Khuôn viên khu đất của công ty khá rộng nên chưa thể xây tường bao quanh mà chỉ xây một bức tường dài gần một trăm mét ở phía trước mặt, còn lại vẫn rào bằng dây thép gai. Hai trụ cổng ra vào xây khá vững chắc. Rào chắn cổng chạy bằng những bánh xe lăn trên một đường ray kéo dài từ bên này sang bên kia. Bảo vệ ngồi trong một cái bốt mái lợp tôn chung quanh che chắn bằng gỗ. Bên phải cổng là biển hiệu mang tên: Công ty vật tư nông nghiệp Trường Sơn. Bên dưới là dòng chữ nhỏ hơn: Chuyên bán buôn, bán lẻ vật tư nông nghiệp đạm, lân, kali, thuốc trừ sâu, ngô, gạo… Tất cả đều được viết bằng màu sơn trang nhã. Dưới biển hiệu là một lô gô bằng một bông hoa sen đang xòe cánh. Không nói nhưng ai cũng hiểu ngầm công ty như cánh sen đang tỏa hương. Biển hiệu khá lớn quay ra mặt đường nên ai đi qua cũng dừng lại đứng xem rồi đi tiếp.
Bộ máy của công ty cũng bước đầu hình thành. Tâm làm Giám đốc. Nhàn - Phó Giám đốc phụ trách tài chính. Hồng làm Phó Giám đốc phụ trách các mặt trong nội bộ công ty. Hồng trước đây là Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Duyên Nam dưới thời ông Hải. Hồng có tài nhưng cũng có tật là quá thẳng tính nên thường xuyên mâu thuẫn với ông Hải. Cuối cùng Hồng không chịu nổi tính độc đoán của ông Hải nên kéo cả nhà ra khỏi hợp tác. Khi Tâm về làm chủ nhiệm tiếc một phó chủ nhiệm vừa có tâm vừa có tài nên thuyết phục Hồng trở lại với vị trí cũ nhưng Hồng không chịu và bỏ hẳn nông nghiệp chuyển qua đi buôn hàng đồng nát. Hằng ngày với cái xe đạp cà tàng, Hồng đi từ làng này qua xóm khác mua bất kỳ thứ gì người ta bán rồi đưa về phân loại đổ từng đống trong vườn gọi người đến bán. Thỉnh thoảng Tâm đến nhà chơi với Hồng, hai anh em nói chuyện với nhau rất tâm đắc. Đã biết trình độ của Hồng nên Tâm mời Hồng về công ty mình làm Phó Giám đốc phụ trách nội bộ. Tâm nói hết nước hết cái Hồng mới nhận lời. Tâm xin Thu, em gái mình đang làm Cửa hàng trưởng Cửa hàng mua bán hợp tác xã về làm kế toán cho công ty. Ngọc, cháu gọi Nhàn bằng dì được gửi đi bồi dưỡng ngắn ngày lớp văn thư lưu trữ. Đội trưởng bảo vệ giao cho Dân, anh trai của Nhàn. Đăng vừa lái xe cho Tâm vừa làm đội trưởng đội xe của công ty bây giờ đã lên đến hai mươi chiếc. Chủ trương của Tâm và Nhàn là tận dụng tối đa người trong gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho mọi người vừa dễ bề quản lý. Chuyên môn chưa có thì gửi đi đào tạo ngắn ngày rồi nâng dần lên. Tâm giao hẳn cho Đăng vừa tuyển lái xe vừa đào tạo nâng cao tay nghề cho họ. Trong số lái xe có Nhân là em trai của Nhàn. Nhân vốn là công nhân Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền đang thất nghiệp. Việc trả lương cho từng công việc Tâm đi tham khảo các nơi rồi vận dụng ở công ty mình. Việc mua bán bây giờ cũng không còn kiểu cò con nữa mà có hợp đồng qua lại đàng hoàng. Thông thường là Tâm và Đăng đi tìm nguồn hàng rồi trực tiếp ký hợp đồng. Ngày trước còn chế độ tập đoàn chẳng có danh nghĩa gì nên làm ăn theo kiểu xin, cho. Khi lên vị trí công ty, mọi giao dịch trở nên bình đẳng. Thuận mua vừa bán, chẳng ai ép ai. Đôi khi người ta thông báo có một chuyến tàu chở gạo từ trong Nam ra. Tàu chưa cập bến nhưng trong tay của Tâm đã có bản hợp đồng mua hàng chục tấn gạo. Tàu cập bến cho xe đến bốc lên theo đúng số lượng của mình thế là xong. Sáng hôm sau cầm tiền xuống thanh toán chẳng còn ai nợ ai. Công ty thường mua tận gốc, bán tận ngọn không qua trung gian nên lãi mình hưởng cả.
Công ty giống như một anh chàng mau ăn chóng lớn. Trước đây cứ nghĩ ba ngôi nhà của chủ cũ để lại vừa làm việc vừa làm kho chứa hàng là đủ. Nhưng giờ đây chúng chẳng khác gì những túp lều, vì vậy Tâm bàn với Nhàn phải bỏ tiền ra xây một ngôi nhà ba tầng. Tầng trên để cho gia đình ở. Còn tầng một, tầng hai là nơi làm việc của các bộ phận. Hai cái nhà cấp bốn cũng được nâng cấp thành hai cái kho chứa hàng.
Công ty mới thành lập chưa bao lâu nhưng hệ thống bán hàng đang dần dần vươn ra các tỉnh lân cận.
Một lần Tâm bảo Nhàn:
- Vùng Sơn Tây, Hà Bắc người nấu rượu và làm bánh đa cần nhiều gạo. Mình lại có nguồn gạo miền Nam cung cấp có khi liên hệ mở các đại lý bán gạo ở mấy tỉnh đó xem sao.
Nhàn bảo:
- Nếu làm được như thế còn gì bằng. Anh lên các tỉnh ấy liên hệ xem có đặt đại lý được không.
Mấy hôm sau Tâm và Đăng đánh xe đi Sơn Tây và Hà Bắc. Kết quả đặt ở hai tỉnh này năm đại lý bán gạo và ngô cho Trường Sơn.
Cứ mỗi tuần xuống cảng lấy gạo từ miền Nam chuyển ra đến vài ba chục tấn nhưng đôi khi đến ngày thứ tư gạo trong kho đã ngót. Hai mươi chiếc xe tải lăn bánh thường xuyên trên đường.
Một hôm đi kiểm tra mấy cái đại lý bán gạo ở Sơn Tây, trên đường về qua khu vực Cầu Giấy thấy một công trường đang xây những ngôi nhà cao tầng rộn rã xe cộ đi lại, Tâm bảo Đăng rẽ vào để tham quan.
Thấy thế Đăng trêu:
- Chú định chuyển ngành hay sao mà tham quan?
- Thì cứ vào xem cho biết. Với lại theo tớ nếu có điều kiện thì phải mở rộng kinh doanh đa dạng cậu ạ. Lỗ chỗ này thì lãi chỗ khác nó bù cho không phải thiệt hại nhiều. Mà nếu bên nào cũng lãi thì tốt. Buôn bán vật tư nông nghiệp đến một lúc nào đó sẽ sụt giảm và tiến đến bão hòa. Nhưng ngành xây dựng thì luôn luôn phát triển vì nhu cầu nhà cửa ngày càng tăng theo thu nhập của người dân và sự bùng nổ của dân số. Cứ ghé vào đây xem cho nó biết cách thức người ta làm ăn như thế nào.
Đăng cho xe dừng sát vào một bên đường rồi cùng Tâm đi bộ vào bên trong. Công trường đang ngổn ngang nhiều hạng mục khác nhau. Nơi này thì đang đào móng đóng cọc, nơi khác đã xây cao lên cả chục tầng. Xe chở cọc, xe chở bê tông tươi tấp nập ra vào như mắc cửi.
Tâm đi đến một nơi đang đóng cọc. Anh chăm chú nhìn vào chiếc búa hơi đang gõ từng nhịp khiến chiếc cọc cứ lún dần lún dần. Nếu mình xây dựng một nhà máy sản xuất những cái cọc như thế này để bán ra thị trường có được không nhỉ? Trong đầu Tâm thoáng hiện lên câu hỏi. Anh đến chỗ các công nhân đang chuyển cọc vào vị trí và hỏi một công nhân:
- Những cái cọc này được sản xuất từ đâu chuyển về đây hả anh?
- Nhà máy sản xuất cọc này ở trên thị xã Hòa Bình cơ bác ạ.
- Cám ơn chú.
Tâm quay sang Đăng:
- Ra xe đi lên thị xã Hòa Bình!
Đăng tròn xoe mắt ngạc nhiên:
- Sao lại đi Hòa Bình?
- Lên xem người ta sản xuất cọc như thế nào mà búa nện như thế không gãy.
- Đi đâu cũng được nhưng phải ăn trưa đã chú ạ.
- Xem xong rồi ăn. Tớ chưa xem được người ta làm cọc như thế nào, nuốt cơm không trôi.
- Chẳng có ai như chú!
Nói xong Đăng mở cửa xe cho Tâm lên.