C
húng ta là ai, chúng ta có thể trở thành ai tùy thuộc vào mối quan hệ với người đối diện. Ở Nhật, mối quan hệ này hình thành và phát triển thông qua một loạt những hoạt động chung, nơi mà mức độ tham gia của người trong cuộc định nghĩa cái tôi cá nhân của họ. Hoạt động tập thể đã trở thành trọng tâm trong sinh hoạt hằng ngày.
Những hoạt động này mang con người đến gần nhau hơn, gần với gia đình và xã hội hơn. Tham gia vào những hoạt động như thế, các cá nhân cũng trở nên vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Thật oái oăm làm sao khi tạm thời gác lại bản thân, ta lại có được cảm giác thoải mái hơn với chính mình. Bớt quan tâm tới bản thân, ta sẽ có cơ hội quan tâm tới người khác, khơi gợi được hứng thú và khả năng quan sát, chấp nhận nhiều hơn.
Trà đạo là một lễ thức công phu, chậm rãi mà bạn nên thử một lần trong đời. Một nhà nhân chủng học văn hóa nổi tiếng ở Bắc Mỹ, đồng thời là người chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật đã trợn mắt, gãi râu rồi vỗ vỗ bụng khi tôi nói rằng mình thích thưởng thức trà đạo.
“Một lần,” ông ta nói, “là đủ.”
Chúng tôi bật cười. Tôi hiểu ý ông muốn nói đến bản chất cầu kỳ, tập trung, lặp đi lặp lại, và quá lê thê của trà đạo là điều mà người bình thường ít làm, ở Mỹ lẫn ở Nhật. Ngồi ở đâu, ngồi thế nào, phải nói gì, nói khi nào, âm điệu thế nào, nhấn nhá ra sao, vâng, tất cả đòi hỏi một sự kiên nhẫn thường dành cho những ai muốn nuôi dưỡng tinh thần hơn là uống một tách trà nóng.
Nhưng điều quan trọng có thể rút ra ở đây là ta có thể kết nối với một quốc gia thông qua thức uống của nơi đó. Người Đức có lễ hội bia Oktoberfest, người Nhật có trà đạo.
Một điều quan trọng không kém nữa là trái ngược với nghi thức chặt chẽ, trà đạo lại mang nét mong manh mà ta có thể áp dụng vào rất nhiều trường hợp khác. Khi ngồi uống trà, tôi thu mình lại, thả lỏng tinh thần, rồi nếu có phải xếp hàng cạnh một người nói năng to tiếng khi thanh toán tiền ở siêu thị, bị kẹt xe, hay bị một người tôi chẳng quen gây sự ở bãi đỗ xe, tôi vẫn có thể gợi lại khoảnh khắc tĩnh tâm có được bên tách trà, và chờ đợi. Có nhiều thứ nhìn vậy chứ chẳng quan trọng gì đâu, như Drake đã hát ấy: “Sống trong khoảnh khắc, nhưng rồi nó cũng đến và đi.”
Trà đạo là một trải nghiệm văn hóa tầm cao, nhưng ý nghĩa, cách thức thực hiện cũng như cảm nhận về trà đạo có thể giúp ta lèo lái qua những tình huống và mối quan hệ ít phức tạp hơn: ngồi yên, chú ý, tuân thủ luật lệ, sống chậm, tận hưởng một thú vui đơn giản.
Sự im lặng và quan sát trong sinh hoạt hằng ngày của người Nhật, từ một việc đơn giản như uống cà phê, trà hay cocktails, là một phần của cái gọi là “aun no kokyu”. Nó có nghĩa là “hòa nhịp thở” như nhà văn kiêm biên tập viên Yoji Yamasuke đã viết trong cuốn Japaneseness (Nét Nhật – ND). Ông giải thích rằng: “Nếu ta đặt mình vào vị trí đối phương, nếu ta có thể đóng tròn vai của mình, vậy thì ta có thể kiểm soát được cuộc giao tiếp mà không cần phải nói quá nhiều để đạt được việc đó.”
Trà đạo Nhật không còn là điều gì xa lạ. Bình thường ở nhà, người ta hiếm khi uống trà kiểu này vì đòi hỏi phải sử dụng nào khăn lau, nào gáo múc, rồi khuấy bột trà, rót nước chậm rãi, cúi chào nhiều lần, tỉ mỉ đến từng động tác như châm trà, cầm chén, xoay chén.
Tuy nhiên sự chậm rãi và trầm mặc của trà đạo vẫn hiện diện trong lối sống hằng ngày, khi ta thưởng thức một tách trà xanh bình thường trên đất Nhật.
Trong các ryokan ở Nhật, mỗi phòng thường để sẵn bình thủy đựng nước sôi. Cạnh bên là một khay gỗ tròn, trên bày một cái ấm nhỏ có ngăn lọc và một cái hộp be bé đựng lá trà xanh.
Trước hoặc sau khi ngủ trưa, trước hoặc sau khi ngâm mình trong suối nước nóng, bạn hãy khoác lên người bộ yukata, pha một ấm trà và ngồi đợi trong thời gian hãm trà.
Ở nơi làm việc không ai làm thế, nhưng trong một ngày dài, vẫn có vô số người tự rót cho mình một tách trà xanh. Hành động này giống như đấm thủng một lỗ lên bức tường lao động không ngừng nghỉ, tạo ra một hoạt động cùng sẻ chia, gợi lại ký ức về thuở nào đó ta được thưởng thức tách trà giữa khung cảnh yên bình, tĩnh mịch. Và trong tách trà, ta vẽ ra được hình ảnh những cánh đồng trà xanh mướt mắt ngút ngàn.
Tách trà Nhật rất nhỏ, có thể đặt gọn trong lòng bàn tay người lớn. Khi trà đã sẵn sàng rồi, bạn hãy ngồi xuống chiếu tatami, duỗi lưng thoải mái, nhấp một ngụm trà để thấy hồn lâng lâng. Nếu muốn đầu óc tỉnh táo, bạn có thể nghĩ đến Basho, nhà thơ lỗi lạc đã viết ra những dòng sau vào thế kỉ 17:
Nhà sư nhấp chén trà,
Sáng lặng yên,
Hoa cúc nở.
Bạn có thể làm việc này ở nhà lẫn ở chỗ làm.
Chỉ cần: lá trà ngon, ấm trà, và nước nóng.
Trải nghiệm ở đây không đơn thuần là thưởng thức trà mà còn hơn thế nữa. Phải, mùi hương thanh mát của trà có thể vỗ về khứu giác, đưa ta vào trạng thái lâng lâng khi hình dung, hoặc thậm chí là cảm nhận thiên nhiên trong tách trà. Proust có bánh madeleine20, người Nhật có trà xanh. Và hơn cả trà hay bánh, đó chính là thiên nhiên, quá khứ và hiện tại được ta cảm thụ, bất kể là khi ngồi uống một mình hay đối ẩm cùng ai. Nó mang đến cho ta cảm giác bình yên, quên đi trong một chốc mình là ai, đây là nơi nào, nhưng cũng đồng thời bồi đắp vững chắc cho niềm thỏa mãn rằng ta đang sống và được an toàn.
20. Madeleine là một loại bánh của Pháp. Trong tác phẩm kinh điển “Đi tìm thời gian đã mất”, đại văn hào Marcel Proust có viết về chiếc bánh này (ND).
Tôi nghĩ đến nhà thơ Basho. Trong thơ ông đã nhấp tách trà, chấp nhận sự tĩnh lặng của sớm mai để tâm trí có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của đóa hoa khai nở. Không đâu, không phải tách trà nào cũng đưa bạn quay ngược thời gian hay tạo nên cõi lòng bình lặng đâu. Hãy nhớ rằng Basho đang viết về một nhà sư. Bạn có phải là nhà sư không? Tôi không nghĩ vậy. Nhưng nếu thêm uống trà vào danh sách việc làm hằng ngày, đặc biệt là uống cùng người yêu, bạn bè hay đồng nghiệp, bạn có lẽ sẽ thấy thời gian trôi chậm đi đấy. Rồi có lẽ bạn sẽ quan sát được nhiều hơn, chấp nhận một cách trọn vẹn hơn bản thân mình, và biết đâu bạn sẽ yêu thích cảm giác kích thích mà caffein21 mang lại.
21. Lượng caffein trong lá trà xanh khác nhau tùy vào nhãn hiệu và thời gian pha. Các loại trà bán ở Mỹ thường có lượng caffein khá thấp, trong khi ở Nhật thì cao gấp bốn lần.
Tôi có thể làm chứng: ở Nhật, các cuộc họp thường phục vụ trà, mọi người đều phải uống. Những lần đó đêm về tôi thường bị mất ngủ. Vậy nên nếu có uống thì hãy uống chừng mực thôi.
Loại trà xanh ngon nhất đến từ tỉnh Shizuoka của Nhật, nơi có những ruộng chè thâm thấp đẹp mê hồn vào những ngày mưa hoặc trước mùa thu hoạch. Lái xe qua sườn đồi thoai thoải, ngắm nhìn những hàng chè đều tăm tắp, giống hệt nhau từ màu sắc đến độ cao, tôi hình dung sâu sắc được thế nào là trật tự, sung túc, nỗ lực hết mình trước mọi gian khó.
Ngành sản xuất trà của Shizuoka hiện phải đối mặt với nhiều thách thức, như sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc (nơi giá nhân công rẻ hơn rất nhiều), tình trạng người trẻ rời bỏ làng quê để tìm kiếm cơ hội đổi đời ở các thành phố lớn (như mọi nơi khác trên thế giới); và chi phí đắt đỏ để chăm sóc vườn trà.22
Do đó qua việc uống trà, bạn không những đang thưởng thức một món đặc sản Nhật, mà còn ủng hộ những người nông dân đang gặp khó khăn đấy.
Ở Mỹ, trà được bày bán khắp mọi nơi, từ ga tàu đến siêu thị, nhưng nếu bạn muốn thưởng thức loại ngon nhất thì hãy tìm đến Ippodo. Quán trà đã hơn một trăm năm tuổi đời này ra đời ở Kyoto, sau đó mở thêm chi nhánh ở khu Murray Hill, Manhattan. Còn nếu không sống ở New York (như tôi), bạn có thể đặt mua qua mạng với sản phẩm chuyển từ tận Nhật Bản. Cửa hàng trên mạng của Ippodo có đủ loại trà cho bạn lựa chọn, bao gồm cả loại hữu cơ và không chứa chất caffein, đồng thời có cả hướng dẫn kết hợp trà cùng các món bánh ngọt.
22. Một bài viết trên trang nippon.com đã thông tin: “Theo điều tra dân số năm 2015, độ tuổi trung bình của người làm nông đã tăng 7,2 năm trong vòng một thập kỷ qua, lên 67 tuổi… Sự tăng tuổi thọ của người nông dân, cộng với việc giảm lực lượng lao động là tác nhân chính khiến cho lượng đất đai bị hoang hóa càng lúc càng tăng trên khắp cả nước, dẫn đến nguy cơ sụp đổ các khu vực nông nghiệp.” Làm sao để trà sống sót? Trợ cấp.
Chính phủ Nhật trợ cấp rất nhiều cho nông nghiệp. Tuy rằng phần lớn trợ cấp này dành cho nông dân trồng lúa, tức bộ phận chính trị chủ lực ủng hộ đảng cầm quyền, nền nông nghiệp trồng trà vẫn phải sống dựa vào tiền của chính phủ. No- kyo, Liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, gồm cả nông dân trồng trà, đã không ngừng đấu tranh chống lại sản phẩm cạnh tranh ngoại nhập, yêu cầu chính phủ giảm thuế và ưu tiên đề nghị trợ cấp của họ. Một tương lai không tươi sáng chút nào.
TÁCH CÀ PHÊ
Nhật Bản cũng là nước tiêu thụ cà phê đứng hàng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Đức). Tới mức các quán cà phê ở đây từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, và vẫn giữ vị trí không nhỏ trong đời sống hằng ngày của người Nhật hiện nay.23
23. Merry White, nhà nghiên cứu Nhật Bản nổi tiếng kiêm Giáo sư Nhân chủng học của Đại học Boston, đã viết một quyển sách về đề tài này: Coffee Life in Japan.
Là một xã hội có tổ chức chặt chẽ như tất cả xã hội có tầng lớp thống trị trong lịch sử, Nhật Bản trước thời kỳ Tây phương hóa không có nhiều nơi cho người dân các tầng lớp cùng tụ tập. Đây là nơi dành cho quý tộc, đây là nơi dành cho tăng lữ, đây là nơi dành cho đàn ông, còn đây là nơi dành cho giới giang hồ, thương nhân, và cư dân xóm nghèo. Đất nước phân tầng, các quán cà phê phải đi một quãng đường dài để phá bỏ rào cản.
Người Nhật biết đến cà phê từ Brazil, nơi mà vào thế kỉ 19, người Nhật đã đến để làm thuê cho các đồn điền, rồi về sau là các cơ sở, thương nhân và các nhà xuất khẩu. Những quán cà phê đời đầu ở Nhật nằm trong những địa điểm công cộng đầu tiên cho phép đàn ông và phụ nữ thuộc cùng một tầng lớp ngồi lại thư giãn cùng nhau mà không bị dị nghị. Hòa trong bầu không khí gắn kết ấy là nhạc jazz.
Jazz là một bộ phận không thể tách rời trong văn hóa cà phê ở Nhật. Ở Tokyo, tôi lần đầu bước vào một quán cà phê, nghe thấy tiếng dương cầm của Bud Powell phát qua dàn loa hảo hạng, rồi theo đó là các tuyệt phẩm của Coltrane, Miles, Ben Webster, và đã phải ồ lên. Ngay lập tức những gì tôi cho rằng mình biết về Nhật hóa ra đều sai hết.
Như Kenny Garrett từng nói với tôi: “Về những khán giả đến để nghe jazz, tôi phải nói thế này: văn hóa Nhật nói chung đề cao lề lối trật tự, nhưng con người cũng được phép kiếm tìm cái tôi cá nhân. Tay trống kỳ cựu Art Blakey giới thiệu nhạc jazz cho người Nhật cũng chính vì như thế.”
Jazz ngày nay vẫn đóng vai trò lớn trong quá trình khám phá và trải nghiệm tự do, thậm chí là khuyến khích ta buông bỏ, ứng biến, làm sao để tất cả hành vi này được cộng đồng chấp nhận: cho phép ta được làm một cá nhân riêng lẻ; cộng đồng cho phép ta!
Những quán cà phê đầu tiên là nơi người dân bất kể gốc gác có thể chuyện trò thoải mái, tranh luận những tư tưởng thường có nguồn gốc từ phương Tây. Sự cấp tiến này đáng sợ đến mức các quán cà phê đã bị chính quyền đóng cửa khi Nhật Bản đi theo đường lối độc tài.
Ngày nay, các quán cà phê có mặt ở khắp mọi nơi. Mặc dù bị các thương hiệu nước ngoài đe dọa đến sự phát triển, các quán cà phê truyền thống vẫn giữ vị trí đặc biệt trong trái tim người Nhật. Một phần là ở cách phục vụ.
Đầu tiên, người pha chế hướng dẫn bạn chọn hạt cà phê. Nếu là khách quen, người pha chế sẽ tự biết bạn muốn uống gì. Hoặc tốt hơn nữa, hãy để người pha chế quyết định giúp bạn. Hạt cà phê sau đó được bỏ vào máy xay nhỏ và xay bằng tay. Người pha chế đun nước đến nhiệt độ thích hợp nhất (hoặc nhiệt độ bạn thích, nếu bạn từng ghé qua quán), sau đó từ từ đổ nước vào bột cà phê đặt trong túi lọc, hoặc phễu lưới. Công đoạn này mất chừng mười đến mười lăm phút, bầu không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng máy xay cà phê, tiếng nước sôi, tiếng rót nước chậm rãi, và điệu jazz cổ điển.
Liệu kết quả mang lại có tốt hơn những cách thức pha cà phê hiệu quả khác không, hãy cứ để mọi người tự quyết định. Tôi chỉ biết rằng nhịp độ chậm rãi, hành động ngắm nhìn thao tác pha chế cũng là một phần không thể thiếu của quá trình thưởng thức cà phê, để tách mình khỏi những bộn bề vội vã.
Nếu bạn đang sống ở một thành phố lớn của Mỹ thì hãy yên tâm rằng một quán cà phê kiểu Nhật không lâu nữa sẽ mở cửa ở đây thôi. Còn nếu không, bạn có thể tự làm việc này ở nhà – nếu có may mắn được thong thả hưởng thụ. Bạn sẽ thấy rằng quá trình chờ đợi cũng kích thích chẳng kém gì caffein.
Cảm giác thật tuyệt khi giao hết quyền chủ động cho chuyên gia đứng sau quầy, cho phép người đó quyết định loại hạt nào là ngon nhất, loại cối xay nào là tốt nhất, phải mất bao lâu để đun nước, phải uống khi nào và uống như thế nào. À vâng, bạn có thể chọn chứ, nhưng tại sao phải mất công? Người pha chế là chuyên gia cà phê, là thầy, là người được bạn trao cho omakase – quyền quyết định. Điều này tạo nên nhịp điệu và bầu không khí, cà phê pha ra chắc chắn sẽ ngon rồi, nhưng cái chính là bạn đang đóng vai vị khách trong ngôi nhà của người pha chế. Từ bỏ quyền chủ động như thế là một cách thể hiện lòng tin và gieo tình cảm.
Càng ngày càng có nhiều quán cà phê kiểu Nhật ở các thành phố Mỹ. Một khi bước vào không gian này, bạn sẽ có cơ hội được tận hưởng cảm giác thư thái bình yên. Quá trình pha chế tốn nhiều thời gian đối lập với sự kích thích nhanh chóng có được từ caffein, còn điều gì khống chế thời gian phi thường hơn được nữa? Kèm theo đó là tiếng kèn saxophone, kèn trumpet, dương cầm và trống đến từ máy chơi nhạc có tuổi đời hơn sáu mươi năm. Cách cà phê và âm nhạc phản ánh lẫn nhau quả là quá thần kỳ: vừa làm chậm lại ngoại vật vừa tăng cường trải nghiệm cá nhân.
Bạn có thể tạo ra cảm giác này ở nhà.
Tôi có mua một cái máy xay cà phê Nhật. Ban đêm – không phải hằng đêm nhé – tôi chậm rãi xay cà phê để pha vào sáng hôm sau. Bạn cũng có thể mua loại bình thủy tinh để pha cà phê. Hãy đứng đó, rót đến khi có được tách cà phê như ý. Cho dù bạn không hứng thú thực hiện công đoạn dài đằng đẵng này thì vẫn có thể tận hưởng cảm giác thong thả bằng cách nhấm nháp, suy tư, cố gắng thưởng thức hương vị bằng tất cả giác quan chứ đừng chỉ chờ liều kích thích ập đến. Bạn uống rượu đâu phải chỉ để say, đúng không? Hãy tôn trọng cà phê như thế. Trong sự chậm rãi, ta có không gian cần thiết để quan sát. Thông qua quan sát, ta có cơ hội để chấp nhận bản thân và vị trí của mình. Giảm bớt những bâng khuâng quá khứ, giảm bớt những lo lắng tương lai, sống ở hiện tại nhiều hơn, hòa mình vào hương vị giản đơn của hạt cà phê rang sống dậy trong dòng nước nóng. Chờ đợi để thưởng thức cà phê trở thành một phần của trải nghiệm trước khi uống nó.
VÀO QUÁN BAR
Giờ đến phần cocktail. Tương tự rất nhiều điều Nhật Bản học hỏi từ các nước phương Tây, cocktail ở đây cũng giống như ở Mỹ, tuy nhiên cũng có sự khác biệt. Người Nhật tiếp thu văn hóa phương Tây, rồi biến đổi để phù hợp với lối sống của mình. Ngày nay, thú uống cocktail của người Nhật mang ý nghĩa tạo nên một bầu không khí không chỉ giới hạn ở phạm vi cá nhân. Hình thức trình bày cùng cách thưởng thức cocktail của người Nhật dẫn dắt ta đến một trải nghiệm mang tính tập thể.
Việc người Nhật ít khi uống cocktail trước bữa ăn tối không phổ biến cho đến dạo gần đây, vì cồn làm tê liệt các giác quan.24 Nếu bạn khiến vị giác, khứu giác, thị giác bị ảnh hưởng, món ăn sẽ không còn ngon nữa. Việc đó cũng xúc phạm người đầu bếp.
24. Một ly cocktail trong quán bar Nhật thường chứa 30ml rượu, trong khi ở Mỹ thường vào khoảng 60 (hoặc 90)ml. Có nhiều lý do cho việc này, một phần là vì một nửa dân số Nhật gặp khó khăn trong chuyển hóa cồn do thiếu enzyme ALDH, dẫn đến sự tích lũy acetaldehyde. Hội chứng này dẫn đến tình trạng đỏ mặt, buồn nôn, mệt mỏi, dễ say.
Còn điều gì chúng ta có thể học hỏi ở nơi này?
Lòng trân trọng sâu sắc với mùa màng và thành quả. Đó là điều người Mỹ có thể học hỏi để áp dụng vào cuộc sống.
Cocktail Nhật được pha chế từ các loại thảo mộc tươi và trái cây theo mùa. Các nguyên liệu này có vai trò quan trọng không kém gì rượu. Có nghĩa là bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên ngay cả khi đang ngồi trong một quán bar tối đèn ở Ginza, thưởng thức nhạc jazz và cảm nhận thời gian trôi chậm lại.
Mỗi loại ly cũng mang những ý nghĩa đặc biệt. Từ chiếc cốc thủy tinh Baccarat dùng để uống cocktail whisky đến chiếc ly cao thanh mảnh chứa thức uống pha chế từ yuzu, một loại trái cây họ cam quýt. Phần nhìn cũng quan trọng không kém phần uống. Quan niệm thẩm mỹ Nhật chính là như thế.
Những khối nước đá lớn được đập vụn ra rồi tạo hình thành những viên đá bi hoặc khối vuông hoàn hảo. Trang phục của nhân viên pha chế hoặc mang hơi hướng điện ảnh với bộ tuxedo, hoặc hài hước với váy kilts và khăn quấn đầu. Tất cả đều góp phần tạo nên món đồ uống.
Bạn sẽ có cảm giác như đang ở trong phim vậy, thật đấy. Nguyên nhân chủ yếu hình thành nên phong cách này đến từ văn hóa lâu đời của người Nhật, khi cách một người cư xử ở nhà riêng có sự khác biệt rất lớn so với ở nơi công cộng. Trước khi quá trình Tây phương hóa chính thức thay đổi hoàn toàn diện mạo các thành phố ở Nhật vào thời Taisho, những gì người ta thể hiện nơi công cộng thường là một lớp mặt nạ. Con người thật chỉ tồn tại ở tư gia hoặc đền chùa.
Người ta tạo ra cho mình một tính cách, một vai diễn trái ngược hoàn toàn với lúc ở môi trường riêng tư. Nó tạo nên một thực tại mới đầy hào nhoáng, lôi kéo các vị khách vào. Nói thêm này: bạn, với tư cách là một vị khách, cũng có thể tham gia vào vở diễn này.
Karaoke cũng phát triển dựa trên mô hình đóng kịch giữa hai bên như ở trên. Trong những tiệm karaoke ở Shinjuku hay Shibuya, bạn có thể biến mình thành chàng cao bồi, thành ngôi sao nhạc rock, hoặc dân giang hồ, thích gì có nấy.
Rượu là chất men của người nghệ sĩ.
Đó là chuyện của gần hai mươi năm trước, khi lần đầu tiên tôi tham dự một buổi liên hoan ở khách sạn Park Hyatt để ăn mừng buổi công chiếu phim Lost in Translation.Các vị đầu bếp Daniel Boulud, Andrew Carmellini, Mark Fiorentino, Richie Torrissi là nhân vật chính của buổi liên hoan. Daniel rủ tôi đi cùng. Cả nhóm kéo tới phòng karaoke. Rượu bày ra. Daniel ngân nga bài “I Did It My Way”, Mark nhảy lên cây dương cầm, hát vang “Born to Run”, rồi đến lượt tôi gào rú “White Riot”.
Ta có thể tìm thấy một phiên bản trải nghiệm cocktail tương đối khác ở những quán bar cổ điển như quán Lupin ở Ginza, vốn là điểm đến yêu thích của các nhà văn Nhật nổi tiếng như Yasunari Kawabata hay Osamu Dazai. Quán bar nằm giấu mình trong một con hẻm, bên dưới một dãy cầu thang dốc. Ở đó chắc chắn không có hát hò gì, nhưng bạn sẽ được một lần đóng vai một ai đó khác, một vai khác với khi bạn ở một mình.
Nhân viên pha chế hiểu và còn khuyến khích vở diễn này. Thật ra thì khá giống với ở Mỹ, các vị khách mới là nguồn giải trí. Ta quan sát người bartender, người bartender cũng quan sát lại ta.
Về thức uống, người bartender duỗi tay ra, làm vài cú lắc cổ tay điệu nghệ chẳng kém ảo thuật gia, cho nước đá cùng hỗn hợp pha chế vào bình lắc, rồi vung tay điên cuồng trong gần một phút. Hoặc có khi là dùng một que kim loại dài khuấy đều cẩn thận.
Gen Yamamoto là ngôi sao hàng đầu trong giới bartender ở Tokyo. Dáng người dong dỏng với áo vest trắng và cà vạt đen, Gen sở hữu một quán bar nhỏ cùng tên ở quận Azabu- Juban, chuyên phục vụ các thức uống shiki (theo mùa). Mỗi khách chỉ được uống từ bốn đến sáu ly nhỏ mỗi lần ghé quán. Thời gian như dừng lại nơi đây, người lạ trò chuyện cùng nhau bởi tất cả đều đang uống cùng một loại cocktail.
“Kodawari của tôi là Ichigo-Ichie,” Gen cho tôi biết. Kodawari tạm dịch là đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối thông qua chuyên cần tập luyện và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Còn Ichigo-Ichie có nghĩa là “nhất kỳ, nhất hội”, ý nói cuộc đời rất ngắn ngủi, ta phải biết nhận ra, hiểu và chấp nhận nó. “Mỗi lần pha chế, tôi đều đặt mục tiêu làm ra ly cocktail ngon nhất. Còn nếu không được thì chúng ta hãy cùng nhau tìm cách.”
Mỗi lần đến quán của Gen tôi lại được uống một món mới. Kể bạn nghe một chuyện buồn cười thế này: lần đầu tiên bước vào cái quán bày trí như thánh điện của ông, tôi đã tính gọi một ly gin martini. Đó là chuyện lâu lắm rồi, hồi ấy tôi còn ngây thơ, chẳng biết gì cả. Thế nhưng quy tắc ở đây là omakase. Gen quyết định, và ông luôn đưa ra lựa chọn đúng.
Sao ông có thể sai được chứ? Ông là người đã tốn biết bao thời gian để nghiên cứu các loại cây cỏ, tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ tận những nơi xa xôi, rồi giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác cố gắng hoàn thiện thức uống của mình để chúng trở nên bất ngờ, thú vị, nguyên bản, và chứa đầy thành ý. Những thức uống độc đáo của Gen chưa bao giờ nhằm tạo dấu ấn riêng. Không như một số đầu bếp và bartender tôi có thể gọi tên, Gen không sáng tạo chỉ để thỏa mãn đam mê. Ông tỉ mỉ đến từng li, và như mọi đầu bếp xuất sắc của Nhật Bản, ông giảm bớt chứ không tô vẽ thêm cho công trình của mình: ông là người theo chủ nghĩa tối giản.
Không có mấy người được như Gen, một kẻ cuồng si, truyền cảm hứng như một vì sao đích thực.
Có lẽ bạn không thể biến nhà mình thành một quán bar Nhật, nhưng bạn có thể dành thời gian để pha chế một món đồ uống thay vì chăm chăm tìm nước để uống. Có nghĩa là bạn hãy pha một lượng nhỏ, sử dụng nguyên liệu theo mùa, chọn loại ly phù hợp, và nếu có thể, chờ đến khi ăn tối xong hẵng uống.
Quán bar Nhật đang xuất hiện càng lúc càng nhiều ở các thành phố Mỹ. Một trong những quán chất lượng nhất là Angel’s Share, nằm ngay khu Astor Place ở New York, giấu mình trên tầng hai một tòa nhà nhỏ, đằng sau một cánh cửa không sơn phết của một nhà hàng. Bước vào đây và bạn sẽ được tận hưởng cảm giác như ở Nhật Bản.
Tất cả món uống này, trà, cà phê, cocktail, đều có điểm chung là cần chờ đợi. Chính sự chờ đợi và quan sát đó làm hương vị càng sâu sắc thêm. Chờ đợi cũng quan trọng không kém thành quả, và trong quá trình đó ta học được thêm nhiều điều về bản thân, mối quan hệ và cuộc sống xung quanh – vì chưa được thỏa mãn, nên ta mở lòng với cơ hội hơn.
Một điều nữa cũng quan trọng không kém, thậm chí là đóng vai trò trung tâm trong quá trình thưởng thức: sự im lặng. Người Nhật có những thói quen sinh hoạt khiến cho việc sử dụng lời nói trở nên thừa thãi. Việc thưởng thức trà, cà phê hay cocktail ở Nhật thường đi kèm với hình ảnh người khách ngồi ngắm người pha chế phục vụ món uống cho mình. Đó là dấu hiệu thể hiện lòng kính trọng.
Ở các thành phố, làng mạc, thị trấn của Nhật Bản, có những quán cà phê rất nhỏ, một số thậm chí chỉ có ba chỗ ngồi ngay trước quầy. Bầu không gian cực kỳ tĩnh lặng. Cách đây mấy năm, cô bạn Yuko dẫn tôi đến một quán trà nằm bên trong một phòng tranh hiện đại ở Roppongi Hills, ngay góc phố của tòa nhà Mori khổng lồ. Bên trong quán, âm thanh chủ yếu chỉ có tiếng nước rửa ly, tiếng khuấy trà, và tiếng chuyện trò khe khẽ. Thật khó để tin rằng có một thế giới như thế tồn tại song song với cả một đô thị rộng lớn ngoài kia.
Bạn có thể tự tạo ra trải nghiệm này ngay tại nơi mình sống bằng cách dành ra nhiều thời gian nhất có thể để thưởng thức một tách trà, cà phê, hay một cốc rượu trong im lặng, hoàn toàn im lặng. Tắt hết mọi thiết bị, gác lại mọi công việc, kể cả nói năng. Tốt nhất là đừng nói gì cả.
Hãy học cách trao đổi trong im lặng.
Quay lại định nghĩa chấp nhận: “Là từ mà người mẹ nói với con mình để chấp nhận một điều gì đó theo cách nhẹ nhàng, thú vị khi hình dung trong đầu, chấp nhận hiện thực.”
Bạn đã bao giờ thấy hình ảnh mẹ con hòa hợp với nhau chưa? Chẳng cần nói gì cả.
Lúc ấy từ ngữ chỉ là vật cản đường.