H
ai và wakarimashita là hai từ tiếp theo sau sumimasen mà tôi học được ở Nhật. Ở đâu tôi cũng nghe người ta nói từ đó.
Người cầm điện thoại vừa dõng dạc nói vào ống nghe, vừa cúi người chào. Nét mặt mỗi người mỗi vẻ, nhưng nhìn chung đều rất chân thành, ánh mắt chăm chú như thể chẳng có mấy thứ trên đời quan trọng hơn những lời họ đang nghe.
“Hai!” Im lặng. “Hai! Hai, wakarimashita! Hai!”
Khẽ cúi người, cất điện thoại đi, rồi tiếp tục một ngày.
Từ nhà hàng, khách sạn, quán bar, quán cà phê, cửa hiệu, văn phòng đến siêu thị, người ta ít khi nhìn thẳng vào mắt nhau. Khác với phương thức giao tiếp nhìn trực tiếp vào mắt người đối diện rất được đề cao ở phương Tây, ở Nhật, người ta chú trọng vào điệu bộ cơ thể, tông giọng, cách cúi đầu, và nhịp điệu cuộc trò chuyện. Toàn bộ cơ thể bạn, từ đầu đến chân, đều được sử dụng để truyền đạt ý tôn trọng, chấp nhận, và thấu hiểu với người đối diện.
Hai thường được dùng như “vâng”, song cũng không hẳn là “vâng”, do đó dễ dẫn đến hiểu nhầm giữa người nước ngoài và người Nhật. Sau khi nói hai, người ta thêm vào cụm wakarimashita để làm rõ nghĩa hơn. Nó có nghĩa là “hiểu rồi”.
Khi người Nhật nói “Hai, wakarimashita”, chưa chắc họ đã đồng ý với ta. Họ chỉ muốn nói là họ hiểu được ý ta. Và họ sẽ dựa trên điều đã hiểu ấy để đưa ra quyết định liên quan đến những gì vừa nói.
Làm sao tôi có thể đồng tình hay phản đối bạn khi chúng ta thậm chí còn chưa làm rõ là tôi có hiểu đúng ý bạn hay không? Chúng ta đã xác định được quan hệ giữa hai bên là thế nào đâu. Hai, wakarimashita là một cách để thiết lập quan hệ.
Một khi đã thiết lập xong nền tảng, chúng ta có thể hướng đến kết quả. Tôi hoặc sẽ thực hiện điều bạn yêu cầu, hoặc không. Có lẽ bạn nghe được ý mỉa mai trong tiếng hai của tôi, vậy nên lần sau gặp mặt, bạn sẽ hỏi một cách quyết liệt hơn: “Chừng nào thì anh làm xong cái việc tôi yêu cầu?” Hoặc: “Tôi muốn anh làm xong ngay thứ Sáu này.”Hai là lời mở đầu hòng xoa dịu tiến trình công việc.
Quá trình đàm phán này có rất nhiều điểm thú vị, tôi đã áp dụng nó vào nhiều tình huống khác nhau, để rồi dẫn đến kết quả khả quan bất ngờ.
Trong công việc và sinh hoạt hằng ngày, tôi luôn cố gắng, cố gắng hết sức làm người dễ tính. Không điều chỉnh mọi việc có thể dẫn đến căng thẳng leo thang, và tìm hiểu xem tại sao đối phương lại khiêu khích mình như vậy.
Cách đây không lâu, có một người thuê tôi viết bài ở Nhật, nhưng rồi nhiều tháng trôi qua, tôi không nhận được bất kỳ lịch hẹn nào. Tôi mất ngủ, tôi phải đấu tranh với bất mãn và bực dọc, thế rồi tôi bỗng nhận ra: chẳng qua là người đó không quan tâm. Không chỉ không quan tâm tới dự án giữa hai bên mà còn rất nhiều thứ khác. Nhận ra được điều này, tôi bước lùi lại, nhìn thẳng vào vấn đề: tôi chỉ là một phần nữa trong số những thứ cô ta không quan tâm. Rồi tôi nhận ra người không biết quan tâm là một người bất hạnh. Nói tóm lại, tôi đã có thể nhìn nhận toàn bộ tình huống như thể mình không phải là người trong cuộc.
Hai, wakarimashita, tôi thầm nghĩ, tôi hiểu rồi. Hiểu rằng cô ta không quan tâm gì cả, cuộc đàm phán vì thế trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi có thể đứng lùi lại, không đặt quá nhiều tâm tư vào đó nữa, chấp nhận cô ta và tình huống này, lấy việc không quan tâm làm vấn đề chính ở đây: cô ta để tôi chung bước, trong một thời gian ngắn, rồi khi dự án kết thúc, chúng tôi sẽ lại đường ai nấy đi.
Người nói Hai, wakarimashita muốn ám chỉ rằng có thể sẽ có trì hoãn, thậm chí là trì hoãn kéo dài trước khi đạt tới được kết quả. Thay vì trực tiếp đồng ý hay gạt bỏ, người nói hai đang cho mọi người cơ hội để suy xét kỹ thêm, hoặc để hiểu được cảm xúc của đối phương, hoặc để tạo ra một mối quan hệ mới phù hợp với tình huống trước mắt.
Khoảnh khắc xây dựng sự đồng lòng ấy, ta không chỉ suy nghĩ cho hạnh phúc của riêng mình. Suy nghĩ và cảm xúc của người khác cũng quan trọng không kém.
Sự thay đổi trong lối suy nghĩ này đã góp phần vào cách tổ chức xã hội Nhật Bản.
Nhưng ở mặt khác, với thái độ ậm ờ không nói rõ, không vội đưa ra quyết định, tình hình có thể bị ứ đọng rồi trở nên nghiêm trọng hơn. Ở Nhật tồn tại một phương châm tự nhiên nhi nhiên khiến cho nền kinh tế chậm phát triển, thúc đẩy tính quanh co dẫn đến sự thiếu nhiệt tình, cô lập xã hội, kỳ thị, phụ nữ bị loại khỏi các vị trí lãnh đạo cấp cao trong bộ máy chính trị lẫn kinh tế, và hình thức hôn nhân, hẹn hò vô cùng phức tạp.
Thế nhưng:
Văn hóa tự lực tự cường của Mỹ cũng khiến ta mất đi bản sắc cá nhân và tạo ra các vấn đề tương tự. Tôi và những người giống như tôi được lợi gì ở đây? Khi chúng ta chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân thì những mối dây gắn kết với gia đình, cộng đồng, xã hội sẽ dần dà bị cắt đứt. Gạt bỏ sự thấu cảm, trong thoáng giây ta sẽ có được một cảm giác có thể xem là hạnh phúc, nhưng nó chẳng tồn tại lâu. Bản thân càng ham muốn nhiều thì càng mất đi tinh thần trách nhiệm cộng đồng: quan tâm tới những người không có khả năng tự chăm sóc hay cần ta giúp đỡ.
Mất đi những điều đó, ta sẽ không còn hạnh phúc nữa. Cải thiện bản thân có thể xem là một cách để thoát khỏi bất hạnh đấy, nhưng muốn có được hạnh phúc dài lâu thì ta phải giúp người khác hạnh phúc, rồi cùng tận hưởng cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp với nhau.
Có lẽ cách tốt nhất để bản thân sống tốt là làm đẹp cho cuộc sống của người khác.
Đó là ý kiến của tôi.
Hai, wakarimashita là một cách lắng nghe, thấu hiểu, tạo cơ hội để đưa ra quyết định đúng đắn. Ta công nhận đối phương. Nói hai, wakarimashita trong nền văn hóa đề cao cái tôi cá nhân của chúng ta, nơi thường xuyên phân định kẻ thắng người thua, có thể dẫn đến thái độ chấp nhận quan điểm của người đối diện. Một phương thức khác của UKEIRERU.
UKEIRERU là một cách để giảm thiểu tối đa giận dữ, sợ hãi, đau khổ phát sinh từ các tình huống căng thẳng. Hiểu được tình huống sẽ cho ta khoảng cách vừa đủ để bình tâm tĩnh trí. Nếu có thể nói rằng mình đã hiểu, vậy thì ta sẽ không phản ứng theo cảm xúc. Ta đang suy xét lời nói và tình huống trước mặt.
“Vâng, tôi hiểu rồi” giúp hạ nhiệt vấn đề. Nhu cầu, cảm xúc, suy nghĩ của ta không còn là thứ quan trọng nhất trong mối quan hệ này. Ta được giải phóng, ta có quyền bước lùi lại.
Nhu cầu và mong muốn giao tiếp, quan sát, và liên kết một cách có ý nghĩa như thế này còn áp dụng vào những trường hợp không đối mặt trực tiếp với nhau. Nhiều người trong chúng ta hằng ngày vẫn tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, người lạ qua Internet. Thiếu đi tiếp xúc giữa người với người, ta có được một sự tự do kỳ lạ, dẫn đến việc thoải mái buông ra những lời châm chọc, miệt thị, xúc phạm lẫn nhau. Đỡ hơn một chút, nhưng vẫn tồi tệ vô cùng, là giọng điệu hằn học trong những bức email khi đưa ra đề nghị, góp ý, hay chia sẻ quan điểm.
Tiến sĩ Sherry Turkle, chuyên gia tâm lý của Viện Công nghệ Massachusetts với hơn một thập kỷ nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ đến cách hành xử của con người, chỉ ra rằng càng ở lâu trong thế giới thực tế ảo do Internet tạo ra thì con người càng giảm đi sự thấu cảm. Và càng ít lên mạng thì con người sẽ càng nhận thức rõ nhu cầu của những người xung quanh.
Chúng ta có thể giới hạn thời gian lên mạng ở nhà, ở trường hay ở hàng quán, nhưng trong tương lai, việc giao tiếp qua thực tế ảo quá nửa chỉ tăng lên chứ không thể giảm đi. Dù thích hay không thì Internet vẫn ngày càng thâu tóm lấy trí tưởng tượng, và vẫn thu hút nhiều hơn các cá nhân và doanh nghiệp nhìn ra được khả năng sinh lời và lợi thế xã hội có được từ nó. Nó sẽ không biến mất.
Cưỡi ngựa thì vui đấy, nhưng xe hơi thì tiện hơn nhiều.
Tôi biết ơn vô cùng khi thấy người người cắm đầu lướt điện thoại khi đi tàu điện. Còn nhớ cái thời chưa có di động, những kẻ buồn chán không có gì làm lại quay sang làm phiền người ngồi bên cạnh.
Như tôi.
Tôi cũng chưa quên những phiền toái vì đặt vé máy bay hay đặt phòng khách sạn qua mail và điện thoại. Hay đứng trong một cửa hàng đông nghịt, không biết món này đắt hay rẻ vì chẳng có công cụ so sánh ở ngay đầu ngón tay. Hay tốn hàng giờ để mua sắm thứ mà giờ đây chỉ mất vài giây đặt hàng trên mạng là được giao tới tận cửa ngay ngày hôm sau.
Có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, tôi có nhiều tự do hơn để dắt Beau đi dạo, tập thể dục, đọc sách, viết văn, nấu bữa tối, hẹn bạn bè đi uống cà phê…
Chúng ta có thể kể ra vô vàn ví dụ chứng minh Internet đã nâng tầm cuộc sống như thế nào.
Vậy sao chúng ta không áp dụng “Hai, wakarimashita!” vào Internet và hóa giải mối bận tâm của Tiến sĩ Turkle về sự thiếu hụt thấu cảm trên mạng xã hội? Hãy đưa đời thực vào thế giới ảo.
Email, tin nhắn, các hình thức giao tiếp trên mạng xã hội ở Nhật thường mang giọng điệu hòa nhã, thấu đáo. Chẳng hạn như: “Tôi hiểu rằng chúng ta sẽ khó lòng gặp nhau ở New York, vì thời gian tôi lưu lại đó rất ngắn. Nhưng sự thất vọng trong tôi có lẽ còn nhiều hơn của bạn. Chúng ta có thể gặp nhau một lúc nào khác không?” Hoặc: “Tôi hiểu rằng bạn có ý gửi tài liệu cho tôi vào thứ Sáu. Rất tiếc là tôi vẫn chưa nhận được. Bạn dự định sẽ gửi cho tôi khi nào?” Hoặc: “Xin lỗi vì đã làm phiền. Có lẽ do tôi hiểu nhầm, nhưng chẳng phải chúng ta đã đồng ý xem lại thỏa thuận rồi sao? Ý kiến của bạn như thế nào?”
Bằng cách thừa nhận ngay từ đầu rằng ta đã hiểu, ta đang ám chỉ rằng có những điều mình không hiểu trước đây.