“Anh vẫn hành quân/ Chưa bị cưa chân nào/ Nếu bị cưa anh báo/ cho em đi lấy chồng - Ò e e e í, í e ò e í...”.
Nghe giọng hát tếu táo của Thắng theo giai điệu bài hát “Anh vẫn hành quân” của nhà thơ Trần Hữu Thung được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc nhưng bị ai đó chuyển lời khiến tôi bật cười. Thắng vừa hát vừa nhảy chân sáo tới chỗ tôi. Nhìn điệu bộ, khuôn mặt tươi rói, ánh mắt sáng lên của nó tôi biết Thắng đang rất vui liền chọc:
- Hình như mới nhận được thư của người yêu đúng không? Nhìn chú mày vui quá làm tớ cũng thấy yêu đời.
- Hi hi, anh Hùng biết không, ngày mai em được trở về đơn vị rồi không vui sao được. Anh có thấy trong cái rủi nhiều khi lại gặp may. Rủi là vì em mới vào trận chưa bao lâu đã bị thương, may là em được gặp anh, từ nay em có thể tự viết thư cho gia đình, trả lời thư của bạn gái, chắc bạn gái em sẽ vui lắm. Thú thật với anh, bạn gái em cũng đang học lớp sư phạm bảy cộng ba đấy. Khi cô ấy ra trường đi làm cô giáo chả khối thằng theo đuổi ấy chứ… nên sợ cô ấy sẽ bỏ em, biết thế nào được lòng dạ đàn bà, đúng không anh?
- Sao cậu nghĩ xấu về phụ nữ thế, phải tin tưởng vào tình yêu của mình chứ. Phụ nữ Việt Nam vốn rất chung thủy, những người lẳng lơ ong bướm, hay thay đổi lòng dạ không có nhiều.
- Em cũng biết vậy nhưng vẫn cứ lo. Chúng em ở cùng thôn, thân nhau từ nhỏ, khi lớn lên rồi yêu nhau khi nào không biết nhưng - Thắng bỗng chùng xuống, im lặng một lúc rồi nói tiếp - Em ở đây biết sống chết thế nào, hơn nữa cô ấy sẽ làm cô giáo mà em thì… mù chữ!
- Mù chữ thì sao chứ.
Anh Tống, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn tôi đi ngang nghe Thắng nói vậy liền xen vào:
- Tớ cũng mù chữ đây. Tớ đã có vợ, hai con mà khối em còn theo gạt đi không hết kìa. Cậu còn trẻ sao bi quan vậy. Cứ đánh giặc giỏi vào, huân chương đeo đầy ngực là khối con gái theo.
Anh Tống vừa nói vừa đến chỗ chúng tôi cùng trò chuyện. Ngồi xuống chiếc giường ghép cây rừng, xếp chân bằng tròn anh hỏi tôi:
- Cậu ở đại đội nào, tên gì?
- Dạ, em ở Đại đội 1, tên Hùng.
- A! Có phải Hùng đã qua phối hợp với trinh sát ít bữa đúng không?
- Dạ đúng, thưa thủ trưởng.
- Tớ có nghe nói về cậu, khá lắm chàng trai - Anh quay qua Thắng - Còn cậu, lính mới tò te đúng không, đại đội nào?
- Báo cáo, em Đại đội 2 thủ trưởng. Em mới vào trận được ít bữa thì…
- Chuyện đó cũng thường thôi. Khi vào trận, hy sinh, bị thương là chuyện hết sức bình thường. Các cậu xem đây… - Nói rồi, anh Tống kéo áo lên, một vết sẹo to đùng ở mạng sườn trái, một ở sườn phải thêm một vết ở đùi. Vết thương mới nhất buộc anh phải nằm đây cùng chúng tôi là ở bả vai trái, anh nói tiếp - Vết này do viên 12 ly 7 từ xe bọc thép. May mà nó chỉ làm vỡ bả vai, viên đạn lệch phải mười phân nữa coi như “cắt hộ khẩu” vĩnh viễn. Hãy quên chuyện bị thương đi, tình hình ngoài chiến trường đang có nhiều thuận lợi cho ta, thằng Mỹ đã phải ký tắt hiệp định đình chiến. Trở lại đơn vị, các cậu hãy chiến đấu thật tốt. Mỹ sẽ rút quân khỏi miền Nam, Thiệu, Kỳ cùng đám tướng tá của chúng thì đa phần thích kết bè phái, tham quyền và tham nhũng, ăn chơi khét tiếng, với một chính quyền như thế, không chóng thì chầy cũng bị chúng ta đập tan, ngày các cậu được về với mẹ không còn xa nữa đâu. Tớ đã tám năm trong quân ngũ cũng muốn về với gia đình, vợ con lắm chứ nhưng phải đánh nhào chế độ tay sai Thiệu, Kỳ cái đã. Tớ đã trải qua bao trận đánh, bao nhiêu lần bị thương, bị sốt rét ác tính hành hạ, không hiểu sao tớ vẫn thoát chết.
- Em cũng không sợ chết - Thắng cắt lời anh Tống - Nhưng chết trước khi giải phóng Sài Gòn thì tiếc lắm thủ trưởng ạ.
Nghe Thắng nói, anh Tống đột ngột hỏi chúng tôi:
- Các cậu có tin vào số phận không? - Hỏi chúng tôi nhưng ngay lập tức anh tự trả lời - tớ thì tin con người ta sống chết đều có số.
Nghe tiểu đoàn phó nói chuyện, những cậu chiến sĩ nằm ở cuối dãy lán cũng kéo tới góp vui. Một cậu có dáng người thấp đậm, nước da bánh mật, khắp đầu cuốn băng trắng chỉ hở hai con mắt, nó nhảy lên giường ngồi cạnh anh Tống rồi hối:
- Thủ trưởng kể chuyện gì vui vui cho chúng em nghe đi.
- Đúng rồi đấy, thủ trưởng nói chuyện tình hình chiến sự cho tụi em nghe với...
Nghe cánh lính hối thúc, anh Tống gật gù rồi nói:
- Được rồi, tớ sẽ kể chuyện về số phận cho mà nghe. Các cậu đã nghe chuyện chết vì cua cắp chưa?
- Dạ chưa.
- Em chưa nghe bao giờ...
Anh Tống hắng giọng rồi bắt đầu câu chuyện:
- Ở làng tớ có một người đàn ông trung tuổi chuyên làm nghề bắt cua, một buổi trưa tháng sáu nóng như đổ lửa, ông ta bận mỗi cái quần đùi mang theo cái giỏ ra đồng. Vừa ra tới đầu làng ông ta gặp một ông thầy bói, ông thầy bói chặn ông ta lại rồi nói: “Số nhà anh sẽ chết vì cua cắp, nếu anh bỏ nghề bắt cua, sửa một cái lễ, lên chùa nhờ sư thầy cúng vong giải hạn thì may ra mới thoát kiếp nạn”. Nghe thầy bói phán, người đàn ông đi bắt cua trợn mắt quát: “Lão đừng có ăn nói hàm hồ mê tín dị đoan, tôi không tin cua có thể cắp chết người, rõ vớ vẩn! Vừa ra ngõ đã gặp ông ám! Bói với chả toán. Có mà bói mò ấy! Tôi mà không chết ông phải “bói bù” cho tôi nghe chưa? Đúng là xui xẻo! Tránh ra cho tôi đi”. Ông thầy bói nhìn người đàn ông đi bắt cua lắc đầu, miệng lẩm bẩm: “Mô Phật. Nghiệp chướng, nghiệp chướng, rồi nhà ngươi sẽ chết không kịp hối”. Nói xong ông thầy bói tránh đường cho người đàn ông ra đồng. Giữa cánh đồng chang chang nắng, nước ruộng nóng rát chân, cua cá chui vào các hang hốc ở bờ ruộng trú nắng nhiều vô kể, mất chừng mười lăm phút, ông ta đã bắt được một giỏ đầy nhóc cua, con nào con đó to như nắm tay. Khi chiếc giỏ không thể bỏ thêm, ông ta giắt quanh cạp quần. Cạp quần cũng đã đầy cua không thể giắt được, ông ta lên bờ ngồi bệt xuống gỡ từng con, dùng những cọng rạ buộc chân lại, xâu vào nhau. Trong khi gỡ cua khỏi cạp quần, chiếc cạp quần bất ngờ bung ra, hai con cua lọt vào đúng chỗ “cần tăng dân số”. Ông ta vội thò tay vào bắt con cua ra. Khốn nạn, một con giương hai càng cắp ngay hai “viên bi”. Ông ta thét lên đau đớn, tay giật mạnh con cua ném xuống đồng nhưng khổ nỗi, hai chiếc càng cua to và sắc như hai chiếc răng lợn rừng gãy rời khỏi mình cua vẫn cặp chặt hai “viên bi” khiến ông đau đớn tột cùng. Cơn đau dội lên tận óc làm ông ta ngất xỉu té nhào cắm đầu xuống ruộng nước nóng bỏng... Khi dân làng phát hiện ra, xác ông ta đã cứng đơ, hai cái càng cua vẫn cắm chặt vào hai “viên bi” của ông ấy.
Nghe anh Tống kể, đứa thì bật cười, có đứa xuýt xoa:
- Đúng là sống chết có số thật thủ trưởng ha.
Anh Tống kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi:
- Chuyện là vậy đấy, giờ các cậu có tin vào số là có thật không? Nếu các cậu tin thì khi ra trận cứ oánh cho hăng, sống chết có số mà, đúng không ha ha.
Mấy cậu lính trẻ nhao nhao:
- Em cũng tin là có số thủ trưởng ạ.
- Đúng vậy, giầy dép còn có số huống chi con người.
- Thủ trưởng còn chuyện gì hay kể tiếp cho bọn em nghe đi.
Nghe mấy cậu lính năn nỉ, anh Tống nhìn đồng hồ rồi nói:
- Chuyện thì tớ còn nhiều, kể một tháng cũng không hết nhưng tới giờ cơm rồi, đi ăn đã. Khi nào rảnh tớ lại kể cho mà nghe.
- Thủ trưởng hứa rồi nha - Cậu lính băng kín đầu lên tiếng - Ăn cơm xong thủ trưởng tiếp tục kể nghe?
- Được rồi, ăn xong tớ sẽ kể tiếp!
Nói rồi, anh Tống đứng dậy, chúng tôi vui vẻ cùng thủ trưởng đi tới lán ăn.