Đúng với tên gọi của nó, đồi Tử Thần được ví như một con mắt thần vô cùng lợi hại, nguy hiểm với điểm chốt của chúng tôi và của Đại đội 3.
Với độ cao chừng ba mươi mét, vượt trội so với mặt bằng chung của toàn khu vực, từ đồi Tử Thần, địch dễ dàng quan sát cả một vùng rộng lớn trong đó có những chốt của ta. Những con đường, mọi hoạt động trên địa bàn của huyện Hải Lăng và bờ Bắc sông Thạch Hãn, tất cả đều nằm trong tầm khống chế, kiểm soát của chúng. Đồi Tử Thần là mối đe dọa thường trực với chốt của tôi và bên Đại đội 3. Trên đồi Tử Thần, bọn Mỹ và quân đội Sài Gòn xây dựng hệ thống hầm hào, boong ke bằng bê tông cốt thép vô cùng kiên cố, có sân cất hạ cánh cho máy bay trực thăng, hai trận địa pháo 175, súng đại liên cùng hai đại đội lính thủy đánh bộ đóng giữ. Phía sau đồi là điểm ẩn mình của xe tăng và xe thiết giáp. Cách sau đồi chừng một cây số là những căn cứ khác cũng rất mạnh của địch.
Với điều kiện và phương tiện chiến tranh hùng hậu, một lần viên tướng địch là Ngô Quang Trưởng tới đây thị sát từng huênh hoang tuyên bố rằng: “Căn cứ đồi Tử Thần là bất khả xâm phạm, nước sông Thạch Hãn có chảy ngược, lính Bắc Việt có mọc thêm ba đầu sáu tay nếu liều lĩnh tiến công lên cũng chỉ chuốc thất bại”.
Cái khoản võ mồm của tướng tá quân đội Sài Gòn cũng mạnh mẽ đáo để. Chính vì tin vào sức mạnh quân sự vượt trội của mình, bọn địch từ đồi Tử Thần ngày đêm pháo kích dữ dội và liên tục tổ chức các đợt nống ra, phối hợp đủ các loại phương tiện chiến tranh hiện đại cùng hàng trăm lính thủy đánh bộ ào ào tiến công nhằm hủy diệt bằng được chốt của chúng tôi. Mỗi đợt chúng tổ chức tiến công thường kéo dài một đến hai tiếng đồng hồ sau khi pháo bầy khai hỏa, máy bay đã giội bom. Trung bình mỗi ngày có từ ba tới sáu đợt chúng tiến công vào chốt. Sau mỗi trận đánh, đại đội tôi lại mất đi những người đồng đội thân thương, nhiều đồng chí vừa mới được bổ sung, tôi mới biết mặt chưa kịp hỏi tên đã hy sinh. Mỗi lần thấy anh Thành đứng lặng trước những ngôi mộ mới đắp, mắt rưng rưng nhẩm đếm những cái tên trong đại đội vừa nằm xuống, tim tôi lại nhói lên đau đớn.
Phải nhổ bằng được cái gai đồi Tử Thần. Phải tiêu diệt, xóa sổ căn cứ quân sự nguy hiểm này, đó là mệnh lệnh từ sư đoàn đưa xuống, được chính trị viên trung đoàn truyền tới đại đội.
Với những người lính chúng tôi, mệnh lệnh tiến công cứ điểm đồi Tử Thần như liều “Đô-pinh” kích thích tinh thần mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn đại đội bởi đơn vị tôi đã chờ đợi mệnh lệnh này từ lâu rồi. Chúng tôi luôn mong có cơ hội giáng đòn sấm sét xuống đầu thằng địch để trả thù cho những đồng đội của tôi đã ra đi tức tưởi và chúng tôi đã có cơ hội. Tôi được biết, Đại đội hỏa lực cối 82 của Bình và Kiên cũng sẽ qua sông phối hợp với bộ binh chúng tôi để xóa sổ đồi Tử Thần. Vậy là sáu đứa chúng tôi sẽ được gặp nhau tại mặt trận đúng như lời hẹn của Bình khi chúng tôi chia tay nơi thao trường huấn luyện, chia tay miền Bắc thân yêu với bao kỷ niệm cùng gia đình và bạn bè. Đó chắc chắn là cuộc hội ngộ không gì vui hơn mà tôi đang rất mong đợi.
Khi kế hoạch tiến công xóa sổ đồi Tử Thần đang trong giai đoạn âm thầm với từng bước chuẩn bị, điểm chốt của chúng tôi vẫn ngày ngày hứng chịu những trận pháo kích dữ dội điên cuồng của địch từ trên đồi cùng những đợt xung phong bằng xe tăng, thiết giáp và bọn lính thủy đánh bộ. Máu của đồng đội tôi vẫn tiếp tục đổ xuống, thấm vào mảnh đất nhỏ bé nhưng khốc liệt này. Hôm nay cũng vậy, mới đầu giờ chiều, những trận bom, pháo đã trút xuống, bộ binh địch lại tràn lên. Sau hai giờ chống trả quyết liệt, cơ số đạn của chúng tôi không còn đủ để đánh sòng phẳng với chúng. Lẫn trong tiếng nổ đinh tai, tôi nghe tiếng đại đội trưởng hét:
- Sắp hết đạn, bắn tiết kiệm lùi về tuyến phòng thủ phía sau đánh cù cưa…
- Hết đạn lúc này thì thật sự là thảm họa - Thằng Hòa càu nhàu.
Tiếng AK bắt đầu thưa dần, chúng tôi vừa đánh vừa rút về tuyến công sự thứ hai. Vài phút sau, bọn thủy quân lục chiến đã tràn ngập tuyến công sự đầu tiên, bỗng những quầng lửa B-40 bùng lên dữ dội dọc tuyến công sự thứ nhất. Tôi nghe tiếng hét thất thanh, tiếng rú hãi hùng của tụi thủy quân lục chiến rồi mạnh thằng nào thằng ấy quay đầu bỏ chạy.
Cuộc tiến công của địch kết thúc tôi mới biết, mấy cậu phụ trách B-40 đã phụt thẳng vào tụi bộ binh của địch đang tràn vào công sự như nước vỡ bờ khiến chúng hoảng loạn, bỏ chạy thục mạng chỉ mang được những tên bị thương, mấy cái xác cùng những mảnh thi thể không nguyên vẹn bị chúng bỏ lại.
Sau trận đánh, danh sách quân số của đại đội tôi lại phải gạch đi mấy cái tên. Hầu như không mấy ngày anh Thành không phải làm cái việc đau lòng ấy. Tôi để ý khi anh cầm cây bút, hàm răng anh nghiến chặt, mạch máu trên cổ phồng to, mắt đỏ ngầu ngấn lệ.
Với lính chiến trên chiến trường, việc đau đớn nhất mà chúng tôi không bao giờ muốn làm đó là, chôn thi hài đồng đội. Vây quanh những nấm mồ vừa đắp xong, tất cả chúng tôi bỏ mũ, cúi đầu im lặng mặc những giọt nước mắt đàn ông cứ lăn dài, rớt xuống thấm vào lòng đất nơi đồng đội đang nằm.
Công việc an táng đồng đội xong xuôi tôi mới nhận thấy, cổ họng đắng nghét, miệng khạc ra máu, hai lỗ mũi đen kịt khói đạn, quần áo rách tả tơi.
Tôi và Hòa lầm lũi về hầm mỗi thằng ngồi một góc, mệt mỏi rã rời. Thằng Hòa nhắm nghiền mắt, lưng tựa vào công sự như người mất hồn. Gác đầu lên ba lô, giấc ngủ đang chập chờn thì Tân mang cơm tới. Hôm nay nó không toe toét cười như mọi khi, ngồi xuống cạnh tôi giọng nó bùi ngùi:
- Trận đánh hôm nay khủng khiếp quá, cứ tiếp tục diễn ra những trận đánh thế này không biết lần sau… trong ba đứa mình… có còn…
Bỏ lửng câu nói, nó đưa tay quẹt nước mắt làm tôi cũng muốn khóc. Thằng Hòa vốn ít nói, rất cứng rắn cũng không kìm được, mắt đỏ hoe, nó ngồi dậy bước tới dang tay ôm hai đứa tôi, đầu gục xuống, đôi vai rung lên. Nó khóc, tôi khóc, thằng Tân khóc, cả ba chúng tôi cùng khóc…
Khóc một hồi, buông hai đứa chúng tôi, thằng Hòa trở lại với tính cách mạnh mẽ vốn có, nó nói với giọng hết sức bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra.
- Thôi ăn cơm đã, tao đói lắm rồi. Đời người ta có số, ai cũng một lần chết, chết vì Tổ quốc, vì nhân dân đâu có gì phải hối tiếc đúng không chúng mày? Vậy thì hãy vui lên, hãy chiến đấu hết mình, có chết cũng chết một cách hiên ngang xứng đáng…