến tám giá. Có lẽ ít người có thông tin này nên chưa thấy ai mò lên Sơn La. Tâm mừng rỡ nói với Đăng chuyến này chú cháu mình trúng to rồi Đăng ơi!
Ngay ngày hôm sau Đăng tìm thuê được một chiếc xe tải rồi hai người lên đường luôn. Đi được bảy chuyến, đến chuyến thứ tám thì giá ngô tuột dốc, may mà không lỗ. Cũng từ chuyến buôn ngô ấy Tâm bắt đầu say với nghề kinh doanh. Một cái nghề nhìn bên ngoài cứ nghĩ là chuyện buôn bán thường tình nhưng thực ra nó gây cho con người ta một cảm hứng đặc biệt giống như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Người xem hồi hộp theo dõi xem lúc nào cũng thấy họ sắp ngã. Nhưng người nghệ sĩ thì lại lấy hết sức mình để truyền cảm hứng cho người xem. Cái cảm giác đồng tiền mình bỏ ra tự nhiên bung nở như những bông hoa đủ màu sắc đưa lại cho người đi buôn có một niềm vui bất tận. Tâm cũng tận hưởng niềm vui từ những đồng tiền lãi đầu tiên trong một cảm giác hào sảng. Bị những đồng tiền lãi kích thích, Tâm bắt đầu chú tâm đến việc kinh doanh. Việc đầu tiên là tìm mua một mảnh đất ở ngay mặt đường vừa làm nơi đưa gia đình ra ở riêng vừa tính chuyện buôn bán. Ngoài anh con trai, Nhàn sinh thêm hai con gái. Nhà trở thành năm người. Mẹ và hai cô em gái nữa thành ra tám người ở trong một ngôi nhà ngói ba gian đã thấy bắt đầu chật chội. Hơn nữa nhà ở ngay trong làng chẳng thuận lợi cho việc buôn bán. Nhưng muốn làm nhà riêng cũng phải chọn một đám đất gần nhà để còn chạy đi chạy về chăm sóc mẹ. Thu, cô em út bây giờ đã là cửa hàng trưởng cửa hàng mua bán của hợp tác xã nên bận bịu suốt ngày. Tần thì vụng chẳng chăm sóc nổi mẹ nên không thể thiếu bàn tay của Nhàn. Tâm đem chuyện làm nhà ở riêng ra bàn với mẹ, mẹ Tâm bảo các con nghĩ thế là phải. Đáng lẽ bố mẹ phải làm nhà để cho các con ở riêng nhưng vì nghèo đành chịu. Bây giờ các con có một gia đình đông đúc không thể chen chúc trong ngôi nhà chật hẹp này. Rồi còn chuyện học hành của các cháu. Thấy mẹ vui vẻ đồng thuận, vợ chồng Tâm rất mừng. Tìm mãi Tâm gặp một đám đất cũng thuộc xã Duyên Nam nhưng lại nằm gần ngã tư cắt đường 10 và đường 5 rất thuận lợi cho việc buôn bán. Miếng đất rộng hơn hai trăm mét vuông. Vừa đủ để làm một cái nhà ở và nơi chứa vật tư để buôn bán. Đất nông nghiệp bỏ hoang lâu ngày lại cần tiền nên người ta bán cũng rẻ. Từ đám đất này đi về nhà đang ở hiện tại chỉ qua hai con ngõ nên thuận tiện cho việc vợ chồng Tâm đi đi về về chăm nom mẹ.
Dồn tiền lương hưu, tiền mấy chuyến buôn mật ong và ngô, Tâm xây được một ngôi nhà cấp bốn rộng mười tám mét vuông, tường bằng gạch xỉ ba banh và lợp phi-brô xi măng. Giường chiếu thì đưa trong nhà cũ ra. Bốn mẹ con nằm ngang ngủ trên giường, còn Tâm thì trải chiếu nằm dưới nền nhà. Những ngày nắng nóng nhà chẳng khác gì cái lò than. Nhà năm người mà chỉ có cái quạt tai voi Liên Xô. Buổi tối Tâm để các con nằm trong nhà với cái quạt, con hai vợ chồng mang chiếu ra sân để nằm. Ngoài ngôi nhà, Tâm còn làm một cái kho để vật tư rộng hai gian, cột kèo bằng tre, mái lợp bằng giấy dầu. Công xá thì hợp tác xã điều người ra giúp nên chẳng tốn kém bao nhiêu ngoài nồi nước chè xanh. Công việc hằng ngày được phân công rành mạch. Tiến đưa hai em đi học và đón em về. Nếu mẹ bận khách hàng thì nấu cơm. Vốn liếng trong tay đem mua đất và làm nhà nên chẳng còn lại là bao. Tâm tính trước mắt nhận làm đại lý vật tư nông nghiệp kiếm vốn rồi tính sau. Tâm nhận bán các mặt hàng vật tư nông nghiệp như đạm, phân lân, kali, thuốc trừ sâu. Nhờ mua bán linh hoạt, lại ở một vị trí thuận lợi gần ngã tư giao nhau giữa đường 5 và đường 10 nên khách hàng lúc nào cũng có. Ban đầu là khách hàng các xã lân cận, dần dần người qua đường thấy có cửa hàng liền truyền tai nhau thành ra khách càng ngày càng đông. Trí ra chơi thấy Nhàn thuê xe công nông đi lấy hàng liền bảo: “Chị cần lấy hàng đến khu lò vôi Đồng Trấu bảo với tay Thành phụ trách ở đấy cho xe giúp thuê làm gì cho tốn tiền”. Nhàn bảo việc riêng của mình mà dùng xe của hợp tác sợ mang tiếng. Trí bảo công lao anh Tâm bỏ ra cho hợp tác có bộ mặt như ngày hôm nay là để tri ân công lao của anh ấy, năm thì mười họa mới nhờ một chuyến xe có gì mà mang tiếng. Nhàn đem chuyện này ra nói với chồng. Tâm bảo việc thỉnh thoảng nhờ một chuyến xe đi lấy hàng chẳng có gì to tát mà sợ mang tiếng. Nhưng dù sao cũng phải có lời chính thức với chú Trí để khỏi lăn tăn. Khách hàng đông nên có lúc Tâm phụ với vợ nhưng thấy nếu mình dính vào thì không thể có thời gian để tính được chuyện làm ăn dài hơi hơn. Một hôm Tâm bàn với vợ xin trả lại đất cho hợp tác. Còn ruộng của gia đình giao cho Đính, em con ông chú làm để mẹ nghỉ dưỡng già, còn Tần thì ra giúp Nhàn bán hàng và lo cơm nước. Tuy vụng về nhưng có Tần, Nhàn cũng đỡ đi rất nhiều. Tâm cũng có nhiều thời gian để đi đây đi đó học lỏm kiểu làm ăn của thiên hạ. Học sách vở cũng không bằng học ở trường đời. Từ cuộc sống, Tâm rút ra cho mình một kết luận như vậy. Buôn mật ong, buôn ngô là những bài học vỡ lòng mà Tâm học được từ thương trường. Giờ đây Tâm quyết định bỏ thời gian ra lê la ở quán xá để học tiếp những điều thiên hạ dạy cho anh.
Một lần Tâm nhìn thấy mấy tay cũng có vẻ dân “làm ăn” ngồi uống cà phê với nhau và bàn tán giá cả thị trường. Một anh báo: “Tao nghĩ sắp tới thế nào giá thép cũng lên vùn vụt cho chúng mày xem”. Một anh khác bảo: “Tao cũng ngửi thấy thế. Thằng nào to gan sẽ vớ to”. Những lời “vàng ngọc” ấy lọt vào tai Tâm không thiếu một chữ. Tâm đứng lên rời hàng cà phê phóng xe về nhà Đăng nói giọng phấn chấn:
- Lại có một “vụ ngô” nữa cậu ạ.
Đăng ngạc nhiên hỏi:
- Vụ ngô là vụ gì?
- Nhớ vụ hai chú cháu mình vớ bở trong chuyến buôn ngô ở Sơn La ấy.
- Lại đi buôn ngô nữa hả chú?
- Không, buôn thép. Thông tin sắp tới thép sẽ lên vùn vụt.
- Chú ơi, ngô một cân mấy đồng còn thép một cân mười mấy đồng lấy đâu ra vốn?
- Mua trả chậm.
- Cháu chưa hiểu?
- Chúng mình chỉ trả một nửa hoặc hai phần ba và xin gửi thép lại trong kho của họ. Hợp đồng với chủ hàng khi nào bán hết sẽ trả nốt số tiền còn lại.
- Liệu người ta có chịu không?
- Bán được hàng mất gì mà không cho chịu.
Sáng hôm sau Tâm và Đăng lượn hết phố này sang phố khác cũng chỉ gặp đôi ba cửa hàng bán thép cỏn con. Có mua cũng chẳng bõ công chuyên chở.
- Cháu tính đi vòng ra ngoại thành có khi gặp những người buôn thép lớn chú ạ, vì thép là thứ hàng cồng kềnh mua hàng trăm tấn để đâu được trong thành phố.
- Cậu nói có lý.
Hai người qua phà Bính đi vòng một lượt qua phố huyện Thủy Nguyên rồi quay về An Dương, qua An Hải nhưng chẳng thấy tăm hơi thép ở đâu. Khi vòng về Kiến An nhìn thấy ở bên đường có một đống thép lù lù nằm trên một bãi đất trống. Cạnh đống thép là một cái lán lợp lá cọ, bốn bề trống không. Trong lán chỉ có cái giường cá nhân và bộ bàn con con để ngồi uống nước chè. Ngồi trên cái giường cá nhân là một người đàn ông chừng trên năm mươi tuổi mặc bộ sắc phục công an đã bạc màu. Mới nhìn lướt qua Tâm thấy hơi quen quen, hình như đã gặp ở đâu đó rồi.
Người đàn ông chào Tâm và Đăng, mời hai người ngồi rồi cầm cái ấm ra đổ bã chè để thay nước mới.
Tâm vẫn lăn tăn cố nhớ xem khuôn mặt quen thuộc đó là ai. Tâm lướt qua trong đầu mình những đồng đội cùng công tác từ khi còn là một tân binh. Thế rồi loáng thoáng Tâm nhận dần ra người ngồi trước mặt mình. Tâm hỏi:
- Em hỏi hơi đột ngột, có phải anh là thủ trưởng Hải phải không ạ?
Người đàn ông ngạc nhiên chẳng biết ai mà gọi mình là thủ trưởng.
- Vâng. Tôi là Hải đây. Chú mình là ai mà lại biết tên tôi?
- Em là Tâm. Dạo em ở Bộ về thành phố, em đề đạt nguyện vọng xin về công an huyện nhưng thủ trưởng lại nhét vào Phòng Điều tra tội phạm kinh tế do thủ trưởng Cự làm Trưởng phòng, thủ trưởng Sản là Phó phòng.
Ông Hải cười to:
- Tớ nhớ ra rồi. Dạo đó cậu lừa thế nào mà chạy được về quê ấy nhỉ?
Tâm cười:
- Em về huyện có quyết định đàng hoàng chứ em có lừa gì đâu. Không ngờ quả đất lại tròn, em lại gặp thủ trưởng ở đây.
- Thế cậu đi đâu mà vào đây?
- Em tìm mua thép.
Mắt ông Hải sáng lên:
- Đi mua thép?
- Vâng, thủ trưởng tưởng em nói đùa à. Thủ trưởng là chủ của đống thép này đấy à?
- Ừ. Đống tội đống vạ chứ thép thủng gì!
- Thế là thế nào ạ?
- Đống thép này là của thằng con cả của tớ. Nó lo đi làm ăn nên ủy nhiệm lại cho tớ bán. Chẳng hiểu sao gần một năm nay giá thép cứ nằm yên một chỗ nên ôm cả đống tiền nằm chờ thời. Ngày nào cũng ra đây ngồi uống nước chè hóng khách mà chẳng thấy ma nào hỏi. Cậu đi mua thép thật hay đùa?
- Em mua thật.
- Mua nhiều ít?
- Thủ trưởng có bao nhiêu em mua bấy nhiêu.
- Cậu cũng tính chuyện buôn thép à?
Tâm ngập ngừng giây lát rồi nói:
- Buôn bán gì đâu. Em mua để dùng cho công trình.
Ông Hải rót nước mời Tâm và Đăng:
- Tớ vẫn giữ tác phong của lính nên cái gì cũng muốn giải quyết nhanh. Hai cậu uống nước đi rồi ta bàn chuyện mua bán.
Tâm cầm chén nước lên uống rồi nói:
- Em cũng thế. Đã bàn chuyện gì là bàn ngay chứ không thích vòng vo. Thủ trưởng bán thế nào?
- Thằng con tớ dặn nếu ai mua mười trở lên thì bán, còn dưới mười cứ để lại đấy.
Tâm đưa mắt nhìn. Đăng hiểu ý liền nói:
- Chúng cháu chẳng buôn bán gì, chỉ mua về làm công trình nên bác đã nói giá thế thì trả bác chín rưỡi có được không ạ.
Ông Hải :
- Nó dặn thế nào tớ nói lại với các cậu thế ấy. Tớ làm khác đi nó lại kêu điếc tai lắm.
Đăng:
- Nếu buôn bán bác nói mười chúng cháu chỉ trả chín. Đàng này cháu mua để xây dựng nên bác nói mười, chúng cháu đồng ý trả mười cho vui vẻ cả đôi bên vậy.
- Thôi được rồi tôi đồng ý bán cho hai cậu. Tiền nong tính sao đây. Hai cậu trả một lần được không?
- Vừa rồi mới thỏa thuận về giá cả thôi. Còn lại chúng em xin đề nghị với thủ trưởng thế này. Thứ nhất thủ trưởng cho chúng em trả thành hai lần. Một nửa trả ngay. Nửa còn lại xin thanh toán sau khi chuyển hết hàng. Việc thứ hai là thủ trưởng cho chúng em xin thuê thủ trưởng vị trí để thép hiện nay vì chỗ em quá chật không đủ để chứa từng này thép. Nếu thủ trưởng đồng ý thì làm cho chúng em cái hợp đồng để dễ ăn nói sau này.
- Thế này các cậu nhé. Về bãi để vật liệu thì hai cậu cứ để thoải mái chẳng cần thuê mượn gì. Riêng việc trả tiền thành hai đợt để tớ về hỏi thằng con trai xem nó có đồng ý không đã. Nếu nó đồng ý tớ làm ngay hợp đồng cho hai cậu. Chiều hai cậu ghé qua đây để biết kết quả thế nào rồi bàn thêm.
Năm giờ chiều, Tâm và Đăng quay lại chỗ ông Hải.
Mời hai người uống nước xong, ông Hải chìa ra tờ hợp đồng cho Tâm và Đăng xem:
- Thằng con trai tớ đồng ý bán cho hai cậu với giá hai bên đã thỏa thuận và đồng ý cho hai cậu trả trước một nửa. Một nửa sẽ trả sau khi các cậu chuyển hết thép. Còn cái bãi này cho các cậu mượn cho đến khi nào các cậu xong công trình thì thôi.
- Em cám ơn thủ trưởng. Sáng mai em sẽ đem tiền đến chồng và nhận biên bản hợp đồng.
Nói xong Tâm và Đăng lên xe máy hý hửng ra về.