K
hoan đã, sao cơ? Nhật Bản á? Nước Nhật có gì để dạy chúng ta về hạnh phúc?
Hóa ra là nhiều lắm, phải mất nhiều năm tôi mới nghiệm ra được, và cho đến giờ vẫn còn khối điều khiến tôi bỡ ngỡ, hoang mang. Đó là những điều đẩy tôi ra khỏi con đường mà tôi từng nghĩ về hạnh phúc:
Ở Nhật, hạnh phúc không phải là một trải nghiệm riêng tư. Và: Hạnh phúc không phải là mục đích. Chấp nhận mới là mục đích.
Điều Nhật Bản giỏi nhất và cũng là điều chúng ta có thể học hỏi từ văn hóa nước này chính là cách để xua đi nỗi đau của sự cô đơn. Chấp nhận hiện thực, chấp nhận quá khứ và hiện tại, trân trọng những điều không tồn tại mãi là những giá trị cốt lõi trong lối sống của người Nhật. Thời gian dài làm việc, nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, nỗ lực tìm hiểu xem con người ở đây tổ chức, lên kế hoạch, thể hiện tình cảm, cảm nhận chính bản thân và thiên nhiên như thế nào… đã thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận và giúp giải tỏa căng thẳng.
Ở Nhật Bản, không phải ai cũng hòa nhập được với tập thể, sự cô lập là một vấn đề lớn ở đây, cũng tương tự như vấn đề của người già, người yếu thế và người mắc bệnh tâm thần mãn tính ở phương Tây.
Nhưng vẫn có sự khác biệt rất lớn. Ở Nhật có rất nhiều nơi dành cho sinh hoạt tập thể, từ các nhà tắm, các bãi gửi xe công cộng an toàn đến các đền chùa đồ sộ mở cửa đón khách thập phương. Người dân chung sống hòa đồng (kể từ thời Taisho, 1912 - 1926 trở đi), một phần nhờ vào đường lối phương Tây hóa đã dỡ bỏ những rào cản cùng chủ nghĩa bá quyền. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được dạy rằng tập thể là trung tâm thông qua việc mặc đồng phục và có cùng khẩu phần ăn trưa ở trường. Nhiều kỳ vọng xã hội hiển nhiên tới mức đã thành luật bất thành văn: người Nhật từ nhỏ đã biết phải cư xử thế nào cho phải phép khi ở nhà, ở trường, ở cửa hàng, quán ăn, chỗ làm… Những kỳ vọng này không khác biệt quá nhiều giữa mọi người (dù rằng vẫn có sự phân biệt đối xử ngầm trong giới tính, tuổi tác và tính đồng thể).
Trên tất cả, ở Nhật Bản, việc xác định xem ta là ai, bản sắc cá nhân của ta là gì không chỉ dựa trên nét riêng trong tính cách, quan điểm, sở thích mà còn cả mối liên kết với tập thể.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi đã quen với những quan niệm phổ biến mang đậm bản sắc văn hóa Mỹ như: tinh thần “Dám làm”, thông điệp “Tôi có thể”, sự cởi mở sáng tạo vô bờ, sẵn sàng áp dụng các phương hướng tiếp cận mới để giải quyết vấn đề, chủ nghĩa cá nhân là trên hết.
Thế rồi Nhật Bản đến.
Quan sát, lắng nghe, im lặng, thấu hiểu, xem vấn đề là thách thức, không phản ứng vội vàng, và trên tất cả, học cách chấp nhận… là những điều tối quan trọng trong mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội ở Nhật Bản. Cách ứng xử này có mặt ở mọi nơi trên thế giới bởi đó là tính cách của giống loài chúng ta, nhưng ở Nhật, đó lại là nền tảng cho phát triển thể chế và cơ cấu.
Suy nghĩ trong tôi đã được giải phóng từ khi biết việc mình là ai có quan hệ rất lớn với việc mình đang giao tiếp cùng ai. Con đường để ta hiểu rõ bản thân và hài lòng với bản thân là đằng đẵng, mỉa mai thay, cũng rất tù túng và cô độc đến lạ lùng.
Ai cần đặc quyền trong khi bạn có thể hòa mình vào tập thể?
Trong thời gian ở Nhật, tôi học được một điều mà giờ đây đã trở thành phương châm sống: Hạnh phúc không đến từ việc thỏa mãn ham muốn của bản thân mà là hành động quan tâm đến người khác.
Không có nơi nào trên thế giới khiến cuộc sống của tôi hòa hợp với xung quanh hơn nước Nhật, cũng như giúp tôi bình tâm hơn, kiên nhẫn hơn, biết tôn trọng sự im lặng và quan sát, biết chấp nhận rằng cộng đồng và thiên nhiên quan trọng hơn nhu cầu cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân chúng ta đề cao ở Mỹ giờ đây được bổ sung bằng quan điểm: niềm vui lớn nhất ở đời đến từ việc làm người khác hài lòng.
Khi thấu hiểu nỗi đau của người khác thì chúng ta cũng không thể vô can. Tưởng vô lý nhưng đó lại là sự thật, thấu hiểu với ai đó nghĩa là ta đang tiếp nhận nỗi đau của họ. Là bác sĩ tâm lý, mỗi khi nghe bệnh nhân kể về những mất mát, tủi thẹn, cô độc, tôi cũng không cảm thấy vui được nữa. Càng thấu hiểu nỗi đau của người khác, ta càng nhận ra tình trạng của họ cũng là một phần con người ta.
Hãy hình dung qua một ví dụ thực tế: Nếu con cái, vợ chồng, cha mẹ, hoặc bạn thân của bạn gặp chuyện không may thì bạn cũng không vui vẻ nổi, bởi bạn thấy mình là một phần của họ, bởi họ tồn tại sâu trong trái tim, trong tâm trí bạn.
Với khả năng tự tạo căng thẳng cho bản thân, nếu không muốn nói là khá giỏi ở khoản đó, lại còn đến từ một gia đình mà căng thẳng là chuyện xảy ra như cơm bữa, tôi thường có xu hướng lặp lại những sai lầm quen thuộc.
Nó vốn chẳng phải chuyện cá nhân. Có bao giờ là chuyện cá nhân đâu chứ, sao có thể được?
Ba buổi sáng một tuần, tôi thực hiện các cuộc trao đổi ở Dudley Square, Roxbury, Massachusetts, chẩn đoán tổn thương cho những người vô gia cư, người nghèo, người bị bạo hành hay người mới vào tù, sau đó lái xe trở về khu phố khang trang nhà mình chỉ cách đó năm dặm. Mỗi lần như thế, tôi lại nhận ra trong sự nhẹ nhõm rõ rệt rằng thành tựu và cuộc sống an toàn mà ta có được căn bản không phụ thuộc nhiều vào nỗ lực bản thân mà chủ yếu nằm ở sắc tộc, giới tính và khả năng kinh tế.
Tôi đã tìm được sự giúp đỡ cần thiết, tìm được điều còn thiếu sót bằng cách kết hợp những trải nghiệm ở Nhật với cuộc sống ở Mỹ.
Những thói quen hằng ngày học được ở Nhật đã dần thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận và trải qua căng thẳng, cách tôi tránh bị căng thẳng, cách tôi chấp nhận thế giới, đồng thời nỗ lực để thay đổi vị trí của mình trong thế giới.
“Đẩy thế giới ra xa” là tựa đề một album nhạc của nghệ sĩ jazz saxophone Kenny Garrett. Tựa đề album này muốn ám chỉ cách ông và những người khác, như tôi, những người biết tiếng Nhật và đã dành nhiều thời gian ở Nhật, nhìn về văn hóa của đất nước hoa anh đào.
Trong một lần trao đổi với Garrett, ông nói với tôi rằng: “Nhật Bản là quê hương thứ hai của tôi.” Lấy cảm hứng từ nước Nhật, ông nói: “Âm nhạc của tôi lôi cuốn anh, cuốn anh sâu vào. Thứ năng lượng chúng ta dùng để đẩy thế giới ra xa chính là năng lượng có thể dùng vào những việc tích cực.”
Đó chính là nội dung triết lý chấp nhận của người Nhật. Đẩy thế giới ra xa bằng một cách tiếp cận mạnh mẽ để tạo nên những trải nghiệm giàu ý nghĩa sẽ mang chúng ta lại gần nhau hơn, gần với niềm vui thú của cuộc sống hơn.
Ta có thể áp dụng những thói quen sinh hoạt đơn giản hằng ngày của người Nhật vào đời sống để tạo nên những thay đổi ý nghĩa.
Giờ đây, chuyện quá khứ của bản thân, cũng như chuyện buồn của những đối tượng khó khăn mà tôi phải phỏng vấn không còn khiến tôi quá căng thẳng nữa. Đó là một quá trình dài, có ngày vui cũng có ngày buồn. Và chắc chắn rằng tôi bây giờ có nhiều bệnh nhân hơn hẳn trước đây, bởi tôi đã biết lắng nghe, im lặng, và trên tất cả, chấp nhận những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Tôi có nhiều cách hơn để hiểu và giảm bớt tác hại của căng thẳng.
Đây không phải bí quyết dẫn đến hạnh phúc, cũng không phải cách để thoát khỏi những thử thách mà bất kỳ con người có trách nhiệm với cộng đồng nào phải đối mặt. Nó cung cấp cho ta cách nhìn khác về mọi việc. Nói theo lời John Berger thì đây chẳng qua là “những cách thấy”1 để bổ sung vào quan điểm hiện tại của ta, mở ra cho ta những khả năng mới.
1. Những cách thấy là tác phẩm về nhận thức và nghệ thuật của nhà văn kiêm nhà phê bình John Berger (1926-2017). Ngoại trừ một số chú thích có ghi “chú thích của người dịch - ND”, còn lại chú thích trong sách này đều là của tác giả.
Khoảng thời gian trước đây, khái niệm ikigai trở nên cực kỳ phổ biến, được nhắc đến như một thứ mật mã hay bí quyết mà một khi học được thì chúng ta sẽ thẳng tiến trên con đường tới hạnh phúc. Nhưng nước Nhật không chỉ có mỗi hạnh phúc. Hay nói đúng hơn, câu chuyện về người Nhật là câu chuyện về sự kiên cường, bền bỉ và tính cộng đồng.2
2. Cách đây vài năm, khái niệm ikigai được rất nhiều người quan tâm. Trong tác phẩm xuất sắc What Makes Life Worth Living? How Japanese and Americans Make Sense of Their Worlds (Điều gì làm cho cuộc đời đáng sống?
Cách người Nhật và người Mỹ nhìn nhận thế giới - ND), giáo sư Nhân chủng học tại Chinese University of Hong Kong, Gordon Mathews viết rằng: “Ý nghĩa chính của ikigai là ittaikan và jito jitsugen, ‘có trách nhiệm với tập thể’ và ‘tự giác ngộ’.”
Điều Nhật Bản mang đến là những cách thức hoàn toàn khác biệt để giúp ta giải quyết vấn đề, xem bản thân là một phần của thiên nhiên, sáng tạo, có ích cho cộng đồng, và chấp nhận cuộc đời là hữu hạn.
Xin được nói rõ một điều: người Nhật không phải là những người có lòng thấu hiểu nhiều nhất, ngược lại là đằng khác.
Trong cuộc sống hằng ngày, người Nhật thường được nhận xét là khá thờ ơ, dường như không muốn tương tác với mọi người xung quanh.
Nhỡ mình nói sai hay làm gì sai thì sao? Nhỡ mình xen vào việc của người khác thì sao? Người khác sẽ nghĩ gì về mình?
Tự giác ngộ đến từ những trải nghiệm tích cực với mọi người xung quanh. Tờ The Japan Times, trong phần bình luận về quyển Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life (Ikigai: Bí quyết trường thọ và hạnh phúc của người Nhật – ND) của Hector Garcia và Francesc Miralles, diễn giải Ikigai như sau: “Có được mục đích sống ở đời chính là chìa khóa để hạnh phúc.” Tờ báo viết: “Tò mò muốn biết ikigai và cuộc sống trường thọ có quan hệ gì với nhau, kỹ sư phần mềm Hector Garcia và nhà văn/dịch giả Francesc Miralles đã cùng đến làng Trường Thọ Ogimi ở Okinawa để phỏng vấn người dân ở đây. Cuốn sách là kết quả của cuộc điều tra đó, tuyên bố rằng ikigai là ‘bí quyết trường thọ và hạnh phúc của người Nhật’.”
“Quyển sách tuy nhiên không chứng minh được tuyên bố này,” tờ The Japan Times viết, “hai tác giả không chỉ ra được mối liên kết thuyết phục giữa ikigai và cuộc sống trường thọ. Thay vào đó, quyển sách là tập hợp những chế độ ăn uống và bài tập thể dục nhàm chán, xen kẽ những bài phỏng vấn các cụ ông cụ bà sống thọ cùng các bàn luận về xu hướng tâm lý trị liệu ngày nay. Phần kết luận chỉ mang tính nhân quả. Đây là một quyển sách self-help với những triết lý nửa vời.”
Đã có rất nhiều quyển sách trong vài năm trở lại đây ca ngợi ikigai, cho rằng đây chính là chìa khóa để có được hạnh phúc. Nhưng chưa chắc.
Nhưng xã hội Nhật cũng tồn tại một phép lịch sự và sự an toàn tuyệt vời nơi công cộng vốn được hình thành qua mối gắn kết mạnh mẽ đã có từ lâu, bằng nhiều cách. Đã có những công trình bên ngoài đáp ứng mọi điều ta cần; các cá nhân chẳng cần phải tương tác nhiều. Mọi việc đều đã được đảm bảo.
Thế nhưng khi khủng hoảng xảy đến, thứ khủng hoảng mà các công trình bên ngoài không đủ sức giải quyết, thì cá nhân phải làm gì đây?
Đã được luyện thành phản xạ phải nhìn vào tập thể để hỏi ý, người ta có lẽ sẽ lúng túng không biết phải phản ứng ra sao, hay phải làm cái gì.
Tôi xin lấy một ví dụ nghệ thuật mà tôi rất tâm đắc cho tình huống này. Trong bộ phim High and Low (sản xuất năm 1963) của đạo diễn kiệt xuất Akira Kurosawa, một nhà tư bản công nghiệp giàu có ở Tokyo phải chọn giữa đánh mất sự nghiệp hay cứu tính mạng đứa con của người tài xế của mình.
Nhân vật Kingo Gondo (do Toshiro Mifune thủ vai) đã gạt đi sự ích kỷ hình thành bởi giai đoạn Mỹ hóa hậu chiến tranh ở Nhật, chứng minh rằng lòng thương người sẽ thắng lợi ích cá nhân.
Bộ phim ra đời vào lúc Nhật Bản đang trên đà tăng tốc quá trình công nghiệp hóa, không chỉ đuổi kịp mà còn manh nha vượt qua cả phương Tây. Qua bộ phim, đạo diễn Kurosawa muốn phê phán quan điểm thành công của phương Tây, thứ đang đe dọa nhấn chìm những giá trị truyền thống cốt lõi của Nhật Bản.
Ông băn khoăn rằng những điều gì đã mất đi?
Bộ phim truyền tải thông điệp rằng thấu hiểu và cảm thông là bản sắc văn hóa của Nhật Bản, và ta tuyệt đối không được hy sinh nó để học đòi những giá trị Tây phương vốn được thúc đẩy bằng lòng tham, sự ích kỷ. Biết giúp đỡ, biết thấu hiểu, biết chấp nhận ta là một phần của cộng đồng là những gì Kurosawa muốn nói về người Nhật. Theo ông, thói ích kỷ tham lam là điều cám dỗ mà Mỹ mang tới và phải loại bỏ bằng mọi giá.
Tôi biết, đó là một bộ phim đề cao lòng yêu nước!
Tuy nhiên ở Mỹ, lòng vị tha và cảm thông có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, cho dù là qua các hình thức tôn giáo, các giá trị cộng đồng, cách người nhà quan tâm, ủng hộ nhau, hay đơn thuần là bản năng muốn chăm sóc cho người khác. Người Mỹ luôn tìm cách để giúp đỡ mọi người.
Jackie Robinson3 đã nói rằng: “Cuộc đời chẳng có gì quan trọng trừ việc để lại ảnh hưởng cho những cuộc đời khác.”
3. Jackie Robinson (1919 – 1972): cầu thủ người Mỹ gốc Phi đầu tiên chơi tại giải bóng chày Major League Baseball của Mỹ trong thời kỳ hiện đại. Ông là người chấm dứt gần 60 năm thời kỳ phân biệt chủng tộc trong môn bóng chày chuyên nghiệp, khi những người Mỹ gốc Phi bị cấm thi đấu tại Giải bóng chày Bắc Mỹ và hệ thống những giải nhỏ liên quan. (ND)
Sự cô độc, xa cách với con người và thiên nhiên, sự ích kỷ hiện diện trong cuộc sống hằng ngày…, tất cả mối quan ngại này đều được xã hội Nhật Bản quan tâm từ rất sớm.
Người Nhật luôn tự nhắc nhở rằng bản thân là một thành viên của gia đình, nhà trường, nơi làm việc và hòa hợp với cộng đồng qua vô số thói quen sinh hoạt hằng ngày, cách ứng xử, cách để liên kết với người khác: từ việc quan sát đến lắng nghe, đến xin lỗi (thường xuyên!) và chấp nhận.
Các han (nhóm) ở trường tiểu học, ở nhà tắm công cộng, trong các mối quan hệ và trong phép lịch sự nơi công cộng đều là một phần của nỗ lực này. Khi người Nhật đặt mình vào các môi trường trên, tính cá nhân nơi họ được định hình thông qua những người xung quanh. Ở trường, học sinh phải làm quen với đồng phục và ăn trưa. Ở nhà tắm công cộng, sự riêng tư không còn tồn tại khi ta phải khỏa thân cùng mọi người bất kể lạ hay quen. Sự im lặng của đám đông đi trên hè phố cho thấy mọi người đang hòa làm một (bất kể có thích hay không). Tất cả nét văn hóa đặc trưng này dẫn đến một tinh thần trách nhiệm chung có thể thấy rõ qua thói quen lành mạnh, cộng đồng có tính tổ chức cao, cơ sở hạ tầng phát triển và tuổi thọ cao của người Nhật.4
4. Trong What Makes Life Worth Living? How Japanese and Americans Make Sense of Their Worlds (Điều gì làm cho cuộc đời đáng sống? Cách người Nhật và người Mỹ nhìn nhận thế giới - ND), Giáo sư Nhân chủng học tại Chinese Uni- versity of Hong Kong, Gordon Mathews nhấn mạnh tầm quan trọng của shudan sei- katsu (sống tập thể) trong việc phát triển sự thấu cảm thông qua liên kết xã hội.
Tác phẩm của Mathews chủ yếu dựa trên cuốn sách kinh điển Japan’s High Schools (Trường trung học Nhật Bản – ND) của Thomas Rohlen. Ông đã trích lại một đoạn lớn trong quyển sách này:
“Nếu nhìn kỹ vào vòng tròn phát triển, ta sẽ thấy được trong tất cả bước đầu tiên ở mỗi giai đoạn, từ trường mẫu giáo đến công việc đầu tiên, đều có chung những thói quen và bài học xã hội lặp đi lặp lại. Các công việc dọn dẹp, đồng phục, thảo luận nhóm, cơ cấu nhóm…, chúng ta học lại tất cả điều này khi bước vào một điểm khởi đầu mới. Đặt trên nền shudan seikatsu, ta buộc phải chú trọng vào những hoạt động đã được tiêu chuẩn hóa và hiểu rõ được ý nghĩa đạo đức ẩn sâu bên trong.”
Không có gì đảm bảo nhưng chắc chắn rằng càng biết nghĩ cho người khác và càng quan sát cuộc sống quanh mình, ta sẽ càng nhận ra một điều: ta không đơn độc. Ta hạnh phúc khi giúp đỡ và hòa đồng với mọi người.
Lối sống cộng đồng là kim chỉ nam, là cơ sở hình thành nên nền văn hóa Nhật Bản. Mục tiêu của nó là thấm sâu quan niệm: trở thành một phần của tập thể quan trọng hơn áp đặt cái tôi cá nhân. Đòi hỏi quyền lợi cá nhân ngược lại với tập thể là một điều cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản.
Tôi rất may mắn vì có những người bạn Nhật Bản kiên nhẫn với tôi và sẵn sàng bật cười trước vô số sai lầm tôi mắc phải, chính điều đó đã giúp tôi có được nhận thức ngày một sâu sắc hơn. Nhật Bản có thể nói là đất nước vận hành dựa trên những mối quan hệ một cách sâu sắc nhất tôi từng biết, một nơi mà đối tác của ta là ai là yếu tố mang tính quyết định hơn cả những điều khoản ký kết trong hợp đồng.
Người Nhật cũng là những nhà giáo bẩm sinh. Bạn bè sửa lỗi cho tôi liên tục, không ngừng chỉ tôi cách hành xử đúng đắn. Từ cách đưa danh thiếp, cách đặt câu hỏi khi bắt đầu cuộc họp với đồng nghiệp mới đến cách ứng xử khi đi tàu điện, tôi đã được dạy để hòa nhập tốt hơn với nơi này.
Vô số trải nghiệm trong những năm đầu làm việc ở Nhật là bằng chứng cho các chỉ dẫn ấy.
Năm 2003, lần đầu tiên tôi đến Niigata, một tỉnh nằm gần biển Nhật Bản ở Tây Bắc Tokyo. Trước khi đi, tôi có hỏi thăm Rocky Aoki, cựu đô vật Olympic kiêm người thành lập chuỗi nhà hàng Benihana nổi tiếng rằng nơi đó trông như thế nào. Ông ta cười bảo Niigata là “Oklahoma của Nhật”. Cuộc trò chuyện diễn ra trong căn hộ sang trọng của Rocky trên đại lộ Số Năm ở New York với tầm nhìn hướng về nhà thờ Thánh Patrick. Theo ông thì Niigata giống như một vùng quê.
“Không có gì phải lo lắng đâu,” Rocky bảo, “toàn là cỏ dại ấy mà!”
Hóa ra ở đó có mọi thứ chứ không phải cỏ dại. Đổi mới tiên tiến và hiện đại kể từ sau chiến tranh, và rõ ràng, Niigata chẳng khác gì một đô thị đồ sộ của Hoa Kỳ.
May thay, Takeshi Endo, người mời tôi đến thành phố Niigata, đã cùng đồng hành để giúp tôi cư xử đúng mực. Tôi được Hiệp hội Những người nấu rượu sake tỉnh thuê để giới thiệu thức uống này tới Mỹ, vì một số người trong hội quen biết Takeshi thông qua công ty thực phẩm của anh ấy. Nói thêm rằng rượu sake Niigata được xem là một trong những loại rượu ngon nhất Nhật Bản vì độ tinh khiết lấy từ nước của tuyết rơi hằng năm và không qua các tầng lọc.
Mà thôi…
Takeshi đã đứng sát bên để chỉ tôi cách đưa meishi (danh thiếp), cách nhận danh thiếp của đối tác, cách đọc danh thiếp, rồi phải nói gì khi nhận được danh thiếp và để nó ở đâu.
“Nói là anh rất vinh hạnh vì được mời tới đây,” anh ta thì thầm vào tai tôi. “Khen ngợi khách sạn anh đang ở. Nói là anh rất cảm kích vì được họ tin tưởng.”
Một số điều Takeshi nói không phải là điểm riêng chỉ có ở Nhật, nhưng điều khác biệt, cũng như quan trọng nhất ở đây là từng bước đi chính xác, cụ thể mà anh ấy hướng dẫn tôi. Có thể ngầm thấy rằng không hề có lựa chọn nào khác, chỉ có một cách ứng xử đúng duy nhất. Nhẹ lòng làm sao, tôi thích sự rõ ràng. Giống như dựng giàn giáo vậy:
Đầu tiên tôi phải nhìn xuống danh thiếp, vừa đọc tên và nghề nghiệp ghi trên đó vừa nhìn thoáng qua mắt chủ nhân tấm thiếp. Tôi phải nói vài câu khen ngợi công việc của họ. Rồi người đó cũng sẽ làm tương tự với danh thiếp của tôi. Khi cầm danh thiếp thì phải cầm ở góc, giữ ở độ cao ngang bằng với mặt bàn, chữ để xuôi theo hướng của người nhận, làm sao thấy rõ tên và nghề nghiệp trên danh thiếp. Tôi và Takeshi đã tập trước những chỗ phải dừng giữa những lúc hỏi và nói.
Ngồi ở đâu trong cuộc họp. Đứng ở đâu trong thang máy. Có cúi chào hay không, cúi sâu tới mức nào, có bắt tay hay không bắt tay.
Các bạn tôi nắm rõ những nguyên tắc này giống như tôi biết cách cột dây giày vậy; nó tạo nên một cấu trúc và nhịp điệu cho một ngày.
Ở Tokyo, Yuko dạy tôi cách gọi mì trong quán. Đứng ở đâu, xếp hàng thế nào, đặt tiền ở đâu. Shinji dạy tôi phải nói gì để cảm ơn đầu bếp sau bữa ăn. Yumi dạy tôi phải làm gì khi ra khỏi quán ăn mà nhân viên đứng ở vỉa hè vẫy tay tạm biệt và cúi chào tới khi không còn thấy khách nữa. Jiro hướng dẫn tôi chỗ ngồi trong xe hơi, lời khen nên nói với người nông dân đang chỉ cho chúng tôi đàn vịt đã tiêu diệt sâu bọ phá hoại ruộng lúa của ông ta.
Bước ra khỏi một quán trà phong cách Ireland nằm giữa một vùng hẻo lánh ở Ishikawa, quán được bày trí giống đến từng chi tiết với quán ở Ireland bởi vì chủ quán là người có niềm đam mê cuồng nhiệt đã vung tiền mua đồ nội thất và thảm lót từ tận Ireland, Jiro bảo tôi:
“Khen ông ấy có bộ vest đẹp đi.”
Tôi sẽ nói rõ hơn về các nhân vật này ở các chương sau.
Những bài học như thế ở đất Nhật đã mang đến một hệ thống những lời nói xã giao để ta thêm phần tự tin và dễ dàng hòa nhập. Nó kiểu như một bộ sưu tập khổng lồ các Bí Quyết Bắt Tay vậy. Một khi nắm được cách thức rồi ta sẽ thấy yên tâm hơn và gạt bỏ được e ngại trong lòng.
Nhưng mà lưu ý này, là người ngoại quốc, tôi là nguồn giải trí trong mắt họ. Tất cả đều nhìn tôi. Bất kể tôi làm đúng hay sai thì họ đều thấy buồn cười.
Giống như lần đi ăn ở nhà hàng nọ, khi tôi gấp bao đựng đũa thành hình một cây đàn xếp để gác đũa, Takeshi đã phá lên cười.
“Có gì buồn cười sao?”
“Cái này là một người phụ nữ Nhật chỉ cho anh,” anh ta nói.
“Ồ?”
“Đàn ông Nhật không ai làm thế.”
“Thì sao?”
“Chẳng sao cả,” anh ta bật cười lần nữa. “Tôi chỉ nói vậy thôi.”
Hoặc khi tôi làm đúng, vận dụng chính xác những lời xã giao trong một bức email hay một bài phát biểu bất ngờ ở quán izakaya, một người bạn sẽ ghé tai tôi bảo: “Anh nói giống người Nhật lắm rồi đấy!”
Ừm, cảm ơn nhé.
Trong nhóm, ngoài nhóm, cách phân biệt ai là ai. Tôi yêu vô cùng cái nỗ lực kết thân từ mình đến người khác. Cố gắng tìm kiếm điểm chung giữa hai bên, dựa vào đó để xây dựng quan hệ đến khi cả hai đều cảm thấy an toàn khi ở cạnh nhau.
Giống như khi đánh giá người đàn ông vừa được thả sau mấy thập kỷ ngồi tù vì tội giết người, tôi nghe ông ta tâm sự rằng ngắm vịt bơi trong hồ khiến ông ta thấy tĩnh tâm. Hoặc như khi trò chuyện với người phụ nữ sống ở trung tâm cứu trợ nạn nhân bị bạo hành gia đình, tôi được bà ấy chia sẻ công thức món thịt hầm yêu thích và nấu ăn mang đến cho bà giây phút bình yên ra sao.
Việc kết thân này chỉ là điểm đầu chứ không phải điểm cuối. Tinh thần tập thể của người Nhật, cộng với khao khát muốn khắc sâu lối sống đó vào cuộc đời mình đã giúp tôi bình tâm hơn rất nhiều, đưa tôi đến gần với mọi người hơn, biến cuộc sống hằng ngày thành những quan sát để thấu hiểu thay cho phản ứng bản năng trước đây.
Tôi thường giả vờ rằng mình đang ở trong một bộ phim: Sân bay. Siêu thị. Bị kẹt xe. Gọi điện thoại cho công ty trang thiết bị.
Khi thấy bản thân là một phần của đám đông trong những tình huống ấy chứ không phải chỉ có một mình, tôi có thể dễ dàng bước lùi lại, quan sát, cảm nhận từng phần của vấn đề.
Đám đông ở ngay trước mặt, nếu ta chịu nhìn vào, chịu chấp nhận làm một phần trong đó. Bạn, phải, chính bạn, có nhiều điểm chung với người đứng ở rìa hơn là bạn tưởng đấy.
Và: vì những phương diện mà tôi nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được ở người đó khiến tôi liên tưởng đến gia đình, quá khứ và hiện tại của mình, tôi sẽ có khuynh hướng làm những điều có lợi cho người đó. Cảm giác đó sẽ khiến bạn thấy cực kỳ thỏa mãn.
Thói quen hằng ngày, những vấn đề vô cùng thiết thực, đã biến Nhật Bản thành một nơi khuyến khích (và nhiều khibắt buộc) các cá nhân gạt bỏ những nhu cầu riêng ích kỷ để trở thành một phần của cộng đồng xung quanh. Làm được điều này, ta sẽ nhận ra mình bé nhỏ thế nào, sẽ có được sự hòa hợp sâu sắc hơn trong mối quan hệ với con người và thiên nhiên, cũng như biết quan tâm hơn tới nhu cầu của người khác. Tất cả sự thay đổi ấy làm đầy đặn hơn cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc nơi ta.
Tôi muốn chia sẻ với bạn lối sống Nhật đã góp phần hình thành nên UKEIRERU – sự chấp nhận.
Thế nào là chấp nhận buông bỏ? Thế nào là đặt lợi ích của người khác lên trước bản thân mình?
Nhật Bản không phải là đất nước duy nhất đề cao lòng vị tha, nhưng đây lại là nơi đưa quan niệm này vào sâu trong lề lối xã hội để duy trì cả thể chế.
Ở phương Tây, hành động buông bỏ cái tôi có thể thấy rõ nhất qua “học thuyết về năng lực tiêu cực” của nhà thơ John Keats. “Nếu thấy một chú chim sẻ đậu trước khung cửa sổ, tôi sẽ hòa mình vào cuộc sống của nó và đi nhặt sỏi vụn… [để] trong phút giây ngắn ngủi tôi được tan biến đi.”
Chờ đã. Trước khi các bạn nói “Có kẻ nào tỉnh táo lại muốn tan biến đi chứ?” xin hãy lưu ý vài điểm nhỏ nhưng rất quan trọng sau: 200 năm trước, vào năm 1821, Keats ra đi ở tuổi 25 vì bệnh lao phổi. Ông tan biến khỏi cõi đời vì vi khuẩn lao các bạn ạ, không phải vì một chú chim nhỏ đâu. Điều mà nhà thơ Keats và tôi muốn nói ở đây là người Nhật rất giỏi xóa bỏ những hành động tự nghi ngờ năng lực, giá trị của bản thân cũng như thói ích kỷ đơn thuần. Hóa ra chúng ta không đối xử tốt với bản thân mình lắm nhỉ?
Bằng việc quan sát thiên nhiên, tập trung vào những điều ngắn ngủi chỉ tồn tại trong giây lát, chúng ta sẽ thoát khỏi không gian chật hẹp của tâm trí mình. Cảm giác đó mới dễ chịu làm sao!
Với người Nhật, đó chính là lối sống.