C
ó rất nhiều từ mang nghĩa chấp nhận trong tiếng Nhật. Ta phải lựa chọn đúng từ để biểu đạt tùy vào ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp. Đây có thể xem là một thử thách rất thú vị cho cả người nói lẫn người nghe.
Điều này cũng xảy ra với vô vàn từ và cụm từ tiếng Nhật khác, khi chúng vừa có chức năng biểu tượng vừa truyền đạt ý nghĩa.5
5. Trong quyển sách viết về Nhật Bản Empire of Signs (Đế chế dấu hiệu – ND), Roland Barthes lưu ý rằng tiếng Nhật không mang nghĩa cố định, sự linh hoạt trong ngôn ngữ tạo nên chiều sâu cho văn bản, đồng thời đòi hỏi người đọc phải biết diễn giải hàm ý. Có lẽ đó là lý do mà mối quan hệ tin tưởng lại là cơ sở cho quá trình đàm phán ở Nhật, quan trọng hơn cả nội dung trao đổi, vì ta có thể suy đoán được nội dung, nhưng mối quan hệ thì không: hoặc ta tin đối phương, hoặc không. Ngôn ngữ không đáng tin cậy được như thế.
Khi quyết định viết cuốn sách này, tôi đã liên lạc với bạn bè sống ở Nhật để xem họ có thể giúp tôi, một kẻ đến từ một nền văn hóa khác, có lịch sử và truyền thống khác, hiểu sâu hơn nữa về chấp nhận hay không.
Chấp nhận nghĩa là gì trong tiếng Nhật?
Yumi Obinata, một phiên dịch viên làm việc ở Tokyo, gửi cho tôi một trang giấy liệt kê bốn từ cùng có nghĩa chấp nhận với phần giải thích cực kỳ chi tiết, mỗi từ thường dùng trong câu nào và cách sử dụng ra sao.
“UKEIRERU là từ người mẹ nói với con mình để chấp nhận một điều gì đó nhẹ nhàng.”
“UKETOMERU là từ người mẹ dùng để chấp nhận ‘một đợt bùng nổ cảm xúc của con mình’ khi ‘một áp lực lớn ập đến’.”
“TORIIRERU có thể dùng để miêu tả việc các nhà truyền giáo Tin Lành được người Nhật chấp nhận.”
“UKENAGASU nghĩa là tiếp nhận và ‘để trôi đi’.”
Yumi giải thích rõ thêm: “Giống như khi đứng giữa một dòng suối, ta thường đứng hai bên mép bờ để giảm bớt áp lực nước. Ở Nhật, người ta chấp nhận thiên tai là một phần của cuộc sống và cố gắng ukenagasu để không bị ảnh hưởng tâm lý quá nhiều.”
“KIKINAGASU nghĩa là nghe, lắng nghe và bỏ qua,” Yumi giải thích thêm. “Nghĩa là khi ai đó cằn nhằn, ta nghe tai này nhưng lại cho ra tai khác!”
“JUYO-SURO có thể dùng để miêu tả việc chấp nhận tư tưởng và hệ thống hiện đại của phương Tây.”
Yumi cho biết: “‘Jyō’ có thể viết thành sáu từ khác nhau, còn UKEIRERU thì thường được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày.”
Tôi quen Yumi và gia đình cô được mấy năm rồi. Nozomi, con trai cô ấy đã ở nhờ nhà vợ chồng tôi trong vài tuần. Tôi thích thảo luận với thằng bé về bài luận Các nhà triết học Do Thái châu Âu hậu thảm họa Diệt chủng do nó viết; tôi cũng đã ăn tối cùng vợ chồng Yumi trong một nhà hàng izakaya sang trọng ở Ginza; thưởng thức trà cùng cô ở Shimoda, ngôi làng thuộc tỉnh Shizuoka, nơi hạm đội thuyền đen khét tiếng đã cập cảng năm 1854, mang theo tối hậu thư của Mathew Perry (một vị “Phó đề đốc”, không phải cái gã trong phim “Friends” đâu) yêu cầu Nhật Bản phải giao thương với Mỹ và cho phép các đội thương thuyền của Mỹ cập cảng Nhật Bản.
Khi Yumi giải thích các cách biểu đạt sự chấp nhận trong tiếng Nhật, tình bạn giữa chúng tôi đã định hình cho những gì tôi hiểu về từ này.
Người thứ hai tôi nhờ giải nghĩa từ chấp nhận là Yuko Enomoto, một người tôi quen ở Tokyo từ hai mươi năm trước.6
6. Yuko là một nhà văn, đã biên tập tác phẩm kinh điển của Ted Bestor về Tsukiji, chợ cá nổi tiếng nhất thế giới (đồng dịch với Shinichi Fukuoka và Masako Wana- mi). Bestor là Giáo sư Nhân chủng học lỗi lạc của Đại học Harvard. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Nhật Bản thì nên đọc các tác phẩm của ông.
Yuko cho tôi ba từ.
UKEIRERU
JKUKUGO
JIKO JYU YUU
“Jiko Jyu yuu nghĩa là chấp nhận bản thân,” Yuko nói.
“Chúng ta có thể cảm nhận được Jkukugo mang tính học thuật một chút, còn UKEIRERU thì khá dễ hiểu và thú vị khi hình dung trong đầu.”
Trong số những người tôi quen biết ở Nhật, Yuko là người nhã nhặn nhất. Chúng tôi gặp nhau thông qua tổ chức ẩm thực Ý Slow Food. Cô cũng là người đã chỉ cho tôi về các quán trà, quán cà phê, phòng tranh, tiệm mì nho nhỏ giữa lòng Tokyo. Hiện tại cô sống cùng người chồng được đánh giá là đầu bếp tiềm năng bậc nhất thành phố (chuyên nấu món Ý và Peru) và cậu con trai đang tuổi tập đi đáng yêu chẳng khác gì thiên thần. Yuko đã nỗ lực để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm của một người mẹ, chấp nhận những gì sẽ đến trong tâm thế hoàn toàn thoải mái.
Người thứ ba giúp tôi là Kiyomi Tsurusawa. Tôi quen Kiyomi cũng đã khá lâu, lần đầu gặp cô là ở Kayotei, ryokan (nhà trọ truyền thống có suối nước nóng) tôi thích nhất ở Nhật. Lữ quán này nằm ở Yamanaka thuộc tỉnh Ishikawa. Chúng tôi đến đó để viết một cuốn sách về các nghệ nhân của vùng và cô là phiên dịch viên cho đoàn. Hai chúng tôi chủ yếu trao đổi về các nghề thủ công truyền thống, nhưng cũng hay trò chuyện về niềm đam mê với nhạc jazz.7
7. Kiyomi hâm mộ nhất Miles Davis và bản thu “Someday My Prince Will Come” của ông.
“Tiếng Nhật có rất nhiều từ có thể dịch thành chấp nhận,” Kiyomi cho biết. “Khó đấy, nhưng tôi cho anh sáu từ. Và… ô, chúng ta còn tìm thấy nhiều hơn!”
SHODAKU
JYU YUU
SHIJI
NINJYU
GOKAKU
UKEIRERU
“Shodaku nghĩa là chấp nhận một lời mời. Jyu Yuu nghĩa là chấp nhận một món quà. Shiji nghĩa là chấp nhận một tư tưởng hay ý kiến. Ninjyu nghĩa là chấp nhận khó khăn.Gokaku nghĩa là chấp nhận một người nào đó. Còn Ukeireru nghĩa là chấp nhận hiện thực.”
Nói tóm lại, tôi thích nhất định nghĩa sau đây về UKEIRERU: “Là từ người mẹ nói với con mình để chấp nhận một điều gì đó nhẹ nhàng, thú vị khi hình dung trong đầu, chấp nhận hiện thực.”
Hành xử mỗi ngày theo phương châm UKEIRERU là thế nào?
Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể nói gì? Chúng ta có thể tham gia vào việc gì để có được hạnh phúc từ sự chấp nhận?
UKEIRERU không đơn thuần là chấp nhận bản thân. Nó có nghĩa là chấp nhận mối quan hệ của ta với gia đình, nhà trường, đồng nghiệp, cộng đồng. Nó có nghĩa là chấp nhận người khác. Nó có nghĩa là chấp nhận hiện thực, và tạo ra bối cảnh để mở rộng cái Tôi nhỏ bé, hạn hẹp, thiển cận của ta.
Bằng việc chấp nhận tất cả mọi khía cạnh phù du và kém hoàn hảo, UKEIRERU đã áp dụng triết lý Phật giáo Thiền tông và Thần đạo vào xã hội Nhật hiện đại để có được hạnh phúc viên mãn.
Ta có thể thấy được bằng chứng của việc này thông qua xu hướng tiếp cận nghệ thuật bắt nguồn và phát triển từ nhiều thế kỷ trước. Nghệ thuật đại biểu cho góc nhìn, bắt nguồn từ thượng tầng. Các tổ chức tôn giáo đã bắt tay cùng lãnh chúa để tạo ra xu hướng nghệ thuật chống lại sự mất mát (vốn hiện hữu vì sự thờ ơ): không có thể chế, khoa học kém phát triển, cơ cấu kinh tế xã hội cứng nhắc, môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Thay vì khổ sở trước điều kiện sống khó khăn, nghệ thuật đã dựng lên quan điểm sống ở đời là phải biết chấp nhận, tiếp nhận, và thậm chí là truy cầu mất mát.
Mục đích đặt ra là mang đến một sự nhận thức và tự tin vừa đủ để tạo tâm lý thoải mái cho con người. Ta chấp nhận và tiếp nhận mất mát.
Ta cũng nhận ra rằng cách mình định nghĩa bản thân còn tùy thuộc vào mối liên hệ với thiên nhiên và xã hội.
Ở Mỹ, chúng ta sống trong một xã hội đề cao cá nhân, coi hạnh phúc thành mục đích. Nếu hạnh phúc đó có đến bằng cách đánh đổi lợi ích của ai khác thì chậc, tại số họ xui thôi.
“Được ăn cả ngã về không.”
“Không nghe tôi thì biến.”
“Tôi được lợi gì trong vụ này?”
Điều UKEIRERU làm được là nhấn mạnh vào các mối quan hệ để ta tìm thấy bản thân, đồng thời cung cấp sức mạnh cần thiết để tạo ra thay đổi không chỉ ở bản thân mà ở cộng đồng.
Để thay đổi bất cứ điều gì, dù là điều to tát như nạn phân biệt chủng tộc, hay nhỏ bé như bộ phận dịch vụ khách hàng yếu kém thì ta cũng cần bình tĩnh, tiến hành từng bước một cách tập trung, thận trọng và dứt khoát. Ta cần có kế hoạch.
Kế hoạch để chấp nhận bản thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng. Chấp nhận những điều này, ta sẽ hiểu được góc nhìn của những người khác.
Nếu không thể hiểu được bản thân, hay không có một tâm thế bình thản để hiểu bản thân, ta sẽ chẳng thể thay đổi được gì, nhất là những tình huống ngay từ đầu đã khơi nguồn và góp phần tạo nên căng thẳng.
Tạo cho mình một lối sống lành mạnh và rồi nếu muốn, hãy đối diện với những vấn đề khiến ta bị cô lập, lo lắng hay buồn bã. Đây không phải là lệnh động viên. Tôi không bảo bạn hãy uống một tách trà nóng, ngâm mình trong bồn tắm, ngủ trưa một giấc, rồi kéo nhau xuống đường. Nhưng nếu muốn thì bạn có thể dùng nguồn năng lượng có được từ sự bình tĩnh để cố gắng thay đổi những điều cần thiết.
Rèn luyện những thói quen, học tập những cách ứng xử gắn liền với văn hóa Nhật đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Tôi có thể quan sát, đọc, viết một cách tập trung và thấu hiểu hơn hẳn trước đây. Thời gian dường như chậm lại. Tôi không còn nghĩ mãi về tương lai, hay cứ lưu luyến chuyện quá khứ. UKEIRERU tạo cho ta một tâm thế nhất thời: sống ở hiện tại.
Khi nhìn nhận, chấp nhận trọn vẹn vấn đề từ góc nhìn của người khác, những người vốn khiến tôi tức giận hay bất đồng, tôi nhận ra rất nhiều điều khiến mình khó chịu trước đây vốn dĩ chẳng quan trọng.
Những khi khó chịu với người thân hay đồng nghiệp, bạn bè hay người lạ, tôi tự nhắc mình từ từ hẵng phản ứng, hoặc đừng phản ứng gì cả. Vấn đề đó có ảnh hưởng đến tôi thật không? Nó gây ảnh hưởng vì tôi cho phép nó ảnh hưởng đến mình.
Nó có thể chẳng gây ảnh hưởng gì trên thực tế, và chắc chắn rằng trong vài tháng nữa thôi, nó thậm chí không còn là vấn đề.
Đến lúc đó tôi đã tìm được chuyện khác để lo lắng hay đau khổ rồi. Nhất định tôi sẽ tìm được thôi, tôi tháo vát lắm. Tất cả chúng ta đều vậy mà!
Hoặc nếu nó thật sự có ảnh hưởng, nếu nó đúng là một vấn đề gây ra căng thẳng cần phải được xử lý, vậy thì hãy chấp nhận tình hình lúc đó, nhưng đừng hấp tấp hay nóng nảy phản ứng. Hãy để cho bản thân có thời gian tìm ra giải pháp chứ không phải đưa ra một phản ứng nhất thời.
Bây giờ tôi dễ dàng hiểu được rằng điều gây khó chịu thường liên quan đến người đang gây khó chịu hơn là bản thân tôi. Người hay làm mọi việc trở nên nặng nề ắt hẳn phải sống với tâm lý nặng nề thường xuyên. Tôi chẳng qua chỉ thoáng thấy được một lát cắt cuộc sống của họ thôi.
Nếu bạn cho rằng một người nào đó thật phiền toái thì tin tôi đi, họ đang gây phiền toái cho chính mình. Nếu một người làm mình làm mẩy giữa rừng mà chẳng có ai khác ở đó, vậy thì người đó vẫn làm mình làm mẩy được sao?
Tôi thích cách mà suy nghĩ tất cả chỉ là nhất thời của người Nhật có thể áp dụng vào những vấn đề phát sinh hằng ngày.
Nhận ra được căng thẳng và giận dữ chỉ gây nên mệt mỏi sẽ giúp ta tránh lâm vào trạng thái đó. Vài người cảm thấy khá hơn sau khi nổi giận, nên cho rằng cách duy nhất để giảm bớt căng thẳng là nổi giận lần nữa. Thật là một cách phân tâm tuyệt vời. Thật là một cách hay để lãng phí thời gian và sức lực.
Một khi đã ý thức, tôi cố hết sức để tránh xa tác nhân gây căng thẳng, không chỉ là những tình huống mà cả những người quá tiêu cực.
Thay vì chịu đựng những tiêu cực kia, tôi nỗ lực tập trung xây dựng mối liên kết với những người và những điều mang lại cho mình hứng khởi.
UKEIRERU không có nghĩa là phục tùng, chịu thua, chấp nhận những điều tiêu cực, hay đầu hàng trước những kẻ bạo hành, lợi dụng ta.
UKEIRERU có nghĩa là hiểu được rằng một phần lớn trong ta được định nghĩa bằng những người xung quanh; rằng ta không phải là một cá thể độc lập trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Và nó có nghĩa là khi buông bỏ những tư tưởng vị kỷ, ta sẽ có được sức mạnh để thay đổi những điều đem đến khổ đau, có thể tham gia, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp lành mạnh.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Nhật và Mỹ về khái niệm bản sắc cá nhân chính là ở Mỹ, cá nhân có quyền lực cao hơn tập thể. Trong khi ở Nhật thì ngược lại: tập thể tạo nên bản sắc cá nhân.
Hayao Kawai, một nhà tâm lý học người Nhật tài năng, đã cung cấp một ví dụ tuyệt vời về sự khác biệt đó.
Trong quyển Buddhism and the Art of Psychotherapy (Phật giáo và nghệ thuật tâm lý trị liệu – ND), tiến sĩ Kawai viết rằng một diễn giả người Nhật thường xin lỗi trước khi phát biểu, sau đó nói: “Trước tiên xin được nói rằng tôi không đủ năng lực để làm một diễn giả và cũng không có đủ kiến thức cần thiết để bàn về tâm lý trị liệu.” Đó là vì: “Khi người Nhật tập hợp cùng một chỗ, họ có cảm giác trở thành một khối thống nhất, bất kể có quen biết nhau từ trước hay không. Không một cá nhân nào được đứng tách riêng ra khỏi nhóm.”
Tiến sĩ Kawai so sánh bản sắc nhóm này với trường hợp một diễn giả người Mỹ. Thông thường người này sẽ mở đầu bài diễn thuyết bằng một truyện cười “để những người có mặt trải nghiệm cảm giác trở thành một khối thông qua việc cùng cười với nhau.”
Gordon Mathews bổ sung cho lý luận này trong cuốn sách viết về Nhật Bản, trình bày quan điểm của nhà triết học Esyun Hamaguchi về sự khác biệt giữa tâm lý người Nhật và người phương Tây:
“Hamaguchi đã tạo ra một thuật ngữ mới cho người Nhật, kanjin, bản sắc của một người nằm trong mối liên hệ giữa bản thân với người khác; ngược lại với người phương Tây, kojin, bản sắc được xác định bên trong cái tôi độc lập của họ.”
Vậy cái nào tốt hơn? Tính tập thể của người Nhật hay chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ?
Sự thật là không cái nào hơn cái nào cả. Ai lại muốn bị bó buộc trong tập thể ngày này qua ngày khác? Và ai lại muốn sống cô đơn, xa cách với mọi người, chỉ quanh quẩn trong thế giới của riêng mình?
Giống như tiến sĩ Kawai, người đã học tập ở California và Thụy Sĩ, tôi đồng ý rằng chúng ta phải khai thác những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ.
“Trong quá trình tìm kiếm ý thức hậu hiện đại,” tiến sĩ Kawai viết, “tôi cho rằng chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, và tìm được điều gì đó mới mẻ hơn, vì lợi ích của chính chúng ta.”
Những lý do thực sự tồn tại vì sự phát triển của văn hóa chấp nhận và im lặng của Nhật Bản.
Cho đến tận ngày nay, phong tục tập quán, quan hệ họ hàng, thái độ, kỳ vọng vẫn hiển hiện rõ trong các mối quan hệ hằng ngày ở Nhật, hoàn toàn khác với tình bạn, việc làm, gia đình, hôn nhân của người Mỹ.
Những thói quen này hình thành bởi một loạt điều kiện chỉ có ở Nhật Bản. Vị trí địa lý của Nhật khiến cho đời sống không thay đổi nhiều qua thời gian. Suốt nhiều thế kỷ, văn hóa nước này gần như rơi vào trạng thái bất biến, cô lập hơn hẳn những nơi khác.
Ở Mỹ, hầu hết người dân, trừ người Mỹ bản địa, có gốc gác từ những vùng đất cách xa nơi này, có nghĩa là tính cách con người nơi đây, dù có định hình bằng lịch sử, ký ức và luật lệ ông cha để lại thì vẫn mới mẻ hoàn toàn.
Ở Mỹ có một niềm tin rằng ta có thể trở thành bất cứ ai trên mảnh đất này. Ta có thể đổi tên, đổi diện mạo, đổi cả mục tiêu. Ta không phải tuân theo tiêu chuẩn của bất kỳ tập thể nào. Ta không cần giống với cha mẹ mình. Ta có thể sinh ra trong nghèo khó và chết trong giàu có.
“Ai muốn thành triệu phú?”8
8. Tên một trò chơi truyền hình có nguồn gốc từ Anh, phiên bản Việt Nam có tên “Ai là triệu phú” (ND).
Một trong những lý do người Mỹ thường gặp quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống là vì không đạt được mơ ước này, vì cho rằng tại bản thân mà mình không thể trở thành con người trong mơ kia: Bạn thất bại vì bạn chưa cố gắng hết sức.
Nhưng Raj Chetty, một nhà kinh tế học ở Harvard và Stanford, lại chỉ ra rằng sự thật không phải như thế.9
9. Tôi có viết lại bài phỏng vấn với Raj trong cuốn “Those Immigrants! A Psycho- logical Exploration of Achievement”.
Raj cùng nhóm nghiên cứu đã tạo ra “Bản đồ cơ hội”. Bản đồ này chứng minh rằng mã vùng nơi ta sống có ý nghĩa quyết định cho thành công trong tương lai còn hơn cả yếu tố cá nhân.
Đường link: https://www.opportunityatlas.org.
Nhập mã vùng vào.
Bạn sẽ thấy mức độ thu nhập và khu vực sinh sống mang tính quyết định không thể chối cãi đối với thành công tài chính trong tương lai. Phải, một số người sinh ra ở khu phố nghèo vẫn đạt được thành tựu lớn; và phải, một số đứa trẻ con nhà giàu lớn lên có thể thành nghèo. Nhưng số liệu bản đồ cho thấy hầu hết mọi người sống ở đâu sẽ có mức thu nhập tương tự với thực trạng phát triển của vùng đó.
Này thì Giấc Mơ Mỹ cho những ai luôn nỗ lực. Thông điệp ở đây không phải là: Đừng nỗ lực. Thông điệp ở đây là: Nếu ta chưa đạt được thành công thì có lẽ vì ta thiếu cơ hội kinh tế, điều được xác định bởi sắc tộc, giới tính và tầng lớp.
Hiểu được rằng căng thẳng trước mắt không chỉ một mình ta gặp phải sẽ mở rộng cuộc tranh luận này.
Điều này có nghĩa là ta thuộc về một nhóm lớn, giàu hoặc nghèo, da đen hoặc da trắng, trung lưu hoặc cổ cồn xanh, dị tính hoặc LGBTQ10, già hoặc trẻ. Điều khiến ta không vui rất có thể cũng khiến những người cùng nhóm không vui. Ta không đơn độc.
10. Viết tắt của Cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và người vẫn còn đang trong giai đoạn tìm hiểu về mình (ND).
Điều đó giúp hiểu rằng căng thẳng ta đang phải chịu không phải là việc của cá nhân. Những gì ta làm để cải thiện bản thân đều rất tốt, nhưng căn nguyên gây ra căng thẳng cho cả nhóm vẫn không biến mất cho đến khi nó được giải quyết.
Muốn sống với ngọn nguồn gây căng thẳng cho cả một cơ chế hay không, đó là lựa chọn của bạn. Nhưng dù sao thì biết được lý do mình sợ hãi hay khổ sở thì vẫn tốt hơn.
Bất kỳ quyển sách self-help nào đề cập đến kinh tế học bất hạnh đều có giá trị tham khảo hơn hẳn.
Raj từng nói với tôi rằng: “Người nhà tôi sống ở khắp nơi trên thế giới. Tôi biết thành công không đơn thuần là kết quả của nỗ lực.”
Niềm tin có thể truyền cảm hứng đấy, có thể viết nên câu chuyện cho nhiều người dân đến từ cùng một quốc gia đấy, nhưng nó cũng đồng thời tạo ra gánh nặng và căng thẳng khi ta bám theo đúng nghĩa đen của nó.
Sự thật thì ta không thể trở thành bất kỳ ai trên đất Mỹ, ta cũng không thể kiếm được nhiều tiền đến mức vượt qua được tầng lớp kinh tế nơi mình sinh ra, hay sống như thể mình là cảnh sát trưởng hoặc người đào vàng ở miền Tây hoang dã. Phải, nhiều người ở đây đã làm được. Họ vượt qua được xuất thân và tạo ra khối tài sản kếch xù, nhưng các nghiên cứu hàn lâm đã chứng minh rằng nơi chúng ta sinh ra, điều kiện sống nơi chúng ta lớn lên sẽ là nơi hầu hết chúng ta ở lại.
Có những người trúng số độc đắc, nhưng việc đó không giống hay có bất kỳ tương đồng nào với Giấc Mơ Mỹ.
Nhà soạn kịch David Mamet trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng lý do các hãng phim trả giá cao ngất ngưởng cho kịch bản của ông là để làm những người khác hoa mắt. Bởi vì chỉ có một vài người thắng cuộc như thế, những kẻ “thua cuộc” sẽ càng bám vào giấc mơ hão huyền là đạt tới thành công lớn, hơn là tìm cách thay đổi cơ cấu, giống như sống trong sòng bài vậy.
Rồi khi đó, ta sẽ bắt đầu đay nghiến bản thân: Mày không hạnh phúc là do chính mày. Mày không đạt được ước mơ là tại chính bản thân mày.
Niềm tin tồn tại để đánh lạc hướng con người, để ta không tạo ra thay đổi thay thế được chúng. Chúng tồn tại như một cực hình, bành trướng từ trên lòng tự oán.
Bám lấy niềm tin ấy đẩy ta ra xa hành động thực tiễn để xử lý ngọn nguồn căng thẳng.
Nếu bạn thuyết phục bản thân rằng bạn có thể trở thành bất cứ ai trên đất Mỹ, rồi bạn không đạt được mục tiêu đó, vậy thì phải trách ai đây?
Chính bạn. Đừng đùa.
Nhật Bản cũng có một niềm tin cụ thể để phát triển quốc gia. Một trong những niềm tin đó là tập thể cùng đồng lòng tạo nên một diện mạo: nghiêm trang và chỉn chu trong mọi thứ.11
11. Trường học Nhật Bản có chính sách o-soji, tổng vệ sinh trường lớp. Báo chí phương Tây xem sự kiện này là hành động hy sinh cao cả phi thường.
Người Nhật hình thành nên tinh thần đoàn kết này có lẽ vì đây là chìa khóa giúp họ sinh tồn từ ngàn xưa. Đứng trước những hiểm nguy từ thiên nhiên và tình trạng ngăn sông cách núi, một người đơn độc không có khả năng sống sót. Sự đoàn kết không chỉ khích lệ tinh thần mà còn là phương tiện đảm bảo an toàn: cùng hợp tác để tạo nên một diện mạo hài hòa, một quy chuẩn cho tập thể.
Ở mặt tích cực, điều này có nghĩa rằng ta phải: nghĩ xem hành động của mình có ảnh hưởng đến người khác không trước khi làm một việc gì đó. Không gây cản trở tập thể. Nếu bạn không đoàn kết đồng nghĩa với việc có thể bạn đang không cố gắng hết sức.
Nhật Bản là một đất nước có vị trí địa lý khắc nghiệt. Không có nhiều nơi trên thế giới phải thường xuyên hứng chịu động đất, sóng thần hay núi lửa phun trào như nơi này.
Bên cạnh thiên tai và khủng hoảng định kỳ, cho đến ngày nay, World Factbook do CIA biên soạn chỉ ra rằng địa hình núi non, mực nước biển cũng như những khu vực công nghiệp hóa ở Nhật khiến cho chỉ 11,7% diện tích đất ở đây có thể trồng trọt được, xếp thứ 51 trên toàn thế giới, sau Cameroon, Sudan, Pakistan, Ý… Hậu quả là nạn đói, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng cùng với hình thức lĩnh canh đã định hình nền nông nghiệp nước này cho đến tận bảy mươi năm trước.
Các ngôi trường ở đây rất sạch sẽ, tuy nhiên lại có rất ít chương trình giáo dục đặc biệt, không có nhiều phòng thực hành cho học sinh, kết quả học tập được đánh giá qua vô số những bài kiểm tra theo mẫu thay vì tham gia thảo luận hay phân tích văn bản.
Từ ngày kinh tế phát triển, Nhật Bản có thể nhập khẩu rất nhiều loại thực phẩm. Gạo từ Đông Nam Á, trái cây từ Nam Mỹ và châu Phi, đậu nành từ Mỹ và Trung Quốc. Hầu hết các sản phẩm như nước tương, đậu phụ, tương miso nổi tiếng của Nhật đều làm từ đậu nành trồng ở các quốc gia khác.
Địa hình và nguồn cung cấp lương thực đóng vai trò lớn để cấu thành một quốc gia, với Nhật Bản còn có thêm yếu tố vị trí địa lý tách biệt hoàn toàn với lục địa. Những quốc gia bên ngoài đã góp phần tạo nên văn hóa Nhật Bản như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Mỹ, và giờ là cả thế giới đã du nhập vào đây, đâm chồi nảy lộc rồi được định hình ngược lại bởi xã hội cô lập đã tồn tại từ lâu này.
Tất cả điều đó đã giúp quan niệm về tập thể của người Nhật được đặt ngay trung tâm nhận thức của mọi người và sự gắn kết của toàn xã hội. Cách tốt nhất để tạo nên tập thể là cùng san sẻ trải nghiệm, thông qua mắt thấy tai nghe và thói quen lặp đi lặp lại hằng ngày. Tất cả cư xử theo cùng một cách.
Nhiệm vụ này nhằm duy trì cũng như phát triển bản sắc cá nhân dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu ở Mỹ, người ta thường tự trách vì không đạt được Giấc Mơ Mỹ thì ngược lại, ở Nhật, người ta thường tự trách vì không hòa nhập được với quy chuẩn chung của cộng đồng.
Tuy vậy, văn hóa đề cao chủ nghĩa cá nhân của nước Mỹ đã mang lại vô vàn lợi ích; tương tự, người Nhật cũng cực kỳ thành công trong việc xây dựng tập thể.
Ta phải làm gì khi vào nhà tắm công cộng, khi khấn vái? Cách ăn, cách uống, cách bày tỏ lòng kính trọng? Trên tất cả: im lặng chấp nhận người khác và thế giới xung quanh.
Văn hóa Nhật đã tổng hòa ý thức cá nhân với lề lối xã hội theo một cách vô cùng độc đáo. Sự tổng hòa này, bao gồm việc thúc đẩy ý thức cộng đồng vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, đã khiến cho quan niệm chấp nhận, hoặc UKEIRERU trở thành một phần thiết yếu cho sự sống.
Mặc dù thường được khen (lẫn chê) rằng giỏi hoàn thiện những cái có sẵn hơn là sáng tạo ra cái mới, Nhật Bản cũng là quốc gia luôn gợi mở cho sáng tạo nghệ thuật.
Nổi tiếng vì sự hoàn thiện, Nhật Bản cũng chứa đựng những nét độc đáo rất riêng.
Mặc dù ở Nhật, tập thể được xem là quan trọng nhất trong hầu hết phương diện nhưng nỗ lực cá nhân vẫn được trân trọng – nếu nó mang lại lợi ích cho tập thể mà không gây xung đột hay dẫn đến những khía cạnh chưa ai hiểu qua. Phấn đấu để đạt tới sự hoàn hảo là một phần của cuộc sống hằng ngày ở Nhật. Dù thất bại là điều không tránh khỏi, nhưng đề ra các mục tiêu làm lợi cho cộng đồng như xây dựng tàu cao tốc, trật tự trị an tốt, chế độ chăm sóc y tế ban đầu dễ dàng tiếp cận... là tôn chỉ của xã hội nơi đây.
Bên cạnh đó, nghệ thuật và ẩm thực Nhật cũng tạo ra niềm hân hoan đóng góp vào văn hóa tập thể và sức mạnh tinh thần.
Các món ăn truyền thống của Nhật không quá phong phú, cộng với cách thức ăn uống ở đây khiến mọi người không khác biệt nhiều với nhau. Ít đi sự đa dạng có thể làm sâu sắc thêm các trải nghiệm. Yakitori, ramen, udon, soba, gohan, tonkatsu là những món cực kỳ phổ biến ở các quán ăn, người Nhật vì vậy thường ăn các món giống nhau.
Việc này làm tôi liên tưởng đến Lễ Tạ ơn: khắp nước Mỹ, hầu hết các gia đình đều ăn gà tây. Đối với tôi, trải nghiệm chung này là cơ hội để chúng tôi có cùng cảm nhận và cùng suy nghĩ, ít nhất là trong một ngày.
Đó cũng là lẽ thường, khi tất cả đều ăn cùng một món theo cùng một cách thức (từ vị trí để đũa trên bàn đến thời điểm dùng bữa, rồi vị trí chỗ ngồi và cách ngồi).
Giống như lời bài hát “We The People” của nhóm A Tribe Called Quest do Q-Tip trình bày: “Mỗi khi đói, chúng ta ăn cùng một món, mì ramen…”
Ở Nhật Bản, những hành động giống nhau hoặc tuân theo chuẩn mực diễn ra hằng ngày ở khắp mọi nơi. Ăn cùng một loại thức ăn là dấu hiệu để người khác thấy rằng ta có điểm chung với họ.
Mỗi khi ăn, ta được trở thành một phần của tập thể, đồng thời trở thành một phần của thiên nhiên thông qua những gì có trong chén cơm. Thiên nhiên, với tư cách là một khía cạnh của trải nghiệm tập thể hiện diện trong sinh hoạt hằng ngày.
Nét văn hóa này đã hình thành từ rất lâu.
Vào thời Heian (794 - 1185), thiên nhiên nổi lên thành một chủ đề quan trọng trong văn hóa nghệ thuật Nhật Bản.
Điều thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ thời bấy giờ cũng như tiếp tục ảnh hưởng đến nhận thức ngày nay chính là một dạng thức UKEIRERU, thể hiện rõ qua việc tập trung vào những sự kiện, hiện tượng không tồn tại bền lâu: hoa đào, ếch nhái, ve sầu, đom đóm, và nhiều điều khác.
Nhà văn Haruki Murakami từng viết về việc gắn bó và chấp nhận những điều ngắn ngủi, rằng ông trân trọng những gì chóng tàn vội phai. Nếu không chú ý, nếu không quan sát bằng tất cả khả năng, chúng ta rồi sẽ lạc lối, sẽ chia tách hoàn toàn với thiên nhiên.
Murakami viết rằng:
“Hoa anh đào, đom đóm và lá đỏ đều mất đi vẻ đẹp trong thời gian ngắn... Và ở chừng mực nào đó, chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng khi xác nhận được rằng chúng không chỉ đẹp, mà còn bắt đầu rụng rơi, đánh mất ánh sáng nhỏ bé hay vẻ đẹp rực rỡ. Chúng tôi tìm thấy bình an trong tâm hồn khi biết chúng đã đạt tới đỉnh cao của vẻ đẹp rồi bắt đầu tàn phai.”
Khi một điều gì đó mất đi, ta có thể đón nhận sự thiếu vắng. Thiếu vắng cũng quan trọng chẳng kém gì hiện hữu. Hoặc không chừng là quan trọng hơn.
Có được bình yên trong tâm hồn từ mất mát. Một dạng thức chấp nhận sâu sắc biết nhường nào.
Thời đại Muromachi (1336 - 1573) đến mang theo yugen. Người Nhật giải thích với tôi rằng yu là một điều gì đó bất khả tư nghị hoặc huyền bí. Thuật ngữ/khái niệm này là nền tảng cho nghệ thuật và hệ tư tưởng Nhật Bản: vạn vật đều có hàm ý, chính sự thâm sâu khiến ta phải xem xét cẩn thận hơn. Và muốn xem xét cẩn thận, ta phải tuân theo các yêu cầu như: giữ im lặng, biết lắng nghe, tiếp thu, tin rằng điều ta đang nhìn thấy trước mắt rất có thể chỉ là đại diện cho những cốt lõi ẩn sâu mà muốn chạm tới, ta phải biết gác lại bản thân và ý kiến cá nhân. Qua quá trình này, ta đã tham gia cùng những người khác cũng đang cố lý giải vấn đề. Và ta cũng trở thành một phần của điều được xem xét trong nỗ lực hiểu thấu nó. Cái đẹp thường ẩn giấu bên trong chứ không phô bày trực tiếp ra ngoài, ta chỉ tỏ tường được một điều gì đó khi im lặng quan sát, trân trọng phút hiện hữu nhất thời, chấp nhận rằng sự việc trước mắt hoặc còn ẩn chứa nhiều điều, hoặc không gì cả.
Khi đối mặt với một điều mang tính chất yugen, ta có thể trở thành một phần trong đó, một phần của điều đang diễn ra chứ không đơn thuần là kẻ đứng ngoài. Vì để hiểu, để trân trọng và chấp nhận, ta phải im lặng tập trung tất cả tinh thần. Ta không được để cái nhìn chủ quan dẫn dắt, bởi một khi như thế, ta sẽ bỏ sót bản chất của sự vật, không còn hiểu đúng ý nghĩa của nó nữa.
Khi nhìn vào một bức thư pháp, một món đồ sứ, đồ mộc, hay washi (giấy), ta có thể cảm giác được mình là một phần của vật đó. Không chỉ qua việc quan sát mà còn ở việc biết rằng có nhiều người nữa cũng đang quan sát giống mình. Vẻ đẹp của sự đồng nhất, cách nó khơi lên phản ứng chung của nhiều người là một phần của quá trình hình thành nên tinh thần tập thể Nhật Bản.
Trong tiếng Nhật, cụm từ “Nihon no kokoro”, tạm hiểu là trái tim hoặc tâm hồn Nhật Bản, là một cách biểu đạt hiện tượng đồng nhất mang tính thẩm mỹ này.12
12. Học giả Donald Keene, người đã sống ở Tokyo gần trọn đời mình và góp phần đưa văn hóa Nhật đến với hàng trăm triệu người trên thế giới đã miêu tả lại trải nghiệm tuyệt vời này khi sống “trong một căn phòng truyền thống Nhật với chiếu tatami lót sàn, cửa lùa shoji, góc phòng tokonoma đặt thư pháp và bình hoa, còn ngay bên ngoài kia là một khu vườn thoáng đãng”.
Chúng ta có thể hiểu và cảm nhận một cách thấu đáo hơn khi chấp nhận vị trí của mình giữa vạn vật.
Càng quan sát, càng ít đưa ra ý kiến, ta càng dễ chấp nhận hơn.
Hãy phát triển khả năng thấu hiểu và quan sát, rồi từ đó cố gắng xác định xem thiên nhiên mong muốn gì ở ta, và đâu mới là điều chân thật nhất về bản thân ta. Có làm được như thế, ta mới có thể chấp nhận được cảm xúc, suy nghĩ, nỗi sợ, ham muốn của người khác, rồi biết cách giúp họ. Ta cũng sẽ có được năng lượng cần thiết để thay đổi, hoặc đối mặt với ngọn nguồn gây ra căng thẳng cho mình.
(Mách nhỏ: Đây không phải vấn đề của cá nhân bạn. Đây là vấn đề bạn cư xử thế nào với mọi người và thế giới xung quanh.)
Hiểu được rằng mình không hoàn hảo, nhận thức được cuộc đời này chóng vánh ra sao, UKEIRERU buộc ta phải sống chậm lại và ghi nhận những người, những việc xung quanh. Cuộc đời không hoàn hảo, chẳng có mối quan hệ nào hoàn hảo, ta phải biết trân trọng hiện tại bởi tất cả rồi sẽ kết thúc chóng thôi (Chẳng có cơn đau nào kéo dài mãi mãi).
Ezra Pound, một nhà thơ Mỹ chịu ảnh hưởng của thể thơ haiku truyền thống Nhật, đã sáng tác một bài thơ nổi tiếng có thể dùng làm ví dụ tuyệt vời cho UKEIRERU:
Ngày dài không đủ
Đêm dài không đủ
Đời lướt qua như chú chuột đồng
Chẳng lay nổi ngọn cỏ
Hãy sống trọn vẹn, hòa hợp với thiên nhiên, chấp nhận rằng thời gian là hữu hạn, rằng bất kể ta có làm gì thì cũng quá yếu ớt để đổi dời được thiên nhiên. Chúng ta là những cá thể nhỏ bé và vô nghĩa.
Có rất nhiều cách vô cùng thiết thực để áp dụng UKEIRERU vào cuộc sống. Đó là những hành động kéo chúng ta ra khỏi cái vỏ ốc âu lo của mình. Bằng cách nhận ra hạnh phúc của ta đến cuối cùng cũng không quan trọng bằng cảm giác của người khác. Bằng cách hiểu rằng ta sống vui vẻ hay không phụ thuộc vào việc ta có đem lại niềm vui cho người khác hay không. Hãy dành một khoảng thời gian mỗi ngày để không làm gì cả, để giúp chúng ta thoát khỏi bản thân và nạp lại năng lượng. Học cách chấp nhận vị trí của mình trong mối quan hệ với thiên nhiên và con người, đầu óc ta sẽ được thanh thản, rồi từ đó khắc phục được nguyên nhân khiến ta gặp căng thẳng.
Khi được Judd Apatow phỏng vấn về ý nghĩa của hài kịch, Jerry Seinfeld trả lời rằng ông treo một tấm bản đồ ngân hà trong phòng làm việc để nhớ rằng mình nhỏ bé đến mức nào, từ đó cởi bỏ được áp lực. Đó chính là UKEIRERU. Seinfeld còn nói thêm rằng: “Tôi bị những gì mang tính Thiền thu hút.” Trong một buổi phỏng vấn sau đó với Howard Stern, Seinfeld tiếp tục bổ sung cho nhận định này: “Tôi không chú trọng mua vui cho bản thân. Tôi không thấy việc đó có gì quan trọng. Với tôi điều quan trọng là họ(khán giả) được vui vẻ.” Làm người khác hạnh phúc!
Khi Ariana Huffington mở công ty chuyên cung cấp chỗ ngủ trưa cho mọi người, đó chính là UKEIRERU. Hãy nhắm mắt lại, đừng làm gì cả.
Khi tạp chí AFAR đưa tin rằng các khu trung tâm cho phép mọi người tắm chung đang mọc lên khắp các thành phố lớn, đó chính là UKEIRERU.
Ở Nhật, ta trải nghiệm UKEIRERU trong từng quán cà phê, phòng nghỉ trưa, trong những lễ hội nhỏ mừng ngày giao mùa, và trong nhà tắm công cộng. Ngày qua ngày, khắp mọi miền đất nước, từ công ty đến nhà riêng, người Nhật cả nam lẫn nữ đều cố gắng giữ lòng bình thản, quan tâm đến nhu cầu của mọi người, và chấp nhận vị trí của mình giữa vạn vật.
Lối sống cộng đồng hài hòa tốt đẹp này đã trở thành đặc trưng của nước Nhật, tất cả là nhờ con người ở đây áp dụng thành công triết lý UKEIRERU vào cuộc sống hằng ngày.
Có một câu chuyện ngụ ngôn Thiền, hoặc koan, có thể dùng làm ví dụ cho sức mạnh của UKEIRERU: Một ngày nọ, Đức Phật tới một ngôi làng, liền được các tín đồ ở đây kéo đến ca tụng. Nhưng có một người đàn ông lại đứng ra chửi rủa Đức Phật. Ông ta quát mắng một hồi lâu, bảo rằng Đức Phật là một tên cướp, rằng ngài chỉ ham muốn tiền bạc và hư danh. Cuối cùng, Đức Phật hỏi rằng ông ta đã mắng mỏ xong chưa. Người đàn ông đáp “Rồi”, Đức Phật lại hỏi: “Nếu ngươi tặng quà cho ai đó mà người đó không nhận, vậy món quà thuộc về ai?” Người đàn ông cười khẩy, bảo rằng Đức Phật quả nhiên ngu ngốc mới hỏi một câu như vậy. “Nó thuộc về người tặng. Thằng đần nào cũng biết!” Đức Phật nói: “Chính xác. Sự giận dữ của ngươi là món quà của ngươi. Ta từ chối nhận. Vì vậy nó thuộc về ngươi. Không ai muốn cơn giận của ngươi cả.”
UKEIRERU là thế đó. Tưởng tượng xem ta hình thành được một phương pháp đối phó với giận dữ, sợ hãi, bất đồng khác hẳn những gì từng làm trước đây. Không phản ứng, mà xem xét lại vấn đề, hiểu và chấp nhận cảm xúc của người đối diện, rồi quyết định nên làm gì (hoặc không nên làm gì) để giải quyết vấn đề trong phạm vi quan hệ giữa hai bên.
Mỗi lần nhận được email với lời lẽ khiếm nhã, hoặc gặp ai đó bất lịch sự, nói năng khó nghe, tôi lại nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn trên và tự nhủ sự giận dữ này thuộc về đối phương.13
13. Lưu ý: vấn đề của Nhật Bản là quá dựa dẫm vào tập thể để tạo nên ý nghĩa cuộc sống cho mỗi cá nhân. Người Nhật những khi buồn bã hay xấu hổ thường tự trách bản thân vì đã làm ảnh hưởng tới không khí chung của tập thể. Ở đây gần như không có chuyên viên tư vấn tâm lý. Mọi người phải chịu đựng áp lực trở thành một phần của tập thể, kể cả khi cái tôi cá nhân bị tư duy tập thể đả kích.
Nhưng Nhật Bản cũng là một xã hội đoàn kết và thực dụng: không có nạn xả súng, tỷ lệ người nghiện thấp, thành phố an toàn, con người lịch sự, và tỷ lệ phụ nữ có việc làm ở Nhật còn cao hơn ở Mỹ.14
14. Bắt đầu từ năm 2011, chủ yếu là những công việc không được trả lương cao hay ở vị trí thấp, đôi khi phụ nữ còn phải chọn giữa sự nghiệp và gia đình, và công việc thường có hợp đồng từ một đến hai năm. Không một người sáng suốt nào lại xem Nhật là đất nước tiên phong cho nữ quyền. Phụ nữ không phải là nhân tố trụ cột của quốc gia, những thói quen ăn sâu bám rễ ngăn cản việc thay đổi chính sách. Đàn ông Nhật thường rất cứng nhắc bảo thủ, thiếu sự thấu hiểu và công bằng, tương tự như hầu hết đàn ông ở các quốc gia khác trên thế giới.
Người Nhật cũng có tuổi thọ trung bình cao hơn người Mỹ dù chi ít hơn cho chăm sóc sức khỏe. Ngân sách Nhật Bản dùng cho y tế là 10,2%, trong khi ở Mỹ là 17%, và Nhật đạt được kết quả tốt hơn.
Người Nhật thành công khi tạo dựng và duy trì được một lối sống tốt như thế một phần là nhờ họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp y tế công cộng mang lại lợi ích cho tập thể (hơn là cá nhân).
SỰ CHẤP NHẬN, TUỔI THỌ, VÀ CỘNG ĐỒNG
Xét tuổi thọ trung bình, Mỹ xếp thứ 31 trên thế giới; Nhật xếp thứ nhất. Hoặc như David Pilling đã viết trong cuốn The Growth Delusion (Sự ảo tưởng về phát triển – ND): “So với người Mỹ, người Nhật chi tiêu ít hơn một nửa và sống thọ hơn bốn năm.”
Tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm trong ba năm liên tiếp15. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), xu hướng đáng lo ngại này phần lớn đến từ những ca tử vong do dùng thuốc quá liều và tự sát. “Tuổi thọ trung bình là lát cắt cho thấy tình hình sức khỏe tổng quan của đất nước, và số liệu nghiêm trọng ở đây chính là hồi chuông báo động rằng chúng ta đang để mất quá nhiều người dân Mỹ ở độ tuổi quá trẻ với mức độ quá thường xuyên, vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được.”16
15. Theo lời tiến sĩ Sanjay Gupta trong bộ phim tài liệu “One Nation Under Stress”, sản xuất năm 2019 của đài HBO.
16. Tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 11/2018.
Thái độ chấp nhận dường như còn ảnh hưởng đến cách xã hội đối phó với tình trạng bất bình đẳng, tâm lý đặc quyền, cũng như những hỗ trợ cơ bản nhất cho những người dễ bị tổn thương nhất, những người không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vốn đòi hỏi kỹ năng, những người mắc bệnh mãn tính và rối loạn tâm lý, những người thất học, hoặc đơn giản là không có khả năng hòa nhập. Thay vì cách ly, cô lập, bêu riếu hay tìm cách trục xuất những cá nhân này, sẽ tốt hơn nếu đặt ra những luật lệ và tiêu chuẩn để chấp nhận giá trị con người họ. Về khía cạnh bình đẳng, Nhật Bản chưa hoàn toàn thành công, nhưng vẫn đỡ hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.17
17. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2015, tỷ lệ thu nhập bình quân giữa 10% người giàu nhất và 10% người nghèo nhất ở Nhật là 4,5% so với 18,5% ở Mỹ.
Một xã hội có thể hoạt động hiệu quả hơn khi giảm được mức chênh lệch thu nhập. Nếu toàn dân đều có chung điều kiện kinh tế, từ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông đến nhà cửa thì thành quả đạt được cũng sẽ tương tự nhau. Hơn nữa, các chính sách cũng có thể dễ dàng áp dụng cho số đông hơn. Điều này vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần giúp con người được hạnh phúc.
Một bài báo gần đây trên trang BBC (8/1/2018) chỉ ra rằng Nhật Bản: “Không chỉ được Ngân hàng Thế giới xếp hạng cao nhất châu Á xét về tính hiệu quả tổng thể của chính phủ, pháp trị và ổn định chính trị. Họ còn được điểm cao nhất ở châu Á về Chỉ số Tiến bộ Xã hội cho khả năng tiếp cận kiến thức cơ bản, nước sạch và vệ sinh cũng như dinh dưỡng và chăm sóc y tế.”
“Bảo hiểm y tế là phổ cập, mặc dù có thể đắt đỏ do dựa trên thu nhập và được trừ vào tiền lương, nhưng người dân có thể khám bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào, vào bất cứ lúc nào và chi phí được chi trả ở một mức nhất định.”
“Hệ thống giáo dục là một thế mạnh khác của Nhật Bản; cấp tiểu học và trung học thực hiện giáo dục bắt buộc và hệ thống trường của Nhật xếp thứ hạng cao toàn cầu.
Mặc dù các trường học có tính tổ chức cao và có tính hệ thống - vốn sẽ dẫn đến sự chuẩn mực hóa quá mức - các trường học rất chú trọng tới vấn đề dinh dưỡng, coi đó là một yếu tố then chốt trong giáo dục; các bữa ăn trưa trong trường được chuẩn bị từ nguyên liệu địa phương và đi kèm với các bài học về ăn uống lành mạnh và lịch sử ẩm thực...”
UKEIRERU góp phần giúp người Nhật sống thọ hơn và thoải mái hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nó không phải là nguyên nhân mà là nhân tố mang tính quyết định. Kinh tế, cộng đồng lẫn văn hóa Nhật đều được hưởng lợi từ UKEIRERU.
Bằng cách kết hợp tinh thần cởi mở, sự đa dạng sắc tộc và tâm lý linh hoạt của người Mỹ chúng ta với triết lý UKEIRERU, chúng ta sẽ có được, như lời Tiến sĩ Kawai, một cơ hội tuyệt vời để tạo nên hình mẫu mới cho một cuộc sống tốt đẹp, trường thọ và khiến ta hài lòng hơn.
Cá nhân ta đạt được gì hay tiến bộ thế nào không phải là ưu tiên cao nhất. Ta sẽ đạt được thành tựu lớn hơn bằng cách tạo ra và duy trì lối sống tốt đẹp thông qua việc chấp nhận, lắng nghe, thấu cảm, tôn trọng giá trị cộng đồng và các mối quan hệ.
Điều quan trọng nhất: Có ích cho người khác.
Hai nền văn hóa Nhật Bản và Hoa Kỳ khi kết hợp lại sẽ có khả năng trở nên vĩ đại hơn từng nền văn hóa xét riêng.
Trong quyển sách này, tôi sẽ nói về các thói quen và hoạt động hằng ngày của người Nhật đã tạo nên triết lý UKEIRERU mạnh mẽ, thoải mái và đáng tin cậy. Nhưng trước khi đến phần đó, xin được điểm qua vài nét về góp nhặt tinh hoa, tính cam chịu và chiếm dụng văn hóa.
GÓP NHẶT TINH HOA, TÍNH CAM CHỊU VÀ CHIẾM DỤNG VĂN HÓA
Năm 1871, ba năm sau khi cuộc Cách mạng Minh Trị chính thức diễn ra, chấm dứt chế độ Mạc phủ và khôi phục quyền lực cho Thiên hoàng, Nhật Bản nhận thấy cần phải đuổi kịp phương Tây nếu muốn tránh bị đô hộ và cạnh tranh trong cuộc đua của các cường quốc hiện đại. Để đạt được mục đích đó, một phái đoàn do đại thần Iwakura dẫn đầu đã đến thăm Mỹ và các nước châu Âu, học hỏi tinh hoa của các quốc gia này để giúp Nhật Bản phát triển thành một quốc gia hùng mạnh.
Nói một cách đơn giản thì họ đã học hỏi tất cả những gì đáng giá như: hệ thống giao thông của Mỹ, chế độ quân chủ lập hiến của Anh, phương pháp nghiên cứu khoa học và trường đại học của Phổ (nước Đức trước kia).
Biến đổi những cách thức tổ chức xã hội này cho phù hợp với phong tục tập quán truyền thống, Nhật Bản đã hình thành nên một cách thức riêng để hiện đại hóa đất nước và biến mình thành một cường quốc.
Lấy cảm hứng từ phái đoàn Iwakura, quyển sách này do đó cũng xin được góp nhặt tinh hoa. Phái đoàn Nhật Bản trước đây đã góp nhặt những gì họ tin là tiến bộ nhất của phương Tây. Chúng ta cũng có thể góp nhặt những gì chúng ta tin là tiến bộ nhất của Nhật Bản.
Tương tự như cách chủ nghĩa cá nhân được tung hô ở Mỹ, người Nhật đề cao lối sống tập thể hài hòa để có được hạnh phúc. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau bằng cách chấp nhận những gì tốt đẹp nhất của xã hội mình.
Đừng lặp lại sai lầm cũ.
Nói đến đây, không thể không nhắc đến tính cam chịu.
Cam chịu và chấp nhận, sự khác biệt giữa cả hai có thể vời vợi như một ngọn núi, hoặc mảnh như một đường tơ. Tất cả tùy thuộc vào việc bạn có ý gì và bạn là ai.
Tôi thì tin rằng sự khác biệt giữa cả hai là rất lớn, và ý tôi tức là: Nếu một tình huống yêu cầu bạn phải kiên nhẫn quan sát, hãy tạm thời chấp nhận. Tìm chiến lược trước khi hành động. Tình huống có thể sẽ thay đổi. Mà việc nó có thay đổi hay không rất có thể chẳng liên quan gì tới lời nói hay hành động của bạn lúc đó. Nếu phản ứng dựa trên ý kiến chủ quan, có khả năng bạn chỉ khiến mọi việc trầm trọng hơn. Bạn có thể bị áp đảo thực sự. Hãy cố gắng đừng phản ứng lại.
Có thể điều đó là không công bằng, nhưng bạn có thể làm gì để tình huống này không phát sinh lần nữa? Tìm kiếm một phương pháp lâu dài: lên kế hoạch, tổ chức, gây dựng sự đoàn kết trong tập thể. Tình huống bạn đang gặp quá nửa không phải là vấn đề chỉ mỗi bạn vấp phải. Đây có thể là vấn đề của một thể chế hay hệ thống. Và vì đây không phải là chuyện riêng của bạn, hãy kêu gọi những người khác cùng hợp tác để thay đổi điều bất công này. Bạn không hề đơn độc.
Ở chiều ngược lại, cam chịu là thái độ thụ động có tính ăn mòn. Là sự thiếu tự tin về bản thân và năng lực bản thân. Nó là kẻ đánh cướp quyền lực, là sự nhu nhược, cho rằng bản thân không được phép sử dụng quyền lợi chính đáng của con người. Mất đi bản sắc, con người dễ sinh ra giận dữ, mà đó lại là một cách giải tỏa cảm xúc không hề tốt.
Người Nhật thường biểu đạt sự cam chịu qua cụm từ:
Shikata ga nai. Tạm dịch là: “không làm gì được” hay “hết cách”. Ngay cả khi một tình huống có thể được giải quyết nếu những người trong cuộc cùng tham gia thì người ta vẫn chừa đường lui bằng cách nói: Shikata ga nai.
Cụm từ “shikata ga nai” phản ánh thái độ thụ động, đầu hàng trước số phận của một bộ phận người Nhật được dạy là phải biết chấp nhận những gì tất yếu, không được tranh cãi với chính quyền, không được phản kháng trước những điều luật chuyên quyền quan liêu.18
18. Theo bài báo trên tờ Japan Times, xuất bản năm 2001 của Hugh Cortazzi.
Thái độ cam chịu này hình thành từ những người Nhật sống dưới thiết quân luật.
Trong tác phẩm kinh điển Hiroshima, John Hersey giải thích tại sao nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử không còn được nhận hỗ trợ y tế nữa: Không làm gì được đâu, vô ích thôi, shikata ga nai.
Cam chịu là một thái độ vô cùng nguy hiểm. Đối mặt với một tình huống, biết đâu ta có thể làm được gì đó, phải làm gì đó, hoặc cần làm gì đó. Cam chịu có thể trở thành một tính cách, và người mang tính cách đó sẽ trở nên thụ động trước mọi loại tình huống.
Quyển sách này không viết về shikata ga nai. Quyển sách này không viết về đầu hàng hay từ bỏ.
Mà ngược lại:
Nếu ta biết chấp nhận bản thân, rồi từ đó chấp nhận người khác và vị trí của mình giữa vạn vật, ta sẽ nhận ra mình có trách nhiệm phải suy nghĩ cho người khác trước khi hành động. Và như thế, hành động của ta sẽ mang lại lợi ích.
Điều cuối cùng tôi cần nói qua là vấn đề chiếm dụng văn hóa. Tôi không phải là người Nhật, tôi không giả vờ là người Nhật và bạn cũng không nên như thế (trừ khi bạn là người Nhật thật). Cũng như cách Nhật Bản phát triển mạnh mẽ bằng cách góp nhặt tinh hoa phương Tây rồi kết hợp với văn hóa nước mình, bạn cũng có thể góp nhặt những gì mình thích về nước Nhật rồi mang về áp dụng vào gia đình và sinh hoạt hằng ngày.
Tôi không đề nghị bạn hãy mặc kimono hay học cắm hoa, nhưng nếu đó là sở thích của bạn thì hãy làm điều đó một cách tôn trọng, biết rằng mình chỉ đang tôn vinh văn hóa của một đất nước không thuộc về mình. Đừng biến mình thành kẻ mạo danh. Đừng giả vờ làm người khác. Đừng chiếm đoạt thứ không thuộc về mình rồi xóa bỏ ý nghĩa ban đầu của nó.
Đừng chiếm dụng văn hóa, hãy chấp nhận bản thân là ai trước khi cố gắng trở thành con người mình mơ ước.
Giống như Michelle Obama đã viết trong hồi ký Chất Michelle: “Tôi biết người ta có thể tồn tại ở hai trạng thái cùng một lúc – đặt chân ở thực tại nhưng mũi chân thì hướng đến sự tiến bộ… Chúng ta có thể đạt được một điều gì đó bằng cách xây dựng thực tại tốt đẹp hơn kia, ngay cả khi ban đầu nó chỉ tồn tại trong tâm trí chúng ta… Ta có thể sống trong một thế giới như hiện có, nhưng ta vẫn có thể ra sức để biến nó thành một thế giới mà ta nên có.”19
19. Bản dịch của Duy Khương, First News xuất bản, 2019. (ND)