Đã tám ngày chốt của chúng tôi không được tiếp tế nhu yếu phẩm, cái đói khủng khiếp bao trùm toàn đại đội. Ban chỉ huy đã làm đủ mọi cách vẫn không kiếm đâu ra lương thực.
Với những đơn vị đóng quân gần khu dân cư có thể kiếm tìm sự giúp đỡ của nhân dân, nhưng với chốt của chúng tôi vốn là vùng trắng bởi người dân đã chạy hết khỏi vùng chiến sự nên toàn bộ nguồn tiếp tế lương thực phải chuyển từ bờ Bắc qua trong khi máy bay trinh sát vẫn ngày đêm quần đảo trên bầu trời, pháo của địch vẫn giội bão đạn vào chốt mỗi ngày, pháo sáng hàng đêm vẫn lơ lửng sáng trắng một vùng đồng nước mênh mông, mọi chuyển động dù là nhỏ nhất cũng bị phát hiện lập tức máy bay ào tới và bom sẽ lại nổ, nếu không là máy bay thì pháo của thằng địch cũng nhất định chẳng buông tha.
Chung quanh chốt của chúng tôi, ba bề là căn cứ của địch, một bên là con sông Thạch Hãn cuồn cuộn với dòng lũ hung dữ. Những cặp mắt cú vọ từ các căn cứ của địch luôn rình rập mọi chuyển động trên chốt, chúng chỉ chờ có cơ hội là giương vuốt nhe nanh nhào vô cắn xé nên tình hình mỗi ngày một xấu, sức lực của bộ đội cạn dần. Một số thương binh nặng đã không qua khỏi vì thiếu thuốc và đói.
Ban chỉ huy đại đội nhiều lần họp bàn, lường trước mọi tình huống có thể xảy ra và không loại trừ khả năng địch liều lĩnh dùng xe lội nước tiến công vào chốt, khi ấy, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Những cuộc họp của các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn cùng đại đội luôn diễn ra nhằm triển khai mọi phương án đối phó tình hình, trinh sát đêm đêm phải luồn sâu, đột nhập vào căn cứ giặc, theo dõi mọi biến động của chúng. Quán triệt tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Chính trị viên đại đội, anh An xuống từng hầm trò chuyện nhằm giúp các chiến sĩ bớt căng thẳng, quên cơn đói, giữ vững tinh thần. Mặc dù vậy, vẫn có một số chiến sĩ vì quá đói, không chịu được, bí mật rời chốt tìm cách vượt sông kiếm thức ăn, nhưng do nước lũ quá lớn, chảy xiết không đi được đành phải quay lại.
Cầm đầu trong số những chiến sĩ trốn khỏi chốt đi kiếm thức ăn là thằng Thụy quê Thái Bình và ba người nữa. Khi không thể vượt sông phải quay lại chốt, biết mấy đứa đi kiếm thức ăn không được phải quay trở lại, anh An liền xuống, không những không đưa ra kỷ luật hay nặng lời với mấy đứa, chỉ động viên.
Thấy mấy đứa nằm dài trong hầm, đầu gối ba lô, tay vắt lên trán, vẻ mặt chán chường. Ngồi xuống cạnh thằng Thụy, giọng anh An nhỏ nhẹ:
- Thụy này, anh biết em rất dũng cảm, gan dạ, chỉ vì cái đói em mới làm vậy, nhưng em có biết, đưa đồng đội mình đi như vậy là rất nguy hiểm, là vô kỷ luật em hiểu không? Anh tin trên tiểu đoàn sẽ sớm có cách đưa nhu yếu phẩm qua cho chúng ta. Cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này nghe. Anh tin, em là người sống tình nghĩa thủy chung sẽ không bỏ mặc đồng đội trong lúc khốn khó để chạy trốn, đây chắc chỉ là bốc đồng nhất thời của em đúng không? Mình chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, nếu hèn nhát, phản bội đất nước, đồng đội và nhân dân, có sống cũng đâu thanh thản gì đúng không? Cố gắng nghe. Anh tin tưởng cấp trên sẽ không để chúng ta chết đói…
Nằm im nghe anh An giảng giải một hồi, thằng Thụy đưa tay quẹt nước mắt đang lăn dài xuống má, giọng lý nhí:
- Xin lỗi thủ trưởng, là em đã sai, mong thủ trưởng bỏ qua cho em - Nói rồi, nó ngồi dậy cầm tay anh An - Thủ trưởng đừng ghi vào lý lịch của em vụ này được không? Em hứa sẽ không bao giờ tái phạm…
- Ừ, anh hứa, sẽ coi như chuyện này chưa từng xảy ra được chưa…
Không khí trên chốt những ngày ấy nặng nề vô cùng, không còn những cuộc tụ tập trò chuyện, thiếu hẳn những tiếng cười, không gian im ắng. Pháo của địch cũng không bắn như mọi ngày. Khi màn đêm buông xuống, tôi nghe rõ tiếng muỗi vo ve trong hầm, tiếng ếch nhái uôm uôm, đâu đó bên cạnh hầm của tôi, những chú dế cất tiếng ri ri buồn thảm.
Nằm nhắm nghiền mắt cố ru giấc ngủ để quên cơn đói đang hành hạ, tôi vừa thiu thiu chợt nghe tiếng gọi nhỏ:
- Hùng… mày còn thức không? Dậy dậy - Tiếng thằng Hòa, tiểu đội trưởng, nó vừa gọi vừa lay người tôi - Tao vừa từ hầm chỉ huy đại đội về. Có gạo rồi.
Mới nghe tới tiếng gạo, tôi bật dậy như chiếc lò xo, tỉnh như sáo hỏi nó:
- Thật không? Gạo về hồi nào, nấu cơm chưa? - Thấy tôi quá sốt sắng, thằng Hòa bật cười hinh hích.
- Làm gì mà mắt mày sáng như đèn ô tô thế? - Nó chiếu đèn pin vào mặt tôi cười cười rồi nói tiếp - Cơm thì chưa có nhưng gạo thì đã qua sông, anh Thành đang huy động mấy thằng còn khỏe ra đón, phụ đẩy xuồng gạo về.
Tôi và Hòa ra khỏi hầm đã nghe tiếng bước chân bì bõm trong công sự. Dưới ánh trăng khuyết đầu tháng mờ ảo, tôi nhận ra anh Thành đi trước, sau anh là mấy cái bóng lầm lũi bước theo, Hòa và tôi bám sát phía sau.
Đoạn đường từ điểm chốt ra bờ sông Thạch Hãn khoảng một cây số. Chúng tôi đi được chừng sáu trăm mét thì gặp mấy xuồng gạo và nhu yếu phẩm đầy nhóc, lính hậu cần đang gò lưng đẩy. Có thêm tụi tôi phụ, mấy chiếc xuồng rẽ nước chạy ào ào. Chừng một giờ đồng hồ, gạo đã về tới chốt.
Trong căn hầm đặt bếp Hoàng Cầm lố nhố cánh lính rì rầm cười cười nói nói rồi hè nhau phụ chuyển gạo lên. Mấy cậu lính trẻ tếu táo: “Được sờ vào gạo đã thấy khỏe hẳn”. “Bữa nay ăn bù cho cả tuần nhịn đói, phải nấu nhiều cơm nghe anh Tân”. Cứ mỗi người một câu, không khí trong bếp anh nuôi náo nhiệt như đang có tiệc. Cánh anh nuôi thì tất bật, hối hả chuẩn bị xoong nồi và bắt đầu nổi lửa… Cơm canh chưa kịp chín, đại diện các tiểu đội đã đợi sẵn nhận phần không đợi cánh anh nuôi phân phát. Tiếng đũa bát lách cách hòa cùng tiếng cười, những ánh mắt rạng rỡ đến nghẹn ngào. Cơn bão khủng khiếp, cái đói cùng cực hành hạ cả đại đội suốt tám ngày trời đã ở lại phía sau.