Đêm đầu tiên ở trên đồi Tử Thần, mấy tốp lính tụ tập phía nam quả đồi trò chuyện rôm rả. Tôi phóng tầm mắt ra xa, thị xã Quảng Trị lấp lánh ánh điện như dải ngân hà. Cánh lính miền Bắc sống ở vùng nông thôn rất háo hức. Thằng Thân vừa mới bổ sung vào tiểu đội tôi được vài ngày người Hà Nam, chưa đầy mười tám tuổi, nó cứ đứng ngây người ngắm mãi những vệt sáng phía xa rồi đột ngột hỏi tôi:
- Anh Hùng… anh ở Hà Nội chắc sướng lắm nhỉ? Em nghe nói, đường phố Hà Nội cũng có điện sáng suốt đêm.
- Đúng vậy - Tôi trả lời - Ở trung tâm thành phố điện thắp sáng cả đêm. Những ngày nóng bức, buổi tối người dân thường tụ tập quanh Hồ Gươm hóng mát, chuyện trò và ngắm ánh điện in xuống mặt hồ lung linh, thơ mộng lắm.
- Em chỉ ước quê em cũng có điện.
- Tớ nghĩ, khi đất nước được giải phóng, kinh tế phát triển, lúc ấy những vùng nông thôn cũng sẽ có điện thôi. Cậu có biết, điện vô cùng quan trọng trong cuộc sống và phát triển đất nước. Có điện, người ta có thể làm rất nhiều việc không tốn sức mà hiệu quả mang lại vô cùng to lớn. Ở phương Tây, những công xưởng, nhà máy, những dây chuyền sản xuất lớn đều được chạy bằng điện. Trong mỗi gia đình, điện là vô cùng cần thiết không thể thiếu để phục vụ cuộc sống. Từ chiếc đài, tivi, chiếc quạt chạy điện đến máy móc... đều cần có điện.
- Em chỉ mong quê em có điện để học sinh không phải học đêm bên những cây đèn dầu tù mù muội khói đen kịt…
Nghe chúng tôi nói về tivi, quạt điện, thằng Khoái người Hưng Yên vốn là cây kể chuyện tiếu lâm tếu táo hỏi:
- Các cậu có thích nghe chuyện cái quạt điện không, tới kể cho mà nghe.
- Đúng rồi, mày kể chuyện tiếu lâm đi Khoái.
- Ừ, kể chuyện gì buồn cười một tí cho bớt căng thẳng…
Tiếng thúc giục của mọi người nhao nhao nổi lên, thằng Khoái đứng dậy làm điệu bộ của cụ già nhà quê với dáng đi khòng khòng rồi tưng tửng kể:
- Ở thôn tao có bà cụ lưng còng thế này này, một bữa bà cụ lên thăm ông con trên Hà Nội, khi đi, bà mang theo cái quạt mo cau. Lúc cất đồ, ông con cất cái quạt mo của cụ vào tủ rồi khóa lại, thấy vậy bà cụ vội nói: “Mày đưa cái quạt cho u, khi nào nóng u có cái mà dùng”. Ông con kéo bà cụ tới cái cây sắt có hình dáng rất kỳ lạ, hướng dẫn cho cụ: “Khi nào thấy nóng, u cứ ấn vào chỗ này này, cái cục sắt này khắc quạt cho, u không cần cái quạt mo đâu”.
Nói rồi ông con ra khỏi nhà đi làm. Gần trưa, không khí trở nên oi bức, bà cụ đến bên cục sắt kỳ dị có cái đầu to như quả đu đủ nhưng lại mọc thêm ba cái cánh như tai con trâu. Bà nhớ cái nút ông con dặn, tay run run bà nhấn mạnh. Mới nghe tiếng cạch, lập tức ba cái tai trâu xoay tít mù làm bà cụ giật nảy, ngồi bệt xuống nền nhà. Gió từ cái cục sắt ấy thổi mạnh và mát quá làm cụ hết sức ngạc nhiên, bà cụ lẩm bẩm: “Tài thật! Cái cục sắt này nó có phép, biết làm ra gió nhưng sao nó không chịu đứng một chỗ, cứ quay qua quay lại. Bực mình quá!”.
Không biết cách nào làm cho cái cục sắt đứng im một chỗ, bà cụ chợt nghĩ đến việc đi cày, bà thường quát con trâu: “Họ”. Vậy là con trâu đang đi sẽ ngay lập tức dừng lại. Biết đâu cái cục sắt này cũng biết nghe lời. Nghĩ vậy bà liền quát thật to: “Họ! Họ lại”. Rõ chán! Bà quát to thế mà cái cục sắt vẫn không chịu đứng một chỗ, bà lại lẩm bẩm: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”. Nói rồi bà cụ bắt đầu bò theo vòng quay của cục sắt, nó quay trái bà bò qua trái, nó quay phải bà lại bò sang phải. Bò theo một hồi bà cụ mệt quá ngồi bệt xuống nền nhà thở dốc, miệng càm ràm: “Mát thì mát thật đấy nhưng cứ phải bò theo… mệt cả người, bà đấm thèm vào, thà bà dùng quạt mo còn sướng hơn!”.
Thằng Khoái kể tới đó, đám lính bò lăn ra cười. Cười một hồi, thằng Thân hỏi:
- Anh Khoái kể chuyện thật hay anh phịa ra thế?
- Phịa là phịa thế nào - Khoái trả lời tỉnh bơ.
- Mày dốt quá - Thằng Thụy vừa mắng vừa giải thích - Nó kể chuyện tiếu lâm chứ làm gì có thật. Tao nghe chuyện này mấy lần rồi, có điều, nghe thằng Khoái kể vẫn không nhịn được cười.
Cánh chiến sĩ chúng tôi đang cười đùa nhốn nháo thì anh Thành bước ra quát:
- Các cậu tụ tập đông vậy không sợ pháo thằng địch bất ngờ nó tương cho hả?
- Hì hì… Thủ trưởng ơi, cho phép tụi em thoải mái chút, mấy khi được ngồi trên cái đỉnh đồi cao tít thế này mà tán gẫu nếu có pháo chỉ nghe tiếng đề pa là tụi em biết liền, thủ trưởng đừng lo”.
- Thằng Tiến nói đúng đấy, thủ trưởng cũng tới đây, kể chuyện cho tụi em nghe với…
Luôn tỏ ra nghiêm khắc nhưng anh Thành cũng rất hay ngồi trò chuyện tếu táo với lính chúng tôi. Nghe mấy đứa nói, anh Thành cười cười rồi tới góp chuyện. Anh Thành có một cái đài nhỏ hiệu National do cánh lính trinh sát “thó” được của tụi Mỹ tặng cho, lúc nào cũng đeo kè kè bên mình như báu vật. Nhìn thấy cái đài, cánh lính lại nhao nhao: “Thủ trưởng mở đài cho tụi em nghe đi”. “Thủ trưởng mở nghe tin thời sự miền Bắc đi”...
Chiều lòng cánh chiến sĩ, anh Thành bật đài chăm chú dò sóng. Chiếc đài ọ ẹ, xè xè một hồi, tiếng nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên: Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…
Tất cả mọi người ngồi vây quanh chiếc đài im lặng lắng nghe. Trong mục điểm tin thời sự, giọng phát thanh viên Tuyết Mai dõng dạc vang lên: “Trên khắp các chiến trường miền Nam, bộ đội ta đã giành nhiều chiến thắng vang dội buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận những điều khoản của ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris…”.
Nghe tới đó cánh lính chúng tôi nhảy cẫng lên ôm chầm lấy nhau, thằng cười thằng khóc. Anh Thành ngồi lặng đi không nói gì khẽ đưa ống tay áo quẹt nhanh dòng nước mắt. Sau bản tin thời sự là chương trình ca nhạc, giọng hát mượt mà đằm thắm của nữ ca sĩ vang lên: Đây Hồ Gươm Hồng Hà Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long đây Đông Đô đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu...
Hà Nội, Hồ Gươm, Đông Đô… những cái tên nghe thân thương cứ da diết vang lên, trong tôi, nỗi nhớ nhà lại day dứt dâng trào. Hiệp định Paris, hiệp định đình chiến được ký kết cũng có nghĩa ngày hòa bình đã rất gần và chúng tôi, những người lính chiến trên chiến trường sẽ được trở về nhà. Còn gì sung sướng hơn. Tôi sẽ được gặp bố mẹ, các chị cùng những người thân ruột thịt. Được trở lại giảng đường đại học, tiếp tục với ước mơ còn dang dở. Tôi hình dung những khuôn mặt rạng rỡ của thầy cô, bạn bè khi đón mình trở về. Ngày ấy chắc không còn xa nữa. Bất giác tôi nhớ tới Quỳnh và Dung. Với Quỳnh, nếu trở về tôi sẽ nói gì với Quỳnh đây? Còn Dung, có phải tôi đã yêu! Hai lần tiến đánh đồi Tử Thần tôi luôn mong đội du kích của Dung qua phối hợp cùng bộ đội và chúng tôi sẽ gặp nhau nhưng điều tôi mong đã không đến. Tôi không thể gặp Dung.
- Mày nghĩ gì mà ngây người ra thế?
Tôi giật mình bởi cái vỗ vai đột ngột và câu hỏi của thằng Kiên.
- Tao nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè người thân quá!
- Dễ chỉ có mày nhớ còn người khác thì không. Ủy mị quá đấy!
- Thôi đi ông tướng, lòng vả cũng như lòng sung, đừng có ta đây cứng rắn. Mà này, tao thấy tối nay lạ quá, thằng địch không pháo kích như mọi ngày, chỉ thi thoảng bắn pháo sáng, phía Thành cổ cũng im tiếng súng.
- Mày chưa biết gì hả? Các đơn vị chiến đấu trong Thành cổ rút hết ra đêm qua rồi. Ngay sau khi mình chiếm được quả đồi này. Khẩu đội của tao được lệnh gấp rút chuyển lên đây chuẩn bị trận địa để đánh chi viện cho Thành cổ nhưng giờ thì ngồi chơi xơi nước.
- Vậy hả? Thế mà cánh bộ binh chẳng biết khỉ gì!
Tôi và Kiên về hầm của nó, thấy thằng Bình đang nằm bò ra viết thư.
- Mày viết thư cho người yêu hả Bình?
Nghe tôi hỏi, thằng Bình nhổm dậy gấp lá thư bỏ vào túi ngực, gãi đầu trả lời:
- Ừ, tao tính viết mấy dòng cho cô ấy nhưng đang bí không biết nói gì. Từ hôm vào chiến trường cũng đã nhận được mấy lá thư của cô bạn song cứ phân vân, tính viết thư trả lời rồi lại thôi. Chiến trường thì ác liệt, biết sống chết thế nào. Con gái người ta có thì. Để cô ấy chờ đợi hết tuổi thanh xuân, lỡ mình không trở về... Tao không muốn. Không còn hy vọng ở mình người ta sẽ đi lấy chồng và như thế sẽ tốt hơn cho cô ấy. Mấy hôm rồi đi họp, nghe các thủ trưởng nói với nhau, khả năng hiệp định đình chiến ở Paris sẽ được ký kết. Nếu hiệp định được ký, thằng Mỹ sẽ rút quân nhưng còn bọn tay sai Nguyễn Văn Thiệu, chúng vẫn được người Mỹ hà hơi tiếp sức chống mình đến cùng. Trước sau gì mình cũng sẽ đập tan bọn phản động Thiệu, Kỳ nhưng không biết ngày nào, năm nào mới kết thúc chiến tranh và chúng ta vẫn phải tiếp tục chiến đấu. Chắc chắn những trận đánh phía trước sẽ vẫn rất ác liệt. Mỗi lần bước vào một trận đánh, sự sống và cái chết cách nhau chỉ một tích tắc nên không ai nói trước được điều gì.
- Mà tình cảm của mày với cô gái ấy đã sâu nặng chưa - Thằng Kiên bất giác xen ngang - Đã tí táy tí mẻ gì chưa?
- Thú thật là tụi tao cũng chưa có gì. Mỗi lần đi chơi với nhau chỉ nắm tay thôi tim tao đã đập dồn như trống ếch đêm rằm Trung thu, có dám làm gì đâu. Một hôm hai đứa đi chơi ra ngoại ô, bất chợt gặp trận mưa như trút, tụi tao chạy vào một quán nước vắng người ven đường, mưa vẫn tấp vào, hai đứa phải đứng tận góc quán vẫn ướt hết. Bị ngấm nước mưa, người cô ấy run lên đứng nép sát vào ngực làm người tao nóng ran. Mấy lần định cúi xuống hôn nhưng lại sợ. Nhá nhem tối mới tạnh mưa, hai đứa về đến cửa nhà cô ấy, lúc chia tay cô ấy ôm chặt lấy tao và hai đứa hôn nhau thật lâu. Cái cảm giác ngọt ngào ấy giờ nhớ lại vẫn thấy ngây ngất và cũng duy nhất có một lần ấy cho tới khi nhập ngũ.
- Vậy là mày cũng đã được yêu, được hôn - Tôi xen vào - Như thằng Dũng, thằng Hòa... thật thương chúng nó, chưa một lần được nắm tay hay biết mùi con gái. Cầu mong trên thiên đường chúng nó sẽ được hạnh phúc bởi sự trong sáng của mình.
Nghe tôi nói, thằng Kiên thở dài thườn thượt, giọng nó dứt khoát:
- Thôi, không nói chuyện buồn nữa, nói chuyện gì vui đi. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, những người lính chúng ta vẫn phải chiến đấu, nhưng tao hy vọng, tới ngày giải phóng, ba đứa tụi mình và thằng Tân sẽ trở về nguyên vẹn.
Ba thằng chúng tôi cứ rủ rỉ trò chuyện, gần sáng tôi mới trở về hầm của mình.