Nằm ở trạm phẫu trung đoàn gần hai tháng, cái chân trái bị bó bột cứng đơ từ đầu gối xuống hết bàn chân khiến tôi rất khó chịu. Sáng nay nghe cô Yến, y tá của trạm nói sẽ tháo bột. Vậy là tôi sớm được trở lại đơn vị, quả là tin không thể vui hơn. Đang tung hoành trên chiến trường nay phải làm bạn với chiếc nạng thật không dễ chịu chút nào. Ở trạm phẫu mấy ngày nay, thương binh về nhiều khiến tôi càng sốt ruột. Trong căn lán được dùng làm phòng mổ, bác sĩ Huân cùng những y tá phụ việc của mình cứ luôn chân luôn tay. Có những ca mổ kéo dài vài ba tiếng đồng hồ, bông gạc đỏ máu quyện cùng mùi ê te, mùi hôi từ những vết thương bốc lên tanh nồng. Thương binh nằm la liệt đợi mổ, người rên, người khóc, người ngất lịm băng trắng quấn kín. Mặc dù rất cố gắng giành giật lại sự sống cho các chiến sĩ nhưng những cái chết tức tưởi ngay trên bàn mổ vẫn liên tục xảy ra khiến lòng tôi se lại.
Ở cùng dãy lán của tôi có hai mươi chiến sĩ với đủ các loại vết thương nặng nhẹ khác nhau, trong số ấy không ít người muốn được về tuyến sau hoặc ra quân nhưng đa phần các chiến sĩ mong sớm lành vết thương để trở lại đơn vị, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu.
Cũng bị đạn làm gãy chân như tôi, mới tháo bột được hai tuần thằng Thắng đã vứt bỏ cây nạng, nó đang kiên nhẫn tập đi để sớm trở lại đơn vị.
Chưa đủ mười tám tuổi, Thắng có khuôn mặt ngây thơ hồn nhiên, nụ cười bẽn lẽn như con gái nhưng mau miệng và hay chuyện. Thắng mới vào chiến trường được bốn tháng thuộc biên chế của Đại đội 2.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Mỹ Đức, Hà Tây nơi có khu thắng cảnh nổi tiếng Chùa Hương, được mệnh danh là Nam Thiên đệ nhất động. Thắng kể rằng, nhà nó nằm dưới chân dãy động Hương Tích bên cạnh dòng sông Đáy bốn mùa nước trong vắt nhìn thấu bầy cá dưới đáy sâu. Nhà có tới tám anh chị em, bốn trai, bốn gái. Bố Thắng chết vì bệnh lao phổi khi Thắng mới lên ba. Chỉ còn mẹ là lao động chính nên cuộc sống vô cùng cơ cực. Thu nhập của cả gia đình trông vào chiếc thuyền nan chèo đò đưa khách trong ba tháng diễn ra lễ hội. Học tới lớp hai, Thắng bỏ học theo mẹ ra bến chèo đò đưa khách vào chùa. Trái với cái dáng mảnh mai trắng trẻo, nụ cười như con gái, Thắng rất lì lợm do tiếp xúc với nhiều loại người ngoài xã hội từ nhỏ. “Chèo đò ở bến Đục mà hiền thì chỉ có đói rã họng thôi anh. Phải giành khách, chửi nhau đánh nhau là chuyện thường ngày và em cũng chẳng sợ bố con thằng nào”. Thắng nói vậy.
Ngày đầu tiên tôi về trạm phẫu, vừa mổ lấy mảnh đạn và bó bột xong Thắng đã lạch bạch chống nạng tới bắt chuyện.
- Anh Hùng chắc nhập ngũ đã lâu, được mấy năm rồi ạ?
- Tớ nhập ngũ chưa được một năm bởi đang học đại học.
- Khi lành vết thương, anh Hùng tính ra Bắc hay quay lại đơn vị tiếp tục chiến đấu?
Tôi nhìn Thắng một hồi rồi hỏi lại nó:
- Sao cậu hỏi vậy?
- Tại em thấy mấy cha ở lán của em bàn nhau, khi vết thương tạm ổn là tìm cách “chuồn”. Họ sợ chết mà anh.
- Còn cậu, có sợ chết không, có tìm cách “chuồn” hay quay lại đơn vị?
- Không đời nào em làm cái việc hèn nhát ấy, phải quay lại đơn vị tiếp tục chiến đấu cho tới ngày giải phóng chứ.
- Nghe bản lĩnh gớm nhỉ?
- Còn phải nói. Đánh đấm em cóc sợ tụi Mỹ và bọn lính Sài Gòn, chỉ sợ không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Nếu không chết trước ngày giải phóng nhất định em phải có mặt ở Sài Gòn. Ngày ấy chắc là vui lắm anh nhỉ. Anh nói đang học Đại học Sư phạm thì nhập ngũ, có nghĩa là anh sẽ làm thầy giáo trong tương lai? - Thắng đột ngột gãi đầu vẻ ngượng nghịu, nó hạ thấp giọng - Anh Hùng… có thể dạy em học chữ được không? Em mới học lớp hai, giờ quên hết mặt chữ, mỗi lần nhận thư nhất là thư của bạn gái phải nhờ mấy đứa đọc hộ, xấu hổ lắm…
Sau buổi nói chuyện ấy, cứ sáng ra Thắng mang cuốn sổ nhỏ và cây bút qua lán của tôi để học chữ. Đã học lớp hai nên Thắng nhớ lại mặt chữ khá nhanh. Sau mười ngày tôi tận tâm chỉ dạy, Thắng đã viết thạo, chữ cũng khá đẹp và đọc sách, báo trôi trảy nên mừng ra mặt. Khi đọc thông viết thạo, một hôm Thắng nói với tôi:
- Anh cho phép em gọi anh bằng thầy được không? Lần này trở về đơn vị, mấy thằng trong trung đội em sẽ ngạc nhiên lắm và chúng không còn chọc em được nữa. Em cảm ơn thầy rất nhiều…
Hôm nay không thấy Thắng qua học, tôi biết nó đang háo hức muốn quay lại đơn vị. Nằm chờ y tá đến tháo bột, tôi bỗng nhớ đồng đội vô cùng, tôi nhớ rõ trận đánh đã làm tôi bị thương.
Kể từ ngày ta làm chủ đồi Tử Thần, bọn địch thiết lập những phòng tuyến kiên cố với số quân lên đến mấy trung đoàn, được hỗ trợ bởi pháo binh, xe tăng, xe thiết giáp và máy bay hòng ngăn chặn bộ đội Giải phóng đánh chiếm những phần đất còn lại của tỉnh Quảng Trị. Đích thân tướng quân lực Sài Gòn là Ngô Quang Trưởng ra tận mặt trận chỉ huy. Quảng Trị là cửa ngõ của Thừa Thiên - Huế, nếu để quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn tỉnh Quảng Trị đồng nghĩa với việc Thừa Thiên - Huế sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, xa hơn nữa, tụi chóp bu của quân đội Sài Gòn cũng muốn tổ chức những trận đánh lớn để giành đất hòng kiếm chút vốn để mặc cả với ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris nên những trận đánh giữa ta và địch diễn ra mỗi ngày càng khốc liệt.
Hôm ấy, trận đánh diễn ra tại một ngôi làng nhỏ phía tây huyện Hải Lăng. Ngay từ sáng sớm, binh lực Sài Gòn đã tổ chức tiến công. Hai bên giành giật từng ngôi nhà, mảnh vườn, nhiều khi chúng tôi chỉ cách tụi địch chừng mười mét. Ở trận này, bọn địch huy động tới bảy chiếc xe tăng, thêm mấy chiếc xe bọc thép cùng một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ. Hướng của tôi phụ trách, ba chiếc xe tăng ẩn sau những căn nhà bất ngờ gầm lên lao ầm ầm tới nhả đạn xối xả. Nép người vào một gốc cây, nâng khẩu B-41 lên, ngắm thật kĩ tôi siết cò... lắp tiếp quả đạn thứ hai, quả thứ ba... Ba quả cầu lửa phủ kín những chiếc xe tăng và đám thủy quân lục chiến phía sau. Lúc đầu, thằng địch ỉ số đông, ào lên như nước vỡ bờ nhưng phải khựng lại trước sự đánh trả quyết liệt của đại đội tôi. Đạn của hai bên đan chéo nhau tạo ra chuỗi âm thanh ghê rợn. Lẫn trong chuỗi âm thanh chết chóc ấy, tôi nghe tiếng anh Thành gọi giật giọng: “Hùng! Qua hỗ trợ cho hướng Trung đội 1, mấy khẩu chống tăng bên đó tiêu hết rồi”. Mặc cho các loại đạn rít chiu chíu trên đầu, băng qua mấy căn nhà đang cháy dữ dội tôi lao về hướng Trung đội 1, nơi binh lực Sài Gòn đang tràn lên như đám thiêu thân cùng bốn chiếc xe tăng, hai chiếc bọc thép. Đạn trên những chiếc xe tăng, 12 ly 7 trên xe bọc thép kéo từng vạch dài đỏ lừ rít lên nổ dữ dội xen giữa những loạt AK, ĐKZ và lựu đạn của bộ đội tạo ra những ánh chớp lửa nhoang nhoáng, đám cháy bùng lên khắp nơi, khói bụi mù mịt. Nâng khẩu B-41 lên vai tôi nghiến răng siết cò, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy khựng lại, lao vào một căn nhà, đưa khẩu B-41 qua ô cửa sổ... một chiếc tăng nữa bốc cháy. Vọt khỏi căn nhà, hướng quả đạn vào chiếc xe tăng thứ ba, bỗng mắt mũi tôi tối sầm đổ ập xuống, khẩu B-41 văng khỏi tay lăn ra xa, cảm giác lạnh toát trong người, cơn đau nhói lên tận óc khiến tôi run lên. Anh Hoàng lao tới, lật tôi ngửa lại, giọng gấp gáp:
- Bị chỗ nào vậy?
- Mảnh cối bắn khắp người… cái chân của em… hình như bị gãy.
Bỏ khẩu AK xuống, anh Hoàng lao tới khẩu B-41 của tôi. Ầm… Ầm. Hai tiếng nổ cách nhau chừng một phút, chiếc xe tăng còn lại quay tròn, chiếc bọc thép cháy dữ dội. Tôi lại nghe tiếng anh Thành hét khá to: “Thụ, Vinh, Hoàng… vòng trái…”.
Trận đánh diễn ra thêm nửa tiếng nữa mới kết thúc. Một trận đánh không cân sức, chênh lệch lực lượng thật khủng khiếp.
Tôi được mấy o du kích đưa vào hầm, gỡ những mảnh đạn cối trên người và sơ cứu vết thương. Toàn thân tôi lạnh toát, khát khô cổ. O y tá tên Hiền rót một chút nước vào chén ăn cơm đưa tôi. “Anh uống vậy thôi nghe, vết thương hở to quá uống nhiều nước lúc này không tốt”. Đưa hăng gô nước lên miệng, vừa đúng được hai ngụm, xin nữa nhưng o Hiền nhất quyết không cho đành nằm im.
Tiếng anh Thành hỏi mấy o du kích ngoài cửa hầm: “Khi nào đưa Hùng đi”. “Đầu giờ chiều mới đi được thủ trưởng ơi”. Tiếng ai đó trả lời anh Thành.
Bước vào hầm, anh Thành hỏi tôi với giọng đầy lo lắng:
- Ngoài cái chân còn bị chỗ nào nữa không?
- Mấy mảnh nhỏ ở bụng, ở ngực nhưng không sao, em chỉ lo cái chân... không biết khi nào mới lành.
- Về trạm nhớ yên tâm điều trị, không được nôn nóng nghe?
- Em biết rồi thủ trưởng. Trận này mình thiệt hại nhiều không anh?
- Khẩu đội ĐKZ đi hết, mấy cậu giữ B-40 hy sinh cả, súng cũng hư hỏng, may còn khẩu B-41 của cậu. Mười hai hy sinh, thương mười bốn, tổn thất nặng quá. Lát du kích sẽ đưa cậu về trạm, ráng giữ sức khỏe để mau trở lại nghe. Lực lượng của đại đội thiếu hụt nhiều, nhất là những người có kinh nghiệm, bổ sung toàn tân binh về, tớ lo quá!
Anh Thành đi khỏi, tôi nghe tiếng một bà mẹ hỏi mấy o du kích: “Tụi mi ăn uống gì chưa, đói không để mạ nấu cơm? Ngồi trong hầm nghe tiếng nổ ghê quá, chạy lên ngó thấy lửa khói ngút trời mạ cứ lo cho tụi mi nhưng thấy tiếng AK của bộ đội nổ đều cũng yên tâm”. “Mạ không phải lo cho tụi con, mạ ráng giữ gìn để tụi con có chỗ đi về là được”. Tiếng một o khác xen vào: “Cơm thì tụi con chưa đói, mạ còn bồ kết, nấu cho tụi con một nồi nước gội đầu tối tụi con về gội. Đầu tóc đứa nào cũng bê bết khô cứng như rơm cả rồi”. “Bồ kết còn, mạ sẽ nấu, nhớ về nghe con! Có đứa mô bị thương ở đây không, mạ vào thăm một chút”. “Có một anh đó mạ, tụi con chuẩn bị đưa về trạm, còn mười mấy anh ở hầm phía trên kia”.
Nghe bước chân nhè nhẹ vào hầm, một mái tóc bạc trắng xuất hiện, tôi chống tay cố ngồi dậy: “Con nằm im đó, không cần ngồi - Bà mẹ để hai tay lên vai tôi ấn nhẹ xuống không cho ngồi dậy - Bị thương chỗ mô?”. “Con bị gãy chân mạ à”. “Tội nghiệp tụi mi, không có thằng giặc, tụi mi đâu có cực như ri”. “Mạ lớn tuổi rồi, sao không rời khỏi vùng chiến sự, mạ ở đây lỡ có chuyện gì…”. “Mạ già rồi, chuyện sống chết không còn quan trọng. Mạ ở lại giúp được gì tụi mi mạ giúp, đánh giặc đâu phân biệt già hay trẻ. Mạ còn sức, còn làm được gì cho cách mạng thì làm”.
Nghe bà mẹ nói, tôi chợt nghĩ đến tính cách của phụ nữ Việt Nam, không bao giờ chịu khuất phục, run sợ trước kẻ thù. Tôi hỏi mạ: “Vậy bữa nay mạ ở một mình hay còn có ai không?”. “Từ bữa lũ giặc về đây lập chốt, dân làng bỏ nhà bỏ cửa chạy sạch chỉ còn dân quân du kích bám trụ chiến đấu, nếu mạ cũng bỏ đi, mấy đứa không có chỗ để về. Mạ thương mấy đứa du kích chỉ toàn con gái trong đó có con gái mạ nhưng… nó chết rồi! Cách đây mười mấy ngày, hai đứa từ cứ về bị tụi thám báo phục kích. Mồ tổ tụi thám báo, chúng quyết bắt sống. Hai đứa đánh trả tới lúc hết đạn, mỗi đứa cầm một trái lựu đạn nói tụi thám báo, nếu nhào vô sẽ cho chết chùm. Trước đó tụi thám báo đã bị hai đứa bắn chết mấy thằng nên sợ không dám nhào, chúng tức tối xả súng khiến người hai đứa nát bươm rồi bỏ đi. Mồ tổ lũ ác ôn! Mạ già rồi không còn cầm được súng, nếu không mạ cũng theo mấy đứa đi đánh giặc. Tội nghiệp con Dung, nó ngoan và hiếu thảo lắm”.
Nghe mạ nhắc tới tên Dung người bỗng gai lên, tôi vội hỏi mạ: “Mạ! Có phải o Dung có khuôn mặt trái xoan, nước da rám nắng và mái tóc rất dày, dài ngang lưng không ạ?”. “Răng con biết nó?” - Mạ hỏi tôi với vẻ rất ngạc nhiên. “Bữa con ở cứ hầm của con gần hầm của Dung và o Tuyết nên…”. “Rứa con là Hùng?”. “Dạ, con tên Hùng mạ”. “Chừ thì đúng rồi. Con Tuyết có nói với mạ về con, mạ hỏi Dung nhưng nó chỉ cười. Trước hôm chúng hy sinh vài bữa, hai đứa còn về thăm mạ. Thương lắm, nhiều đêm không ngủ vì nhớ chúng, mạ lại khóc”.
Nghe mạ kể, người tôi run lên, hai mắt cay xè, cổ tắc nghẹn không nói nên lời. Thấy tôi quá xúc động, mạ an ủi: “Con đừng buồn nữa, chiến tranh mà. Con yên tâm đi chữa vết thương, khi trở về trả thù cho chúng. Mạ chỉ có nó là con gái, mấy thằng anh nó cũng theo bộ đội hết, bố chúng chết vì bom của thằng Mỹ đã mấy năm, giờ mạ chỉ có một mình”. “Mạ!... cho con làm con của mạ được không?”. “Lạy Phật! Có được đứa con như mi sao mạ không ưng chứ...”.
Đang miên man với những ký ức buồn, tiếng gọi đột ngột của cô y tá làm cắt ngang dòng suy nghĩ.
- Anh Hùng đi tháo bột nghe.
Tôi ngồi dậy, chống nạng đi theo cô y tá...
Mất chừng nửa tiếng, tảng bột cứng đơ ở chân đã được gỡ bỏ. Nhìn cái chân trắng nhởn, vết thương đã kéo da non, bác sĩ Huân cười rất tươi nói với tôi:
- Chúc mừng em, vết thương rất tốt, chỉ cần chịu khó tập luyện em sẽ sớm được trở lại đơn vị, nhưng trong thời gian tập luyện phải hết sức kiên trì, thận trọng và nhẹ nhàng biết chưa?
Nghe bác sĩ Huân nói vậy khiến tôi quá vui sướng, nước mắt bỗng trào ra không sao kìm giữ được. Vậy là tôi sớm có thể trở lại đơn vị, trong đầu, hình ảnh những o du kích tất tả chăm sóc thương binh, hình ảnh mạ của Dung luôn có mặt sau mỗi trận đánh và hình ảnh những đồng đội đang căng mình trên chiến trường cùng những trận đánh dữ dội lại hiện về...