J
iro bảo tôi hãy về trước.
Chúng tôi đang ở trên tầng cao nhất của tòa nhà chính phủ ở Kanazawa. Jiro và tôi đến đây để đề nghị ủy ban tỉnh xem xét đầu tư vào một dự án chúng tôi muốn cùng thực hiện: xuất bản một tập sách về các nghệ nhân vùng Yamanaka, những người đang cung cấp sản phẩm cho ryokan của Jiro. Jiro chịu trách nhiệm về các nghệ nhân, còn tôi đảm nhận phần viết.
Cậu con trai Nick của tôi hiện đang ngồi chờ dưới gian tiền sảnh khổng lồ, mái vòm cong cao đến mười hai tầng, những hành lang dài thông thoáng chạy khắp xung quanh. Từ đây có thể nghe được tiếng bước chân vọng lên từ phía dưới, thường là tiếng chạy gấp gáp. Hàng cửa sổ ở sảnh cao đến vài tầng. Tầm nhìn rộng mở dù chẳng có gì nhiều để ngắm: một bãi đậu xe lớn chật kín những chiếc xe hơi bóng loáng, lau chùi sạch sẽ tới mức tưởng như mới mua, xa xa ở phía đông, hướng mặt về phía rặng núi thấp là con đường rộng hai làn xe, một cửa tiệm 7-Eleven và một quán ăn sáng sủa.
“Đúng vậy,” Jiro hạ giọng, “chúng tôi có mấy vấn đề hành chính cần bàn. Nếu được thì anh quay lại sau nhé.”
Jiro đã nhắc trước cho tôi việc này, cũng như hướng dẫn tôi cách trả lời : “Vâng, tôi hiểu.” Một câu thoại đã tập sẵn, vị lãnh đạo tỉnh cũng biết thế.
Biết trước sẽ có tình huống này, tôi đã nghĩ trước đó xem nên làm gì trong lúc Jiro tham dự cuộc thảo luận.
Bảo tàng D.T. Suzuki cách chỗ này không xa.
Suzuki là người có công phổ biến Phật giáo Thiền tông ở phương Tây. Tôi đã đọc một số tác phẩm của ông.44
44. D.T. Suzuki (1870-1966) là một nhà văn, nhà triết học người Nhật, có vợ là người phương Tây.
Tôi có nói trước với Jiro là muốn ghé thăm bảo tàng, nên anh ta bảo tài xế chở cha con tôi tới đó.
Bảo tàng do kiến trúc sư Yoshio Taniguchi thiết kế. Ông cũng là người thiết kế lại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MOMA) ở New York. Dana Buntrock, một học giả lỗi lạc về kiến trúc Nhật, miêu tả Taniguchi là “bậc thầy của trường phái tối giản”. Các công trình của ông là bằng chứng rõ rệt nhất cho phong cách này.
Tôi và Nick vốn không biết đến danh tiếng của Taniguchi, cha con tôi cũng không phải là chuyên gia kiến trúc, nhờ thế những gì chúng tôi cảm nhận được lại càng ấn tượng hơn. Chúng tôi tham quan bảo tàng không phải bằng tâm thế đánh giá hay đã biết sẵn từ trước. Bước vào thế giới do Taniguchi sáng tạo, chúng tôi gần như cảm nhận được điều mà vị kiến trúc sư muốn chúng tôi cảm nhận. Chúng tôi ở đây vì Suzuki, chứ không phải vì tòa nhà chứa đựng các tác phẩm của ông.
Đi qua một cánh cửa đơn giản, thêm vài bước, chúng tôi tới trước quầy bán vé. Mua vé rồi, chúng tôi được phát một tờ rơi nhỏ in bản đồ tham quan bảo tàng.
Mang theo tâm hồn thư thái, cha con tôi dạo bước qua từng phòng, ngắm nghía các bản thảo viết tay, các bức ảnh chụp được trưng bày trong hộp kính hoặc gắn trên tường, và được sắp xếp theo trình tự thời gian để khách tham quan đi qua hết cuộc đời Suzuki. Không gian trống trải lại càng giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn.
Đi tới một khu vực nằm ngay ngoài tòa nhà chính của bảo tàng mang tên “Không gian suy tưởng và Vườn thủy kính”, cha con tôi như cảm nhận được một điều gì đó lạ lùng và sâu sắc hơn. Không gian suy tưởng là một gian phòng hình vuông có cửa sổ ở bốn mặt, tầm nhìn hướng ra một khu vườn. Trong phòng không còn gì khác. Trống trải là điều chân thật nhất trong không gian này. Ta ngồi xuống băng ghế gỗ, nhìn ngắm xung quanh trong im lặng.
Chúng tôi ngồi đó một hồi lâu, về sau Nick bảo tôi rằng đây là bảo tàng đẹp nhất nó từng thấy. Thằng bé đã được tham quan rất nhiều bảo tàng, tôi cũng không rõ nó yêu thích điều gì nhất ở nơi này.
Nó nói về sự trống trải. Bước vào một nơi chẳng có gì, rồi cảm nhận được nơi đó chứa đựng mọi điều mang đến hạnh phúc.
Cha con tôi không hề bị đánh lừa trước thiết kế trống trải thiếu vắng nội thất của bảo tàng: từng đường nét dài thanh mảnh, từng phiến đá, từng góc sáng, từng hoa văn trên sàn, tất cả đều mang nét đặc trưng, chủ định khơi gợi cảm xúc.
Trống trải, nhưng hỡi ôi, một sự trống trải tuyệt diệu!
Khi lái xe đón chúng tôi về chỗ Jiro, anh ta có thể nhận ra cha con tôi vui thế nào qua nét mặt. Chúng tôi không cần phải nói gì cả.
Jiro bảo “Mừng là hai cha con đã thích bảo tàng ấy.”
Lữ quán ryokan của anh ta cũng tận dụng tối đa sự im lặng và trống trải tương tự như ở bảo tàng Suzuki. Không có thứ gì trên tường. Không gian tối giản. Gần như đứng đâu trong ryokan ta cũng thấy được vườn tược, rừng cây bên ngoài. Không có nhu cầu hay mong muốn nào bị ảnh hưởng. Cũng không có nhu cầu hay mong muốn nào được nhắc đến. Đó chỉ là một cách để chấp nhận rằng chúng ta đang kề cận chốn hư không, và cái hư không ấy nói lên rằng chúng ta chỉ đang tồn tại tạm bợ giữa cuộc đời.
Gần đó có một lữ quán nữa tên là Beniya Mukayu, cái tên nói lên quan điểm của người Nhật về cách sử dụng không gian. Sachiko Nakamichi, chủ nhân lữ quán cùng với chồng là Kazunari, cho tôi biết “mukayu” ít nhiều có thể hiểu là “vạn sự giai không”. Những gì ta thấy ở ryokan của bà cũng chỉ là những bức tường trống trơn và sự im lặng.
Nhiều năm làm việc ở Nhật đã khiến tôi thay đổi quan điểm về cách sử dụng không gian cho ngôi nhà ở Mỹ. Như nhiều người Mỹ khác, tôi có xu hướng giữ đồ đạc lại làm kỷ niệm. Mặc dù những món đồ đó hiện tại có rất ít, hoặc chẳng có tí công dụng nào, tôi vẫn không đành lòng vứt đi.45
45. Nếu bạn đang nghĩ đến Marie Kondo thì sumimasen, xin hãy chờ một chút đi ạ.
Làm sao tôi có thể vứt đi cái áo phông của ban nhạc Clash hồi năm 1981? Mùa hè năm đó tôi đã đi xem họ biểu diễn những ba lần, một lần ở công viên Asbury cùng Mary, cô em của người bạn gái cũ. Nếu vứt cái áo đi thì tôi đã vứt luôn một phần đời mình rồi, đúng không?
Phòng làm việc của tôi chất đầy, từ sàn tới trần, những mẩu tin cắt ra từ các tờ báo hoặc tạp chí nói về các sự kiện quan trọng trên thế giới, những bài báo tôi viết hồi còn học đại học, những quyển sách tôi mua nhưng chưa đọc bao giờ. Rồi nón, rồi giày, mấy thiết bị nho nhỏ, mấy đồ lưu niệm, đồ trang trí đủ loại. Mỗi món đồ đều chứa đựng một kỷ niệm của tôi.
Chẳng hạn như bức tượng đất sét hình người hippie nhỏ xíu cầm tấm bảng GẠT BỎ CĂM HỜN. Lần đó mẹ tôi và tôi tới chơi một nhà nọ, mẹ con nhà đó chuyên bán những món đồ mà chúng tôi hay gọi là “sản phẩm độc lạ”. Mẹ tôi muốn lấy mấy món để làm quà tặng. Cậu con trai nhà đó ăn mặc và trang điểm như phụ nữ, một điều tôi trước đó chưa từng thấy. Ngày hôm ấy chúng tôi đã có một buổi chiều không thể nào quên.
Hoặc cái hộp thiếc đỏ đựng xì gà tôi mua trong chuyến đi Hà Lan với cha cách đây lâu lắm rồi. Ông thuê một chiếc xe, đưa tôi bản đồ rồi giao cho tôi nhiệm vụ cầm lái. Ông không quan tâm đến đích đến, chỉ cần tìm thấy một khách sạn nhỏ còn phòng cho buổi trưa là được.
Nếu vứt bỏ những thứ này, liệu tôi có quên luôn con người mình trước đây và những ai từng đi qua đời mình không?
Chậc, có thể đây chính là mục đích. Buông bỏ có lẽ là một quyết định tốt. Sống tiếp. Rồi tôi sẽ gắn bó với thực tại hơn. Những vật lưu niệm gợi nhắc ký ức chỉ cản bước ta chấp nhận hiện thực.
Tôi sợ cái gì ở hiện tại? Tại sao phải quay đầu nhìn lại quá khứ?
Đừng nhìn lại nữa.
Tôi cũng nghĩ về những thứ mình muốn, những thứ mình sẵn sàng làm để có được. Tôi sẽ từ bỏ thứ gì để có được nhiều hơn? Tôi đặt ra yêu cầu gì cho bản thân, yêu cầu nào tôi phải tuân theo để đạt được nhiều thứ nữa? Tôi cần bao nhiêu thứ?
Làm sao biết được khi nào thì có đủ?
Càng nghĩ, tôi càng nhận ra mình muốn ít đi. Tôi hạnh phúc hơn không chỉ vì có ít đi mà còn bởi tôi không còn quá ham muốn nữa.
Nhận thức ấy không đến chỉ sau một đêm, mà là cả… Bao nhiêu nhỉ? Hơn nửa thập kỷ. Nhưng một khi chấp nhận được sự thật đó thì tôi bắt đầu thay đổi.
Tôi đến cửa hàng văn phòng phẩm, mua về sáu thùng nhựa trong cỡ lớn, bỏ tất cả món đồ vụn vặt vào rồi tạm thời cất trong nhà kho. Tôi hứa một ngày nào đó sẽ xử lý chúng. Hứa đó!
Bức tượng bán thân tí hon của Abraham Lincoln, mô hình quả địa cầu hồi còn đi học, cả trăm tấm thẻ ghi chú với nét chữ không còn đọc nổi... Nhưng tôi cũng vứt bỏ rất nhiều thứ. Số thứ vứt đi còn nhiều gấp bốn lần số tôi giữ lại. Tôi buông bỏ.
Tôi cảm thấy như được tẩy trần. Trở thành một con người tự do. Tôi nhẹ lòng hẳn vì có thể chấp nhận mất mát là một phần thiết yếu để có được hạnh phúc.
Sau chuyến tổng vệ sinh, phòng làm việc của tôi trống hẳn. Một chiếc bàn cao chuyên dùng cho họa viên kiến trúc, một chiếc ghế cao, một chiếc ghế đọc sách, hai cây đèn thường dùng trong studio chụp ảnh, và… vâng, vài chồng sách.
Những thứ khác gần như bị dọn sạch. Đây chưa hẳn là “không gian suy tưởng”, nhưng cũng là căn phòng riêng trống trải nhất tôi từng có rồi.
Xin được nói thêm vài điều về dọn dẹp. Chắc các bạn không tin đâu, nhưng xin thề là tôi chưa từng nghe đến Marie Kondo cho tới khi một người bạn đọc chương sách này rồi chỉ ra… Ừm, Marie đã có mặt từ lâu trước khi tôi hay nhiều người trong chúng ta đi tìm con đường giải phóng đồ đạc. Vậy nên: xin dành hết sự trân trọng cho cô Kondo và tác phẩm The Life-Changing Magic of Tidying Up (Nghệ thuật bài trí của người Nhật).46
46. Theo trang BBC: “Kondo không phải người duy nhất cổ vũ cho lối sống đơn giản và gọn gàng hơn. Ở Anh quốc, Sophie Hinchliffe, hay còn được biết đến với tên Bà Hinch, đã chỉ dẫn cho những người theo dõi trang Instagram và khán giả truyền hình của bà về cách dọn dẹp và làm sạch ngôi nhà có thể khiến cuộc sống tốt đẹp hơn ra sao. Trong khi đó ở California, người sắp xếp chuyên nghiệp tên Beth Penn đã viết một cuốn sách và thành lập công ty để giúp mọi người sắp xếp đồ đạc. Ta có thể nhanh chóng tìm ra hàng tá cuốn sách và dịch vụ dọn dẹp trên Internet.” Khi xung quanh chất đầy đồ đạc, ta có thể cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Theo một nghiên cứu do hai nhà tâm lý học Rena Repetti và Darby Saxby tại Đại học California, Los Angeles thực hiện, các bà mẹ sống trong ngôi nhà bừa bộn có lượng hormon gây căng thẳng, hormon cortisol, cao hơn.
Bài nghiên cứu “No Place Like Home: Home Tours Correlate With Daily Patterns of Mood and Cortisol” của họ được đăng trên tạp chí khoa học Personality and Social Psychology Bulletin.
Để ủng hộ những ai đang ở cùng chiến tuyến vứt hết đồ đạc, trang BBC từng đưa tin rằng việc dọn trống nhà ở đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cũng như tinh thần. Điều gì nữa có thể thay đổi khi ta chọn sống ở hiện tại mà không bám víu nhiều vào quá khứ?
Tôi có thật sự cần mua một cái iPhone mới không khi đời sau cũng chẳng mấy khác đời trước? Sao phải mua thêm quần áo? Sao phải mua thêm bất cứ thứ gì?
Việc có ít đi hoặc nhiều hơn này dẫn ta đến câu hỏi về cái lợi và cái hại. Có nhiều thêm thì được lợi gì? Thiệt hại gì? Có nên tận hưởng những gì đang có thay vì mua sắm thêm nhiều để cảm thấy sung sướng hơn? Ta có thể sung sướng hơn được bao nhiêu?
Ta sẽ mất đi bao nhiêu phần bản thân trong lúc cố gắng thu thập nhiều thứ hơn nữa để làm giàu cho chính mình?
Giải phóng gần hết đồ đạc trong phòng, tôi nhận ra rằng mình không hề mất đi quá khứ. Ngược lại, quá khứ giờ sống trong tôi, giờ đây quá khứ không còn là thứ thấy được, giờ đây tôi là quá khứ. Một cách tuyệt vời để chấp nhận thay đổi.
Arata Isozaki, chủ nhân giải thưởng kiến trúc Pritzker danh giá năm 2019 có lẽ là người nói lên quan điểm này hay nhất: “Giống như vũ trụ, kiến trúc bắt đầu từ chỗ không thành có, rồi dần dần lại trở về không. Vòng đời sinh tử chính là quá trình tôi muốn trình bày cho tất cả cùng thấy.”47 Những lời này còn được ông áp dụng vào cuộc sống, bên ngoài công việc, ở tuổi tám mươi bảy, ông đã quan sát chiêm nghiệm được rất nhiều thứ ở đời. Ông quan sát về việc chấp nhận mất mát, tính tạm bợ của cuộc đời, đồng thời thấy được cả lời mời gọi chung tay góp sức xây dựng thế giới.
47. Trích từ tờ New York Times, 3/6/2019.
Học theo vị kiến trúc sư tài ba này, có lẽ ta sẽ hình dung được cách để biểu đạt những gì thấy được xung quanh thay vì áp đặt tư tưởng chủ quan của mình. “Không” là dấu hiệu cho thấy một ngày nào đó, ta cũng sẽ biến mất. Một khi nhận ra và biết cách vận dụng tính Không ấy, ta đã biết chấp nhận, thay vì phủ nhận hay chống lại lẽ tất yếu của tự nhiên. Khi Isozaki nói về vòng sinh tử, ông cũng đang ám chỉ đến việc tái sinh.
Sao phải tự dối lòng bằng cách chất đầy phòng đủ thứ đồ đạc linh tinh? Sao lại phủ nhận cái chết bằng cách tích cóp hết thứ này tới thứ khác? Tất cả thứ ấy đều ngầm nói rằng bạn còn được sống để tận hưởng một thời gian dài đấy, nhưng có hôm nay thì cũng có…