Ba giờ sáng, vừa mới chợp mắt được chừng một tiếng đồng hồ bởi hai giờ cậu Thục mới ra đổi gác, đang mơ màng, thằng Hòa gọi giật giọng làm tôi tỉnh ngủ. Hai mắt còn cay xè khiến tôi bực quá nổi cáu:
- Thằng chó, để yên cho tao ngủ! Mới vừa chợp mắt được một tí…
- Dậy đi, tao có chuyện muốn nói với mày, quan trọng lắm.
- Thì nói đi, tao nghe được.
- Tao vừa ở hầm chỉ huy đại đội về, kể từ hôm nay bắt đầu đánh lớn, mình không phải lo giữ chốt như trước.
Vừa nghe thằng Hòa nói đánh lớn, tôi tỉnh ngủ hẳn, hỏi dồn nó:
- Đánh lớn là đánh thế nào, nói mau xem nào!
- Trên trung đoàn sẽ tăng cường qua một đại đội nữa, quyết nhổ bằng được cái gai trên đồi Tử Thần và hình như cấp trên quyết định điều mày qua bên Đại đội trinh sát thì phải, tao nghe phong thanh vậy.
- Qua bên trinh sát! Tao không đi đâu hết - Tôi cướp lời thằng Hòa - Tao ở đây quen rồi. Hơn nữa, làm sao có thể bỏ chúng mày mà đi trong lúc cam go này.
- Nếu ý các thủ trưởng đã vậy thì đó là mệnh lệnh, mày không thoái thác được đâu. Lát nữa đại trưởng sẽ phổ biến rõ cho mày.
Thằng Hòa nói đúng, nếu đã là lệnh thì sao tôi dám không tuân thủ. Thôi thì đi đâu cũng là chiến đấu. Có điều, đang ở cùng nhau trong một đại đội, đứa nào cũng như ruột thịt, chuyện vui buồn gì cũng chia sẻ với nhau. Khi chiến đấu, chúng tôi rất hiểu điểm mạnh điểm yếu của từng đứa nên phối hợp cực kỳ ăn ý. Chuyển qua môi trường mới lại phải làm lại từ đầu để thích nghi. Sẽ rất khó khăn nhưng không thể chống lệnh cấp trên. Tôi vùng dậy, bước nhanh ra khỏi hầm.
- Mày đi đâu? - Thằng Hòa túm tay tôi lôi lại hỏi như quát.
- Tao qua bên hầm chỉ huy đại đội nói anh Thành điều người khác. Tao có học trinh sát ngày nào đâu, lớ nga lớ ngớ, nhiệm vụ không hoàn thành có khi còn hại cả đồng đội. Tao nghe mấy tay trinh sát nói, để hoàn thành nhiệm vụ, lính trinh sát trước hết phải gan dạ, thông minh, biết đọc và vẽ chính xác bản đồ. Vào những địa điểm không thông thạo địa hình phải biết cắt rừng tìm con đường ngắn nhất. Lính trinh sát còn phải biết nhìn các chòm sao để định hướng đường đi trong đêm. Cái tai phải thính, cái mũi phải nhạy để nhận biết mùi mồ hôi của tụi Mỹ, mùi thuốc lá thơm… và phải giỏi võ. Nói chung… rất nhiều thứ tao chẳng biết cái quái gì, dốt đặc i tờ, vậy sao hoàn thành nhiệm vụ. Tao có thể xông thẳng vào đội hình của bọn “ba que” tay bo với chúng nhưng những thứ khác thì…
- Thì phải học chứ sao - Thằng Hòa ngắt lời tôi - Mày sẵn có tố chất thông minh, gan dạ, lì lợm cũng đã có. Về nghiệp vụ, qua bên ấy mấy cha trinh sát sẽ hướng dẫn chỉ bảo cho, vậy là ổn. Mày biết cái chảo lửa này ngày nào, đơn vị nào chẳng có người hy sinh, thuyên chuyển bổ sung lực lượng, cán bộ chiến sĩ là điều xảy ra hàng ngày có gì mà căng thẳng thế!
- Giọng lãnh đạo gớm nhỉ? Tiểu đội trưởng có khác!
Nghe tôi mỉa mai, thằng Hòa cười hiền bởi nó hiểu tính tôi, mỗi khi bực tức ai đó tôi hay bóng gió sâu cay nhưng xong thì thôi không bao giờ để bụng. Khi còn ngồi trên ghế trường đại học không ít lần thằng Hòa làm tôi nổi cáu. Khi ấy tôi lại tuôn ra một tràng mỉa mai khiêu khích, Hòa nghe cũng chỉ cười, nhiều khi còn chọc thêm cho tôi nói đã mới thôi. Giờ cũng vậy, nó chờ tôi ngừng “phát sóng” mới ôn tồn giảng giải:
- Các cụ nhà ta nói cấm có sai: “Đánh chết cái nết không chừa”… mày vẫn chứng nào tật ấy. Ếch chết tại miệng. Nói cho sướng miệng sướng mồm không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Mày phải học cách kiên trì, kiềm chế bản thân như khi chiến đấu ấy. Nôn nóng, không kiềm chế được cảm xúc là hỏng hết công việc. Nổ súng không đúng thời điểm thì chỉ có toi biết chưa!
Biết không thể nói lại thằng Hòa, tôi cố gỡ gạc.
- Mày lúc nào cũng như cụ non! - Thằng Hòa đấm thùm thụp vào bụng tôi mấy cái, nhe răng cười rồi bỗng nó đứng nghiêm, nói như ra lệnh:
- Tiểu đội phó Tiểu đội 3 Chu Văn Hùng nghe đây, hãy đọc mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhìn điệu bộ của thằng Hòa khiến tôi không nhịn được cười khiến nó cũng phì cười. Đúng lúc ấy, cậu liên lạc của đại đội bước vào, gọi giật giọng:
- Anh Hùng! Thủ trưởng nói anh mang quân tư trang lên ngay hầm chỉ huy đại đội…
Thằng Hòa cầm tay tôi, nói như động viên:
- Đi mau kẻo thủ trưởng chờ, mình không ở cùng nhưng tụi mình vẫn có thể gặp nhau hằng ngày mà, đúng không?
Tôi lúi húi chuẩn bị quân tư trang, thực ra cũng có gì đâu mà chuẩn bị. Một khẩu AK, chiếc ba lô, hai bộ quần áo, cuốn sổ, cái bút và quan trọng nhất là chiếc tăng để đề phòng nếu “có sao” thì lấy mà dùng. Bắt tay chào Hòa, tôi theo cậu liên lạc ra khỏi hầm, Hoa dặn với theo:
- Đi bảo trọng nhé!
Tôi tới hầm chỉ huy đại đội. Trong hầm, anh Thành đang ngồi nói chuyện với một người lạ, anh này chừng ba mươi tuổi dáng cao to, nước da bánh mật, tóc húi cua. Thấy tôi thập thò trước cửa hầm, anh Thành lên tiếng:
- Đến rồi hả Hùng! Vào đi em.
Tôi bước vào, người lạ quay qua nhìn tôi từ đầu đến chân với đôi mắt sắc như dao, cứ như là người từ hành tinh khác vừa đến khiến rất khó chịu.
- Em chào thủ trưởng! - Tôi đứng nghiêm giơ tay chào nhưng trong lòng không thoải mái.
Anh Thành nói với người lạ:
- Mong rằng những ngày tới Hùng sẽ phối hợp tốt với bên trinh sát, sẽ giúp ích cho chúng ta trong chiến dịch sắp tới - Anh Thành quay qua tôi - đây là anh Năm Thắng, Đại đội trưởng Đại đội trinh sát. Kể từ giờ này, em sẽ phối hợp thực hiện mọi nhiệm vụ anh Năm Thắng yêu cầu. Anh rất tin tưởng vào khả năng của em, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ nghe. Trước khi đi, em có đề xuất gì không?
- Thưa thủ trưởng, thủ trưởng có thể điều người khác thay em được không, em muốn ở lại đây…
- Không được - Anh Thành cắt ngang lời tôi - Đây là mệnh lệnh. Em sẽ về lại đại đội nhưng không phải bây giờ. Hãy phối hợp với bên trinh sát hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh tin ở em.
Anh Năm Thắng bước tới, đặt tay lên vai tôi vỗ nhẹ:
- Tớ đã nghe nhiều về cậu, khá lắm chàng trai. Ba giờ hơn rồi, ta đi thôi kẻo trời sáng.
Nói xong, Năm Thắng bắt tay anh Thành, quay lưng đi nhanh ra khỏi hầm, tôi vội vã chạy theo.
Ra khỏi hầm chỉ huy đại đội, ngước nhìn bầu trời, mây đen vần vũ, lác đác vài vì sao. Mảnh trăng khuyết cuối tuần như chiếc lưỡi liềm vàng vọt mờ ảo thi thoảng xuất hiện vài giây lại bị mây che khuất. Men theo hết đoạn công sự, chúng tôi hướng xuống phía nam. Càng xa khỏi chốt đường đi càng trở nên khó khăn. Con đường mòn rộng chỉ đủ một người đi, nhiều đoạn bị cỏ dại, cây bụi phủ kín. Tôi cố gắng căng mắt nhìn nhưng tất cả cứ mờ mờ ảo ảo khiến bước chân hụt hẫng bước cao bước thấp. Không thể thấy đường tôi chỉ còn cách nhắm theo cái bóng đen lù lù đang bước ào ào phía trước của “lão” Đại đội trưởng trinh sát. Đi được chừng hai mươi phút, chân tôi bắt đầu mỏi bởi luôn phải chạy gằn mới bắt kịp Năm Thắng. Càng đi, con đường càng có nhiều bụi cây thấp, tán cây xòe ra quất ngang mặt cứ phải đưa tay về phía trước để cản lá cây.
Năm Thắng vẫn lặng lẽ bước mải miết không nói dù chỉ một lời kể từ khi ra khỏi hầm chỉ huy Đại đội. Tôi có cảm giác như “lão ta” quên rằng còn có tôi đang đi theo phía sau. Dù đã thấm mệt, tôi vẫn cố bám theo cái bóng đen của lão. Có những lúc, cái bóng của “lão” mất hút khiến tôi phải chạy để khỏi mất dấu bởi con đường bất ngờ luồn lách qua những ngôi làng bỏ hoang đã từ lâu do bom đạn quá ác liệt khiến người dân không thể ở nên đã bỏ đi.
Quá bực bội “lão” Đại đội trưởng trinh sát, trong đầu tôi thầm rủa: “Quỷ tha ma bắt ông đi, làm chỉ huy mà vô tâm vô cảm, tôi vô phước nên mới phải làm lính của ông”.
Luồn lách một hồi chúng tôi vượt ra khỏi những ngôi làng bỏ hoang, qua tiếp mấy vạt đồi thấp lúp xúp cây bụi, một cánh đồng hoang với đủ loại cỏ dại, cây chó đẻ và mắc cỡ mọc dày đặc cao ngang mặt, hai chúng tôi ra tới một trảng cát trống. Lúc này “lão” Năm Thắng mới mở miệng:
- Vượt qua đoạn này rất nguy hiểm, đài quan sát của địch trên đồi Tử Thần phát hiện lập tức chúng ta sẽ được xơi món pháo một bảy lăm ngay. Hãy nhớ làm theo những gì tớ làm. Khi tớ chạy thì cậu chạy, tớ nằm thì phải nằm theo ngay biết chưa!
Đang bực “lão” nên tôi không nói gì chỉ gật đầu. Tiếng pháo địch vẫn bắn cầm canh. Năm Thắng cúi rạp người bắt đầu chạy, được chừng mười mét thì nằm sấp xuống cát. Mặc dù cúi gập người nhưng “lão” vẫn chạy rất nhanh. Tôi làm theo “lão”, cúi thật thấp và cố chạy. Khi bắt kịp, tôi nằm xuống ngay cạnh lão, Năm Thắng gằn giọng quát nhỏ:
- Lần tiếp sau phải nằm xa tớ chừng ba đến bốn mét. Nếu “ăn” pháo, có chết thì chết một thằng thôi biết chưa!
Mất bốn lần chạy, nằm, nằm chạy, hai chúng tôi cũng qua được trảng cát trống an toàn. Mở ra trước mắt tôi là một rừng những bụi tre gai mọc dày đặc. Hai chúng tôi luồn lách qua những bụi tre gai khổng lồ, đi thêm chừng mười lăm phút, chúng tôi tới con sông khá rộng, bên kia sông là vùng đầm ngập nước với cơ man bèo cùng cỏ cây lúp xúp mọc lút đầu người. Từ đây về chốt của tôi khoảng mười cây số, là khu vực nằm giữa ta và địch. Cảnh ở bờ sông nhộn nhịp hơn hẳn. Chiến sĩ ta ở các mật cứ gần đó xuống tắm, du kích và bộ đội, người từ chốt của tôi, chốt bên Đại đội 3 về, nhóm khác thì ngược lên chốt. Họ cứ men theo mép sông mà đi. Tiếng chào hỏi, tiếng chọc ghẹo cười khúc khích. Những tiếng cười nghe vô tư đến lạ lùng. Họ cứ đi bình thản giữa vùng ta và địch không một chút lo lắng, bất giác tôi chợt nhận ra - dù bom đạn của thằng địch có khốc liệt đến đâu, sự hy sinh mất mát có lớn đến nhường nào thì tinh thần của cả một dân tộc yêu chuộng hòa bình như Việt Nam vẫn vững như thành đồng không kẻ thù nào có thể lay chuyển được.
Quan sát dọc bờ sông tôi thấy có rất nhiều hầm, hào của cả du kích và bộ đội. Đa phần hầm được đào ở những chỗ vách đất dựng đứng sát với mép sông nên khá an toàn. Ngách hầm được đào nhỏ, chạy một đoạn rồi rẽ phải hoặc rẽ trái mới tới hầm. Các hầm được công binh thiết kế kiên cố để tránh pháo. Nóc hầm được kè đá rồi đổ một lớp đất dày, có hai ngách, một lên, một xuống. Hầm được kết nối với giao thông hào ra các vị trí chiến đấu. Mỗi đoạn giao thông hào lại có thêm một hầm ếch. Rất nhiều đạn B-40, lựu đạn rải dọc giao thông hào để tiện cho chiến đấu.
Trời đã tảng sáng, pháo địch vẫn bắn cầm canh, hai chúng tôi đến trước ngách một căn hầm ếch, Năm Thắng lên tiếng hỏi:
- Trường, cậu có trong hầm không?
Từ trong hầm, người có tên Trường chạy ra, nét mặt tươi cười, giọng hồ hởi:
- Hi hi em đây, thủ trưởng về rồi ạ?
Thoạt nhìn cậu ta tôi đoán, Trường chắc cũng tầm tuổi tôi. Nghe giọng Hà Nội của Trường trong lòng tôi rất mừng. Vậy là tôi đã có đồng hương, sẽ rất thuận lợi trong công tác.
Không trả lời câu chào của Trường, Năm Thắng giao nhiệm vụ luôn. Lão chỉ vào tôi, nói với Trường:
- Cậu này tên Hùng, đưa cậu ấy vào hầm nghỉ ngơi rồi hướng dẫn nội quy, những điều lính trinh sát cần phải biết nhé.
- Rõ, thưa thủ trưởng.
Không nói thêm lời nào, “lão” Năm Thắng quay lưng đi nhanh ra phía bờ sông.
Tôi theo Trường vào hầm. Căn hầm khá rộng và gọn gàng. Có mấy tấm ván kê ở sát góc làm chỗ ngủ. Trường chỉ mấy tấm ván giới thiệu:
- Đây là hầm của mấy o du kích cho mượn, mấy tấm ván này là chỗ ngủ của mấy o chứ lính nhà ta thì… bạ đâu “khò” đó. Hầm của tụi mình, bữa nay thương binh về nhiều quá nằm kín hết, đang chờ qua sông nên phải nhờ hầm của du kích. Cậu bỏ ba lô xuống, ngả lưng một chút cho lại sức, đi đường chắc mệt lắm đúng không?
- Còn hơn cả quần nhau với tụi binh lực Sài Gòn! Lính cắm chốt như tớ, tối ngày nằm lì chỉ ăn và đánh có đi đâu bao giờ. Lâu lắm rồi mới phải cuốc bộ, lại luồn lách đêm hôm với đoạn đường vừa khốn khổ vừa xa đến thế, mà cái “lão” Năm Thắng cứ đi như bị ma đuổi, tớ cứ phải chạy gằn muốn đứt cả hơi.
Nghe tôi than, Trường bật cười khanh khách rồi nói:
- Lính bộ binh đi với Năm Thắng thì bở hơi tai cũng đúng thôi. Ngày đầu được điều về Đại đội trinh sát, đi với ông ấy tớ cũng khiếp, giờ thì quen rồi.
- Này Trường… tớ hỏi thật, “lão” Năm Thắng chắc nghiêm khắc lắm đúng không? Người gì đâu mà cái mặt khi nào cũng lạnh như đít bom. Nói thì tiết kiệm lời, ớn ghê! Ở gần “lão” này lâu chắc thần kinh quá!
Nghe tôi than Trường phá lên cười, tôi không hiểu Trường cười chuyện gì hay do tôi nói quá đúng về “lão” Năm Thắng. Thoáng tự hào về những nhận xét về con người của mình, tôi hào hứng “nổ” tiếp - Tớ đã nhìn ai thì cấm có sai - Trường lại phá lên cười to hơn khiến tôi hơi nhột. Cười ngặt nghẽo một hồi, cậu ta phán một thôi khiến tôi ngượng chín người vì cái bệnh “nổ như lựu đạn” của mình.
- Cậu nói sai bét cả! Vẻ bề ngoài của con người không nói lên điều gì. Cũng chẳng trách được cậu, ai gặp Năm Thắng lần đầu cũng nghĩ vậy. Nhìn vậy chứ không phải vậy, ông ấy hiền khô và rất thương lính, thuộc típ người nói ít làm nhiều, luôn gương mẫu trong mọi công việc. Chỗ nào nguy hiểm, khó khăn là ông ấy lao vào không chút do dự tính toán, không để lính đi, nhất là lính mới chưa có kinh nghiệm như cậu. Ổng sẽ chưa cho cậu đi tuyến (thâm nhập, luồn sâu vào các căn cứ của địch) ngay, phải để lính cũ kèm cặp hoặc đích thân ổng hướng dẫn tỉ mỉ vài bữa, khi nắm vững những kỹ năng cơ bản của trinh sát, lúc ấy ông mới tung vào trận.
Trường say sưa nói về đại đội trưởng của mình cứ như nó đang đọc tiểu thuyết nói về một nhân vật trinh sát huyền thoại nào đó cho tôi nghe. Nó kể rằng, Năm Thắng vốn là dân gốc trong thành Quảng Trị, gia đình là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng và biệt động thành. Mười sáu tuổi, Năm Thắng đã trốn lên rừng theo quân Giải phóng. Những ngày đầu được mấy chú lãnh đạo huyện cho làm liên lạc.
Khi còn là cậu bé sáu, bảy tuổi đang còn cắp sách đến trường, Năm Thắng vốn rất hiếu động. Những buổi nghỉ học, cậu thường tụ tập cùng bạn bè lang thang khắp Thành cổ. Có lần Năm Thắng rủ tụi bạn vào một bốt gác của địch chơi, vì toàn trẻ con nên mấy thằng lính ngụy cũng vô tư không để ý, vậy là Năm Thắng “thó” luôn hai trái lựu đạn mỏ vịt đem về giấu trong nhà. Khi bị mẹ phát hiện, bà hỏi lấy ở đâu, Năm Thắng gãi đầu kể hết mọi chuyện. Nghe xong mẹ nói rằng, con còn quá nhỏ để chơi thứ ấy, sao liều lĩnh vậy, mẹ cấm, nếu tái phạm mẹ sẽ đánh đòn. Năm Thắng phân trần với mẹ rằng, con lấy để đem cho mấy chú du kích chứ con không có nghịch. Khi ấy mẹ Năm Thắng rất nghiêm khắc, bà nói, dù với bất cứ động cơ nào cũng không được phép.
Chính tính cách hiếu động, cứ rảnh là đi lang thang, nhiều khi mẹ Năm Thắng nhờ con mang cái này cái khác tới những địa chỉ trong thị xã nên mọi ngõ ngách trong thị xã Năm Thắng thuộc như lòng bàn tay. Với bản tính thông minh, ít nói nhưng rất lì. Không hiểu lắm về công việc của ba mẹ nhưng Năm Thắng lờ mờ nhận thấy ba mẹ hướng theo cách mạng. Học hết trung học đệ nhất cấp (lớp chín ngày nay) Năm Thắng quyết định thôi học, “nhảy núi”.
Nhận ra tố chất đặc biệt của Năm Thắng, một lần đồng chí Bí thư Huyện ủy giao Năm Thắng đưa một cán bộ từ cứ vào nội thị. Chuyến đi trót lọt, Năm Thắng còn nhờ bạn bè mua được mấy chục lọ thuốc kháng sinh mang ra cứ (khi ấy, thuốc kháng sinh ngoài cứ rất thiếu). Từ đó, Năm Thắng nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của các đồng chí lãnh đạo, được phân làm giao liên bí mật trong Thành cổ.
Công việc được giao khi ấy rất khó khăn nguy hiểm, từ tiếp tế vũ khí, đưa đón người từ nội thành ra vùng giải phóng, đưa cán bộ, biệt động vào Thành đánh các đồn bốt... Hàng trăm lần đưa đón cán bộ, vận chuyển vũ khí ra, vào Thành cổ tuyệt đối an toàn, Năm Thắng được các đồng chí lãnh đạo hết sức ngợi khen. Song, cái tên Năm Thắng bắt đầu bị cảnh sát ngụy phát hiện, chúng coi anh là mối nguy hiểm thật sự, phải bắt bằng được và chúng đã bắt hụt mấy lần. Để Năm Thắng tiếp tục công tác trong nội thành sẽ không an toàn, các đồng chí lãnh đạo đã quyết định rút anh về cứ.
Đầu năm 1963, Năm Thắng về cứ và chuyển qua bộ đội chủ lực của tỉnh, trực tiếp chiến đấu cho tới Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 thì bị thương nặng. Mất năm tháng nằm điều trị vết thương mới lành nhưng sức khỏe rất yếu, anh được giao làm quản lý hậu cần. “Ngồi coi kho, giữ gạo, muối, súng đạn chán bỏ mẹ” - anh nói vậy. Với tính cách luôn muốn vận động, muốn trực tiếp chiến đấu, không muốn ngồi coi kho, những ngày ở đơn vị hậu cần, anh tự rèn luyện thể lực hàng ngày. Khi sức khỏe ổn định, ngay lập tức xin ra mặt trận. Tháng 2 năm sau, anh rời đơn vị hậu cần, trở thành bộ đội chính quy. Biết được khả năng đặc biệt của Năm Thắng, đồng chí Chính ủy trung đoàn bổ sung anh về Đại đội trinh sát, anh trở thành một tay trinh sát lão luyện từ đó tới nay.
Đang nghe Trường kể chuyện về Năm Thắng thì có tiếng gọi:
- Ăn sáng Trường ơi!
Ngừng câu chuyện, Trường nói với tôi:
- Cậu vừa gọi tụi mình tên Đoan, Võ Thế Đoan, dân Nghệ An quê Bác đấy. Chắc cậu cũng đói rồi, khi rảnh tớ kể tiếp cho nghe, giờ tụi mình đi ăn đã.
Hai chúng tôi ra khỏi hầm, men theo công sự tới một nhà âm. Thoạt nhìn, tôi thấy xoong nồi, bát đũa xếp túa lua trên mấy cái vỏ thùng đạn, bên cạnh là cái bếp Hoàng Cầm. Thì ra mấy cậu trinh sát tự nấu ăn ngay trong nhà âm.
Nồi cơm trắng muốt bốc hơi nghi ngút, một xoong canh rau khoai lang nấu với mắm ruốc thơm lựng.
Lâu lắm rồi tôi mới được ăn bữa cơm đàng hoàng đến vậy. Đã bao ngày chỉ ăn cơm nắm muối rang, bữa nào xôm lắm thì có thêm chút ruốc mặn hoặc cá biển khô cũng mặn chát, còn không, chỉ lương khô với nước lã. Không thể cưỡng lại, tôi tương một lèo hết năm bát. Nhìn tôi ăn, Đoan và Trường cứ tủm tỉm cười. Mặc kệ chúng nó, chẳng có gì phải ngượng, toàn lính với nhau cả. Kham khổ đã nhiều, có được bữa ngon là đánh cho kềnh rốn cái đã, mắc gì phải ý với tứ. Tôi nghĩ vậy và cứ vô tư ăn.
Và miếng cơm cuối cùng của bát thứ năm, tôi buông đũa thanh minh:
- Các cậu biết không, mấy tháng rồi mới được ngồi ăn đàng hoàng với đũa chén thế này, lại có canh rau nữa, thú thật là quá ngon. Các cậu ở đây sướng thật. Trên chốt chỉ toàn đồ khô. Ăn đồ khô dài ngày ruột gan nóng phừng phừng, lộn lạo hết cả. Xin lỗi các cậu đừng cười chứ… mỗi lần đi ị… ngồi lâu và đau như rặn đẻ, lũ muỗi chết tiệt thì chích nhoi nhói nên cứ nhấp nha nhấp nhổm! Thật khốn khổ, đến cái chuyện giải quyết “nỗi buồn” cũng không yên!
- Ha ha, cái cậu này nói dóc mới kinh chứ - Thằng Đoan chặn ngang lời tôi - Cậu rặn đẻ hồi nào mà nói đau như rặn đẻ! Phét dễ sợ!
- Thì tớ nghe các mẹ, các cô thường nói, đau như đau đẻ nên nói theo thôi. Mà đúng thật đấy, cậu không tin cũng chẳng sao, nhiều khi đi ị tớ phải rặn đỏ mặt tía tai, chảy cả máu… mới giải quyết xong “nỗi buồn” ấy chứ. Cậu biết không, canh rau lang vừa ngon lại vừa nhuận tràng nên tớ mới ăn nhiều chứ bộ.
Thằng Đoan lúc này tỏ ra thông cảm và hiểu biết, nó nói như an ủi tôi:
- Ừ, đúng là chốt cực thật! Tớ nghe lỏm các thủ trưởng nói với nhau: Chốt của các cậu và bên Đại đội 3 như cái gai đâm vào mắt thằng địch khiến chúng tức tối, tìm mọi cách nhổ bằng được nên bom đạn dồn vào đó nhiều vô kể, vậy mà tới giờ vẫn không thể nhổ được. Càng cay cú chúng càng điên cuồng trút bom đạn xuống, chúng muốn khủng bố tinh thần bộ đội, chặn mọi phương tiện tiếp tế hòng bóp chết chúng ta bởi vậy, khó khăn kham khổ là hiển nhiên. Tối qua ngoài bến vượt thấy rất đông bộ đội qua sông, có lẽ là tăng cường cho các chốt. Phen này tụi nó trên đồi Tử Thần chỉ có nước chết không kịp ngáp.
Nghe cậu Đoan nói tới đó, Trường trừng mắt quát:
- Mày thì biết cái gì, cứ huyên thuyên coi chừng cái miệng, lộ hết bí mật thì... - Bỏ lửng câu nói, Trường giục tôi - Mình về hầm thôi, tớ còn hướng dẫn cho cậu những kỹ năng của lính trinh sát.
Bị phê bình, Đoan tiu nghỉu đi dọn rửa xoong nồi.
Tôi và Trường trở về hầm, ngay lập tức nó hướng dẫn tôi những điều cơ bản, những thứ trinh sát cần làm và mang theo.
Sau một hồi nghe Trường hướng dẫn, tôi bắt đầu hiểu nguyên tắc của lính trinh sát. Trước hết phải gọn nhẹ. Ba lô tự chế bằng túi ni lông dày, hai góc bỏ hai viên sỏi nhỏ, lấy dây dù thít lại. Viên sỏi sẽ không làm tụt dây cột. Hai đầu dây buộc túm lên miệng túi làm quay. Vậy là thành chiếc ba lô, vừa không ướt lại nhỏ gọn. Đồ dùng quan trọng là tấm bản đồ, chiếc bút chì, giấy, ống nhòm. Khẩu AK báng xếp khi nào cũng phải đầy đạn, thêm một băng rời. Hai trái lựu đạn mỏ vịt nhỏ như quả trứng gà, một dao găm… Nhưng súng và lựu đạn chỉ được phép sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng, thật sự bắt buộc mới phải dùng. Với lính trinh sát, không bị lộ mới là thượng sách, mới thắng lợi. Lương thực thì chỉ ít đồ khô, một bi đông nước. Đi không được để lại dấu vết, nói không tiếng. Đặc biệt, khi đi đại tiện, nhất thiết phải lấp thật kỹ, không được để đối phương phát hiện ra mùi! Đó là những điều cơ bản nhất mà lính trinh sát phải ghi nhớ…
Tối ấy, tôi lại được ăn một bữa cơm thật ngon nữa, ngoài canh rau lang nấu với mắm ruốc còn có một đĩa dế xào, một ít ruốc.
Không những được ăn no, nghỉ ngơi thoải mái còn được ra sông tắm rửa sạch sẽ thơm tho, tôi cảm thấy sức khỏe của mình tốt lên hẳn.
Tối đầu tiên ở cùng lính trinh sát, không như trên chốt, bom pháo của thằng địch tối ngày bắn như giã giò, tiếng nổ chẳng mấy khi ngớt nhưng được cái, đang tuổi ăn tuổi ngủ, mặc tiếng pháo ùng oàng, thằng địch bắn cứ bắn, lính ngủ cứ ngủ, trừ khi xui xẻo đạn pháo lọt trúng hầm thì… coi như “ngủ luôn” không bao giờ tỉnh lại. Ở mật cứ khá yên tĩnh, thi thoảng chỉ nghe pháo địch bắn cầm canh, cũng không thấy chúng bắn pháo sáng. Bảy giờ tối, nghe tiếng cười khúc khích của mấy o du kích từ trên chốt về, Trường rủ tôi:
- Qua hầm của mấy o du kích chơi không Hùng?
Từ khi rời miền Bắc vào chiến trường, lên chốt, đã mấy tháng chỉ toàn đực rựa với nhau, ra thấy bom pháo vào gặp súng đạn rồi quẩn quanh một vòng tròn, đánh, ăn, ngủ, đánh, chưa một lần thấy mặt con gái, hơn nữa tôi cũng muốn xem mặt con gái Quảng Trị ra sao, có khác với con gái miền Bắc không. Tôi từng nghe cánh lính già kể, con gái đất Quảng rất giỏi giang, mạnh mẽ, gan dạ và thẳng thắn. Tò mò nên tôi hào hứng trả lời Trường:
- Tớ ngủ mấy tiếng rồi giờ cũng tỉnh táo, đi thì đi.
Hai đứa qua hầm nữ du kích. Trong hầm chỉ có hai người. Chiếc đèn Hoa Kỳ vặn nhỏ nhưng vẫn được chụp thêm một cái chụp bằng giấy tối màu để giảm bớt ánh sáng. Thấy chúng tôi, một o lên tiếng chọc bạn mình:
Tuyết… anh Trường qua thăm mi kìa.
- Đồ quỷ! Đừng có muốn ăn gắp bỏ cho người - O có tên Tuyết cự lại - Biết anh ấy thăm tau hay thăm mi hi hi… anh Trường hỉ?
- Nghe o Tuyết hỏi, Trường lên tiếng:
- Đúng đấy, tôi qua thăm cả hai o và còn đưa thêm một chàng trai Hà Nội chính gốc qua làm mai cho hai o đây. O nào ưng tôi sẽ tình nguyện làm ông tơ. Đổi lại… mỗi bữa ăn, hai o chỉ trả hầm trinh sát một tô canh rau lang nấu với mắm ruốc là được bởi đồng đội mới của tôi, cậu Hùng đây rất thích món đó. - Nói rồi Trường cầm tay tôi kéo vào giữa hầm - Giới thiệu với hai o, đây là anh Hùng, có đúng là đẹp trai cao to lồng lộng không?
Hai o du kích nhìn tôi chằm chằm, cười khúc khích khiến tôi ngượng chín người. Vẫn giọng o Tuyết:
- Ừa, đẹp rứa. Đúng là trai Hà Nội. Anh Trường làm mai anh Hùng cho Dung mới xứng đôi, tui vừa xấu vừa lùn không được nghe.
- Đồ quỷ sứ, chớ nói tùm lum, anh Hùng quê rồi kìa - Nghe o Dung trách bạn mình, tôi chợt nhận ra giọng nói quen quen. Bữa ở bến vượt sông Thạch Hãn, khi vào chốt tôi có nghe các o gọi tên Dung. O Dung đi ngay cạnh tôi nhưng trời tối quá nên không thấy mặt. Có phải Dung bữa đó với Dung này là một…
Sự hồn nhiên nhí nhảnh của hai o du kích, bất giác trong tôi trào dâng sự thương cảm. Là phận con gái, ở cái tuổi mười tám đôi mươi lẽ ra giờ này các o đang ở bên gia đình, người thân, nhận sự yêu thương chăm sóc, làm những việc mà bất cứ người con gái nào cũng muốn làm đó là - trang điểm thật đẹp, gặp gỡ bạn bè, người yêu, nếu không cũng làm một việc gì đó phù hợp với phụ nữ. Vậy nhưng, thân gái mong manh chân yếu tay mềm phải xông pha nơi hòn tên mũi đạn, tối ngày lăn lộn với chiến trường khốc liệt, tiếp đạn, chăm sóc, đưa thương binh về tuyến sau, đưa nhu yếu phẩm cùng bộ đội lên chốt… họ làm tất cả những công việc mà đáng ra chỉ dành cho cánh mày râu. Những ước mơ bình dị như được khoác vai người yêu đi dạo đâu đó mỗi buổi chiều, được nghe những lời yêu thương, được làm vợ, làm mẹ. Những điều bình dị ấy, không phải họ không nghĩ tới. Song, tất cả những việc tưởng chừng dễ như bóc một viên kẹo bỏ vào miệng, với họ cũng không thể làm một cách tự nhiên thoải mái nhất như tạo hóa vốn thế. Họ gác lại tất cả, tự nguyện quăng mình vào lửa đạn, làm tất cả những gì với khả năng sức lực của mình chỉ mong sớm đuổi được bọn đế quốc xâm lược, đánh nhào cái chính quyền bù nhìn tay sai như lời thư chúc Tết của Bác Hồ: “… Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…”. Họ vô tư dấn thân vào cuộc chiến, cống hiến hết mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, mặc nhan sắc tàn phai. Họ trao tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, không hề đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng mình dù có hy sinh cả tính mạng.
Gần mười giờ đêm, tôi và Trường chào tạm biệt hai o du kích về hầm của mình. Nằm nghe tiếng pháo bắn cầm canh, khuôn mặt nám sạm toát lên vẻ già dặn cương nghị tự tin của hai o du kích lại hiện lên in đậm trong trí nhớ của tôi. Tôi bỗng liên tưởng tới những gương mặt ưu tú của phụ nữ Việt Nam, mang trong mình dòng máu Tiên Rồng như bà Trưng, bà Triệu với khí phách kiên trung bất khuất. Cứ nghĩ tới sự hồn nhiên đến lạ lùng của hai o du kích, tôi bỗng thấy mình quá bé nhỏ giữa cuộc chiến khốc liệt này.