C
on tàu đi từ Niigata đến đảo Sado nhẹ nhàng rẽ sóng qua vùng biển Nhật Bản. Takeshi rủ tôi vào phòng nghỉ tập thể để ngủ trưa một chút.
Tôi quen Takeshi được mười lăm năm rồi; anh là một doanh nhân, là một người bạn rất thân của tôi. Chúng tôi gặp nhau ở sake no jin, lễ hội được tổ chức hằng năm ở Niigata với sự tham gia của gần một trăm nhà sản xuất sake. Ở đó, chỉ với mười đô la thôi là bạn có thể uống thử bao nhiêu rượu sake tùy thích. Một số cụ ông uống quên trời đất đến nỗi người khác phải khiêng ra ngoài.
Tôi và Takeshi lúc này đang trên đường trở về sau khi tới đảo Sado thực hiện phỏng vấn cho bài báo của tôi.
Chúng tôi bước vào một căn phòng rộng cỡ một lớp học, không bày trí bất cứ thứ gì. Những tấm đệm trải trên lớp chiếu mỏng chiếm hết không gian, phía trên đặt một tấm chăn gấp gọn. Một dãy cửa sổ hướng ra vùng nước xám và đường chân trời; ánh sáng hắt vào dưới bầu trời đầy mây.
Một vài gia đình, cặp đôi, bạn bè nằm dài trên đệm, hành lý để dưới chân hoặc ngay bên cạnh. Có khoảng ba mươi người trong phòng, nhưng ta sẽ chẳng thể nào đoán được nếu dựa vào bầu không gian im lặng. Cả căn phòng tĩnh lặng chẳng khác gì thư viện, không có lấy một tiếng thì thầm, chỉ có tiếng thở đều đều của người lớn và trẻ con đang chìm trong giấc ngủ. Một vài người còn thức thì đọc manga, hay chơi game trên điện thoại.
Chúng tôi cởi giày ra.
Tôi theo Takeshi qua bên kia, rón rén bước giữa mấy tấm đệm đến một chỗ đẹp vẫn còn đệm trống: góc phòng, cạnh cửa sổ. Chúng tôi đặt đồ đạc xuống, tôi gấp áo khoác làm gối rồi nằm xuống, nhắm mắt lại. Nhịp thuyền đong đưa theo sóng nước rất nhanh đã ru ngủ tôi.
Ngủ ở nơi có nhiều người lạ là chuyện bình thường ở Nhật. Dân văn phòng mệt mỏi chợp mắt trên tàu điện vì phải tăng ca quá nhiều, phòng nghỉ có sẵn trên phà, tất cả đều là một phần trong văn hóa buông bỏ. Tiềm thức của gần một nửa dân số cảm thấy được an toàn, trải nghiệm này vì thế mà thêm phần sâu sắc.25
25. Nạn quấy rối tình dục trên tàu điện khá phổ biến. Tình trạng này nghiêm trọng tới mức ngày nay các chuyến tàu điện ở Tokyo vào giờ cao điểm có toa “dành riêng cho phụ nữ”. Tờ Japan Times đăng ngày 23/5/2019 cho biết một ứng dụng chống sàm sỡ đã ra đời ở Nhật, có tên “Ứng dụng Cảnh sát Digi”. Ứng dụng này “hoặc sẽ phát ra tiếng kêu ‘dừng lại’ với âm lượng lớn nhất qua điện thoại, hoặc tạo ra tin nhắn cầu cứu SOS trên màn hình để đưa cho hành khách khác xem với nội dung: ‘Tôi đang bị sàm sỡ, làm ơn giúp tôi.’’’
Đừng thần tượng hóa Nhật Bản nhé!
Tuy rằng sự riêng tư và an toàn của mọi người thường được tôn trọng, nhưng Nhật Bản vẫn cần có những hành động thiết thực hơn để lan tỏa giá trị văn hóa tích cực. Đây là những giá trị đã hiện hữu từ lâu mà nam giới cần phải tuân theo giống như tuân thủ luật pháp, và những ai phạm tội nhất định phải bị xử phạt. Có luật để làm gì nếu chẳng ai tuân theo? Đàn ông cần phải đón nhận phụ nữ vào tập thể của họ, chấp nhận họ. Một xã hội bất hạnh là một xã hội mà con người xem nhẹ giá trị của nhau.
Văn hóa Nhật đã hình thành nhiều cách thức độc đáo để mỗi cá nhân có thể vừa hạnh phúc vừa đáp ứng được quy chuẩn cộng đồng. Điểm chung của những phương pháp này là thả lỏng bản thân – cởi bỏ áp lực của sự đơn độc, thay đổi suy nghĩ và cảm xúc thông qua trải nghiệm đến từ bên ngoài hoặc từ chính tiềm thức bản thân.
Nằm trên tấm đệm trên hành trình đến Sado, tôi mơ hồ nhớ lại cảm giác khi còn là một đứa trẻ: nằm ngủ trên sàn nhà, trên tấm thảm, trong phòng của một ai đó không phải người nhà, nhưng vẫn đủ an toàn cho mình chợp mắt. Cuộc sống như mở ra nhiều khả năng hơn, và tôi thấy mình thoải mái bình yên hơn rất nhiều.
Ở Mỹ, nếu như chúng ta có đủ năng lượng thì có lẽ đã giải quyết được nhiều vấn đề hơn.
Khi bị quá tải, chúng ta làm gì còn sức lực để giải quyết nguyên nhân gây ra căng thẳng. Một người mệt mỏi chỉ còn biết thụ động và cam chịu. Để có thể thay đổi được tác nhân gây căng thẳng, chúng ta cần có sức mạnh và sự dẻo dai. Mà một trong những cách tốt nhất để đạt được trạng thái đó là nghỉ ngơi.
Nhóm 1% được phép ngủ trưa, vậy sao chúng ta lại không chứ? Khi bảo rằng ngủ trưa không nên là đặc quyền của giai cấp thống trị nhàn hạ, tôi nói nghiêm túc chứ không đùa đâu.
Kemi Alemoru viết trên trang web dazeddigital.com vào tháng 6/2018 rằng: “Thường chỉ người giàu mới may mắn có được sự nghỉ ngơi xa xỉ. Một phần động lực thúc đẩy chúng ta kiếm tiền chính là mơ ước một ngày nào đó, chúng ta sẽ không phải làm việc cật lực nữa và có nhiều thời gian hơn để thư giãn. Vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nền kinh tế tư bản chính là nguyên nhân tạo ra cơn đại dịch thiếu ngủ trầm trọng.”
Ngủ trưa một chút đi.
Dần dần, bạn sẽ ý thức được sức mạnh mà giấc ngủ trưa mang lại. Yêu cầu công việc và cuộc sống gia đình đúng là đã biến việc này thành thú vui xa xỉ, nhưng mỗi khi có thể, hãy tranh thủ ngủ trưa một lát.
Đặt quyển sách này xuống. Nhắm mắt lại.
Ngủ càng lâu càng tốt.
Tôi sẽ chờ.
Bạn thấy tỉnh táo hơn chưa?
Các nghiên cứu đã củng cố giả thuyết giấc ngủ trưa mang lại lợi ích cho cơ thể cũng như tinh thần. Mà đây cũng có phải vấn đề cao siêu gì đâu.
Cứ hỏi một đứa trẻ thì biết.
Tiến sĩ Rebecca Spencer, nhà thần kinh học của Đại học Massachusetts ở Amherst, đã tiến hành nghiên cứu về giấc ngủ. Bà viết trong một bài báo trên BBC vào tháng 10/2018 rằng nghiên cứu này “dường như là nghiên cứu đầu tiên cho thấy không chỉ giấc ngủ ban đêm mà giấc ngủ trưa cũng góp phần tăng cường trí nhớ, cảm xúc cho trẻ… Về cơ bản, ‘những đứa trẻ không ngủ trưa thường dễ xúc động, trở nên vô cùng nhạy cảm với những tác nhân gây sợ hãi, lo âu,’ bởi vì chúng vẫn chưa ổn định lại những cảm xúc trải qua trước đó.”
Giấc ngủ trưa giúp chúng ta kiểm soát bản thân tốt hơn, kiềm chế hơn, có thể nhìn nhận thấu đáo hơn và chấp nhận vấn đề mà không có cảm giác thôi thúc phải phản ứng lại như thể đó là chuyện cấp bách. Khoảnh khắc dừng lại để suy xét ấy cho phép một người nghỉ ngơi đầy đủ có thể quan sát và tạo ra thay đổi.
Tất cả chúng ta hẳn đều quen biết một người thường xem thử thách là khủng hoảng. Mọi vấn đề đều là khủng hoảng, là chuyện khẩn cấp. Người đó thiếu đi khả năng nhìn nhận, tiếp thu, chấp nhận, cho phép người khác cùng đưa ra quyết định. Họ sống trong một thế giới mà mình phải phản ứng lại mọi thứ, tất cả thay đổi xung quanh đều bị xem là khủng hoảng. Với một người như thế, họ cần phải ngủ một chút, nếu không vì bản thân thì cũng vì những người bị trạng thái khủng hoảng của họ làm cho căng thẳng theo. Chí ít thì những người xung quanh cũng thấy nhẹ đầu hơn khi người đó ngủ rồi.
Suy cho cùng, người lớn đa phần không làm mình làm mẩy, chí ít là không theo kiểu trẻ con hay phản ứng khi vấp phải những loại nguyên nhân thuộc về tâm lý, y tế hoặc hoàn cảnh. Nhưng vẫn có những người mà với họ căng thẳng là Modus Operandus, là lối sống của họ, còn không thì là gánh nặng họ tự tạo ra, hoặc bị tình huống bên ngoài gán cho.
Những người bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của gào thét, chửi bới, mắng mỏ, không phân biệt được cái gì quan trọng cái gì không, biến cuộc đời thành một tấn tuồng thị phi… là những người khổ sở vô cùng.
Từ trẻ nhỏ đến người lớn, ngủ trưa là cách hữu hiệu nhất để đẩy hết mọi hành động khiếm nhã kia vào chốn mộng mơ, nơi chẳng có gì để động chạm, nơi con người cáu bẳn kia có thể trút mọi nỗi bực dọc của mình mà chẳng gây hại cho ai trừ tấm nệm.
Thử tưởng tượng đến cuộc gặp mặt gia đình tiếp theo, ta quay sang người đang khiến các thành viên khác trong nhà muốn bỏ về và bảo: “Hết giờ rồi! Đi ngủ đi!” Thú vị đấy chứ.
Quan điểm về giấc ngủ trưa của người Nhật vô cùng mâu thuẫn, nhưng hoàn toàn có thể thông cảm. Áp lực làm thêm giờ từ cấp trên lẫn đồng nghiệp lớn đến mức người Nhật chẳng còn thời gian ngủ. Tâm lý hậu chiến tranh không phải là thứ dễ thay đổi: trỗi dậy từ đống tro tàn, trở thành một cường quốc, thành viên châu Á duy nhất trong nhóm G-7, một thế lực đáng trọng hơn là một kẻ thù đáng sợ. Thế hệ nắm quyền hiện nay là những người trên 55 tuổi, có quan điểm và cảm xúc hình thành dựa trên tổn thương tâm lý và mục tiêu cha ông để lại. Do đó mệt mỏi được xem là một dấu hiệu của sự kiên trì. Nếu ta kiệt sức tới mức không mở mắt nổi, vậy có nghĩa là ta đã cống hiến hết những gì mình có.
Quan điểm này rồi sẽ thay đổi khi thế hệ con cháu của những người kia lên nắm quyền. Thế hệ kế tiếp sẽ bổ sung những giá trị sống mà họ đúc kết được, những giá trị khác hẳn cha ông đi trước. Cho đến lúc đó, thay vì thay đổi yêu cầu làm việc nhiều giờ, các công ty đang cho phép và khuyến khích nhân viên ngủ trưa giữa giờ.
Một cách giải quyết đúng tinh thần Nhật Bản: tránh xung đột. Tất cả đều thắng: đờ đờ đẫn đẫn, ngủ trong giờ làm nhưng vẫn có mặt ở nơi làm việc. Thay vì khắc phục môi trường vắt kiệt sức lực, các vị chóp bu quyết định có thêm giờ ngủ. Một cách khác để giải quyết tình trạng này là giảm giờ làm và giảm yêu cầu sản xuất, nhưng sửa lỗi hệ thống thì vẫn luôn dễ hơn thay đổi cả kết cấu.
Nhật Bản không quá chú trọng vào các phương pháp Tây Âu để nhận dạng và giải tỏa căng thẳng. Người ta rất hiếm khi thực hiện các buổi chẩn đoán, sử dụng thuốc chống suy nhược, thuốc hướng thần, hay áp dụng can thiệp điều trị. Thế nhưng tỷ lệ trầm cảm ở Nhật cũng chỉ tương đương với các nước phát triển ở phương Tây, thậm chí tỷ lệ tự sát cũng không chênh lệch mấy khi Nhật Bản xếp thứ 14 toàn cầu với tỷ lệ 18,5%, còn Pháp, nơi joie de vivre26 là tôn chỉ của quốc gia xếp thứ 17 với tỷ lệ 17,7%. Mỹ xếp sau không nhiều lắm: hạng 27, tỷ lệ 15,3%.27
26. Niềm vui sống (ND).
27. Nguồn: http://worldpopulationreview.com/countries/suicide-rate-by-country/
Thật ra thống kê năm 2015 đã chỉ ra rằng Mỹ và Nhật đang chia sẻ cùng vấn đề nhức nhối này: “Dựa theo một khảo sát với 40.000 câu trả lời hợp lệ, số trường hợp toan tự sát năm 2015 vào khoảng 530.000 (456.000 – 607.000) vụ. Có 24.025 vụ tự sát ở Nhật vào năm này, tức là cứ một vụ tự sát thì có 22 trường hợp toan tự sát, khá gần với số liệu cứ một vụ tự sát thì có 25 trường hợp toan tự sát ở Mỹ do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đưa ra.”28
28. Dựa trên bài báo của nhà xã hội học sức khỏe Satoshi Kawai. Cảm ơn Sanja Miklin, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành So sánh phát triển con người của Đại học Chicago đã gửi cho tôi số liệu này.
Việc này có nghĩa là Nhật Bản không những không xem những kỳ vọng và thách thức cần có trong cuộc sống là biểu hiện bệnh lý, mà còn có những phương pháp tự nhiên, ít can thiệp hơn để giúp mọi người có được sự thoải mái về tinh thần.
Một trong những phương pháp này là bình thường hóa tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc. Trong văn hóa lịch sử Nhật Bản, ngủ và ngủ trưa không phải là nhu cầu thiết yếu trong ngày, nhưng mỉa mai thay, người Nhật có thể thoải mái ngủ ở những nơi mà người Mỹ thấy là cấm kỵ, chứng tỏ ở Nhật hiện hữu một chính sách để mọi người ngủ nhiều hơn và làm việc ít đi.
Đó là một quốc gia biết cách thu lợi từ giấc ngủ. Xin mượn lời người thầy dạy hình học năm lớp mười (khi nói về thái độ không chịu học hành chăm chỉ của tôi):
Họ vẫn chưa ngủ hết khả năng đâu. Họ có thể làm thế nếu muốn! Vậy thì chúng ta cũng có thể.
Nhiều lần tôi ngủ gục trên tàu điện ở Tokyo rồi phát hiện đã đi quá tới mấy ga. Người nhân viên mặc đồng phục màu xanh dương vung vẩy dùi cui trắng đánh thức tôi, bảo rằng đám người lười biếng bọn tôi hãy mau rời khỏi tàu. Chuyến tàu cuối cùng là 12 giờ khuya, còn chuyến tàu đầu tiên khởi hành lúc 5 giờ sáng, có nghĩa là nếu ta kẹt lại ngoài đường giờ đó thì có khả năng sẽ kẹt ở ngoài nguyên đêm. Khung cảnh này không lạ ở Tokyo bởi một trong những thứ đắt đỏ nhất thành phố này chính là xe taxi. Giống như cô bé Lọ Lem, hàng chục hàng trăm người vội vã về nhà trước khi chuyến tàu dừng chạy.
Tôi cũng từng khép mắt lại giữa một cuộc họp, chỉ để đỡ mỏi mắt trong vài giây, thế rồi bị một người bạn ngồi cạnh thúc nhẹ vào sườn khi đã chìm vào cõi mộng năm phút. Người ta xem đó là dấu hiệu cho sự tận tâm, cho lòng kiên trì nơi tôi: người đàn ông này đã rất mệt mỏi sau chuyến bay dài, lệch múi giờ đến mười ba tiếng giữa Nhật với bờ Đông nước Mỹ, nhưng anh ta vẫn đến họp! Anh ta hết lòng vì công việc tới mức đẩy bản thân tới cực hạn! Ngược đời lắm, tôi biết.
Tôi từng chợp mắt trong quán cà phê, trong công viên, lúc ngồi ở băng ghế chờ của một quán mì để đợi được xếp bàn, và cả một lần ngủ gục trong sảnh chờ khách sạn, suýt để lỡ chuyến xe buýt đưa tôi ra sân bay tới Osaka. Tôi không phải là người duy nhất, xung quanh tôi, người già trẻ con, nam có nữ có, tất cả đều đang tranh thủ chợp mắt.
Gần như chẳng có ai lấy làm khó chịu. Đó là một phần của cuộc sống, buông bỏ, không còn khả năng đối mặt vấn đề, để cơn mệt mỏi chiếm lĩnh. Tôi không nói việc ngủ ở nơi công cộng là việc lý tưởng, nhưng điều tôi thích là không ai thấy khó chịu về chuyện đó, trừ người bảo vệ trên chuyến tàu cuối!
Thử tưởng tượng xem sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta có thời gian để ngủ nhiều hơn và làm việc ít đi.
Về lại Mỹ, tôi tạo cho mình thói quen ngủ trưa bất cứ khi nào có thể, chừng 15 tới 45 phút, rồi khi thức dậy, tôi tỉnh táo để trở thành một phần của thế giới lần nữa. Tôi muốn được phép ngủ ở nơi công cộng, và ở Mỹ, nếu ta khuyến khích mọi người ngủ nhiều thêm như một liệu pháp tâm lý thì có lẽ mọi người sẽ giảm bớt được căng thẳng.
Tôi biết những người đến gặp tôi để được giúp đỡ thường không ngủ đủ; khoảng 90% những người được tôi chẩn đoán nói rằng: họ bị khó ngủ, ngủ không sâu, thức dậy quá sớm, gặp nhiều ác mộng. Ngày hôm sau chẳng làm được gì.
Giá mà họ hiểu rằng có phương pháp để cải thiện tức thì tình trạng của họ so với các biện pháp can thiệp. Đầu tiên, hãy cố ngủ một chút. Bạn thấy thế nào? Vẫn còn căng thẳng? Đến khám bác sĩ. Ta không cần phải chọn một trong hai, mà cần phải biết khi nào thì quyết liệt xử lý vấn đề. Y học hiện đại hoàn toàn có thể phối hợp tốt với các phương pháp bổ sung.
Quay lại thời kỳ trước năm 1937, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn chưa được dùng làm thước đo cho thành tựu của một quốc gia, người ta ngủ nhiều hơn và làm việc ít hơn.29
29. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo tiêu chuẩn của giá trị gia tăng được tạo ra thông qua sản xuất hàng hóa và dịch vụ tại một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Như vậy GDP cũng đo lường thu nhập kiếm được từ sản xuất đó, hoặc tổng số tiền chi cho hàng hóa và dịch vụ cuối cùng (trừ hàng nhập khẩu). Mặc dù GDP là chỉ số quan trọng nhất để nắm bắt hoạt động kinh tế, nhưng nó lại không phải là thước đo phù hợp cho đời sống con người bởi có các chỉ số đánh giá khác phù hợp hơn.”
Một khi đã có tăng trưởng kinh tế và rồi nó trở thành thước đo, những hoạt động khác góp phần vào đời sống lành mạnh liền bị giảm giá trị.
So với những quốc gia khác, Nhật Bản cũng chưa xử lý được xung đột nảy sinh khi lấy GDP làm thước đo phát triển, nhưng ở đây tồn tại một sự khác biệt có thể làm tiền đề cho giải pháp: người ta thèm được ngủ và được phép ngủ. Giấc ngủ trưa đã được xem là bình thường ở Nhật, trở thành một phần của văn hóa nước này. Buồn ngủ ư? Không sao cả. Không cần phải dùng thuốc hay gì đâu.
Bây giờ tất cả những gì cần làm chỉ còn là: làm việc ít lại, ngủ nhiều lên.
Nói thì dễ lắm!
Theo một bài viết trên tờ Guardian30, người Nhật thường xuyên ở trong trạng thái lờ đờ: “Trong ‘bảng thăm dò phòng ngủ’, chỉ có 54% người Nhật cảm thấy ngủ ngon hằng đêm hoặc hầu hết các đêm.”
30. Tháng 8 năm 2014.
Ở Nhật có một thuật ngữ thịnh hành là inemuri (ngủ mà vẫn hiện diện). Inemuri có thể xem là một giấc ngủ ngắn ở nơi làm việc và được xã hội công nhận, một bằng chứng mỉa mai cho thấy người chợp mắt đã cống hiến hết mình vì công việc đến mức đẩy bản thân vượt qua cả giới hạn tỉnh táo.
Giảm bớt yêu cầu công việc chẳng phải tốt hơn sao?
Cho đến ngày việc đó thành sự thật, các công ty ở Nhật vẫn tiếp tục sống chung với giờ ngủ trưa.31
31. Okuta, một công ty tân trang nhà cửa gần Tokyo cho phép nhân viên chợp mắt 20 phút tại bàn làm việc hoặc phòng nghỉ cho nhân viên. Chính sách này được Chủ tịch công ty Isamu Okuta ban hành từ hai năm trước và đã mang lại hiệu quả to lớn. “Nếu tôi sử dụng máy tính trong lúc buồn ngủ thì sẽ phải kiểm tra lại nhiều lần vì sợ mắc lỗi, do đó càng tốn thời gian hơn,” Ikuko Yamada ở bộ phận kế toán trả lời tờ Yomiuri Shimbun. “Tôi cho rằng mình làm việc hiệu quả hơn kể từ ngày ngủ trưa.”
Hugo, công ty tư vấn Internet có trụ sở ở Osaka, có cách tiếp cận linh hoạt hơn: nhân viên có thể ngủ trưa 30 phút trong khoảng từ 1h đến 4h chiều. GMO Internet, một doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Tokyo, sắp xếp các bộ sô pha cho nhân viên nằm ngủ. Còn ở quận Umeda của Osaka, người làm việc có thể tới các cơ sở cung cấp dịch vụ ngủ trưa để ngả lưng. Quán cà phê Ohirune Café Corne ở Tokyo cung cấp tám chiếc giường đơn cho nữ nhân viên văn phòng để họ có thể thoải mái nghỉ ngơi trong mùi tinh dầu dịu nhẹ. Mười phút ngủ có giá 160 yên, một bộ đồ ngủ có giá 100 yên. Khách hàng tới đây trung bình đều ngủ khoảng một giờ, theo tờ Asahi Shimbun.
Chính phủ Nhật cũng nhận ra vấn đề này. Thấy rằng biện pháp giải quyết của các công ty khá khả quan, chính phủ từ đó cũng khuyến khích việc ngủ trưa. Theo tờ Guardian, “Càng ngày càng có nhiều người Nhật bỏ qua cho việc ngủ gật trong giờ làm sau khi chính phủ ban hành tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ, và Bộ Y tế đề nghị tất cả những người ở độ tuổi làm việc nên dành thời gian ngủ trưa khoảng 30 phút.”
Tất cả đều là vì “nợ ngủ”, một trong những “từ thường dùng nhất ở Nhật vào năm 2017”.
Những người nắm quyền trước đây sẵn sàng vắt kiệt sức nhân viên của mình. Nhưng phải nói rõ thế này: những người nắm quyền đó cũng chẳng được đi du lịch dài ngày hay có thời gian ngủ đủ đâu. Đây là tình trạng chung của nước Nhật sau mấy thập kỷ dài điên cuồng phấn đấu để trở thành một trong những cường quốc kinh tế. Phải hy sinh điều gì đó để Nhật đạt được “vị trí đích thực” giữa các quốc gia hùng mạnh phương Tây. Nhiều người Nhật thấy rằng chừng nào chết thì họ sẽ được ngủ. Một chút mệt mỏi của bản thân đâu là gì so với khát khao làm việc để vượt qua nỗi hổ thẹn bị đánh bại trong chiến tranh.
Vâng, tham vọng trở thành một cường quốc sánh vai với các quốc gia hùng mạnh phương Tây hậu thực dân ấy đã thành công, tôi nghĩ vậy. Thế rồi đến khoảng năm 2017, những người Nhật thiếu ngủ gần như nói thẳng rằng thế hệ cha ông họ có thể chấp nhận làm việc suốt mà không cần ngủ, nhưng họ thì cần phải nghỉ ngơi.
Các công ty Nhật đã nghĩ ra nhiều biện pháp sáng tạo để nhân viên có thể ngủ trong giờ làm.
“Trụ sở ở Tokyo của công ty Nextbeat đã thiết kế hai ‘phòng ngủ chiến lược’. Một cho nhân viên nam và một cho nhân viên nữ.
Công ty bất động sản Mitsubishi cũng bố trí ba phòng nghỉ trưa riêng cho nam và nữ.”
Hành động này không đơn thuần là tinh thần nhân đạo. Các công ty nhận ra tình trạng kiệt sức có thể khiến doanh thu tổn thất thế nào.
“Nhà tư vấn giấc ngủ Nao Tomono, chuyên thực hiện các buổi hội thảo cho công ty bảo hiểm nhân thọ Sompo Japan Nipponkoa Himawari (nơi cung cấp cho nhân viên một thiết bị cầm tay để đo độ dài giấc ngủ), nói rằng: ‘Điện thoại di động phát triển càng làm cho tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn. Nghiên cứu lại giấc ngủ là vấn đề cấp bách bởi hiệu suất làm việc thấp, cùng với chứng rối loạn tâm thần và thể chất dẫn đến những thiệt hại to lớn về kinh tế.’”32
32. Theo tờ The Japan Times.
Các nhà lãnh đạo công ty ở Mỹ cũng có cùng mối bận tâm này. Theo tạp chí Inc, “năng suất thấp do thiếu ngủ khiến các công ty Mỹ mất khoảng 63 tỷ đô.” Các công ty vì vậy phải làm gì đó trước tình trạng này.
Trang web sleep.org chỉ ra rằng Ben & Jerry’s, Zappo’s, Nike, NASA và nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu bố trí phòng nghỉ cho nhân viên.
Google là công ty có đề xuất ngủ trưa nổi tiếng nhất. Theo phóng sự của đài CBS News, Google đã trang bị “buồng ngủ với đồ bịt mắt bằng len cashmere. David Radcliffe, phó giám đốc bất động sản của công ty trả lời phỏng vấn đài CBS rằng: ‘Nơi làm việc không thể gọi là trọn vẹn nếu thiếu đi buồng ngủ.’”
Ariana Huffington và nhiều người khác cũng đã bắt đầu mở những công ty cho thuê đệm và phòng ngủ để người làm việc có thể nghỉ ngơi trong ngày.33
33. Theo tờ New York Times 4/2018.
Đặt tên cho công ty là Thrive Global, Huffington viết trên trang web thriveglobal.com rằng: “87% nhân viên trên toàn thế giới không nhiệt tình với công việc, 78% công ty nhận định căng thẳng là nguy cơ sức khỏe hàng đầu ở nơi làm việc, và 96% lãnh đạo lâu năm cảm thấy bị vắt kiệt sức.”
Người Mỹ đang lâm vào tình trạng kiệt sức, tổn thất kinh tế vô cùng lớn, nhưng tạm gác vấn đề năng suất sang một bên, sức khỏe người lao động cũng đang gặp rủi ro lớn đến mức CDC đã tiến hành kiểm tra vấn đề và chỉ ra trong nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2016 rằng: “Hơn một phần ba người trưởng thành ở Mỹ thường xuyên bị thiếu ngủ.”
Nghĩ lại xem bạn có thái độ thế nào với đồng nghiệp và người thân khi không ngủ đủ. Khả năng rất cao rằng bạn trở nên cộc cằn, khó chịu, dễ bị kích động, khổ sở, và thiếu tập trung. Giờ thì nghĩ xem nếu bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra?
Người Mỹ chúng ta đang sống trong một xã hội ngập tràn căng thẳng.
Nếu muốn biết điều gì đã đóng góp vào tình trạng hỗn loạn quốc gia chúng ta đang phải chịu, hãy nhìn vào sự thiếu ngủ. Nếu người Mỹ được ngủ nhiều hơn thì khi thức dậy, chúng ta sẽ có được năng lượng cần thiết để xử lý những vấn đề vốn khiến chúng ta thao thức hằng đêm.
Và tất nhiên, những người yếu thế, những người có ít quyền lực nhất cũng là những người ngủ ít nhất.
Nghiên cứu của CDC chỉ ra rằng: “Thời gian ngủ cần thiết để có được sức khỏe tốt có tỷ lệ thấp trong nhóm người Hawaii bản địa/dân đảo Thái Bình Dương (54%), người da đen không phải gốc Mỹ La Tinh (54%), người đa chủng tộc không phải gốc Mỹ La Tinh (54%) và người Mỹ bản địa/Alaska bản địa (60%) so với người da trắng không phải gốc Mỹ La Tinh (67%), người Mỹ La Tinh (66%) và người châu Á (63%).”
CDC cũng cho biết tỷ lệ người có “thời gian ngủ ngắn” ít hơn bảy tiếng mỗi đêm cao nhất với nhóm người Mỹ da đen (45,8%) và thấp nhất với người Mỹ da trắng (33,4%).
“Đặc quyền da trắng” vừa có thêm một định nghĩa mới.
Giấc ngủ đã trở thành một món hàng, thậm chí là một món hàng cao cấp. Nếu có đủ tiền, ta sẽ mua được nhiều hơn. Từng người chúng ta bị sự mệt mỏi ảnh hưởng theo từng cách khác nhau.
Có lý do để một số người trong chúng ta được nghỉ ngơi đầy đủ còn một số lại mệt mỏi suốt ngày.
Trong quyển The Happiness Fantasy (Ảo tưởng hạnh phúc – ND), Carl Cederström đã nhắc tới Jonathan Crary, tác giả cuốn 24/7: Capitalism and the Ends of Sleep (24/7: Chủ nghĩa tư bản và cái kết của giấc ngủ - ND): “Jonathan Crary lý luận rằng chủ nghĩa tư bản ngày nay đang cố gắng đô hộ con người mọi lúc, kể cả khi ngủ. Ông nói rằng vào đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, một người trung bình ngủ mười tiếng mỗi ngày, rồi giảm xuống tám tiếng vào thập kỷ 1950, rồi ngày nay là sáu tiếng rưỡi… Ngủ bị xem như nguy cơ làm giảm năng suất.”
Cederström cũng nhắc tới tác phẩm của Byung-Chul Han, Giáo sư Đại học nghệ thuật Berlin, tác giả cuốn “The Burnout Society” (Xã hội kiệt quệ - ND): “Khi mỗi phút giây đều được xem là cơ hội để gia tăng hiệu quả sản xuất thì chẳng còn chỗ nào cho thời gian phi sản xuất, thoát khỏi tích lũy tư bản. Sự ám ảnh với thành công này đang ‘vắt đến tận cùng sức lực con người’. Kinh khủng hơn, ta bị vắt kiệt trong cô độc. Han tiếp tục chỉ ra rằng sự mệt mỏi đó ‘mang tính chia rẽ và cô lập’.”
Hãy hy vọng rằng bạn có may mắn được làm việc trong một công ty trả tiền để bạn chợp mắt giữa giờ làm. Rồi khi thức dậy, tỉnh táo đủ năng lượng, bạn có thể nghĩ đến những biện pháp cải thiện điều kiện làm việc và mức lương để không phải chợp mắt nhiều như vậy nữa.
Ngủ là một cách chấp nhận vấn đề trong cuộc sống và nói: Biết gì không? Tôi tạm nghỉ một chút đây. Ngủ trưa một giấc. Không làm nữa đâu.
Tôi không ủng hộ lợi ích của giấc ngủ trưa để bạn làm việc nhiều hơn, nhưng nếu bạn muốn cho cái hoạt động không có mục đích, hướng đến hạnh phúc mà bạn tham gia này một mục đích, cứ tự nhiên. Tôi chỉ nhìn nhận giấc ngủ trưa nhiều hơn Clinton thôi.
Clinton là con mèo tôi nuôi, trước đây sống lang thang ở khu Lower East Side của Manhattan (được đặt tên theo một con phố ở đấy). Nó ngủ suốt cả ngày. Có thể nói nó là sinh vật nhàn hạ nhất tôi từng thấy trên đời. Sống thế mới là sống chứ. Nó hay nằm ngửa bụng, giơ chân lên trời, bộ dạng thoải mái cực kỳ, nhìn cứ như bị sóng đánh dạt vào bờ. Không chút bận tâm xem phải làm gì; nói cho đúng thì đó là thứ cuối cùng nó nghĩ đến.
Hãy sống như Clinton, tôi tự nhủ.
Và bạn cũng có thể sống như nó đấy.