K
hi còn học đại học, tôi làm thêm cho một cửa hàng bán dụng cụ thể dục thể thao. Trong thời gian tôi làm ở đó, có một cậu bé rất thường xuyên đến cửa hàng của chúng tôi. Một tuần cậu đến khoảng chừng hai, ba lần chỉ để ngắm những chiếc găng tay bóng chày trưng bày trong tủ. Cậu bé thường xuyên trở thành đề tài trong những buổi nói chuyện gẫu của những người bán hàng như chúng tôi, không chỉ bởi sự say mê ánh lên trong đôi mắt trẻ con đáng yêu ấy mà còn vì hành động rất ư kỳ quặc của nó: chạm khẽ vào chiếc găng mắc tiền nhất trong cửa hàng trước khi ra về, lần nào cũng vậy.
Suốt một thời gian dài sau đó, cậu bé vẫn thường xuyên lui tới cửa hàng của chúng tôi. Và cứ mỗi lần như thế, nó lại thở phào nhẹ nhõm khi thấy chiếc găng tay mắc tiền ấy vẫn chưa bị bán mất. Về sau, khi đã bạo dạn hơn, cậu bé thường nhẹ nhàng nhấc nó lên, thử ướm tay vào, vuốt ve một hồi lâu rồi mới cẩn thận đặt xuống và đi về.
Một buổi chiều nọ, cậu bé lại đến như thường lệ. Nhưng lần này không như tất cả những lần trước đó, cậu ôm trên tay một cái hộp nhựa, miệng nở nụ cười thật tươi. Cậu bé hồ hởi thông báo rằng nó muốn mua chiếc găng tay bóng chày đó. Người quản lý của chúng tôi lấy chiếc găng tay đem ra quầy tính tiền, trong khi cậu bé lui cui đếm tiền trong hộp nhựa. Trong hộp chỉ toàn là tiền xu. Tổng cộng số tiền cậu bé có chính xác là 19 đô la 98 xu trong khi giá của cái găng tay là 79 đô la 98 xu. Người quản lý nhìn xuống bảng giá. Số 7 trên bảng giá in không rõ ràng cho lắm. Và cậu bé bảy tuổi này, với ước muốn mãnh liệt có được chiếc găng tay, đã nhìn nhầm số 7 thành số 1. Người quản lý quay lại nhìn cậu và mỉm cười: “Hay thật, số tiền cháu có vừa đúng bằng giá bán của chiếc găng tay, 19 đô la và 98 xu!”. Cậu bé cười tít mắt, giọng đầy tự hào: “Vâng, cháu đã để dành và đếm từng xu một mỗi ngày cơ mà!” rồi đưa tay nhận chiếc găng mà người quản lý đã gói thật cẩn thận. Cả hai chú cháu cùng cười với nhau, nụ cười hạnh phúc nhất mà tôi từng được thấy.