Đình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc, nơi có dòng sông Cầu thơ mộng cùng những làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng. Sông Cầu quê hương nó còn được gọi với cái tên mỹ miều - Dòng sông quan họ.
Đình mê quan họ còn hơn cả mê gái và nó hát rất hay. Tôi thích nghe nó hát bài Người ơi người ở đừng về. Giọng nó luyến láy trầm bổng, mượt mà. Cả tiểu đoàn tôi ai cũng biết tên thằng Đình bởi giọng hát của nó được lọt vào tốp - vang, rền, nền, nẩy. Trong thời kỳ huấn luyện, bữa nào xả trại là toàn doanh trại huấn luyện lại tổ chức thi văn nghệ. Khi ấy, Đình thường là người đại diện cho đại đội tôi thi thố và tiết mục hát dân ca quan họ của nó luôn ẵm giải. Đình yêu quan họ đến độ, có thể hát quan họ bất cứ chỗ nào, bất cứ ở đâu, khi vừa ngủ dậy, sau bữa ăn, trong nhà tắm… Nó nói, quan họ đã thấm vào máu của từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Bố mẹ thằng Đình vốn là dân liền anh liền chị của xứ Kinh Bắc, họ gặp nhau trong những đêm hát đối giao duyên rồi nên nghĩa vợ chồng. Đình được sinh ra tại sân đình làng giữa ngày hội Lim. Nó kể rằng, khi cái bụng bầu đã vượt mặt, mẹ vẫn gắng đến với lễ hội, đang hát giữa chừng thì trở dạ và đẻ rơi ngay giữa sân đình, thế là bố đặt ngay cái tên Đình cho nó.
Nhà có sáu anh chị em, Đình là út. Trên nó là anh trai và bốn chị gái. Đình nói, mẹ nó vốn là người mắn đẻ, cứ sòn sòn năm một nên anh Hai của Đình chỉ hơn nó một tuổi. Ngày anh Hai nhận giấy báo tuyển nghĩa vụ quân sự, Đình quyết định tình nguyện đi thay anh mặc dù chưa đầy mười tám tuổi. Ban đầu mẹ và anh không đồng ý nhưng Đình nói rằng: “Chiến trường miền Nam đang trong thời kỳ ác liệt, nói tới đi B không một ai dám khẳng định mình sẽ trở về, Đình là út, có mệnh hệ gì cũng không sao. Các chị đi lấy chồng hết, anh Hai sẽ là người chăm lo cho mẹ khi tuổi già, hương khói cho tổ tiên, làm sao Đình gánh vác được chuyện ấy. Hơn nữa theo con, anh Hai hiền lành vào chiến trường không thể nhanh nhẹn bằng Đình…”. Nghe Đình thuyết phục, cuối cùng mẹ nó cũng xuôi lòng cho đi thay anh.
Vốn nhỏ con, ngày đi khám tuyển sợ không đủ cân, Đình phải uống rất nhiều nước, mặc chiếc áo bông thật dày, trong túi áo còn giấu hơn chục viên bi đá khi vào cân, thế là đủ cân.
Thằng Đình là đứa nhanh nhẹn hoạt bát, sống tình nghĩa, biết trước biết sau. Nó vốn ít ngủ nên hai đứa chúng tôi thường thức, thủ thỉ trò chuyện cùng nhau rất khuya. Nó kể hết chuyện này tới chuyện khác nhưng cứ nhắc tới nơi chôn nhau cắt rốn là nó hào hứng say sưa lắm.
Đình kể rằng, làng của nó nằm tựa lưng vào dãy núi, bốn mùa chim chóc ríu rít. Trước mặt làng là dòng sông Cầu quanh năm rì rào nước chảy, những bãi bồi ngăn ngắt màu xanh. Tuổi thơ của Đình gắn liền với con sông mỗi buổi chiều chăn trâu cắt cỏ. Nó có cô bạn hàng xóm rất thân từ khi tóc còn để chỏm. Hai đứa cùng tuổi, nhà chung tường rào, lớn lên, hai đứa học chung một lớp, tới lớp bảy thì cả hai cùng thôi học.
Đình học rất giỏi, nó muốn học lên nữa nhưng vì cảnh nhà quá neo nên đành xếp sách vở, bỏ dở ước mơ bước chân vào giảng đường đại học bởi bố bỏ nhà đi đã hai năm không biết bao giờ mới về, cũng có thể chẳng bao giờ bố trở về. Người làng đồn rằng, bố nó phải lòng một cô gái trẻ, xinh đẹp khi trảy hội Lim trên thị xã Bắc Ninh và đã về sống cùng cô gái ấy.
Từ ngày bố bỏ đi, tối tối mẹ ra bậu cửa ngồi hàng giờ, nét mặt hằn sâu u uất, mắt đăm đăm nhìn dòng nước sông Cầu cuồn cuộn trôi xuôi. Thiếu bố, cảnh nhà u ám như có đám tang, cuộc sống ngày càng cơ cực. Mấy chị em hết lên núi kiếm củi, hái măng lại xuống bãi làm thuê cuốc mướn. Đình còn tranh thủ lội sông mò cua bắt cá. Lam lũ tối ngày, da nó cháy đen, tóc tai hoe đỏ khét mù. Niềm vui duy nhất là những đêm trăng sáng, Đình cùng cô bạn hàng xóm ngồi trước sân rủ rỉ trò chuyện tới khuya. Cuộc sống của thằng Đình cứ thế bình lặng trôi nếu nó không thay anh đi bộ đội.
Trong thời gian huấn luyện, tuy nhỏ con nhưng Đình có sức chịu đựng bền bỉ. Các bài huấn luyện nó đều vượt qua dễ dàng. Sau bốn tháng tân binh, thằng Đình được thưởng mười ngày phép vì đạt thành tích xuất sắc trong các bài bắn đạn thật, ném lựu đạn… đặc biệt là bài bắn đạn B-41, nó bắn phát nào trúng phát ấy.
Hết mười ngày phép, Đình trở lại đơn vị với nét mặt hớn hở, cả tiểu đội vây lấy nó. Lôi trong ba lô ra một tút thuốc, mấy gói kẹo, một bọc chè Thái Nguyên và một bi đông rượu, nó khoe: “Rượu Làng Vân chính hiệu đấy, là đặc sản Bắc Ninh quê mình, uống chỉ có mê ly...”.
Đã bốn tháng ở cùng thằng Đình, mặc dù hàng ngày nó tếu táo cười cười nói nói nhưng tôi nhận thấy nét gì đó phảng phất nỗi buồn ẩn sâu nơi khóe mắt, nhưng hôm nay, nụ cười của nó rạng rỡ thật sự. Tôi tò mò ghé tai nó hỏi nhỏ: “Hình như mày có chuyện gì vui lắm, cứ như địa chủ được mùa, quà thì toàn thứ hảo hạng, thuốc lá Sông Cầu, kẹo Hải Hà, chè móc câu, rượu Làng Vân. Tao đoán không nhầm, chắc anh hay chị mày lập gia đình”. Nghe tôi hỏi, Đình cười toe toét vẻ mãn nguyện, giọng tưng tửng: “Đúng là đám cưới nhưng không phải đám cưới của anh hay chị tao mà là của chính tao. Đây là quà cưới tao phần tụi mày”. “Mày lấy vợ - Tôi ngỡ ngàng thốt lên - Có phải cô hàng xóm mày vẫn kể?”. Đình gật đầu xác nhận.
Bữa cơm hôm ấy, tiểu đội tôi vui như tết, có cả cán bộ đại đội, tiểu đoàn xuống chúc mừng thằng Đình.
Nhớ hôm chuẩn bị vào chiến trường, tôi còn bị nó đấm vì tội coi trộm thư. Cả đêm ấy tôi và nó thủ thỉ trò chuyện, nó còn kể đêm tân hôn cho tôi nghe. Vậy mà hôm nay, thằng Đình ra đi tức tưởi.
Lục ba lô của nó, lá thư viết dở buổi tối hôm chuẩn bị vào chiến trường vẫn còn khiến lòng tôi thắt lại. Tôi nhớ câu nói nó dặn trước khi vượt sông: “Sau này hết chiến tranh, về được cả hai thì tốt, nếu chỉ còn một thằng phải luôn nhớ tới ngày giỗ của nhau, nhớ thắp cho nhau cây nhang nghe chưa?”. Nước mắt tôi lại trào ra. Thấy vậy, anh Thành vỗ vai động viên:
- Can đảm lên, đừng khóc nữa. Cậu đã đánh bao trận, chứng kiến bao đồng đội hy sinh, cậu khóc đám lính trẻ thấy sao chịu được.
Tôi nghiến chặt hàm răng cố nuốt nước mắt vào trong nhưng vẫn không sao kìm giữ được.