“Món quà quý giá nhất mà bạn có thể trao tặng cho người khác chính là sự quan tâm chân thành.”
- Richard Moss
Tôi đứng bên giường Ông Ditto, chứng kiến giây phút ông sắp từ giã cuộc đời. Trên nền gối trắng tinh của bệnh viện, trông ông như con búp bê da đen nhỏ bé tội nghiệp với cái đầu gần như lọt thỏm giữa gối. Mạch đập của ông rất yếu. Tôi có một cảm nhận kỳ lạ về quá trình biến đổi đang diễn ra trước mắt mình, như thể nếu quan sát kỹ thì tôi có thể nhìn thấy linh hồn Ông Ditto bay lên như con sâu bướm tung cánh thoát khỏi vỏ kén khô héo.
Rồi tôi nghe thấy nhịp thở khe khẽ cuối cùng của ông. Ông không vùng vẫy, cả khi cái chết đến. Cũng nhờ thế mà ông ra đi nhẹ nhàng và êm ái, tựa như một tiếng thở dài.
Vị linh mục người da màu William Howard ngồi cạnh giường, bàn tay to lớn cầm quyển Kinh Thánh đang mở. Rồi ông nhẹ nhàng đóng quyển Kinh Thánh lại và cúi đầu thì thầm, “Lạy Chúa nhân từ, xin Ngài hãy mở rộng vòng tay, chúng con xin phó thác linh hồn này trong tay Chúa”.
Sau đó, vị linh mục khẽ chạm vào vai tôi như thể ông hiểu được nỗi buồn trĩu nặng tôi đang mang trong lòng, “Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ”. Sau đó ông quay đi, bước ra khỏi phòng rồi nhẹ nhàng khép cửa lại.
Sau khi vị linh mục rời đi, tôi làm những việc mà mọi y tá phải thực hiện khi bệnh nhân qua đời. Tôi mở ngăn kéo tủ đầu giường và thu dọn vật dụng cá nhân của Ông Ditto - một cặp kính cũ kỹ méo mó, chiếc dao cạo với lưỡi dao rỉ sét, và cuốn Kinh Thánh đã sờn rách sau nhiều năm sử dụng. Rồi tôi tìm thấy đồng năm xu mà tôi biết đã mang đến cho ông nhiều niềm vui. Đó là gia tài quý giá của đời ông. Tôi cầm đồng xu trong tay thật lâu và bồi hồi nhớ lại…
Ông Ditto là một trong những bệnh nhân đầu tiên mà tôi được chỉ định chăm sóc vào mùa đông năm 1947. Khi ấy tôi còn là một y tá trẻ mới về nhận công tác tại khoa lao của bệnh viện Cựu chiến binh ở Thành phố Louisville, bang Kentucky. “Ông Ditto” chính là tên thật của ông, ngoài ra người ta không gọi ông bằng bất kỳ cái tên nào khác. Ông Ditto là một người Mỹ da đen. Cha mẹ ông là nô lệ tại New Orleans. Sinh ra trong thời Nội chiến5, ông lâm vào cảnh mồ côi khi còn rất nhỏ. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông được giải phóng khỏi thân phận nô lệ nhưng đồng thời cũng phải tự mình xoay xở với cuộc đời. Trừ quãng thời gian phục vụ trong cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ6, ông sống qua ngày bằng cách nhận làm những công việc lặt vặt và lủi thủi một mình trong căn nhà gỗ nhỏ của những người chủ cũ cho ở nhờ. Khi tôi về nhận công tác ở Louisville thì Ông Ditto đã ở đó được vài năm. Ông đã bệnh suốt một thời gian dài trước đó. Tới khi nhập viện thì bệnh lao xương chậu của ông đã diễn biến rất nghiêm trọng. Một khối áp-xe lớn bị vỡ khiến dịch bị rỉ ra ngoài.
5 Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865): là cuộc tranh chấp quân sự diễn ra tại Hoa Kỳ, giữa Chính phủ Liên bang (chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ) và các tiểu bang phía Nam (ủng hộ chế độ nô lệ) vào giữa thế kỷ 19. Cuộc phân tranh Nam-Bắc - chủ yếu diễn ra tại các tiểu bang phía Nam - kéo dài bốn năm và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865. Cũng từ đó, chế độ nô lệ được xóa bỏ trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
6 Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ (4/1898 - 8/1898): là cuộc xung đột quân sự giữa Tây Ban Nha và Mỹ xuất phát từ các vấn đề về nền độc lập của Cuba (lúc đó là thuộc địa của Tây Ban Nha).
Mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi ngay ngày đầu tiên tôi bước vào phòng. Tôi rất muốn quay lưng bỏ đi, và có lẽ tôi đã làm thế nếu không có điều gì đó trong ánh mắt của Ông Ditto giữ tôi lại. “Chào buổi sáng, Ông Ditto. Ông đã sẵn sàng cho ‘thủ tục’ buổi sáng chưa?”, tôi hỏi.
“Tôi cũng không biết thủ tục buổi sáng là gì nữa, nhưng nếu cô nghĩ mấy thủ tục đó cần thiết cho tôi thì tôi sẵn sàng rồi”, ông trả lời.
Tôi bắt đầu bằng việc tắm rửa cho ông và thay tấm trải giường. Cơ thể ông tiều tụy đến mức tôi gần như không cảm nhận được chút trọng lượng nào khi nhẹ nhàng đỡ người ông nghiêng sang một bên. Đôi mắt ông trợn to, hiện rõ sự đau đớn, nhưng ông không hề kêu ca tiếng nào.
Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác buồn nôn kinh khủng khi thay băng cho ông. Lúc đó, một giọng nói khẽ vang lên đã giúp tôi ngăn cơn buồn nôn ấy lại, “Cô ơi, tôi không biết làm sao mà cô có thể chịu được trong khi chính tôi còn không chịu nổi”. Rồi ông nhăn mặt với vẻ khôi hài khiến tôi phải bật cười. Thấy tôi cười, ông cũng cười theo. Chúng tôi nhìn nhau cười trong sự bất lực. Tôi bỗng thấy không khí trong phòng trở nên dễ chịu hơn, và vết thương của ông nhìn cũng không còn đáng sợ như lúc đầu. Từ đó về sau, tôi không còn cảm giác khó chịu mỗi khi nhìn thấy vết thương của Ông Ditto nữa.
Khi tôi kéo chăn lên đắp ngang ngực ông, gương mặt ông vẫn còn đọng nét rạng ngời sau những tràng cười sảng khoái. Ông nói, “Cảm ơn cô nhiều lắm. Tôi thấy đỡ hơn nhiều rồi. Thật đấy”. Đoạn ông nhấc cánh tay gầy gò, yếu ớt của mình lên rồi run rẩy mò mẫm trong ngăn kéo tủ đầu giường. Sau cùng ông lấy ra một đồng năm xu sáng bóng và đưa nó về phía tôi.
“Nhiêu đây chẳng đáng gì so với lòng tốt của cô. Nhưng hôm nay trời lạnh khủng khiếp, và tôi nghĩ một cốc cà phê nóng có thể giúp cô cảm thấy ấm áp phần nào.”
Ngăn kéo vẫn để mở và tôi thấy có nhiều đồng xu trong đó, có lẽ là khoảng hai chục đồng xu, nằm xen lẫn với đồ dùng cá nhân của ông. Đó là tất cả gia tài của người đàn ông tội nghiệp ấy. Lúc đó, lẽ ra tôi nên lập tức đón nhận tấm lòng của ông. Ngược lại, tôi hấp tấp trả lời, “Ồ không đâu ông, cháu không nhận đâu. Ông để dành chỗ tiền này cho những lúc khó khăn đi ạ”.
Niềm vui vụt tắt trong đôi mắt ông, nét rạng rỡ trên gương mặt ông cũng bị thay thế bởi sự u buồn. “Không còn ngày nào khó khăn hơn những ngày này nữa đâu cô”, ông buồn bã đáp.
Nỗi tuyệt vọng nghẹn ứ trong giọng nói của ông khiến tôi lập tức hiểu ra sai lầm của mình. Lời nói của tôi đã khiến ông cảm thấy rằng ông chỉ là một lão già bất lực, không còn gì để cho đi và không thể làm được gì ngoài việc nằm chờ chết. Thế là tôi nhanh chóng nói thêm, “Ông Ditto này, cháu nghĩ ông nói đúng đấy. Trời này mà nhâm nhi ly cà phê nóng thì còn gì bằng”. Rồi tôi nhận lấy đồng năm xu từ tay ông và ngắm nhìn niềm vui trở lại trên gương mặt ông.
Những ngày sau đó, Ông Ditto càng lúc càng yếu dần. Mỗi sáng tôi đều lặp lại cùng một quy trình vệ sinh nhàm chán nhưng ông vẫn kiên nhẫn tuân thủ. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi luôn duy trì được những cuộc hội thoại, sự hài hước và tiếng cười nhẹ nhàng, vì thế tôi cứ mong đến giờ được gặp ông. Và cứ mỗi sáng trước khi tôi rời khỏi phòng, người đàn ông già nua ấy lại đưa tay mò mẫm lấy ra một đồng năm xu và nói, “Nhiêu đây chẳng đáng gì so với lòng tốt của cô”.
Tôi nhìn chỗ đồng xu vơi dần qua từng ngày và thầm cầu nguyện rằng Ông Ditto sẽ sống kể cả khi những đồng xu kia không còn. Lúc này sức lực của Ông Ditto gần như đã cạn kiệt, nhưng ông chưa bao giờ quên tặng tôi một đồng xu dù ông không thể tự nhấc nổi cánh tay yếu ớt của mình lên.
Một ngày nọ, khi ông đưa tay vào ngăn kéo, tôi thấy trong đó chỉ còn lại một đồng xu duy nhất. Tôi cố kìm nén cảm xúc, tự nhủ không được rơi nước mắt. Trong lúc đỡ tay ông đưa về phía đồng xu cuối cùng, tôi quan sát gương mặt ông xem liệu ông có biết đó là đồng xu cuối cùng hay không, nhưng ông hoàn toàn không nhận ra. Ông đưa đồng xu cho tôi, vẫn nở nụ cười ngọt ngào và thì thầm những lời cảm ơn quen thuộc. Lúc ấy tôi nhận ra Ông Ditto chỉ còn nửa phần ý thức - dấu hiệu cho thấy cái chết đang cận kề - và ông chỉ cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ với người khác. Tôi bỗng mừng thầm vì biết rằng ông không nhớ được mình còn bao nhiêu đồng xu trong tủ. Tôi khẽ khàng đặt đồng xu trở lại góc trong ngăn kéo.
Sau ngày hôm ấy, tôi còn gặp Ông Ditto được thêm hai tuần. Và mỗi ngày như thế, sau khi tôi giúp ông làm vệ sinh rồi đặt ông nằm thoải mái trên chiếc giường sạch sẽ với tấm ga mới trắng tinh, ông đều khẽ lặp đi lặp lại, “Cô ơi, cô là một thiên thần. Chắc chắn cô phải là thiên thần”. Đó cũng là lúc tôi sẽ cầm tay ông và hướng tới góc ngăn kéo có đồng năm xu. Mỗi ngày ông đều tặng tôi đồng năm xu ấy, và ngay sau đó tôi đều âm thầm trả nó về vị trí cũ.
Vào ngày cuối cùng, tôi mời linh mục Howard đến. Vị linh mục đọc lời nguyện, khe khẽ và êm ả như đang ru. Những câu thánh kinh vang lên đều đặn và êm dịu, “Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người dạy họ rằng, ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai hiền lành, vì họ được Đất Hứa làm gia nghiệp’”.
Một ý nghĩ hiện lên trong tâm trí tôi, “Có lẽ Ông Ditto chính là người nghèo khó và hiền lành nhất trên đời; ông đã chấp nhận mọi cay đắng mà không hề than vãn. Vậy mà giờ đây, trong những giờ phút cuối đời, ông lại không nghe được lời hứa về cuộc sống tươi đẹp ở cõi vĩnh hằng”. Đột nhiên, trong lòng tôi bỗng trỗi dậy cảm giác phẫn uất thay cho ông. Ông Ditto - cái tên mô tả hoàn hảo con người ông, như thể Thiên Chúa sau khi tạo ra cả thế giới loài người đã dừng lại và nói “Ditto”7, và rồi người đàn ông này xuất hiện trên đời. Vậy mục đích của Ngài khi tạo ra Ông Ditto là gì? Ông phải sống một cuộc đời cam chịu và vô nghĩa để làm gì?
7 Ditto có nghĩa là “như trên”, “tương tự”, hoặc “cũng thế”.
Sau khi vị linh mục rời đi, tôi đứng lặng hồi lâu với đồng xu quý giá cuối cùng trong tay. Sau cùng tôi đặt nó chung với những món đồ khác của Ông Ditto rồi buộc tất cả thành một gói nhỏ và viết tên ông lên đó. Tiếp đó, tôi mang gói đồ ấy tới văn phòng và đề nghị chuyển nó cho linh mục Howard.
Cuối buổi chiều hôm ấy, ngay trước giờ tôi tan ca trực, linh mục Howard đến bệnh viện tìm tôi. Ông nhìn tôi và mỉm cười nói, “Có vẻ như Ông Ditto đã để lại một gia tài nhỏ. Tôi nghĩ ông ấy muốn cô giữ nó”. Nói xong ông lấy ra đồng năm xu của Ông Ditto từ trong túi và đặt vào tay tôi.
Tôi lập tức nhận lấy đồng xu. Khi nhớ lại ánh mắt của Ông Ditto, tôi chợt hiểu ra ý nghĩa của món quà ông dành cho tôi. Hết lần này tới lần khác, tôi đã nhận đồng năm xu với tâm trạng buồn rầu và thương xót khi liên tưởng đến cuộc đời khốn khó của ông. Giờ đây, lần đầu tiên tôi nhận ra giá trị thật sự của đồng xu ấy - biểu tượng sáng ngời của sự giàu có vô biên mà tôi chưa bao giờ nghĩ là có tồn tại trên đời. Trong khoảnh khắc tươi sáng đó, mọi buồn phiền đều được xua tan và cảm giác thương hại trong tôi bỗng chốc biến mất. Ông Ditto bé nhỏ tội nghiệp của tôi vô cùng giàu có. Gia tài to lớn của ông là trái tim chứa đựng tất cả sự kiên nhẫn, đức tin và lòng yêu thương mà một con người có thể có.
Tôi đến căn-tin bệnh viện, mua một tách cà phê rồi ngồi vào chiếc bàn trống cạnh cửa sổ. Trời sắp tối hẳn. Một ngôi sao nhỏ bé đang tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời. Tôi nâng cốc cà phê lên môi và khẽ nói lời mừng, “Vì Ông Ditto, người có được Đất Hứa làm gia nghiệp”, rồi tôi uống cạn cốc cà phê.