“Khi ngừng phán xét bản thân và người khác, con tim ta cũng bắt đầu rộng mở.”
- Swami Dhyan Giten
Năm 1992, như nhiều người dân ở Thành phố Los Angeles, tôi cũng theo dõi bản tin phóng sự trên ti-vi về những chia sẻ của Rodney King với báo chí sau khi bốn sĩ quan cảnh sát bị buộc tội hành hung ông năm 1991 được tha bổng, từ đó dẫn đến nhiều vụ bạo loạn trong thành phố. Khi trả lời các phóng viên, King đã hỏi với giọng buồn bã, “Tất cả chúng ta không thể sống hòa hợp với nhau sao?”.
“Không đời nào!”, tôi hét lên trước ti-vi dù lúc đó chỉ có một mình tôi trong phòng. Phản ứng của tôi không phải là một hành động bộc phát hay vô lý. Tôi biết mình đang nói gì. Cuối năm 1989, tôi mua được một căn nhà có giá phải chăng ở khu Highland Park, phía Đông Los Angeles. Khu phố này thay đổi nhanh chóng bởi làn sóng dân nhập cư, còn tôi thì một mực tin rằng hòa hợp chủng tộc là điều không thể đạt được. Theo thống kê, mỗi năm có hàng chục ngàn dân nhập cư mới - phần lớn đến từ Mỹ La-tinh và châu Á - đổ xô vào miền Nam California. Thế nhưng, với hầu hết người da trắng lúc đó thì làn sóng nhập cư này vẫn chỉ là những con số thống kê trừu tượng.
Tuy nhiên, khi tôi chuyển đến Highland Park thì các con số thống kê đó trở thành hiện thực mà tôi phải đối diện hàng ngày và khiến những định kiến của tôi có dịp trỗi dậy. Trong số những hàng xóm của tôi có nhiều người đến từ Mexico, El Salvador, Philippines và Việt Nam. Lần đầu tiên trong đời tôi thuộc về thiểu số và tôi không thích điều này chút nào.
Vì tin chắc rằng giữa mình và những người nhập cư kia không hề có điểm chung, tôi “cố thủ” trong ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha màu hồng xinh xắn của mình phía trên đồi. Tôi hiếm khi trò chuyện với hàng xóm. Thường thì tôi chỉ chào họ nếu vô tình gặp nhau trong lúc đi đổ rác hoặc khi lái xe ngang qua. Tôi chính là hình mẫu cho những định kiến trong đầu họ về người đàn bà da trắng lạnh lùng sở hữu căn nhà đẹp nhất khu, và họ cũng giống hệt những định kiến của tôi về người nhập cư cứng đầu không chịu hòa nhập.
Tôi cảm thấy bực bội vì nhân viên bán hàng gốc Mỹ La-tinh trong tiệm điện tử Radio Shack không hiểu ý tôi khi tôi hỏi mua pin lithium hay dây điện nối. Tôi phát cáu vì các siêu thị gần nhà không bán phô mai xanh hay sữa đậu nành, vì mấy bảng quảng cáo về phim hay xe hơi đều được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Trong suốt nhiều năm, tôi thường phản ánh lên chính quyền mỗi khi hàng xóm hành xử theo cách mà tôi không đồng tình. Có người phụ nữ gốc El Salvador nuôi một con gà trống ở sân sau và cứ năm giờ sáng thì nó lại làm tôi thức giấc. Khi tôi báo cáo việc này với Cục Quản lý Động vật, chị ta liền phản ứng bằng cách chặt phăng đầu con gà. Tôi cảm thấy tội lỗi khi là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết thảm thương của con gà, nhưng vẫn tự trấn an rằng đây là việc cần làm để khôi phục sự bình yên và tĩnh lặng cho khu phố.
Khi nhà hàng xóm gốc Mexico mở nhạc quá lớn, tôi cũng mời cảnh sát đến để lập lại trật tự. Có lẽ đoán được tôi là người đã tố họ nên hàng xóm không thèm nói chuyện với tôi nữa. Tôi hoàn toàn có thể chịu đựng được “hình phạt” này. Suy cho cùng, tôi đang đưa khu phố đi vào khuôn khổ với các giá trị mà tôi tin tưởng.
Thế nhưng hai năm trước, có một chuyện xảy ra khiến tôi hoàn toàn thay đổi suy nghĩ cũng như cách đối xử với hàng xóm. Chỉ trong vòng hai ngày, tôi đánh mất tất cả những thứ quan trọng nhất đời mình. Tôi mất công việc đem lại thu nhập cao tại một tạp chí nổi tiếng và chấm dứt mối quan hệ với người đàn ông mình yêu trong đau khổ. Đột nhiên mọi điểm tựa của tôi đều biến mất. Tôi chìm trong đau khổ, tự hỏi liệu mình có thể gượng dậy được không, và bằng cách nào.
Những mất mát đó khiến tôi trở nên khiêm tốn và nhạy cảm hơn, nhưng cũng từ đó mà tôi bắt đầu gắn kết hơn với hàng xóm và thế giới xung quanh. Tôi nhận ra hàng xóm của tôi mới tuyệt vời làm sao. Họ không hề giống với những thành kiến xấu xí mà tôi đã gán cho họ. Họ làm việc chăm chỉ, họ đáng được tôn trọng và cũng như tôi, họ là những người mong muốn một cuộc sống tử tế và khát khao tận hưởng các cung bậc khác nhau của hạnh phúc.
Nhờ tiếp xúc nhiều hơn mà tôi biết được người phụ nữ gốc El Salvador đã dẫn theo hai cô con gái nhỏ của mình và chạy trốn khỏi quê hương sau khi chồng chị bị đám sát thủ giết hại. Ở Mỹ, chị làm giúp việc để trang trải cuộc sống và lo cho con gái học đại học.
Tôi còn biết gia đình người Mexico rời bỏ quê hương đến Los Angeles từ mười lăm năm trước, và lúc đó họ thậm chí còn không biết nói tiếng Anh. Thời gian đầu, người cha phải làm công việc dọn dẹp văn phòng với mức lương tám đô-la một giờ; về sau, ông lái xe tải đi giao hàng với thu nhập khá hơn một chút. Và giờ đây, ông sở hữu ba tòa căn hộ cùng khối tài sản mà có lẽ cả đời tôi cũng không bao giờ kiếm được.
Hiện tại, nhiều người hàng xóm đã trở thành bạn của tôi. Dịp lễ Giáng sinh, tôi mang tặng họ rượu vang đỏ cùng bánh ngọt, còn họ tặng lại tôi những chậu hoa hay những đĩa bánh burrito12. Vài tháng trước, có lần xe tôi đột nhiên không khởi động được. Tôi vừa tính gọi xe đến cẩu đi thì một người hàng xóm gốc Guatemala - anh thợ làm vườn dễ mến tên Angel - nhanh chóng lấy mấy đoạn dây nối bình ắc-quy và giúp tôi khởi động xe.
12 Burrito là món ăn đặc trưng của người Mexico, có phần vỏ bánh làm từ bột ngô và phần nhân bánh chế biến bằng thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo cùng các loại rau củ như hành tây, bắp cải, cà chua, đậu Hà Lan,…
Lúc này, nếu được hỏi lại thì tôi sẽ trả lời câu hỏi của Rodney King khác đi. Tôi sẽ nói rằng tất cả mọi người, dù đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau đều có thể sống hòa thuận với nhau, miễn họ không phạm sai lầm như tôi. Khi mới chuyển đến khu phố này, tôi không xem hàng xóm là những cá nhân với cá tính riêng mà chỉ thấy họ quá khác biệt với mình. Giờ đây, tôi đã nhận ra cả tôi và họ đều có những trải nghiệm như nhau: ai cũng từng trải qua mất mát, thất vọng, hy vọng và yêu thương.
Tháng trước tôi lại nghe tiếng gà gáy lúc sáng sớm. Có vẻ như chị hàng xóm người El Salvador đã mang về một con gà khác, nhưng tôi không cảm thấy phiền nữa. Tôi thích ngắm chú gà đi lang thang quanh khu phố. Bằng cách nào đó, nó khiến tôi có cảm giác mình thật sự thuộc về khu phố này.