Mới sáng sớm, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đại đội tôi ai nấy đều bàng hoàng trước cái tin đế quốc Mỹ đem B-52 ra đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác của miền Bắc. Từng tốp các chiến sĩ tụ tập trong những căn nhà đổ nát, dưới công sự rì rầm bàn tán, sự căm thù hằn lên từng khuôn mặt.
Đại đội tôi có tới ba phần tư là người Hà Nội và Hải Phòng. Hàng ngày, sau mỗi trận đánh cánh chiến sĩ lại vô tư cười đùa, kể chuyện tiếu lâm nhưng hôm nay, tất cả đều trầm hẳn. Thằng Hiếu nhà ở quận Đống Đa, tính vốn bộc trực nóng nảy, yêu ghét rõ ràng và rất dễ xúc động, nó cứ đi đi lại lại khuôn mặt nặng như đeo đá, đôi mắt vằn đỏ những tia máu, miệng liên tục chửi thề:
- Mả cha lũ ác ôn, đúng là lòng dạ của bọn đế quốc, không thắng được trên chiến trường thì quay ra cắn trộm. Mả cha thằng Ních-xơn, nhà bố mà trúng bom bố sẽ chửi mày đủ một năm ba trăm sáu mươi ngày!
Nghe thằng Hiếu chửi, mặc dù tất cả chúng tôi đều đang rất lo cho miền Bắc, tức giận lão tổng thống Mỹ nhưng cũng phải phì cười. Thằng Du người Ba Đình còn hùa theo kích thêm:
- Phải đấy, mày cứ chửi đi, lôi hết tổ tông dòng giống nhà lão Ních-xơn ra mà chửi để xem lão ta có ăn ngon ngủ yên được không. Lão tổng thống này ác không kém gì Hít-le, dám mang B-52 đánh vào giữa Thủ đô nơi dân cư đông đúc. Đúng là tâm địa của bọn đế quốc.
Thằng Vân nhà ngay cảng Hải Phòng từ nãy ngồi trầm ngâm chẳng nói gì, đột ngột quay qua hỏi tôi:
- Anh Hùng, anh là cán bộ trung đội lại học cao, anh cho em hỏi, tại sao thằng Mỹ lại đem B-52 ra đánh miền Bắc lúc này khi chúng đang thua đau trên khắp các chiến trường.
Nghe Vân hỏi tôi cũng hơi bối rối, suy nghĩ một hồi tôi trả lời nó:
- Nước Mỹ vốn là cường quốc số 1 của thế giới, nó chưa chịu thua nước nào, nếu thất bại trước một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu như Việt Nam mình, điều này đánh thẳng vào lòng tự tôn dân tộc của chúng. Các cụ ta có câu nói rất hay: Chó cùng rứt giậu. Trâu lấm vẩy càn. Thằng Mỹ đang bị thua đau trên chiến trường, cả trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, chúng muốn dùng sức mạnh công nghệ để thị uy hòng gỡ lại chút danh dự trước khi giãy chết. Tổng thống Mỹ tuyên bố, sẽ đưa miền Bắc nước ta trở về thời kỳ đồ đá. Với lời tuyên bố ngạo mạn ấy có thể chúng nghĩ, khi đánh phá hủy diệt những thành phố, những công xưởng xí nghiệp và các nhà máy lớn của miền Bắc sẽ làm tê liệt nền kinh tế, đánh nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, chúng hy vọng sẽ lật ngược thế cờ trên bàn đàm phán và trên chiến trường. Nhưng theo tớ, nếu chúng nghĩ vậy thì đã lầm. Lịch sử dựng và giữ nước cả ngàn năm của dân tộc ta chưa khi nào chịu khuất phục trước những kẻ thù hùng mạnh, từ Mông Nguyên, Minh Thanh... và gần nhất là người Pháp. Trận Điện Biên Phủ đã dạy cho tụi đế quốc bài học xương máu, vậy mà lão Ních-xơn vẫn chưa sáng mắt, tiếp tục bước vào vết xe đổ của người Pháp. Song tớ tin rằng, người Mỹ cũng sẽ chịu chung kết cục như người Pháp thôi, sớm muộn cũng phải đền tội trên bầu trời Hà Nội. Ngay trận đánh đầu tiên đêm qua, hệ thống phòng không của ta đã hạ mấy chiếc tiêm kích và cả B-52. Theo tớ nghĩ, nhất định chúng ta sẽ thắng.
Tôi vừa dứt lời, cánh lính vỗ tay rào rào đầy phấn khích. Thằng Học người phố Lò Đúc đứng lên vỗ tay rất to rồi khen:
- Anh Hùng nói cứ như chính ủy trung đoàn ấy, đúng là học cao cũng khác. Bọn em thì chẳng hiểu gì.
- Thôi đi thằng quỷ - Tôi nghiêm mặt - Đừng có tâng bốc. Tớ chỉ nghĩ sao nói vậy. Tớ cũng đang lo cho gia đình lắm đây, không biết người Mỹ sẽ còn dùng B-52 đánh Hà Nội đến khi nào. Để trả thù cho Thủ đô, cho nhân dân những thành phố bị bom Mỹ đánh phá, từ nay, trên chiến trường chúng ta phải quyết tâm đánh thật mạnh, đập tan ý đồ điên cuồng của người Mỹ và cả cái chính phủ bù nhìn miền Nam. Tất cả chúng ta phải đồng lòng, quyết tâm giữ vững tinh thần…
Tôi đang tiếp tục câu chuyện thì pháo địch cấp tập bắn tới.
- Tất cả về vị trí chiến đấu.
Tôi hét to rồi nhảy xuống công sự. Các chiến sĩ cũng nhanh chóng về vị trí chiến đấu của mình.
Sau những loạt pháo, một cánh quân của binh lực Sài Gòn đã ào ạt đánh tới. Trận đánh diễn ra chừng một tiếng đồng hồ. Bọn địch bị chúng tôi đánh thiệt hại nặng nề, xác mấy chục tên lính thủy đánh bộ chết nằm khắp nơi khi chúng tôi phản công. Đại đội tôi hy sinh mất sáu người, trong đó có anh Tánh, Chính trị viên đại đội. Thật đau xót. Anh Tánh mới về thay anh An hy sinh trong trận đồi Tử Thần.
Thời gian tôi nằm ở bệnh xá, các đồng chí lãnh đạo của tiểu đoàn tôi hy sinh và bị thương gần hết, anh Thành được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng. Anh Nguyễn Hoàng thay anh Thành làm đại đội trưởng đại đội tôi. Các chiến sĩ trong đại đội đa phần là lính mới bổ sung, tôi còn chưa nhớ hết tên. Danh sách cán bộ, chiến sĩ hy sinh của đại đội cứ ngày một nối dài trên vùng đất lửa này.
Trận đánh vừa kết thúc, cánh chiến sĩ lại tụ tập bàn tán chuyện B-52 đánh Hà Nội. Căng chiếc võng ở một góc vườn sau căn nhà đổ nát, tôi nằm miên man nghĩ về gia đình. Không biết giờ này bố mẹ, các chị tôi đang làm gì? Tôi nhớ Quỳnh, cô bạn học cùng phố. Liệu máy bay Mỹ có đánh vào khu phố của tôi? Chưa bao giờ người ở tiền tuyến lại lo cho người ở hậu phương như lúc này.
- Anh Hùng đi ăn cơm thôi.
Tiếng gọi của Hiếu cắt ngang dòng suy nghĩ, tôi rời chiếc võng lững thững đi về phía những chiến sĩ đang nhận phần cơm từ anh nuôi. Vừa thấy tôi, cậu Tuệ, anh nuôi mắt đỏ hoe mếu máo:
- Anh Hùng… anh Tân...
- Tân làm sao, cậu nói đi!
- Anh Tân... hy sinh rồi!
- Cậu nói cái gì? Hy sinh khi nào?
- Cái lúc pháo bắn cấp tập ấy. Anh Tân và thằng Bé đang khiêng nồi cơm xuống thì… cơm và máu, thịt của anh Tân và thằng Bé trộn chung với nhau văng khắp nơi. Khi ấy em vừa ra khỏi hầm nếu không... em cũng “đi” rồi. Tụi em phải nấu nồi cơm khác nên mới lâu vậy!
Mắt tối sầm, toàn thân run lên, tôi ngồi bệt xuống. Mấy cậu lính trong trung đội thấy vậy xúm lại ngồi xung quanh, thằng Tuệ nói:
- Khi nào em mang chiếc ba lô của anh Tân cho anh nghe.
Tôi đưa mắt nhìn mọi người, chẳng thấy đứa nào ăn cơm.
Tất cả các chiến sĩ trong đại đội tôi hầu như ai cũng biết tôi và Tân là bạn thân cùng ra đi từ trường đại học.
Cách đây vài hôm, Khẩu đội cối 82 của Bình cũng trúng đạn pháo, thằng Kiên hy sinh tại chỗ, Bình bị thương nặng được đưa về tuyến sau không biết sống chết ra sao. Vậy là ước mơ của thằng Kiên rằng, ngày giải phóng cả sáu đứa chúng tôi sẽ có mặt ở Sài Gòn đã không thể thực hiện. Nghĩ lại ngày nhập ngũ, cả sáu thằng háo hức như đi trẩy hội, nay chỉ còn mình tôi. Nếu còn sống trở về, tôi sẽ nói gì với những người thân của chúng nó đây? Nỗi đau cứ dâng lên làm cổ họng tắc nghẹn.
- Anh Hùng… bình tĩnh lại đi, anh làm em cũng muốn khóc đây này!
Nghe thằng Du nói, cố trấn tĩnh tự nhủ lòng, không thể làm ảnh hưởng tới tinh thần của các chiến sĩ, tôi đứng dậy nói cứng:
- Tớ không sao, các cậu ăn cơm đi.
Cầm nắm cơm, tôi lặng lẽ trở về võng trong tâm trạng vô cùng nặng nề. Nằm xuống võng, gác khẩu súng trên bụng, mở nắm cơm cắn một miếng thấy đắng ngắt, cảm giác như miếng cơm có cả máu của thằng Tân nên không sao nuốt nổi. Nhắm nghiền đôi mắt, hình ảnh Hòa, Tân, Bình, Kiên, Dũng lại hiện về.
Thằng Hòa học giỏi nhất trong nhóm lại chín chắn, nó nói gì tụi tôi cũng nghe. Khi ấy, gia cảnh đứa nào cũng nghèo khó nhưng cứ đều đặn mỗi tuần một lần, thằng Hòa xin bố mẹ vài cân gạo, đổi ra bánh mì chia cho chúng tôi lót dạ bữa sáng. Thằng Tân thì tếu táo luôn pha trò giúp cả nhóm vui vẻ. Thằng Bình thường chủ động tìm những địa điểm đặc biệt của thành phố để mỗi cuối tuần chúng tôi lại cùng nhau đi khám phá. Thằng Dũng thì như cái máy, cả ngày im thin thít lặng lẽ làm việc chẳng mấy khi tranh luận hay tham gia góp ý bất cứ điều gì. Còn thằng Kiên, hay nói và nói rất nhiều, chuyên chọc phá mọi người, đùa thì dai như đỉa, bị cả nhóm gán cho biệt danh “ngài bầy hầy”. Sáu thằng chúng tôi là sáu tính cách hoàn toàn khác nhau nhưng chúng tôi thân nhau như ruột thịt. Vui và háo hức nhất với cả nhóm là những ngày rằm, những ngày lễ lớn của đất nước và ngày tết. Sáu đứa kéo nhau lần lượt đi hết nhà của nhau. Đến nhà nào, chúng tôi trở thành con của gia đình ấy, mỗi thằng một chân một tay lo giúp việc nhà, nấu ăn rồi cười đùa, chọc ghẹo nhau khiến không khí gia đình vui nhộn ấm cúng hẳn. Vào bữa ăn, mặc dù bữa cơm rất đạm bạc nhưng trong suốt bữa, không khi nào ngớt tiếng cười. Khi chúng tôi trở lại trường, những bà mẹ thường bọc thêm cho rất nhiều thức ăn mang theo nên cả nhóm luôn mong chờ những ngày lễ, tết để được về ăn uống thỏa thích.
Với mẹ của Dũng, cứ vào ngày rằm mùng một hằng tháng, mẹ lại làm bánh trôi nước và bánh dẻo rồi nhắn lên trường nói chúng tôi về ăn. Mẹ thường phần mỗi thằng một một bát đầy. Những viên bánh trôi trắng phau làm từ bột gạo nếp cái hoa vàng nặn nhỏ như những viên trứng chim bồ câu, khi ăn, hương nếp dẻo thơm, một chút vị gừng quyện với đường kính ngọt lịm. Với tôi, món bánh trôi của mẹ Dũng khi ấy là món ngon nhất thế giới. Khi mấy đứa trở lại trường bao giờ mẹ cũng bọc một bọc bánh dẻo bắt mang theo. Mẹ thường dặn: “Các con muốn ăn bánh trôi, bánh dẻo thì cứ nói với Dũng, mẹ sẽ làm cho mà ăn”. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và nghĩ rằng, sáu đứa chúng tôi sẽ không bao giờ có thể tách rời nhau được dù vật đổi sao dời. Vậy mà…! Đau xót vô cùng khiến tôi không thể chịu đựng, toàn thân như có ngàn mũi dao chích vô khiến người rung từng chập!
Mặc cho nước mắt chảy tràn trên mặt, tôi nằm bất động trên võng, sự buồn đau mệt mỏi làm tôi thiếp đi khi nào không hay.