“Chủ nghĩa anh hùng chân chính rất giản dị và đời thường. Đó không phải là niềm khao khát vượt qua người khác bằng mọi giá mà là mong muốn giúp đỡ người khác bằng mọi giá.”
- Arthur Ashe
Thời tiết của buổi sáng tháng Mười Một ấy thật đẹp. Thành phố Fredericksburg thuộc bang Virginia xa dần dưới cánh trái của chiếc máy bay chiến đấu phục chế P51 Mustang khi tôi chuyển hướng về phía Tây Bắc. Phía trước là vùng đất tôi tìm kiếm, thị trấn Culpeper.
Lúc đó tôi đang ở độ cao khoảng bốn ngàn năm trăm mét so với mực nước biển. Tôi đẩy cần gạt về phía trước và nhanh chóng hạ độ cao của chiếc Mustang. Tôi xác định vị trí cần tìm rồi điều khiển chiếc máy bay chiến đấu bổ nhào xuống. Khi vận tốc của máy bay xấp xỉ sáu trăm năm mươi ki-lô-mét một giờ, tôi bắt đầu giảm tốc và ổn định độ cao. Lúc này tôi đang bay cao ngang ngọn cây và hướng về phía con đường mình đã xác định trước đó. Tôi đếm đến ba và thực hiện cú lộn nhào trên không tuyệt hảo nhất đời mình.
Tôi biết mình đã vi phạm một số quy định bay của liên bang như bay quá thấp, bay quá gần các công trình và bay nhào lộn ở độ cao dưới bốn trăm năm mươi mét. Thêm vào đó, tôi lại là thành viên chính thức của Hiệp hội Phi công Chiến đấu kiêm huấn luyện viên dạy bay mẫu mực. Tuy nhiên, tôi không hề hối hận về hành động vô kỷ luật vừa bộc phát của mình. Dù đúng dù sai thì khoảnh khắc đó cũng mãi mãi thuộc về tôi.
Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi vừa lên sáu. Cha bỏ đi và để mặc mẹ con tôi tự xoay xở với cuộc sống ở New York. Thời điểm đó là năm 1943 và tình cảnh lúc ấy vô cùng khó khăn.
Mẹ tôi vào làm việc trong một xưởng chế tạo vũ khí rồi đi thêm bước nữa với người đàn ông tên Jack. Ông ấy là một kẻ có xu hướng bạo lực. Cuộc sống có Jack là cuộc sống gắn liền với tiếng cãi vã giữa đêm, đôi khi kèm theo tiếng đánh đập. Tôi nhớ mẹ đã khóc rất nhiều.
Một đêm nọ, Jack nói rằng ông với mẹ có việc phải ra ngoài và dặn tôi cứ ngủ yên trên giường rồi tắt đèn đi ra.
Thông thường, sau mỗi lần Jack dặn như vậy tôi sẽ lò mò ngồi dậy, đến bên cửa sổ và lén nhìn cho đến khi xe của hai người khuất dần. Đêm nay cũng vậy. Tôi đang rón rén đi đến cửa sổ thì đèn bỗng bật sáng. Jack đứng ngay cửa, tay cầm thắt lưng và đoạn dây phơi quần áo. Ông ta quát mắng và chửi rủa vì cho rằng tôi không chịu vâng lời. Rồi ông ném tôi lên giường, trói tay chân tôi vào khung giường và đánh cho đến khi người tôi rỉ máu.
Tôi phải chịu đựng sự ngược đãi đó suốt hai năm liền. Rồi một đêm nọ, bà nội tôi từ Thành phố Wilmington, bang Delaware đột nhiên ghé qua nhà. Sau trận cãi vã dữ dội với mẹ tôi, bà đưa tôi ra xe và lái đi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ.
Tám năm tiếp theo tôi sống ở Wilmington. Bà nội tôi là người rất tốt nhưng bà có kiểu thể hiện tình thương rất nghiêm khắc; bà hầu như không bao giờ nhắc đến “yêu thương” khi nói chuyện với tôi. Cha tôi lúc ấy cũng đã tái hôn và đang sống ở bang Texas cùng vợ mới. Thỉnh thoảng cha có đến thăm tôi, nhưng tôi và ông vẫn khá xa cách. Với tôi, cha chỉ là người đàn ông thường mang quà cho mình.
Bà tôi là giám đốc kinh doanh của một công ty lớn nên bà có rất ít thời gian dành cho tôi. Tôi chỉ gặp bà trước giờ đi học và sau khi bà đi làm về, tức sáu giờ chiều. Tôi liên tục dính vào mấy vụ đánh nhau với bạn cùng trường và luôn tỏ ra lì lợm, hung hăng.
Năm mười lăm tuổi, tôi bị đuổi học. Thế là bà đăng ký cho tôi vào một học viện quân sự ở khu Bryn Mawr, bang Pennsylvania - nơi nổi tiếng trong việc chấn chỉnh những đứa trẻ ngỗ nghịch. Có thể nói đó là lần đầu tiên tôi được “nếm mùi” giáo dục, công bằng và kỷ luật thép. Dù vậy, tôi vẫn không làm được trò trống gì ở đó và một lần nữa bị đuổi học khi mới mười sáu tuổi.
Khi quay về học tại một trường công lập ở Wilmington, tôi có những ngày cuối tuần rảnh rỗi và hầu như không có việc gì để làm. Một thứ Bảy nọ, tôi bắt xe buýt đến căn cứ không quân New Castle ở ngoại ô thành phố. Tại đó, lần đầu tiên tôi được tận mắt ngắm nhìn một chiếc máy bay ở cự ly gần trong nhà chứa máy bay của Đội Vệ binh Quốc gia Delaware. Trước mắt tôi là máy bay chiến đấu P51 Mustang từng được sử dụng trong Thế chiến II. Lúc ấy tôi như bị thôi miên. Tôi đi vòng quanh chiếc P51, đưa tay chạm vào cánh và cánh quạt của máy bay; sau đó, tôi nhảy lên cánh và chui vào buồng lái. Đúng lúc đó, một người đàn ông mặc quân phục màu xanh với ba vạch trên tay áo xuất hiện và quát lớn, “Này nhóc, leo ra ngay!”.
Tôi sợ điếng người và định trèo ra. Ngay lúc đó, một bàn tay chạm vào vai tôi và ấn tôi ngồi lại trong buồng lái. Tôi quay lại thì thấy trước mắt mình là một sĩ quan mặc đồ bay chuyên dụng. Chú ấy đang đứng trên cánh máy bay, với mái tóc đỏ hung và đôi mắt biết cười.
Tên người phi công đó là James Shotwell, và chú ấy là một Đại úy không quân. Hôm đó trước khi rời khu căn cứ, tôi đã kịp làm quen và gọi chú bằng cái tên thân mật là “Jim”. Từ đó trở đi, cứ đến cuối tuần thì tôi lại ghé thăm New Castle và được biết Jim từng là phi công lái máy bay chiến đấu ở Thái Bình Dương hồi còn chiến tranh. Sau khi trở về, Jim tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật điện và làm việc cho một công ty kỹ thuật ở thị trấn Georgetown, bang Delaware.
Nhiều tuần trôi qua, tôi ngày càng thân thiết hơn với Jim Shotwell. Tôi kể cho chú nghe về quãng thời gian lêu lổng của mình, và chú lắng nghe tôi với sự ấm áp và chân thành. Tôi đã tìm được người bạn thật sự đầu tiên trong đời, và kể từ đó cuộc sống của tôi mãi mãi thay đổi.
Chúng tôi thường ngồi dưới cánh chiếc Mustang của Jim, trò chuyện về máy bay và các môn học như toán, lịch sử và vật lý. Mọi thứ lúc ấy thật tuyệt vời! Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết là Jim đã giới thiệu tôi với các phi công khác. Lần đầu tiên trong đời, tôi có được cảm giác là thành viên của một tập thể.
Một ngày nọ, tôi tâm sự với Jim rằng tôi muốn nghỉ học và đi làm. Đột nhiên chú ấy nghiêm mặt lại và nói, “Này, cháu làm chú nhớ đến câu chuyện về con chim sẻ mù. Chim sẻ biết cách bay nhưng lại không thể bay vì nó không nhìn thấy gì. Ngay cả khi đã cất cánh bay lên được, nó vẫn bị va vào rất nhiều chướng ngại vật và rơi xuống. Thế là nó lang thang cả đời mà chẳng làm được gì vì nó không có khả năng định hướng. Còn cháu thì có tất cả mọi thứ mình cần, nhóc à. Vậy thì làm ơn hãy tận dụng những lợi thế của mình đi! Trong cuộc đời này, dù làm bất cứ việc gì thì thứ duy nhất cháu cần phát triển là khả năng định hướng. Hãy suy nghĩ thật kỹ về chuyện này nhé”.
Ngoài Jim và căn cứ không quân, cuộc sống của tôi vẫn không có gì thay đổi. Tôi tiếp tục dính vào rắc rối ở trường và điểm số vẫn rất tệ. Cuối cùng, bà quyết định gửi tôi đến bang California sống cùng cô. Tôi kể với Jim về chuyện này. Mấy ngày sau, chú ấy đến nhà tôi. Chú đã nói chuyện với bà tôi hàng giờ đồng hồ, nhưng bà vẫn không thay đổi quyết định. Cuối tháng Tám năm 1953, tôi bay đến Los Angeles, bang California.
Cô tôi đối xử với tôi rất tốt và luôn cố gắng hết sức để giúp đỡ tôi. Tôi nhớ New Castle và Jim nhưng vẫn cố gắng thích nghi với môi trường mới. Khoảng thời gian đó, nhờ những lá thư của Jim mà tôi có thể giữ cho mình tâm trạng lạc quan.
Một đêm tháng Ba năm 1955, điện thoại đổ chuông và cô tôi bắt máy. Nghe giọng cô, tôi linh cảm có chuyện gì đó không ổn. Cô gác ống nghe rồi ôn tồn báo rằng Jim Shotwell đã hy sinh. Máy bay của chú ấy bị hỏng một động cơ khi đang bay về New Castle sau một lần tập trận. Đáng lẽ Jim đã có thể thoát khỏi máy bay, nhưng người đàn ông quả cảm ấy đã chọn ngồi lại để điều khiển máy bay tránh khỏi khu dân cư đông đúc - cho đến khi mọi thứ đều quá muộn.
Nghe tin Jim mất, hàng loạt cảm xúc lạ lẫm bỗng trào dâng trong lòng tôi - những cảm xúc mà trước nay tôi chưa từng cảm nhận. Tôi cố ngăn những giọt nước mắt nhưng không thể. Mọi thứ vỡ vụn trong tôi.
Một lúc sau, khi đã bình tĩnh lại, tôi nghĩ về Jim cũng như những điều chú ấy đã nói với tôi. Câu chuyện về con chim sẻ mù cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi. Tôi luôn biết những gì Jim nói về tôi là đúng, nhưng mãi đến tối hôm đó tôi mới có thể ghép những mảnh ghép của đời mình thành một bức tranh hoàn chỉnh. Tôi miên man suy nghĩ và thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau khi thức dậy, người tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh nhưng tâm trí tôi sáng tỏ lạ thường. Sâu trong thâm tâm, tôi cảm nhận có điều gì đó thay đổi. Tôi biết mình muốn gì và làm thế nào để đạt được điều đó.
Cũng trong năm đó, tôi gia nhập lực lượng không quân và trở thành nhân viên kiểm soát không lưu. Sinh hoạt trong môi trường không quân đã giúp tôi học thêm nhiều điều về cuộc sống, những điều mà Jim chưa kịp dạy cho tôi. Khi xuất ngũ vào năm 1959, tôi không còn giữ thái độ tiêu cực và đã lấy lại được niềm tin trong cuộc sống.
Trong vòng một năm, tôi chú tâm học tập cũng như làm việc chăm chỉ và đạt chứng chỉ phi công. Không lâu sau tôi trở thành huấn luyện viên bay. Tôi phát hiện mình có tài lái máy bay nhào lộn trên không. Thông qua việc giảng dạy cùng những tiết mục bay biểu diễn mỗi cuối tuần, tôi dần được nhiều người biết đến.
Tính đến năm 1971, tôi đã tích lũy được hàng ngàn giờ bay, thực hiện hơn một trăm buổi biểu diễn trên không và thuyết giảng cho các huấn luyện viên bay trên khắp cả nước. Trong những năm đó, tôi đã lái hầu hết mọi loại máy bay, kể cả những chiếc máy bay thử nghiệm và máy bay quân sự.
Mùa thu cùng năm, một bác sĩ ở New York đã ký hợp đồng thuê tôi đưa một chiếc P51 Mustang từ Thành phố Newark, bang New Jersey đến Thành phố Manassas, bang Virginia. Tôi cẩn thận vạch ra một lịch trình phụ để bay đến vùng phía Nam Manassas. Theo tính toán, với hơn sáu trăm tám mươi lít nhiên liệu dự trữ trong hai cánh máy bay, tôi có thể bay được thêm ba mươi phút trước khi tới điểm đến cuối cùng của hành trình.
Bảy giờ rưỡi sáng ngày 21 tháng Mười Một, tôi bước lên thang trèo vào chiếc Mustang đang đậu ở Newark rồi bắt đầu bay về phía Nam qua Thành phố Cape May, bang New Jersey. Từ đó tôi bay thẳng đến Thành phố Cambridge, bang Maryland. Đến Cambridge đúng giờ, tôi bay sang phải và hướng đến Culpeper.
Vị trí mà tôi vi phạm quy định bay liên bang sáng hôm ấy là vùng trời phía trên nghĩa trang Mount Carmel Baptist, nơi bạn tôi - Đại úy James R. Shotwell, Jr. - đang yên nghỉ. Phải mất mười sáu năm tôi mới tìm được cơ hội thích hợp để bày tỏ lòng tôn kính với người đàn ông đã thay đổi cuộc đời mình. Và tôi đã thực hiện điều đó trên chiếc máy bay cùng loại với chiếc mà tôi đã tò mò trèo vào ngồi trong ngày chúng tôi gặp nhau ở New Castle. Cú lộn vòng trên không ấy là tiếng hò reo thể hiện niềm vui chiến thắng và lòng biết ơn của tôi, đồng thời đó cũng là lời chào nghiêm cẩn gửi đến người phi công lái máy bay chiến đấu.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn thường bị vợ trêu về chuyến bay ngang mộ của Jim Shotwell hôm ấy. Thế nhưng tận đáy lòng, cô ấy hiểu rõ khoảnh khắc đó có ý nghĩa với tôi ra sao. Tôi sẽ luôn ghi nhớ hai bài học lớn của đời mình, đó là mỗi người đều có khả năng tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời của người khác mà Jim Shotwell là một minh chứng, và chúng ta có thể chinh phục được mọi mục tiêu nhờ chăm chỉ, kiên trì, nhờ sự khích lệ của một người bạn.