T
hành phố Bellingham thuộc bang Massachusetts trước đây chỉ là một nơi vắng vẻ với hầu hết người dân đều sống bằng nghề nông. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã đổi khác. Trở về thăm lại thành phố này sau gần ba mươi năm xa cách, tôi cứ ngỡ ngàng trước mọi cảnh vật xung quanh. Còn đâu những cánh đồng bắp ngô, những vườn hồ tiêu, những luống cà chua thẳng tắp hai bên đường. Thay vào đó là những ngôi biệt thự được xây dựng theo kiến trúc giả cổ với hàng rào trắng bao quanh. Những con đường đất rải sỏi cũng đã được lát đá với đèn điện sáng choang. Nhiều công viên, cửa hàng mọc lên ngay trên mảnh đất xưa là đồng cỏ - nơi thả rong những đàn bò, đàn gà, đàn lợn. Ấy vậy mà vẫn còn một nơi mà thời gian dường như dừng lại, đó là một nông trại nằm ven bìa thành phố. Ngay giữa khoảnh đất ấy là ngôi nhà gỗ màu trắng đến nay đã gần 150 tuổi, nơi gắn liền với thời thơ ấu của tôi. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, ấy vậy mà trước mặt tôi đây vẫn là một khung cảnh êm đềm của một thời hồn nhiên, mơ mộng.
Nhìn vào căn nhà cũ của mình, tôi chú ý ngay đến chiếc xe hiệu SUV đang đỗ trước sân - nơi trước đây là chỗ đậu quen thuộc của chiếc Ford của tôi. Những ngày tháng xưa bất chợt ùa về. Vào sinh nhật lần thứ 16 của tôi, bố đã mua cho tôi chiếc xe hơi cũ Model T với mức giá hời vào thời đó là 25 đô la. Dù là xe đã qua sử dụng, nhưng chiếc Ford ấy làm tôi rất đỗi kinh ngạc trước màu đen sáng bóng và dáng vẻ sang trọng của nó. Lòng tràn ngập hạnh phúc, tôi mải mê ngắm nhìn cánh cửa có tay nắm sáng loáng, hai bóng đèn pha to tướng và một cái cần số được đặt vững chắc trên sàn xe. Vào thời đó, số xe hơi ở Bellingham chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, nên đối với tôi, đó là cả một sự kiện vô cùng lớn lao. Do đã có kinh nghiệm điều khiển máy kéo cho nông trại, nên tôi tự tin rằng mình cũng có thể trở thành một tay lái xe hơi an toàn trên đường phố. Mắt nhìn thẳng về phía trước, tôi đánh bạo lao nhanh xuống đại lộ Park với vận tốc 25 dặm một giờ. Đó là lần đầu tiên ngồi sau tay lái, những lần sau đó, thậm chí tôi còn chạy xe với tốc độ cao hơn.
Một sáng nọ, tôi ra khỏi nhà sớm hơn mọi ngày và đánh liều chạy xe qua đường Winsocket để xuống chợ. Đó là con đường khá đông đúc mà trước đó tôi chưa dám lái xe qua bao giờ. Vừa đến đường Lake, một viên cảnh sát đã giơ tay ngoắc tôi lại: “Dừng lại! Dừng lại!”.
Tôi từ từ dừng xe, hơi lo lắng vì nghĩ mình có thể sẽ bị phạt.
“Chào buổi sáng, Lauretta”, anh cảnh sát nói.
Tôi gượng cười: “Tôi đã làm sai gì à, anh cảnh sát?”.
“Hãy gọi tôi là Frank”, người cảnh sát đáp. Đoạn, anh ta giở chiếc mũ màu xanh ra khỏi đầu. Đó là một anh chàng đẹp trai cũng trạc tuổi tôi, dáng cao gầy, đôi mắt màu nâu sẫm rất hợp với bộ đồng phục đang mặc.
“Vì là lần đầu tiên nên tôi sẽ để cô đi, nhưng tôi cần nhắc là cô phải luôn nhớ luật giao thông. Tôi đã có thể phạt cô vì lái xe quá tốc độ rồi đấy. Khi chạy xe, cô còn phải chừa đường đi cho những con ngựa nữa.”
Ngay lúc đó, một tiếng rao vang lên trên đường phố: “Quần áo cũ! Vải cũ! Có ai bán không?”. Tôi quay sang thì thấy một ông lão lưng đã còng, trên người là một bộ quần áo nhàu nát đang dắt một con ngựa màu hung to lớn. Chú ngựa kéo theo phía sau mình một thùng xe cũ dài thòng chất đầy những đống vải và quần áo đủ màu đủ loại, cả đồ dơ lẫn đồ sạch.
“Xin lỗi anh, tôi không nhìn thấy ông ấy”, tôi quay lại thanh minh với người cảnh sát.
“Cô cần phải cẩn thận hơn nữa. Lũ ngựa vẫn chưa quen được với xe ô tô và chúng có thể dễ dàng bị làm cho hoảng sợ bởi tiếng động cơ xe”. Vừa nói, anh ta vừa ném tấm vải bọc đã cũ mà nãy giờ vẫn cầm ở tay vào thùng xe của ông lão rồi chào to: “Ông đến rồi à, nhà buôn vải?”.
“Cám ơn nhé!”, ông lão đáp lại rồi vòng ra sau chiếc xe ngựa, nhanh nhẹn thảy một quả táo đỏ cho người cảnh sát.
“Hôm nay không có chuối sao?”
“Đợi mai đi, hôm nay tôi chỉ có táo mà thôi!”, ông lão trả lời với một nụ cười tạo nên những vết nhăn dúm dó trên mặt. Đoạn, ông vỗ nhẹ vào đầu con ngựa một cách âu yếm rồi tiếp tục lê những bước chân khó nhọc trên đường. Giọng rao khàn đục của ông lại tiếp tục vang lên.
Tôi quay sang hỏi người cảnh sát với cái nhìn đầy thắc mắc: “Sao ông lão ấy lại phải đi thu gom quần áo cũ? Để làm gì vậy?”.
“Cô không biết sao?”, vừa giải thích cho tôi, anh ta vừa cắn nhanh một miếng táo, “Tuần nào, ông lão cũng đi xuống con đường này, thu gom vải vóc, quần áo cũ của mọi người để rồi phân loại và phát cho những người nghèo khổ trong khu làng dành cho người hủi ở bìa rừng. Cô biết không, việc làm đó đã giúp ích cho rất nhiều người. Trước giờ, mọi người vẫn xa lánh những người hủi. Ông ấy là người đầu tiên dành trọn thời gian nhàn rỗi của tuổi già để đến với họ. Ông lão sẽ trả tiền để mua vải cũ, nhưng thông thường thì mọi người đề nghị chỉ nhận lại bằng một thứ trái cây nào đó mà thôi. Ông lão cũng đã thực sự làm thay đổi nếp nghĩ cố hữu của người dân đối với người bệnh hủi”.
Nói rồi, anh ta nhìn ngắm chiếc Model T của tôi một lần nữa, không quên căn dặn: “Lần sau, khi thấy ông ấy đi trên đường, cô hãy lái xe về phần đường bên kia nhé!”.
Tôi chợt thấy hai má mình đỏ bừng trước câu chuyện của người cảnh sát. Sống ở vùng này từ khi sinh ra nhưng tôi chưa bao giờ quan tâm đến những người hủi chỉ sống cách mình một quãng đường không quá xa...
Tuần lễ sau đó, tôi đến góc đường gần chợ đứng chờ ông lão, mang theo cả một bọc đầy quần áo cũ. Khi ông lão đi qua, tôi mỉm cười rồi trao cho ông bọc đồ. Ông lão mỉm cười đáp lại, rồi đưa cho tôi một nải chuối vàng ươm và nói: “Những người nghèo khổ sẽ rất biết ơn cháu đấy, cháu gái tốt bụng của ta”.
Trong suốt những năm 1930, giữa thời kỳ diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính, chính những đống quần áo, vải vóc cũ ấy đã giúp cho người dân ở làng hủi cạnh thành phố tôi có quần áo để mặc, có chăn đắp vào mùa đông. Một con người bình dị như ông, thêm một con ngựa và một cỗ xe, đã có thể giúp cho cả một cộng đồng vượt qua được những năm tháng khó khăn.
“Mình đi chứ em?”, tiếng chồng tôi đã kéo tôi ra khỏi những hồi ức về quá khứ.
“Vâng”, tôi nhẹ nhàng đáp, lòng chợt dâng lên một nỗi buồn da diết. Chính nơi đây, tôi đã sống những ngày đẹp nhất của mình với những kỷ niệm khắc sâu không bao giờ phai nhạt.
Chồng tôi bắt đầu cho xe lăn bánh. Khi đi ngang qua con đường dẫn đến chợ, bất chợt tôi nhìn thấy hình ảnh một ông lão, tay dắt chú ngựa kéo theo một thùng xe lớn thấp thoáng trong làn sương mờ. Tiếng rao quen thuộc của ông vẫn như còn văng vẳng đâu đây.