B
ạn có biết ai là người tắm gội sạch sẽ nhất không? Nếu có ai nghiên cứu về đề tài này thì chắc chúng ta sẽ biết. Cái chúng ta biết đó là người Nhật luôn cố gột rửa đi những dơ bẩn cả ngoài da lẫn trong tâm hồn. Sáng đến, chiều buông, hai lần một ngày người Nhật ngâm mình trong bồn nước. Ngày nghỉ họ thường đến onsen và ryokan, nơi các thế hệ trong gia đình cùng cởi hết quần áo và ngâm mình trong nước nóng. Chia thành hai bên nam nữ, họ ngồi lại, nhắm mắt, đón nhận vòng tay của mẹ thiên nhiên. Rồi những nhà tắm công cộng (từng có thời nở rộ ở Mỹ) cho phép ta tắm cùng hàng xóm lẫn người lạ mà không phải e ngại việc phô bày cơ thể.
Đúng là chấp nhận theo triết lý UKEIRERU!
Tắm là de rigueur34 ở Nhật, và cứ có cơ hội là người ta đi tắm nước nóng hoặc nghĩ về tắm nước nóng. Một ngày bắt đầu trong bể tắm, ở nhà hoặc ở phòng tắm chung, dội từng thau nước xuống đầu. Và sau một ngày làm việc mệt mỏi, ta lại ngâm mình trong bồn nước.
34. Yêu cầu bắt buộc (ND).
Lúc sống ở Nhật, tôi tắm khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ.
Những căn nhà tôi thuê đều trang bị bồn tắm lớn làm bằng gỗ tuyết tùng đổ đầy nước rất nhanh. Tôi thả mình vào bồn, ngửa đầu ra, nhắm mắt lại, cố gắng không nghĩ gì cả.
Lúc nghỉ chân tại các lữ quán ryokan, tôi tắm suối nước nóng cùng các vị khách trần truồng khác trước bữa sáng, sau bữa sáng, sau bữa trưa, trước bữa tối và sau bữa tối.
Nhiều nền văn hóa đề cao việc tắm rửa, cho dù là tắm riêng hay tắm chung. Nhật Bản cũng vậy, nhưng vai trò của việc tắm ở Nhật lại có sự khác biệt vô cùng lớn so với những nơi khác.
Người La Mã cổ đại biến việc tắm thành cơ sở cho văn hóa hưởng thụ. Tầng lớp quý tộc thời đó không thích gì hơn là được tận hưởng lạc thú xa hoa trong những tòa biệt viện lộng lẫy.35
35. Học theo lối sống xa hoa trụy lạc này, một công ty Mỹ có trụ sở ở Minnesota đã lấy tên theo lối sống của người La Mã: Sybaritic. Đây là công ty chuyên cung cấp bể tắm con nhộng giúp bạn “hòa làm một với nước”, theo trang web của họ. Bể tắm Sybaritic Relaxwell Oceanpod quả thật bắt mắt vô cùng: kiểu dáng xinh đẹp, với cái giá 23.995 đô Mỹ, đây sẽ là món quà Giáng Sinh tuyệt vời nhất, kể cả khi vợ tôi đọc được những dòng này rồi muốn đi vay tiền. Đó là lý do ta không nên bỏ qua phần chú thích cuối trang.
Mà đó thật sự là điểm chính: trong nhiều nền văn hóa, việc tắm, từ thời cổ đại đến ngày nay, thường là địa hạt riêng của tầng lớp thượng lưu, là đặc quyền hưởng thụ, là biểu tượng của sự giàu sang. Còn ai khác có thời gian và tiền bạc để đi ngâm nước chứ?
Ở Tây Âu, tắm lại trở thành một ngành công nghiệp, với những làng spa thư giãn xuất hiện khắp các trang tiểu thuyết và tờ rơi quảng cáo, từ Marienbad tới Aix les Bains tới Leukerbad tới Vichy.36
36. Bạn có thể đắm mình trong cảm giác xa hoa tại các spa cao cấp như khu bể tắm ở Vals, Thụy Sĩ do Peter Zumthor, chủ nhân giải thưởng Pritzker danh giá nhất trong ngành kiến trúc thiết kế, hoặc các khu nghỉ dưỡng sang trọng ở châu Âu và Bắc Mỹ.
“Tiếp nhận chữa trị” là cách gọi vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 khi ta ngâm mình để giải tỏa căng thẳng (hoặc các loại bệnh tật như lao phổi, vốn không chữa được cho đến khi kháng sinh ra đời). Nguyên nhân gây căng thẳng thì không ai đề cập, mục đích ở đây chỉ có “chữa trị” bằng cách chủ tâm quên hết mọi việc. Ngâm mình trong bể tắm suối nước nóng trong nhà hoặc ngoài trời chính là một biện pháp hữu hiệu.
Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác.
Người nhập cư tới Mỹ, người lao động ở các thành phố châu Âu trước đây phải chui rúc trong những căn phòng không hề có vòi tắm hay bồn tắm. Ngày nay bạn vẫn có thể thấy được dấu tích hệ thống nhà tắm công cộng ở khu Lower East Side của New York.
Hồi còn nhỏ, cha thường dẫn tôi đến nhà tắm công cộng (ông gọi nó là schvitz, nơi đổ mồ hôi) ở quận Garment, Manhattan. Nhà tắm nằm sâu dưới tầng hầm một tòa nhà hết sức bình thường, bên trong toàn là những người đàn ông to béo lớn tuổi, trần như nhộng, loạng choạng trên sàn gạch trơn trượt, bước ra bước vào mấy hồ tắm nước nóng. Họ không hề im lặng mà rên rỉ rất nhiều, cái âm thanh không hề giống bất cứ thứ gì tôi từng nghe: vẻ nhẹ nhõm và đôi phần thỏa mãn thì nghe quen đấy, nhưng cái không quen là nỗi buồn không lẫn được vào đâu. Sau mỗi lần ngâm, chúng tôi ngồi xuống băng ghế gỗ trong một căn phòng ẩm ướt, và một vài người dùng nhánh sồi thơm rậm lá quất xuống người mình. Cho đến bây giờ, nếu nhắm mắt lại, ngồi yên một lúc, tôi vẫn có thể hình dung được mùi lá sồi cùng mùi mồ hôi của những người đàn ông mệt mỏi ngày ấy.
Tắm ở Nhật không phải là đặc quyền hưởng thụ của giới thượng lưu, hay một điều khó với tới. Gần như cộng đồng nào cũng có nhà tắm công cộng, nơi cho ta cơ hội làm quen với mọi người, và cũng để thế giới biết đến ta. Ta chấp nhận cơ thể trần trụi không hoàn hảo của mình, ta chấp nhận cơ thể trần trụi không hoàn hảo của người khác.
Chẳng còn gì để sợ một người quần là áo lụa khi đã tắm cạnh họ mà chẳng có gì trên người.
Có một ryokan tôi đã đến rất nhiều lần, người chủ ở đó là một người đàn ông lịch sự tám mươi tuổi, dáng vẻ nghiêm nghị, có khả năng khiến bất cứ ai đứng cạnh đều cảm thấy nhỏ bé. Nhiều năm quen biết, những khi chúng tôi trò chuyện về những gì ông từng trải qua, những nơi ông từng đi, những thứ ông biết, tôi đều ngưỡng mộ vô cùng.
Thế rồi cách đây không lâu, ông ta và tôi vô tình có mặt trong phòng tắm cùng lúc. Ông cởi bộ yukata, để lộ cơ thể trắng nhợt, gầy gò, dội một thau nước xuống đầu rồi cùng ngồi vào bể nước nóng với tôi. Đến khi đó tôi mới thật sự thấy thoải mái khi ở cạnh ông.
Từ nhiều thế kỷ trước, Nhật Bản đã công nhận vô vàn lợi ích có được khi tắm nước nóng chung với người khác.
Tôi không thể không hình dung ở đất Mỹ, cảnh sát tắm cùng với nghi can, con nợ tắm cùng với chủ nhà băng, người da trắng thượng đẳng trần truồng ngồi cạnh người da đen. Tôi không có đang xéo xắt ai đâu. Có lý do thật sự để hồ bơi ở Mỹ phân làm nhiều khu – cho dù có mặc đồ bơi thì ngâm nước cùng một chỗ với người khác vẫn tạo nên tính gắn kết. Người ta dễ e sợ và bất an khi mất đi lớp vỏ bảo vệ bên ngoài, nhưng không chỉ thế, khi trút bỏ lớp quần áo, sắc độ của màu da buộc phải nhường đường cho nét tương đồng giữa vai, eo và cả những chỗ khuất vốn bị che giấu.
Khi tắm ở nhà tắm công cộng, người Nhật thường mang theo một cái túi nhỏ đựng khăn tắm, mỹ phẩm… Không như schvitz, ở đây không có tiếng rên rỉ mà cực kỳ im lặng. Người ta không ngại ngùng xấu hổ khi khỏa thân tắm cùng người lạ, đây là một điều tự nhiên trong cuộc sống đã được chấp nhận từ lâu. Một cách nữa để được tập thể chấp nhận đấy.
Nhật Bản sở hữu nguồn năng lượng địa nhiệt lớn, do đó các suối nước nóng để ngâm mình có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi. Đây cũng là một dạng thức chấp nhận: thiên nhiên sẽ không bớt tàn bạo, động đất và núi lửa vẫn sẽ hoành hành trên đất Nhật. Vậy thì hãy chấp nhận món quà suối nước nóng mà các thế lực thiên nhiên hùng mạnh chết người kia ban tặng.
Điểm cuối cùng, đồng thời là điểm khác biệt nhất cũng như quan trọng nhất trong văn hóa tắm của Nhật mà chúng ta có thể học hỏi chính là sự thông dụng. Ở Nhật, tắm tập thể là một hình thức vô cùng phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng. Nó không dành riêng cho người giàu, nó cũng chẳng dành riêng cho người nghèo.
Dù quy định tắm là phải cởi hết quần áo, nhưng ta vẫn phải dùng một cái khăn nhỏ để che vùng kín khi đi từ khu vực tắm vòi sen tới bể nước nóng. Ta phải tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng trước khi xuống bể, bởi khi bước xuống bể nước thì ta chỉ ngâm mình mà thôi. Ngồi vào bể, ta có thể quấn khăn lên đầu hay gấp gọn để trên thành hồ.
Và như thế, ta ngồi đó, ngâm nước đến cổ, nhắm mắt lại, hoặc khe khẽ trò chuyện với bạn bè. Đừng cố gắng “hòa làm một với nước” hay “tiếp nhận chữa trị” gì cả, thay vào đó hãy thật sự cảm nhận sự gần gũi của thiên nhiên hết mức có thể. Các bể tắm ở onsen hay khu phố thường viền bằng đá, được thiết kế để đặt ở ngoài trời hoặc giữa rừng nơi chim hót trên cành và gió nhẹ thổi qua tàng cây. Ngâm mình trong làn nước nóng khi tuyết rơi trên đầu hay mưa tuôn xối xả, không có mấy điều trên đời có thể mang đến cho ta cảm xúc sâu sắc như vậy đâu.
Có hai cách tắm cơ bản ở Nhật. Tắm một mình, hoặc tắm tập thể. Cả hai cách đều mang lại niềm vui thú tuyệt vời.
Một trong những kỷ niệm tắm khó quên nhất đời tôi là ở một bể tắm nhỏ của ryokan Kayotei, vào lúc bình minh. Giờ đó chưa ai dậy cả, ngoại trừ tôi vì vẫn chưa hết khó chịu sau chuyến bay. Tôi đi chân trần qua hành lang lạnh lẽo trải chiếu tatami thoảng mùi rơm rạ, bước xuống dãy cầu thang ngắn dẫn vào khu vực tắm. Tôi cởi bộ yukata ra. Ghế đẩu, thau rửa bằng gỗ xếp sẵn dưới đất cạnh vòi sen. Tôi tắm rửa sạch sẽ trước khi bước xuống bể nước. Đối diện bể là một bức tường bằng kính lớn có thể mở ra ở giữa. Tôi mở chốt, đẩy cửa sổ. Tuyết ùa vào. Tôi nghe được cả tiếng tuyết rơi trên những cành cây khô. Bầu trời dần chuyển sáng và tôi ngồi đó, ngắm nhìn rừng cây đang từ từ hiện ra. Tôi chỉ có một mình, nhưng là một phần của thiên nhiên, tôi không hề đơn độc.
Một lần khác, tôi tắm cùng một nhóm người lạ, người Nhật có, người Tây có, trong một bể tắm ngoài trời của ryokan Myojinkan ở Matsumoto. Chúng tôi đa phần chỉ thì thầm, cười đùa khe khẽ, tận hưởng niềm vui ở cạnh nhau trong dòng nước nóng. Đó là cảm giác có nơi để thuộc về mà tôi chưa từng biết đến trước đây.
Khoa học cũng ủng hộ việc tắm nước nóng. Bạn có thể tìm thấy các bài nghiên cứu chỉ ra công dụng của tắm suối nước nóng thiên nhiên như hạ huyết áp, giảm đau khớp, tăng tính đàn hồi da, hay thư giãn tinh thần. Những lợi ích đó không phải là kết luận sau cùng, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy các công dụng trên có tác dụng mãi mãi. Nhưng đó vốn không phải là mục đích chính của tắm nước nóng.
Ngâm mình trong nước giúp ta bình tâm, đó là một dạng chữa trị và ta không cần bác sĩ đứng ra xác nhận. Thông tin này là một điểm cộng, giống như biết được các nhà khoa học đã khám phá ra bánh kem sô cô la không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe.
Dạo gần đây đang thịnh hành xu hướng đưa việc tắm đến gần với cuộc sống của nhiều người hơn. Một trong những đề xuất nổi bật nhất là “phong trào” tắm giữa rừng xanh do nhóm này dẫn đầu: http://www.shinrin-yoku.org.
Trang web viết rằng tắm giữa rừng xanh sẽ giúp ta: “Hít thở, thư giãn, thả hồn, tiếp xúc, lắng nghe, hồi phục.”37
37. Amos Clifford là người đứng sau dự án tắm giữa rừng xanh. Ông có tình yêu thiên nhiên sâu sắc và đã cống hiến nhiều năm cho sự nghiệp chữa trị. Ông có khả năng sáng tạo tài tình trong việc kết hợp các kỹ năng này với nhau. Điều thú vị về Clifford là đóng góp của ông trong thay đổi trị liệu: “Đây là về việc chấp nhận bản thân trong mối quan hệ với thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác trở thành một phần của thiên nhiên, đồng thời nhận ra đây là nơi chúng ta thuộc về.”
Ngâm mình trong nước nóng.
Nếu bạn sống quá xa rừng già, vậy thì hãy đến ngâm mình thư giãn ở những nhà tắm công cộng tiên tiến đang mọc lên khắp các thành phố, thị trấn ở phương Tây.38
38. Một doanh nghiệp kịp thời nắm bắt xu thế này là Beaire. Công ty này có hệ thống bể tắm ở Tribeca-NYC, Barcelona, Chicago, London, và Paris.
Ở châu Âu, ta có thể tìm thấy các spa cung cấp “bể tắm La Mã/Ireland”, nơi nam và nữ khỏa thân đi từ bể tắm này sang bể tắm khác, lựa chọn nhiệt độ phù hợp, im lặng ngâm mình để rửa trôi mọi phiền muộn. Sau khi trải nghiệm, tôi có thể nói với các bạn rằng đây là một cách khó quên để tìm hiểu về hàng xóm của mình.
Ngâm mình trong bồn tắm, ta tìm lại được liên kết với bản thân, với thiên nhiên, con người và cộng đồng xung quanh. Ta khiêm nhường ngồi yên trong làn nước, không nói gì nhiều. Để nước chiếm lĩnh tất cả. Tư tưởng, cảm xúc trong ta sẽ dần thay đổi, để rồi ta chấp nhận vị trí của mình giữa cuộc đời, phơi bày ra tất cả yếu đuối.
Các nền tôn giáo đều công nhận tắm có vai trò đưa ta đến gần hơn những điều bên ngoài bản thân.
Lễ rửa tội của Cơ Đốc giáo. Phép nhúng nước thánh mikvah của Do Thái giáo. Magh Mela, lễ hội ngâm mình trong sông thiêng hằng năm của Ấn Độ giáo vì mục đích thanh tẩy, và tầm quan trọng của việc tẩy rửa cơ thể hằng ngày, hay còn gọi là Snanam. Hồi giáo có nghi thức tắm Ghusl để tẩy trần. Tất cả hình thức này đều mang ý nghĩa gột rửa đi tội lỗi nhuốc nhơ, đồng thời buộc tội những ham muốn thể xác.
Mặc dù việc tắm ngày nay có gốc rễ sâu xa từ nghi thức gột rửa tội lỗi, nhưng nó vẫn có nhiều điểm chung với phong cách người La Mã hơn: tự thưởng cho bản thân, một mình hoặc với bạn bè hay người lạ; tiếp cận gần hơn với tâm hồn và thiên nhiên so với khi khoác lên người đủ loại trang phục.
Người Nhật ngày nay không quá sùng đạo, họ kính ngưỡng thần linh chứ không sợ hãi hay nguyện dành hết đời mình để cầu nguyện, thờ phụng thánh thần. Điều chúng ta có thể học được từ họ chính là nếu hiểu được thiên nhiên muốn gì ở chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận thiên nhiên và bản thân mình hơn.
Có đôi khi tôi thấy mình rơi vào vùng “nước nóng”: làm bản thân thất vọng, làm người khác thất vọng. Tôi cảm thấy căng thẳng vì thất bại và oán trách bản thân. Nhưng một khi ngâm mình vào nước nóng thật, những điều làm tôi sợ hãi hay khổ sở bỗng dưng nhỏ bé đi rất nhiều. Nó không hẳn là liều thuốc giải, nhưng chắc chắn có thể giúp tôi nghỉ ngơi trong giây lát.