Địa bàn nơi đại đội tôi chốt giữ nằm ở phía tây Thành cổ Quảng Trị, cách bờ sông Thạch Hãn khoảng một cây số. Phía trước chúng tôi, cũng cách chừng hơn cây số là một quả đồi độc lập với độ cao chừng ba mươi mét, là điểm cao nhất trong khu vực, cánh lính chúng tôi gọi đó là đồi Tử Thần. Trên đồi là một căn cứ quân sự kiên cố của Mỹ với hai đại đội lính thủy đánh bộ đóng giữ. Chếch về bên phải, cách đồi Tử Thần hơn một cây số là chốt của Đại đội 3 cùng tiểu đoàn với tôi chốt giữ. Diện tích cả khu vực hai đại đội chúng tôi làm chủ chỉ rộng vài cây số vuông. Song, ở cái dải đất chật hẹp ấy luôn diễn ra những trận đánh dữ dội bởi sự giành giật không khoan nhượng giữa ta và địch. Bọn Mỹ và chính quyền bù nhìn Sài Gòn muốn kiểm soát toàn bộ khu vực, chúng muốn đẩy toàn bộ bộ đội ta về bên kia bờ Bắc sông Thạch Hãn để lấy con sông làm ranh giới. Phía bộ đội ta cũng được lệnh, cương quyết bám trụ, giữ bằng được vùng đất quan trọng này với mục đích làm bàn đạp tiến công địch, bảo vệ những bến vượt nhằm mở rộng vùng giải phóng.
Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy nên sự tranh chấp giữa ta và địch luôn diễn ra cực kỳ căng thẳng, không bên nào chịu nhượng bộ. Những trận chiến nơi đây mỗi ngày một khốc liệt. Cán bộ, chiến sĩ có mặt trên vùng đất này được tụi lính Sài Gòn gọi với cái tên đầy thán phục: Những con người thép trên chiến trường lửa. Cánh phóng viên chiến trường thì thường dùng cụm từ “Vùng đất lửa” để viết về điểm chốt của đại đội tôi.
Nhằm tạo thuận lợi, chi viện hiệu quả cho bộ binh của quân Sài Gòn, những loại đạn dược, phương tiện chiến tranh hiện đại với những loại vũ khí hủy diệt. Máy bay Mỹ tăng cường ném bom với tần suất dày đặc. Máy bay trinh sát OV-10, L-19 ngày đêm vè vè quần đảo. Chỉ một chuyển động nhỏ dưới mặt đất khiến chúng nghi ngờ lập tức có máy bay cường kích đến giội bom hoặc phi pháo chụp tới cấp tập hàng giờ.
Mặc dù hầm hào của chúng tôi khá kiên cố nhưng vẫn không tránh được những thương vong. Trong các loại đạn pháo của giặc, cánh lính chiến chúng tôi ngại nhất là pháo hạm 203 ly của tụi Mỹ bắn từ biển vào. Những loại pháo thông thường nổ đã choáng váng bởi độ sát thương rất lớn, với pháo hạm 203 ly còn đáng sợ hơn nhiều vì chúng là đạn khoan. Quả đạn 203 ly khi lao tới, cắm sâu xuống đất chỉ nghe cái phụp, khi phát nổ cũng chỉ nghe ục ục, nhưng nếu chúng nổ cách vài ba mét thì công sự, hầm hào rung lắc chao đảo như đưa võng, không gian trong hầm bị ép lại khiến đầu óc choáng váng. Nếu quả đạn nổ cách hầm chừng hai mét, máu tai, máu mũi có thể trào ra. Thật sự khủng khiếp.
Như một thói quen của địch mà anh em chiến sĩ ta đã thuộc nằm lòng, sau mỗi trận bom, pháo dai dẳng, thế nào bọn bộ binh cùng xe tăng, thiết giáp xông lên vào chốt. Đã nhiều trận, khi bom, pháo chưa ngưng hẳn, chúng tôi chưa kịp tìm kiếm thương binh, tử sĩ thì tụi bộ binh cùng xe tăng, xe bọc thép của địch đã ào ào tràn lên và trận chiến nảy lửa giữa bộ phận quân ta giữ chốt với tụi lính đối phương lại diễn ra ác liệt, dai dẳng hàng tiếng đồng hồ. Khi đẩy lui được một đợt tiến công của chúng, chưa kịp thu dọn chiến trường, chỉnh trang hầm hào, đối phương đã tiếp tục lần hai. Có những ngày đơn vị tôi phải căng mình chống trả cả chục đợt tiến công của bộ binh địch gồm cả lính dù, lính thủy đánh bộ có phi pháo và trực thăng yểm trợ.
Rất nhiều ngày với lính chiến chúng tôi, cơm không kịp ăn, nước không kịp uống, đói mờ mắt, khát cháy cổ, quần áo tả tơi. Sự hủy diệt tàn khốc đến mức, mấy cậu bên trinh sát, du kích tải thương đêm đêm từ Thành cổ đi qua chốt chúng tôi phải thốt lên: “Những trận đánh trong Thành đã ác liệt, nhưng chốt của các cậu còn ác liệt hơn”.
Quả đúng như vậy, lượng bom đạn mà bọn Mỹ - ngụy trút xuống điểm chốt của chúng tôi và Đại đội 3 nhiều hơn cả bom đạn chúng trút xuống Thành cổ, gây thương vong rất lớn cho bộ đội, dân quân và du kích.
Hằng đêm, nhìn những cáng thương binh, tử sĩ xếp hàng dài qua bến vượt sang bờ Bắc đủ biết sự khốc liệt tới nhường nào. Thương binh tử sĩ đưa về lại có quân âm thầm qua bến vượt sang bổ sung.
Với lính chiến chúng tôi trên chốt, đối mặt với bộ binh địch như cơm bữa nên dù cuộc chiến có dữ dội tới đâu cũng không biết sợ, chỉ ngại pháo bầy, pháo khoan, khi ấy chỉ biết chúi đầu vào hầm, phó mặc số phận chờ may rủi bởi pháo tránh mình chứ mình sao tránh pháo. Và còn một nỗi sợ hãi nữa mà cánh lính chiến trên chốt chúng tôi không bao giờ muốn đối mặt, đó là những trận mưa, bão.
Những cơn bão đổ bộ vào miền Trung, điểm chốt chúng tôi bao giờ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đó là vùng đất thấp nhất của Quảng Trị. Mỗi cơn mưa đổ xuống, hầm hào công sự bì bõm nước, bùn đất nhớp nháp khiến cho việc củng cố công sự, ăn uống, di chuyển chiến đấu hết sức khó khăn.
Mấy ngày nay mây đen cứ vần vũ nhưng không một chút gió, không khí trở nên oi bức ngột ngạt, ngồi dưới hầm mồ hôi xì ra như tắm, tôi lo sẽ có mưa.
Sáng nay anh Thành từ trên tiểu đoàn về thông báo, cơn bão số 10 đang đổ bộ vào Quảng Trị, nhiều khả năng vài giờ nữa bão sẽ tràn qua khu vực chốt của đơn vị. Anh yêu cầu cả đại đội sẵn sàng ứng phó. Quả nhiên tới nửa đêm, cơn bão ầm ầm tràn tới, điểm chốt của chúng tôi chính là tâm bão đi qua. Ngồi trong hầm nghe gió quật ràn rạt, mưa đổ xuống như trút. Gần sáng, nước bắt đầu tràn ngập hầm hào, dâng cao rất nhanh. Nhiều đoạn công sự, đất đá bắt đầu sạt xuống lấp đầy. Đất sũng nước biến thành bùn nhão nhoẹt khiến bao công sức của bộ đội đào đắp trước đó nay bỗng thành công dã tràng. Hai ngày liên tiếp chúng tôi phải hứng chịu sự nổi giận của thiên nhiên, cả đại đội phải dầm trong mưa để dọn sửa. Khốn nạn, dọn đất khô còn đỡ, dọn đất bùn cực vô cùng. Đất đỏ gặp nước bết dính như mỡ đặc, đưa được xẻng đất lên khỏi công sự ruột gan quặn thắt. Làm một hồi, thằng nào thằng ấy thở không ra hơi, gần trưa thì đói mờ mắt. Trận bão làm ngập lụt một vùng rộng lớn, nước sông Thạch Hãn dâng cao chảy cuồn cuộn. Mọi phương tiện rất khó khăn để qua sông trước dòng nước hung dữ.
Sau hơn hai ngày mưa bão, các ngả đường vào chốt, nước đã ngang thắt lưng, mọi phương tiện chuyên chở đường bộ đều tắc nghẽn. Cánh hậu cần những ngày ấy vô cùng cực khổ. Vượt sông Thạch Hãn những đêm nước lặng đã nguy hiểm, khó khăn, những ngày mưa bão, lũ từ thượng nguồn đổ về sôi sùng sục, đục ngầu. Vận chuyển nhu yếu phẩm qua sông giữa đêm tối mịt mùng, lại phải chọn những đoạn sông hẹp nhất để đi cho nhanh để tránh bị địch phát hiện. Khốn khổ, những đoạn sông hẹp thì nước càng chảy xiết, thuyền lật, nhu yếu phẩm cùng với người bị dòng lũ nhấn chìm.
Gạo không thể tiếp tế, chiến sĩ trên chốt những ngày đầu còn được phát một nắm cơm bằng hột vịt cho cả ngày, ba ngày sau, nắm cơm bằng hột vịt cũng không còn. Những bánh lương khô cuối cùng được lính mang ra bẻ vụn, cho thật nhiều nước nấu thành cháo loãng mỗi thằng húp một miếng. Rồi lương khô cũng hết nhẵn, gạo thì chưa biết khi nào mới về, thôi thì ai kiếm được gì ăn nấy. Ếch nhái, rắn rết, chim chuột ăn tuốt để không bị chết đói.
Những ngày nhịn đói, ai cũng mặt xanh mắt hốc tôi mới chợt nhận ra, dù xuất thân nghèo hèn hay quyền quý, khi phải nhịn đói không có gì đút vào miệng vài ba ngày thì giống nhau cả, bệnh sĩ diện hão được vứt bỏ. Lúc này với những chiến sĩ trên chốt như chúng tôi luôn tỏ rõ tinh thần đoàn kết, tất cả cùng nhau vượt mọi khó khăn.
Bước qua ngày thứ sáu, cả điểm chốt phải nhịn đói chỉ uống nước lã cầm hơi. Những mầm rau dền dại, rau tàu bay mới trồi lên sau trận mưa trên mặt đất bom cày đạn xới bị lính vặt trụi để ăn, lên không kịp. Tất cả những gì có thể ăn đều được chúng tôi tận dụng để lấp vào cái bụng trống rỗng nhiều ngày.
Những ngày ấy, nước ngập khắp nơi nên bọn địch không tổ chức tiến công, nhưng máy bay ném bom, máy bay trinh sát, trực thăng vẫn quần đảo kiểm soát toàn bộ mặt nước quanh chốt. Những chuyển động dù nhỏ nhất từ trong chốt ra ngoài và ngược lại, lập tức ăn đạn của chúng. Cùng với việc kiểm soát bằng máy bay, pháo địch vẫn bắn vào chốt mỗi ngày. Có lẽ bọn địch muốn cô lập, cắt mọi đường tiếp tế để quân ta chết đói.
Trong căn hầm nửa chìm nửa nổi nước ngập nửa ống chân, tôi cùng Dũng, Thái, Thục, thằng nào thằng ấy mặt mày hốc hác xanh xao, mỗi đứa mỗi góc ngồi dặt dẹo trên những thùng đạn không ai nói gì, mỗi người đang đeo đuổi những ý nghĩ riêng, chợt anh Thành cùng Quảng - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 bước vào. Vừa thấy anh Thành, Thái hỏi liền:
- Bao giờ có gạo thủ trưởng? Em đói quá không chịu được nữa rồi chắc chết mất - Anh Thành nhìn khắp lượt rồi đến vỗ vai thằng Thái, giọng bùi ngùi:
- Ráng chịu đi em, chắc nay mai lũ rút chúng ta sẽ có gạo. Cánh hậu cần cũng sốt ruột lo cho mình dữ lắm nhưng lực bất tòng tâm. Lũ dữ quá, đi chuyến nào mất gạo mất người chuyến ấy nên... Trên trung đoàn vừa điện xuống nói, đã có sáng kiến chuyển gạo bằng cách căng dây qua sông rồi kéo từng bao qua, dù chậm nhưng ít nhiều cũng sẽ có - Anh Thành chưa nói hết câu, Quảng chen ngang:
- Nói thật với đại đội trưởng, đánh nhau với thằng địch, em không sợ chết nhưng chết vì đói thì em không chịu được. Đại đội trưởng để em ra cánh đồng, biết đâu kiếm được cái gì cho anh em ăn cầm hơi.
- Không được, nguy hiểm lắm. Giữa đồng nước mênh mông lộ liễu, thằng OV-10, L-19 bất chợt đến hoặc bọn ngụy đóng trên đồi Tử Thần nó thấy, cậu không thoát được đâu, ráng chịu nghe.
- Chết em cũng đi, ngồi đây chờ chết đói nhục lắm.
Tính Quảng rất quyết đoán, đã nói là làm không ai cản nổi. Nói rồi Quảng quay qua tụi tôi hỏi:
- Có cậu nào muốn đi với tớ không?
- Để tao đi với mày - Tôi lên tiếng.
- Vậy thì đi ngay thôi - Nói rồi, Quảng xoay khẩu AK từ lưng qua trước ngực xăm xăm bước ra khỏi hầm, tôi với khẩu súng bì bõm lội sau. Biết không thể cản được Quảng, anh Thành dặn với theo:
- Đành vậy, đi thì đi nhưng phải cẩn thận nghe.
Quảng dân gốc Hải Phòng, nghe nói nhà nó thuộc diện khá giả. Về thể chất, nó cao to gần như nhất trung đoàn, da thì đen, khuôn mặt chữ điền cùng bộ râu quai nón rậm rì, tính như Trương Phi chẳng biết sợ là gì nhưng sống hào phóng rộng lượng. Quảng đang học đại học năm thứ hai khoa Mỏ Địa chất thì tình nguyện đi bộ đội. Khi huấn luyện, nó ở khác trung đội nhưng vào chiến trường, nó được bổ sung vào trung đội của tôi. Ngày đầu trong quân ngũ, cánh anh nuôi đến khổ với thằng Quảng.
Là con người, thật khó để làm tốt tất cả mọi việc, tài ba đến mấy đôi khi vẫn không tránh được sai sót dẫn đến hư hỏng, thất bại. Công việc của cánh anh nuôi cũng không ngoại lệ. Canh mặn, cơm không dẻo, cháy, khê là chuyện thường xuyên xảy ra. Vậy nhưng, Quảng không chấp nhận những sai sót đó, nó luôn đòi hỏi cánh anh nuôi phải hoàn hảo, cơm canh bữa nào cũng phải dẻo ngọt.
Mẹ Quảng vốn là đầu bếp trong một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Hải Phòng, những món ăn mẹ nó nấu, khách sành ăn nhất cũng không thể chê. Quảng kể chuyện về mẹ nó như vậy, nó còn nói, bữa ăn mẹ nấu ở nhà, nó vừa đưa vào môi đã trôi tuột xuống bao tử, ăn no căng bụng mà cái miệng vẫn thèm. Những năm ngồi trên giảng đường đại học, ít khi nó ăn cơm trong ký túc xá, chỉ những khi vui hoặc bạn bè mời nó mới ăn cùng nhưng cũng gảy gót, ăn cho có lệ bởi nhà nó có điều kiện, bố mẹ nó chu cấp đủ tiền để nó đặt cơm tháng ở một quán ăn trước cổng trường.
Ngay từ khi còn nhỏ, thằng Quảng đã được ăn ngon và đầy đủ nên thể hình của nó vượt trội so với những đứa trẻ cùng tuổi. Ăn ngon quen miệng, những ngày đầu ăn cơm bộ đội, nó đánh vật với bát cơm như thể lão nông dân đánh vật với đất trên đồng. Trong nhà ăn, mọi người đã đứng cả dậy đi rửa bát, nó vẫn ngồi với chén cơm còn phân nửa. Nhìn nó khổ sở trệu trạo nuốt từng miếng khó nhọc thấy cũng thương. Có bữa đại đội trưởng bắt gặp, anh tới động viên: “Ráng chịu nghe, cơm lính là vậy, dần dà chú mày sẽ quen”. Thằng Quảng cười miệng méo xệch, giọng buồn xo đến tội nghiệp: “Em biết rồi đại đội trưởng”. Thế rồi một ngày… hai ngày, bốn ngày, một tuần sau, cái đói hành hạ khiến nó cũng không thể chống đũa gẩy gót. Những bữa ăn sau đó, nó chan võng nước canh hoặc nước rau và sùm sụp rồi nuốt chửng.
Khi mới bước vào huấn luyện, nó thường là người ra khỏi nhà ăn sau cùng, một tháng sau, nó không những ăn nhanh mà còn ăn rất khỏe. Nhìn cái dáng cao to lừng lững của nó khệnh khạng bước ra khỏi nhà ăn, mấy đứa bịt miệng cười. Phát hiện ra mấy đứa cười đểu, nó quay lại trừng mắt văng tục: “Chúng mày cười cái con…”. Bỏ lửng câu chửi thề nó lững thững ra khỏi nhà ăn. Biết nó nổi điên, thằng nào thằng ấy im thít. Khi nó đã đi xa, mấy đứa lại bật cười ngặt nghẽo.
Một bữa, tôi với Quảng cùng vào nhà ăn, nhận suất cơm, nó ngồi xuống bàn, vừa và miếng cơm vào miệng liền nhổ phụt ra, ném đôi đũa, mặt nó đỏ bừng, mắt trợn ngược quát lớn: “Chúng mày làm ăn thế hả, mỗi cái việc nấu nướng cũng không xong, cơm vừa sống vừa khê làm sao nuốt! Đúng là vô tích sự. Lăn lê bò toài ngoài thao trường mệt đứt hơi đói vàng mắt vậy mà về phải ăn cơm sống!”. Cậu Phương anh nuôi thanh minh: “Ông thông cảm, tại tối qua mưa to thế... nước tấp vô, củi đuốc ướt sạch nên mới…”. Nghe Phương nói vậy, Quảng quay lưng lầm lũi bước ra khỏi nhà ăn với cái bụng rỗng không khiến tôi cũng ái ngại.
Trong suốt thời gian huấn luyện, không ít lần cánh anh nuôi luộc rau chưa chín hoặc đỏ như lông bò và thi thoảng cơm lại bị sống, thằng Quảng lại càm ràm một hồi rồi ôm cái bụng rỗng hầm hầm bước ra khỏi nhà ăn.
*
Tôi và Quảng ra khỏi công sự, chúng tôi trườn dưới nước chỉ thò cái đầu. Tìm ra một cái gò nổi rộng vài nét vuông lúp xúp cỏ giữa trảng cát mênh mông nước, sục sạo hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi đập được một con rắn to bằng chuôi dao, rất nhiều ếch, nhái, mấy con cua và rất nhiều dế mèn, con nào con đấy đen trũi to như ngón tay. Cởi chiếc quần dài, Quảng thắt chặt ống quần, dồn tất cả chiến lợi phẩm vào rồi nói với tôi:
- Về thôi Hùng, từng này đủ cho cả đại đội sống sót được một ngày rồi.
Trên đường về chốt, nó đưa tôi cầm chiếc quần chiến lợi phẩm rồi trườn ra đám lục bình đang trôi lềnh bềnh. Tôi ngạc nhiên hỏi nó:
- Mày còn tìm gì nữa?
- Mày ngốc quá, nấu thịt phải có rau mới ngon. - Tôi chưa hiểu nó đi kiếm rau ở đâu, té ra, nó vặt hết những bông lục bình và những búp lục bình non nhất, cuốn lại được một bó lớn cầm trên tay, nó khẳng định chắc nịch: “Heo ăn được thì người ăn được. Tao tin bông và búp lục bình nấu với thịt rắn, ếch nhái sẽ ngon phải biết”.
Chúng tôi về tới chốt, mấy đứa ào ra hỏi dồn: “Có kiếm được gì không Quảng?”. “Em nghe nói ở đây nhiều dế lắm, có bắt được ít nào không anh?”.
Nghe mọi người hỏi, Quảng cười tít mắt trả lời đầy kiêu hãnh:
- Đủ cho cả đại đội không chết đói hôm nay. Bông bèo thì sao chứ, giờ là của quý đấy, tao sợ ăn một lần chúng mày sẽ nghiện luôn.
Tôi đưa chiếc quần chứa chiến lợi phẩm cho thằng Tân anh nuôi. Trước khi tôi và Quảng đi tắm, Quảng còn dặn Tân:
- Mày rửa thật sạch rồi cứ thế băm nhỏ, không được lột da rắn với mấy con ếch, phí lắm nghe chưa. Làm xong, ướp muối vào đấy để tao nấu cho.
Hai thằng tôi trườn xuống cái hố bom đầy ắp nước ngay sau công sự để tắm, chợt, thấy một cục đen to bằng ngón tay trong nách thằng Quảng, tôi nói với nó:
- Mày xem có cái gì trong nách kìa - Quảng nhìn xuống nách mình bỗng nó hét toáng lên.
- Á á hu hu cha mẹ ơi! - Miệng thét, tay nó cào loạn xạ. Thấy vậy, tôi bơi lại gần nó, thì ra một con đỉa trâu đen trũi to đùng. Tôi cầm con đỉa giật mạnh khỏi nách nó ném ra thật xa. Quảng trèo lên miệng hố bom ngồi thở hổn hển. Nơi miệng con đỉa bám, một dòng máu nhỏ chảy ra đỏ tươi. Nhìn mặt cu cậu tái mét tôi không nhịn được cười.
- Chỉ là một con đỉa thôi, sao mày sợ dữ vậy? - Tôi hỏi nó.
- Tao chưa thấy con này bao giờ, đang run hết cả người mà mày còn cười nhe nhởn được hả thằng chó! - Quảng nổi cáu thực sự.
Sau này, mỗi khi vui tôi lại kể chuyện thằng Quảng sợ đỉa, cả đại đội lại được trận cười đã đời. Song, nhiều khi tôi nghĩ mãi không ra, thằng Quảng trời không sợ đất không sợ, đối mặt với bọn giặc hung hãn đầy súng đạn cũng không sợ vậy mà sợ một con đỉa bé như ngón tay đến mất cả hồn. Đúng là ở đời thật nhiều chuyện lạ.
Nồi canh tổng hợp bèo, rắn... được nấu trong chiếc xoong quân dụng to tổ chảng, chủ yếu là nước được múc chia đều về các trung đội, ai cũng có phần, mỗi người được vài hớp và ai cũng khen ngon.
Thêm hai ngày nữa gạo vẫn chưa về, Quảng và thằng Phình người dân tộc Tày ở Cao Bằng lại mò xuống đồng.
Thường ngày, thằng Phình hiền như cục đất, nói tiếng Kinh còn chưa sõi, hay bị mấy cậu tinh nghịch trong tiểu đội bắt nạt, sai vặt. Ai bảo gì thằng Phình chỉ biết răm rắp làm theo, không phản đối, không thắc mắc.
Hai thằng đi chừng được một tiếng đồng hồ thì pháo từ trên đồi Tử Thần bắn xuống như mưa. Mặt nước ruộng sôi sùng sục, những cột nước bốc lên trắng xóa. Mất gần hai mươi phút, bọn địch mới ngừng bắn. Chúng tôi tổ chức ra tìm. Thằng Quảng nằm úp mặt cạnh gò đất, nó bị một mảnh pháo găm vào lưng, vết thương toác loác như bàn tay. Thằng Phình nổi dập dềnh trên mặt nước, đỉnh đầu nó bị mảnh pháo phạt mất một mảng, cái mũ tai bèo bay đâu không tìm thấy.
Đưa hai thằng về, bọc trong chiếc tăng bên ngoài cuốn lớp ni lông, chúng tôi chôn hai đứa ngay phía sau chốt, không nhang khói, chỉ có sự đau xót cùng cực hiện lên trên từng khuôn mặt.
Với tôi, mỗi lần một đồng đội của mình ra đi khiến trái tim như bị ai cầm lấy bóp nghẹt, đau đớn tột cùng. Thằng Dũng cứ sụt sùi, miệng lảm nhảm:
- Quảng ơi… Phình ơi… chúng mày sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho bọn tao diệt hết lũ giặc nhé. Khi đất nước giải phóng… tao sẽ đưa chúng mày về quê…