L
ần đầu tiên được mời đến nhà một người Nhật, tôi đã phải cẩn thận cởi giày ra, mang dép đi trong nhà, rồi bước vào một hành lang dẫn tới phòng khách. Ở đó tôi thấy một tủ gỗ đặt bên tay phải, trong để một số bức ảnh chân dung trắng đen, có lẽ đó là những người quá cố trong gia đình. Đặt cùng các bức ảnh là một hàng những món đồ dùng để thờ cúng.
Vị chủ nhà cho biết cái tủ đó gọi là butsudan, rồi giải thích thêm một vài điều nữa trước khi bà của anh ta mang trà bánh ra. Chúng tôi ngồi xuống dùng trà, bà cho chúng tôi xem một quyển sổ lưu lại bút tích của các nhà sư ở những ngôi đền vợ chồng bà từng viếng thăm nhiều năm trước.
Chồng bà tất nhiên là người có mặt trong số ảnh kia.
Butsudan nhìn như một cái tủ nhỏ, hoặc kệ nhiều tầng, thường đặt ở hành lang dẫn vào phòng khách như một tháp canh. Butsudan có thể xem là một dạng bàn thờ, giống hòm đựng thánh tích, đựng các biểu tượng Phật giáo, bên trong đặt butsugu, tức là các vật như nến, lư hương, bục để trái cây… Là một vật hữu hình gợi nhắc đức tin thiêng liêng, butsudan mang rất nhiều ý nghĩa, tùy thuộc vào từng gia đình và người thực hiện nghĩa vụ thờ cúng.
Butsudan trong gia đình Nhật Bản có vai trò nhắc nhở con cháu rằng tổ tiên trên cao đang theo dõi, phán xét, chấp nhận mọi suy nghĩ hành động của họ.
Ừ thì không hẳn là vậy.
Khám thờ này là phương tiện để tôn vinh người quá cố và chấp nhận sự ra đi của họ, nhưng suy cho cùng, thông điệp ở đây chẳng phải là hãy suy nghĩ và hành động làm sao cho đẹp lòng người đã khuất sao? Nếu ta cư xử theo cách có lẽ sẽ làm ông bà tổ tiên thất vọng, vậy là ta đã khiến họ bị ô danh rồi.
Quan niệm ấy tạo nên những hành động đúng đắn, nhưng đồng thời cũng là một cái gông kiềm hãm.
Hoặc có thể cả hai điều trên đều không đúng. Bởi ai biết được người chết mong đợi gì ở ta?
Người chết thì đã chết rồi, còn ta thì vẫn ở đây.
Butsudan có thể ủng hộ hành động của ta. Ta có thể tự nhủ: A, mình đúng là kiểu người ông bà muốn! Dẫu rằng ở trên cao ông bà chẳng bao giờ biết được.
Thái độ của ta hoàn toàn nằm ở bản thân, ta chịu trách nhiệm cho hành động, cho suy nghĩ của mình, nhưng ý nghĩ tổ tiên đang dõi theo, ủng hộ hoặc phê phán mọi việc lại mang tính sáng tạo và hữu dụng vô cùng. Nó cho cuộc đời ta một niềm tin, rằng những người yêu thương ta vẫn dõi theo ta, rằng họ sẽ sống mãi trong hành động của ta, và theo một phương diện nào đó, cùng ta tiến vào tương lai.
Cuộc đời chúng ta là tổng hợp những câu chuyện gia đình. Butsudan là thực thể nhắc nhở rằng những câu chuyện ấy đã tạo nên chúng ta ngày hôm nay.
Khi nói đến thiêng liêng, tôi muốn nói đến những điều không thấy được, không biết được, không giải thích được. Những điều dẫn dắt ta, khiến ta xao nhãng, khiến ta làm ra những hành động bất ngờ. Trong văn hóa Nhật, người ta chấp nhận điều thiên nhiên sắp đặt sẵn, điều thiên nhiên mong đợi ở ta, cũng như cách ta nhìn nhận bản thân thông qua ánh mắt tổ tiên. Đó là một cú nhảy tưởng tượng.
Nói theo lời Maurice Sendak thì điều tuyệt vời của butsudan chính là: bạn ở trong tổ tiên và tổ tiên ở trong bạn. Bạn hình dung sự chấp thuận của ông bà trong đầu, cònbutsudan là thực thể trước mắt nhắc nhở rằng đúng vậy, bất kể bạn có làm gì thì ông bà chắc cũng sẽ ủng hộ đấy.
Nhưng chuyện nào có đơn giản đến vậy. Butsudan không phải là “thẻ ra tù” cho bạn. Nếu bạn thờ butsudan trong nhà, cho phép nó ảnh hưởng lên suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức, quan hệ, quyết định của mình, thì bạn đang đưa tổ tiên ông bà vào đời sống của mình một cách thực sự có ý nghĩa. Suy cho cùng, nó chính là bằng chứng sống nhắc nhở rằng quá khứ luôn hiện diện.
Cho dù linh hồn tổ tiên không hề có thật, ta chỉ tưởng tượng ra sự tồn tại của họ, thì ta vẫn có truyền thống hoặc ý thức lịch sử để dựa trên đó mà hành động. Ta không chỉ sống hoàn toàn ở hiện tại, hay chờ đợi ở tương lai, hay đeo bám vào di sản, mà ta còn có thêm được cảm giác mình thuộc về một gia tộc kéo dài từ quá khứ sâu xa.
Bằng việc chấp nhận sự ra đi của tổ tiên, ta nhận thức sâu sắc hơn về thế giới và biết cách hành xử phù hợp với quá khứ.
Nếu làm ra hành động sai quấy thì ta không chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh, mà còn bất kính với những người đã cho mình cuộc sống ngày nay. Butsudan là một cách để ta chấp nhận mất mát, rồi biến nó thành hành động thể hiện niềm kính trọng.
Vấn đề ở đây là các bậc tiền nhân không hề hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng để trở nên tốt đẹp hơn. Tôi không nói về lòng trung thành, tính can đảm, kiên cường hay chịu thương chịu khó. Thế hệ đi trước đã thể hiện được các đức tính này qua nhiều phương diện, và tấm gương họ để lại vẫn là ngọn đèn soi chiếu cho chúng ta.
Nhiệm vụ ở đây là nhìn vào butsudan, đón nhận bài học từ lòng can đảm vô bờ của ông cha, đồng thời nhận ra ta có thể áp dụng những giá trị họ để lại vào các mối bận tâm căng thẳng ở hiện tại.
Với butsudan, chúng ta có cơ hội để làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn. Ta không còn nghĩ cho hạnh phúc, cho nhu cầu của bản thân mà còn cho cả những người đi trước. Khi chấp nhận sự ra đi của họ, biến họ thành một phần trong cuộc sống, hãy nghĩ thế này: Ông bà mình sẽ làm gì? Hành động của chúng ta phản ánh cả gia đình ta đấy.
Thờ tổ tiên trong nhà như thế có thể gây cảm giác ám ảnh, lo lắng, nhưng đó cũng có thể là ngọn nguồn hạnh phúc. Sự hiện diện của họ mang hàm ý rằng sẽ có sự thay đổi liên tục. Có những ngày ông bà phù hộ ta. Có những ngày lại không. Cư xử thế nào để được tổ tiên chấp thuận hoàn toàn tùy thuộc ở ta. Và điều kỳ diệu ở đây là butsudanchính là thực thể gợi lên trí tưởng tượng trong ta.
Bạn có thể tự mua butsudan ở vô số các cửa hàng trên mạng, xếp vào đó ảnh chụp, lư hương, và vài quả cam.48
48. Bạn có thể đặt mua ở trang https://www.nakayamabutsudans.com.
Đó không phải là một tổ hợp lộn xộn. Đó là một đền thờ thu nhỏ.
Nếu không phải là người Nhật, bạn cũng có thể dựa vào văn hóa nước mình để sắp một bàn thờ trong gia đình để tưởng nhớ truyền thống.
Tôi từng đến những ngôi nhà dành cả một bức tường trong phòng bếp để treo ảnh cha mẹ, ông bà, cô dì cậu mợ, anh em họ hàng, một vài bức họ đang trong tư thế nghiêm trang, một số bức họ lại đang vui chơi trên bãi biển. Những bức ảnh ấy nhắc nhở người sống trong nhà rằng dẫu những người yêu thương của họ có ra đi từ lâu thì truyền thống vẫn sẽ được giữ gìn và truyền lại cho con cháu.
Tư tưởng ở đây là mọi điều bạn làm hằng ngày có thể mang đến vinh quang hoặc nhục nhã cho tổ tiên cũng như chính bạn, bởi bạn là hiện thân của họ.
Tôi không phải là người có niềm tin vào biểu tượng hay hình ảnh. Nhà tôi có vài bức ảnh, nhưng không có butsudan. Tuy nhiên tôi có thể đảm bảo rằng hằng ngày tôi đều nghĩ đến ông bà cha mẹ, tiếc thương, rồi cố gắng tìm hiểu xem những gì mình làm có liên hệ với họ ra sao.
Đó là một quá trình quên đi cái tôi cá nhân.
Đặt cách ứng xử của bản thân vào khung soi chiếu của những người thân đã mất.
Có rất nhiều điều đáng nói về cách thức quên đi bản thân thông qua việc tưởng nhớ người khác này. Nó tạo nên một gia đình thân thiết. Nó làm giảm đi những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Nó nhắc ta nhớ rằng mình không tồn tại lâu, và rằng giá trị của chúng ta phần lớn đến từ những người đi trước chứ không phải những gì ta đối mặt ở hiện tại.
Hãy nhìn quanh nhà, tìm những đồ vật nhắc bạn nhớ đến một người đã khuất nhưng lúc nào cũng hiện diện, chân thật hơn cả đồng nghiệp, hàng xóm, hay những gương mặt trên báo đài.
Butsudan là một tập tài liệu lịch sử. Bằng cách chấp nhận mất mát, chúng ta tái tạo (và sống thay cho) những điều đã mất, giống như Hilary Mantel đã viết: “Ta phải làm gì với những người đã xa, những người đã khuất ngoại trừ viết lên cho họ một cuộc đời?”